384. Bình luận về Dự thảo Nghị định về Đăng ký biện pháp bảo đảm

(ANVI) – Bình luận về Dự thảo Nghị định về Đăng ký biện pháp bảo đảm (Gạch ý tại Hội thảo do Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp & GIF tổ chức tại Emeralda Resort Ninh Bình 07-4-2022).

1. Về “Điều 3. Giải thích từ ngữ”:

1.1. Khoản 10, Điều 3 giải thích: “10. Tàu biển bao gồm tàu biển, tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động theo quy định của pháp luật về hàng hải”. Nội dung này trái với quy định tại Điều 13, Bộ luật Hàng hải năm 2015:

Điều 13. Tàu biển

Tàu biển là phương tiện nổi di động chuyên dùng hoạt động trên biển.

Tàu biển quy định trong Bộ luật này không bao gồm tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, tàu ngầm, tàu lặn, thủy phi cơ, kho chứa nổi, giàn di động, ụ nổi”.

1.2. Các quy định về đăng ký, xóa đăng ký tàu biển tại Nghị định này cũng áp dụng đối với việc đăng ký, xóa đăng ký tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động.

1.3. Như vậy, để tránh mâu thuẫn khái niệm với luật, thì cần xem xét sửa lại khoản 10, Điều 3 nêu trên.

2. Về “Điều 5. Nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin”:

2.1. Khoản 6, Điều 5 về “Nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin” quy định “6. Thông tin về biện pháp bảo đảm đã được đăng ký được cung cấp theo yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật”. Việc cung thông thông tin đăng ký biện pháp bảo đảm được quy định tại Điều 13 về “Trường hợp không phải nộp phí đăng ký, phí cung cấp thông tin, phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu”, Điều 54 về “Thủ tục giải quyết yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin”, Điều 56 về “Nội dung cung cấp thông tin, hình thức, thời hạn cung cấp thông tin”, Dự thảo.

2.2. Dự thảo chỉ có 1 từ “công khai” tại khoản  4, Điều 6 về “Hiệu lực của đăng ký” quy định: Việc “đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm” “là để thông báo, công khai việc xử lý tài sản bảo đảm”.

2.3. Đề nghị mở rộng tối đa việc công khai thông tin biện pháp bảo đảm. Hiện nay, thì gần như biết mang máng rồi mới yêu cầu tra cứu cụ thể. Với mục tiêu quan trọng nhất của đăng ký là công khai, minh bạch và an toàn trong giao dịch dân sự và với điều kiện công nghệ hiện nay thì tốt nhất là công khai dữ liệu đăng ký để ai cũng có thể tra cứu. Vì vậy nên thu phí chính của người đăng ký, miễn phí hoặc giảm thiểu phí đối với người khai thác.

3. Về “Điều 6. Hiệu lực của đăng ký”:

3.1. Điểm b, khoản 1, Điều 6, Dự thảo quy định như sau:

b) Thời hạn có hiệu lực của đăng ký được tính từ thời điểm có hiệu lực của đăng ký đến thời điểm xóa đăng ký.

Thời hạn có hiệu lực của đăng ký là căn cứ để xác định thời hạn có hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba theo quy định của Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp xác định hiệu lực đối kháng không chấm dứt quy định tại khoản 2 Điều này”.

3.2. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hiệu lực giao dịch bảo đảm như sau:

3.2.1. Khoản 1, Điều 297 về “Hiệu lực đối kháng với người thứ ba” quy định như sau:

“1. Biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm”.

3.2.2.  Điều 310 về “Hiệu lực của cầm cố tài sản”, quy định như sau:

Điều 310. Hiệu lực của cầm cố tài sản

1. Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

2. Cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố”.

3.2.3.  Điều 319 về “Hiệu lực của thế chấp tài sản”, quy định như sau:

“Điều 319. Hiệu lực của thế chấp tài sản

1. Hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

2. Thế chấp tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký”.

3.3. Vấn đề pháp lý:

3.3.1. Vậy đăng ký phần vốn góp công ty niêm yết, cổ phần; chứng khoán chưa đăng ký tập trung, tiền gửi & một số loại giấy tờ có giá thì hiệu lực đối kháng thì từ khi “đăng ký biện pháp bảo đảm” hay từ khi “bên nhận bảo đảm nắm giữ” hay bên nhận bảo đảm “chiếm giữ tài sản bảo đảm”?

