Khét lẹt xét xử
(ANVI) – Dù chưa có quy định cụ thể của pháp luật, nhưng xưa nay các Tòa án vẫn thi nhau tổ chức xét xử lưu động đối với một số vụ án hình sự[1] khét lẹt.
Rằng mục đích của xét xử lưu động là nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Nhưng ngoài cái án được tuyên phạt theo luật pháp, thì bản án nặng hơn chính là cái án dư luận kỳ thị của cộng đồng dành cho bị cáo ngoài mọi thứ luật lệ.
Rồi còn bao nhiêu thân bằng cố hữu gần xa của bị cáo cũng đau khổ trước ánh mắt hình viên đạn của cộng đồng. Đấy là cách trừng phạt thời trung cổ: Bêu riếu người phạm tội và thân nhân có khi đến cả tông ty họ hàng người trót dại làm hại cả gia đình, dòng họ. Đúng là hình phạt không ác bằng cách phạt. Việc hăm hở xử án lưu động đã gây ra không ít chuyện thương tâm, mà gần đây là anh K. tại Quảng Nam đã tự kết liễu cuộc đời mình trước ngày bị xử án lưu động thay vì chịu nhục với đồng loại chòm xóm, làng nước.
Hiệu quả giáo dục pháp luật thông qua các phiên xét xử lưu động là có, nhưng hậu quả thì cũng lại ghê gớm bạo tàn. Đã đến thời không nên tiếp tục giáo dục bằng cách thức kém nhân văn, thiếu nhân đạo trong thực thi pháp luật.
Ngày 12-3-2014
[1] Điều 2 về “Nguyên tắc tổ chức phiên tòa”, Nội quy phiên tòa, ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-CA ngày 28-4-2014 nhắc đến việc “xét xử lưu động”. Tuy nhiên, Thông tư số 02/2017/TT-TANDTC thay thế đã không còn nhắc đến.