389. Giải quyết nợ xấu: Đừng tự lừa dối mình

(BVPL) – Giải quyết nợ xấu là vấn đề đang “nóng” hiện nay của các ngân hàng. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, nợ xấu công bố của NHNN tháng 5/2013 là 4,65%, nợ tái cơ cấu (thực chất là đảo nợ) là 6-7%, nợ xấu thực là 11,5-20%. Nhưng theo ông, thực tế còn cao hơn thế (ở mức 30%), thậm chí có NH nợ xấu chiếm tới 90%…

 

Từ những con số này, ông Đức thẳng thắn: “Đã đến lúc cần phải dũng cảm nhìn vào sự thật, mạnh dạn thừa nhận. Có như vậy, nợ xấu được giải quyết sớm thì khả năng phục hồi mới nhanh. Còn cứ thế này thì cả chục năm nữa cũng không thể cải thiện được”. Đáng tiếc hiện nay, chúng ta đang xử lý nợ xấu ở tình trạng từ từ, tin tưởng vào gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ, tin tưởng thị trường đang dần phục hồi… nếu cứ thế này, thời gian giải quyết nợ xấu có nguy cơ chậm gấp đôi. Các ngân hàng thương mại (NHTM) phải chấp nhận mất những cái nhỏ để đỡ mất cái lớn. Phải xem hiện nay đã là đáy, nếu không xử lý ngay sẽ có thêm cái đáy thứ hai và điều đó lại càng nguy hiểm hơn.

Ông cũng cho hay, cơ chế xử lý hiện nay của các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) chính là khoanh nợ, đẩy từ chỗ nọ sang chỗ kia. Ông cho hay, xử lý nợ xấu hiện nay của các ngân hàng đang bế tắc, chủ yếu là dùng các “kỹ thuật”.

Còn dưới góc nhìn của các chuyên gia thế giới, ông Jonh Sheehan, Giám đốc châu Á Capital Services Group cho rằng, điều đang xảy ra ở Việt Nam hiện nay không có gì đặc biệt vì thế giới đã từng xảy ra và là chuyện hết sức bình thường ở các quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam.

NHTM nào cũng muốn tạo ra hình ảnh đẹp, nhưng hiện nay “không còn gì để mất”, vì vậy cần phải nhanh chóng có giải pháp để xử lý nợ càng sớm càng tốt. Sau đó, chúng ta quay trở lại thị trường và phục hồi dần dần. Đừng nên tự lừa dối bản thân mình, hãy biết xóa bỏ những NH yếu kém để thế giới thấy các bạn đang cố gắng làm việc, như vậy mới lấy lại được niềm tin. Đây là điều mà các nhà đầu tư mong muốn.

Ông Jonh Sheehan dẫn chứng, năm 1997, khi Hàn Quốc xảy ra cuộc khủng hoảng, Chính phủ đã quyết định bán các khoản nợ xấu, thậm chí “xóa sổ” cả các NH yếu kém và kết quả, chỉ sau 4 năm, thị trường đã phục hồi, lấy lại được niềm tin. Trong khi đó, năm 1999, Mỹ xảy ra khủng hoảng nợ nhưng Chính phủ đã bơm tiền vào nhằm giải quyết nợ. Chính phủ Mỹ đã mất 400 tỷ USD, nhưng nợ vẫn không được xử lý, bởi thị trường cần 4-6 ngàn tỷ USD, đến 2005 tiếp tục xảy ra khủng hoảng và 5 năm rồi không giải quyết được vấn đề vì chỉ có Chính phủ thì không có đủ tiền.

Ông cũng nhận xét, hiện nay, các công ty mua bán nợ (AMC) hoạt động vẫn chưa thật sự hiệu quả. Định giá các khoản nợ thế nào cho chính xác, hành động phải nhanh chóng, chuyên sâu mới có thể tạo ra được giá trị cao. Ông cảnh báo, các khoản nợ xấu sẽ ngày càng mất dần giá trị và “phân hủy” nếu để càng lâu, thêm vào đó chi phí để xử lý càng lớn và khó giải quyết. Còn Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) mới đang giải quyết bề nổi, chưa giải quyết được trọng tâm của vấn đề. Hơn nữa, VAMC không có đủ tiền để giải quyết nên cần phải kết hợp với bên thứ 3 đó là các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, ông Jonh Sheehan cũng đã đưa ra 4 giải pháp cho Việt Nam: thứ nhất, cần công nhận thực tế định giá nợ xấu theo giá thị trường chứ không phải bởi ngân hàng hay cơ quan quản lý. Thứ hai, tìm nguồn vốn để xử lý nợ xấu. Thứ ba, cần tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng để giải quyết vấn đề nợ xấu. Cuối cùng là cần đào tạo lại cho các nhân viên ngân hàng những kỹ năng mới, chiến lược mới ứng phó với vấn đề nợ không hiệu quả. Và 4 vấn đề trên phải được triển khai đồng bộ. Nếu chỉ thực hiện 1 hay 2, 3 trong 4 yếu tố này sẽ không có ý nghĩa. Mặt khác, nếu thực hiện thành công, Việt Nam sẽ tạo ra được nguồn nhân lực, thu hút đầu tư, tạo niềm tin cho thị trường, đặc biệt là thị trường bất động sản phát triển và tạo nền tảng cho kinh tế phục hồi dần.

Việt Nam là đích đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, có rất nhiều nhà đầu tư đang sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam. Nhưng cần phải tạo điều kiện để nhà đầu tư “nhảy vào” và không ai khác ngoài Chính phủ phải tạo ra cơ sở hạ tầng.

Chung quan điểm này, ông Đức thẳng thắn: “Muốn xử lý nợ xấu phải có tiền, mà chúng ta thì không có, nhưng các chính sách hiện nay lại gần như “đóng cửa” với nhà đầu tư nước ngoài. Đây là điểm bế tắc nhất”.

Thanh Dịu

——————-

Bảo vệ Pháp luật 12-8-2013:

http://baobaovephapluat.vn/kinh-te-do-thi/tai-chinh-ngan-hang/201308/giai-quyet-no-xau-dung-tu-lua-doi-minh-2262960/

(251/990)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,758