(TBNH) – Vấn đề quan trọng nhất mà các ngân hàng phải tránh mắc sai lầm được các diễn giả tại Hội thảo “Giải pháp cho vấn đề nợ xấu tại Việt Nam” nhấn mạnh, đó là: cần có thái độ ứng xử khi xử lý các khoản nợ xấu giống như khi xử lý nợ tốt.
Nợ xấu sẽ xấu hơn khi bị che giấu
Trong hội thảo “Giải pháp cho vấn đề nợ xấu tại Việt Nam”, tổ chức ngày 8/8, tại Hà Nội, ông John M. Sheehan – Giám đốc Khu vực Đông Nam Á Capital Service Group, đồng thời là chuyên gia xử lý nợ xấu nhận định về thực trạng nợ xấu của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng so với 22 nước mà ông đã từng trải qua. Một điểm tương đồng có thể dễ dàng nhận thấy, đó là sự chủ quan và ỷ lại vào các động thái từ cơ quan quản lý của các NHTM.
Chia sẻ quan điểm này, LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Chủ tịch Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng cho rằng, số liệu nợ xấu của các ngân hàng chưa được phản ánh chính xác. “Việc che giấu con số nợ xấu có thể do ngân hàng ngại bán nợ xấu cho VAMC”, một chuyên gia nhận định.
“Song, kinh nghiệm từ Philippines cho thấy việc thừa nhận nợ xấu muộn khiến cho ngân hàng nước này phải trả giá là giá bán các khoản nợ xấu xuống mức đáy. Trong khi đó, tại Thái Lan, với sự vào cuộc trợ giúp của IMF, các ngân hàng Thái Lan tích cực tham gia xử lý nợ, bán nợ đã giúp cho hệ thống ngân hàng nước này vượt qua khủng hoảng nhanh hơn Philippines tới 4 năm”, ông John M. Sheehan cho biết.
Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia, khi đối mặt với nợ xấu tăng cao vào thời kỳ kinh tế suy thoái, các ngân hàng luôn có 2 lựa chọn: giải quyết sớm, chấp nhận lỗ ít; hoặc chờ đợi, không làm gì và cuối cùng thua lỗ lớn hơn.
Kết quả là 90% ngân hàng ở trong tình thế này đã chọn phương án thứ hai. Chỉ có 10% ngân hàng chọn phương án một và trở thành người chiến thắng. Bài học đắt giá này cho thấy: đã đến lúc chúng ta phải chấp nhận việc thị trường đi xuống để có cơ hội đi lên trở lại.
Đồng quan điểm, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Trần Thị Hồng Hạnh cho rằng: nợ xấu ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển ngân hàng. Nếu nhìn nhận đúng về nợ xấu, các ngân hàng sẽ biết được điểm xuất phát thực tế của mình ở đâu, từ đó mới có cơ sở để tìm ra thuận lợi, khó khăn mà đưa ra giải pháp phù hợp, nhằm thực hiện giải pháp cơ cấu nợ, một cách hiệu quả nhất.Còn việc che giấu nợ xấu, chẳng những không phản ánh đúng thực trạng của ngân hàng, để có giải pháp áp dụng phù hợp mà còn sẽ làm kéo dài thời gian trì trệ, thua lỗ cho ngân hàng.
- Trương Thanh Đức cũng cảnh báo, nếu không bán nợ sớm sẽ tạo đáy thứ 2, lúc đó mới thi nhau bán ồ ạt thì giá còn giảm mạnh nữa. Đó cũng là quan điểm của ông Sheehan. Theo ông này, nợ xấu mất dần giá trị theo thời gian. “Có những nước sau 30 năm, giá trị các tài sản đảm bảo chỉ còn 30 cent. Trong khi đó nếu biết bán ở thời kỳ đỉnh cao, họ có thể bán được 70 cent”, ông Sheehan dẫn chứng.
Cách nào ứng xử với nợ xấu?
Vấn đề quan trọng nhất mà các ngân hàng phải tránh mắc sai lầm được các diễn giả tại Hội thảo nhấn mạnh, đó là: cần có thái độ ứng xử khi xử lý các khoản nợ xấu giống như khi xử lý nợ tốt.
Điều này được ông John M. Sheehan, với hơn 20 năm kinh nghiệm xử lý nợ xấu tại châu Á chứng minh khi dẫn ra một so sánh đáng lưu ý: Thông thường các nhà đầu tư mạo hiểm kiếm được gấp đôi lợi nhuận so với các ngân hàng thông qua giải quyết các khoản nợ xấu.
Bởi khi xử lý nợ xấu, các ngân hàng thường nhìn lại quá khứ, còn các nhà đầu tư nhìn vào tương lai. Do đó, khi giải quyết nợ xấu, ngân hàng thường căn cứ vào giá trị các khoản nợ xấu còn lại, giá trị tài sản đảm bảo sau khi đấu giá… Và một khi, nếu cái giá họ nhận được không như kỳ vọng thì họ chần chừ bán nợ.
Còn các nhà đầu tư lại định giá bằng giá trị tương lai của các tài sản đảm bảo và khả năng của người đi vay có thể hoàn trả lại, các cách để tăng cường dòng tiền trong tương lai… Các nhà đầu tư thậm chí còn chuẩn bị để đưa thêm nguồn vốn mới để khai thác giá trị, biến nợ xấu thành tài sản tốt.
“Trong xử lý nợ xấu, hãy suy nghĩ như một nhà đầu tư thay vì là một ngân hàng”, ông Sheehan đưa ra lời khuyên. Nếu các ngân hàng muốn tối đa hóa việc phục hồi từ nợ xấu và giảm thiểu thua lỗ thì cần hành động như nhà đầu tư, không trì hoãn giải quyết nợ xấu. Việc tìm nhà đầu tư chiến lược giúp ngân hàng hoạch định cho các khoản đầu tư này.
“Không làm gì hoặc ngồi đợi một sự đảm bảo chắc chắn về lợi nhuận, sẽ khiến việc phục hồi kéo dài và thua lỗ trong tương lai càng lớn”, một chuyên gia ngân hàng nhận định.
“Bài học từ nhiều quốc gia trong 65 năm qua cho thấy, giá trị thị trường khi đi xuống đã mất trung bình 60% giá trị. Nhưng nếu còn tiếp tục trì hoãn, phần giá trị thất thoát đi chắc chắn sẽ còn lớn hơn con số 60%”, ông Sheehan cho biết thêm.
Ngọc Khanh
——————-
Thời báo Ngân hàng 09-8-2013:
http://www.thoibaonganhang.vn/tin-tuc/2-can-thay-doi-cach-ung-xu-voi-no-xau-10632.html
(63/1.068)