39. Về trách nhiệm hình sự của người gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Về trách nhiệm hình sự của người gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

(TAND) – Điều 109 Bộ luật Hình sự quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác như sau:

1- Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm. 

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

  1. a) Gây thương tích nặng hoặc gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của người khác;
  2. b) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
  3. c) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
  4. d) Gây thương tích cho nhiều người hoặc gây tổn hại sức khoẻ của nhiều người.

3- Phạm tội gây cố tật nặng, dẫn đến chết người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm.

4- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định ở điểm a khoản 2, hoặc ở khoản 3 Điều này mà do bị kích động mạnh vì hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân hoặc trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”

Nếu chỉ xét riêng về thương tích theo hướng dẫn về Điều 109 của Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29-11-1986 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và Công văn số 03/TATC ngày 22-10-1987 của TANDTC, thì hình phạt tương ứng với quy định tại 4 khoản của tội này sẽ là:

– Trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, với tỉ lệ thương tích dưới 31%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm (theo Nghị quyết 04/HĐTP thì gây thương tích từ 11% trở lên mới bị xử lý về hình sự, còn theo Công văn số 03/TATC thì thương tích dưới 11% vẫn có thể bị xử lý về hình sự) (khoản 1);

– Trường hợp gây thương tích nặng hoặc gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của người khác, với tỉ lệ thương tích từ 31 đến 60%, thì bị phạt tù từ 2-7 năm (khoản 2);

– Trường hợp gây cố tật nặng, dẫn đến chết người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, với tỉ lệ thương tích từ 61% trở lên, thì bị phạt từ từ 5 đến 20 năm (khoản 3);

– Trường hợp gây thương tích nặng hoặc gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của người khác; gây cố tật nặng, dẫn đến chết người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, với tỉ lệ thương tích từ 31đến 100% mà do bị kích động mạnh vì hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân hoặc trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm (khoản 4).

Vậy, nếu chỉ xét về mức độ thương tích, thì người gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, với mức độ dưới 31% do bị kích động mạnh vì hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân hoặc trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng liệu có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không? Trường hợp này, nếu xử phạt người gây thương tích theo khoản 1, thì rõ ràng là bất hợp lý, vì có khung hình phạt nặng hơn hẳn so với người phạm tội gây thương tích từ 31% trở lên do bị kích động mạnh vì hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân hoặc trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng,  cho dù, người phạm tội sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết hoặc bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Bộ luật Hình sự.

Nếu người gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác thuộc vào cấu thành cơ bản của tội cố ý gây thương tích như trên (mức độ thương tích dưới 31% và không có các tình tiết định khung tăng nặng) cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì chắn chắn đã được các Nhà làm luật đưa vào thành một trong những tình tiết định khung tại khoản 4 hoặc tách ra thành một khoản riêng với mức hình phạt nhẹ hơn so với khoản 4 của Điều 109.

Như vậy, theo tôi, nếu chỉ xét về mức độ thương tích, căn cứ vào theo tinh thần của Điều 109 Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn nói trên, thì người gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, với mức độ thương tích dưới 31% do bị kích động mạnh vì hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân hoặc trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì chưa đến mức cần thiết phải xử lý về hình sự, hay nói cách khác, những người này sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hiện hành. Tóm lại, nếu chỉ theo quy định tại khoản 1 Điều 109, thì mọi trường hợp cố ý gây thương tích đều là phạm tội cố ý gây thương tích. Nhưng theo Nghị quyết 04/HĐTP thì các trường hợp gây thương tích dưới 11% sẽ không phạm tội. Và theo Công văn 03/TATC, thì một số trường hợp gây thương tích dưới 11% vẫn bị truy tố. Cuối cùng, theo quy định tại khoản 4 Điều 109, thì rõ ràng là Bộ luật Hình sự đã loại trừ tội phạm đối với trường hợp gây thương tích theo khoản 1 Điều 109 mà có một trong hai tình tiết giảm nhẹ đặc biệt nói trên.

Để làm rõ vấn đề này, đề nghị các cơ quan pháp luật cần có văn bản hướng dẫn nhằm bảo đảm cho việc điều tra, truy tố và xét xử được công bằng và đúng pháp luật đối với tội cố ý gây thương tích.

 

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

_______

Bài viết đăng Tạp chí Toá án Nhân dân số tháng 3-1999

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,398