(ĐT) – Khi dòng vốn giá rẻ vẫn “tắc” trong các ngân hàng, thì các công ty tư vấn đầu tư đang công khai kêu gọi người dân gửi vốn với lãi suất tới 36%/năm, các tiệm cầm đồ cho vay với lãi suất tới 0,2 – 0,5%/ngày.
Cạnh tranh với nhà băng
“Chovaytien.vn – Ngân hàng bán lẻ hàng đầu Hà Nội”, “cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng TMCP ở một số phân khúc” – đây là lời quảng cáo công khai của trang web chovaytien.vn, một đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ cầm đồ và cho vay tiền mặt. Thậm chí, đơn vị này còn khẳng định: “Việc ra đời dịch vụ cho vay tiền là nhằm thay đổi cách nhìn nhận của toàn dân về dịch vụ cầm đồ với mô hình ngân hàng bán lẻ thân thiện hơn”.
Trường hợp trên không phải là cá biệt. Chỉ tính riêng tại Hà Nội đã có tới hàng trăm cơ sở cho vay tiền như vậy. Chỉ cần lướt qua một số con phố như Lê Thanh Nghị, Giải Phóng, Cầu Giấy…, người dân dễ dàng nhìn thấy những tấm biển quảng cáo công khai chào mời vay tiền với lãi suất 1.500 – 2.000 đồng/triệu/ngày (tương đương 54-72%/năm). Đây là mức lãi suất thấp nhất, áp dụng với các khoản vay có tài sản thế chấp. Còn trong trường hợp chỉ có thẻ sinh viên, chứng minh thư, sổ hộ khẩu…, lãi suất có thể lên tới 0,8 – 1%/ngày (292 – 360%/năm).
Không chỉ nở rộ dịch vụ cho vay tiền kiểu “ngân hàng bán lẻ” trá hình, mà trên thị trường, rất nhiều công ty đã tung ra sản phẩm “ủy thác đầu tư” để thu hút người dân gửi vốn, tiêu biểu là Công ty Đầu tư tài chính Hà Nội vàng, Công ty Khải Thái… Với lãi suất ủy thác lên tới 3%/tháng, tương đương 36%/năm, các công ty này đã huy động được một lượng tiền không nhỏ trong dân cư.
Chưa nói đến những rủi ro mà người dân phải gánh chịu khi vay nặng lãi hay gửi tiền ủy thác cho những khoản đầu tư mục đích không rõ ràng, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cả hai hành vi trên đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Về hợp đồng cho vay, theo quy định hiện hành, các giao dịch cho vay tiền không chỉ vi phạm nếu lãi suất không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố. Chưa kể, việc sử dụng vốn ủy thác này để kinh doanh vàng, ngoại hối là vi phạm quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.
Tín dụng ngầm chiếm tới 30% tín dụng toàn hệ thống
Theo ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện nay, tuy lãi suất đã dễ thở hơn, song điều kiện vay vốn vẫn khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa và nhỏ khó lòng vay được vốn ngân hàng. Đây cũng là lý do khiến tín dụng đen bùng phát.
Tại Hội thảo Cải cách thị trường tài chính trong chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế, tổ chức sáng 14/10 tại Hà Nội, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: “Ở Việt Nam, tuy chưa có một thống kê chính thức về các khoản vay ngầm, nhưng theo ước tính, cho vay ngoài hệ thống ngân hàng, hay còn gọi là tín dụng đen, bằng khoảng 30% tổng tín dụng do hệ thống ngân hàng cung cấp”.
Trên thực tế, tín dụng đen là vấn nạn mà hầu như mọi nền kinh tế đều gặp phải. Ông Con English (Ban rủi ro, Nhóm hỗ trợ giám sát, Ngân hàng Trung ương Ireland) khẳng định: “Thống kê của Hội đồng Ổn định tài chính châu Âu ước tính, dịch vụ ngân hàng ngầm chiếm tới 25 – 30% toàn hệ thống tài chính châu Âu và khoảng 1 nửa quy mô tài sản của các ngân hàng. Hệ thống ngân hàng ngầm nắm giữ 22% nguồn quỹ ngắn hạn cho các chính phủ, doanh nghiệp và 38% của các chứng khoán ngân hàng. Dù vậy, các thành phần này không bị quản lý như các ngân hàng và trong nhiều trường hợp, hoàn toàn không bị quản lý”. Chính sách thắt chặt tín dụng, các ngân hàng tái cơ cấu và không muốn cho vay trong khi nền kinh tế cần vốn để hoạt động… là những lý do dẫn tới tình trạng trên.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nếu không kiểm soát được dòng tiền, tín dụng ngầm sẽ gây ra những bất ổn vĩ mô. Chưa kể, nếu tín dụng đen bị vỡ, thiệt hại có thể lây lan sang cả hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế. Cao hơn cả là lòng tin bị tổn thất nặng nề.n
Hà Tâm
—————–
Đầu tư 16-10-2013