3.3.2. Đoạn thứ 2, điểm b, khoản 1, Điều 6 về “Hiệu lực của đăng ký”, Dự thảo về đăng ký theo thoả thuận “Thời hạn có hiệu lực của đăng ký là căn cứ để xác định thời hạn có hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba theo quy định của Bộ luật Dân sự”, tức là có hiệu lực đối kháng từ khi đăng ký, là phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 319 về “Hiệu lực của thế chấp tài sản” (từ khi đăng ký); khoản 3, Điều 331 về “Bảo lưu quyền sở hữu”; khoản 2, Điều 437 về “Xác lập cầm giữ tài sản”, nhưng lại trái với khoản 2, Điều 310 về “Hiệu lực của cầm cố tài sản” (từ khi “nắm giữ tài sản). Ngoài ra, không rõ với 3 biện pháp khác là đặt cọc, ký cược và ký quỹ, mà thực chất là biện pháp cầm cố.

4. Về “Điều 14. Chữ ký, con dấu trong đăng ký”:

4.1. Khoản 1, Điều 14, Dự thảo quy định: “1. Phiếu yêu cầu đăng ký phải có chữ ký của người có thẩm quyền (sau đây gọi là chữ ký), con dấu (nếu có) của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm, trừ trường hợp sau đây”.

4.2. Điều 43 về “Dấu của doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau:

4.2.1. Không còn quy định doanh nghiệp bắt buộc phải có dấu hay không có con dấu;

4.2.2. Khoản 1, không còn từ “con dấu” như trước đó, mà quy định như sau: “1. Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử”.

4.2.3. Khoản 3, Điều 43 quy định “Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật”.

4.3. Vì vậy cần sửa “con dấu” thành “dấu” hoặc “đóng dấu” và viết rõ hơn, ý nếu có.

5. Về “Điều 14. Chữ ký, con dấu trong đăng ký”:

5.1. Dự thảo sử dụng 105 lần từ “bản chính” khi đề cập đến một số loại giấy tờ (ví dụ Giấy phép xây dựng), 9 lần từ “bản gốc” (khi đề cập đến Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở,… ), 95 lần từ “bản sao”.

5.2. Đề nghị rà soát lại theo quy định về “bản gốc văn bản” tại khoản 8 “bản chính văn bản giấy” tại khoản 9, “bản sao” tại các khoản 10, 11 và 12, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05-3-2020 của Chính phủ về “Công tác văn thư” như sau:

“8. “Bản gốc văn bản” là bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản, được người có thẩm quyền trực tiếp ký trên văn bản giấy hoặc ký số trên văn bản điện tử.

9. “Bản chính văn bản giấy” là bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản, được tạo từ bản có chữ ký trực tiếp của người có thẩm quyền”.

10. “Bản sao y” là bản sao đầy đủ, chính xác nội dung của bản gốc hoặc bản chính văn bản, được trình bày theo thể thức và kỹ thuật quy định.

11. “Bản sao lục” là bản sao đầy đủ, chính xác nội dung của bản sao y, được trình bày theo thể thức và kỹ thuật quy định.

12. “Bản trích sao” là bản sao chính xác phần nội dung của bản gốc hoặc phần nội dung của bản chính văn bản cần trích sao, được trình bày theo thể thức và kỹ thuật quy định”.

Thứ nhất, có bắt buộc phải sử dụng đúng như giải thích từ ngữ “bản gốc văn bản”, “bản chính văn bản giấy” và “bản sao”  của Nghị định nêu trên hay không?

Thứ hai, sử dụng chưa thống nhất với các từ ngữ nêu trên (về bản chính, không phải là bản có chữ ký trực tiếp mà “được tạo từ bản có chữ ký trực tiếp của người có thẩm quyền” và là bản sao loại nào trong số 3 loại bản sao nêu trên).

—————-

Ninh Bình ngày 07-4-2022

Luật sư Trương Thanh Đức

Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,570