(ANVI) – Tham luận tại Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Viện Nghiên cứu Lập pháp tổ chức ngày 10-8-2022 tại Hà Nội)
1. Về việc giải quyết tranh chấp nói chung (Điều 1):
1.1. Ngoại trừ các luật chuyên quy định về giải quyết tranh chấp như Bộ luật Tố tụng dân sự hay Luật Trọng tài thương mại, vấn đề giải quyết tranh chấp được quy định chi tiết, cụ thể, đầy đủ nhất trong Dự thảo 05, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (dưới đây gọi là Dự thảo). Dự thảo có 27 điều trong tổng số 80 điều đề cập đến việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
1.2. “Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh”, là một trong 6 vấn đề được xác định ngay từ Điều 1 về “Phạm vi điều chỉnh”, đồng thời được quy định tại 1 Chương của Dự thảo, gồm 21 điều luật, tăng 4 điều so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành năm 2010.
2. Về việc giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng dễ bị tổn thương (Điều 7):
2.1. Điều 7 về “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương” của Dự thảo đã có những quy định yêu cầu bảo vệ cao hơn so với người tiêu dùng nói chung. Theo đó, người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bao gồm: Người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phụ nữ đang mang thai; phụ nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi và người bị bệnh hiểm nghèo.
2.2. Khi giao dịch với Người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh có một số trách nhiệm, trong đó có 02 yêu cầu liên quan đến việc giải quyết tranh chấp là:
Thứ nhất, áp dụng cơ chế khiếu nại, giải quyết tranh chấp phù hợp với yếu tố dễ bị tổn thương của người tiêu dùng;
Thứ hai, không được từ chối giải quyết khiếu nại, đề nghị giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng là những người sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với lý do khác biệt về tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán.
2.3. Đó là những quy định mới được bổ sung vào Dự thảo so với Luật hiện hành, là rất cần thiết và hợp lý.
3. Về việc giải quyết tranh chấp về Hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung (Điều 23, 24 và 25):
3.1. Dự thảo quy định tại điểm k, khoản 3, Điều 23 về “Hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung”, một trong những nội dung cơ bản phải có trong Hợp đồng theo mẫu là “Phương thức giải quyết tranh chấp”.
3.2. Tiếp theo, Điều 24 về “Giải thích hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung” quy định, “trong trường hợp hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng”.
3.3. Điểm p, khoản 2, Điều 25 về “Điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực” của Dự thảo đã quy định ngoài 14 trường hợp cụ thể xác định điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực, còn quy định trường hợp mở rộng thứ 15 là các trường hợp khác do cơ quan giải quyết tranh chấp xác định nếu trái với nguyên tắc thiện chí theo quy định của pháp luật dân sự, dẫn đến mất cân bằng về quyền và nghĩa vụ của các bên theo hướng bất lợi cho người tiêu dùng.
3.4. Như vậy, Dự thảo đã rất chú trọng đến việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và thương nhân, đặc biệt là việc bổ sung 6 trường hợp không bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng dẫn đến vô hiệu hợp đồng, trong đó có một nội dung rất quan trọng là giao quyền cho cơ quan giải quyết tranh chấp.
4. Về việc các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 49):
4.1. Điểm b, khoản 1, Điều 49 về “Hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” của Dự thảo quy định một trong các hoạt động của tổ chức xã hội là “Tổ chức thương lượng, hòa giải các tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh” khi có yêu cầu.
4.2. Đây là một quy định mới cần thiết và hợp lý nhằm phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
5. Về việc xác định phương thức giải quyết tranh chấp (Điều 53 và 67):
5.1. Khoản 1, Điều 53 về “Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh” của Dự thảo vẫn tiếp tục quy định 04 phương thức giải quyết tranh chấp là: Thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án.
Khoản 2, Điều 67 về “Hiệu lực của điều khoản trọng tài” quy định “Trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân kinh doanh đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác”. Quy định này không rõ ràng bằng quy định tại Điều 17 về “Quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng”, Luật Trọng tài thương mại năm 2010: “Đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận”.
5.2. Nếu như Luật hiện hành chỉ quy định: Không được thương lượng, hoà giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc lợi ích của nhiều người, thì Điều 53 của Dự thảo đã mở ra quy định chính xác, hợp lý hơn, đó là “trừ trường hợp xác định được số người cụ thể” trong trường hợp gây thiệt hại đến lợi ích của nhiều người.
5.3. Dự thảo cũng ghi nhận ngoài hình thức trực tiếp, thì còn được giải quyết tranh chấp theo hình thức trực tuyến hoặc các hình thức khác.
5.4. Việc sửa đổi, bổ sung các nội dung trên là hợp lý, giải quyết được vướng mắc và đòi hỏi thực tế.
6. Về việc cung cấp và bảo mật thông tin giải quyết tranh chấp (Điều 55 và 62):
6.1. Dự thảo đã bổ sung quy định tại Điều 55 về “Trách nhiệm cung cấp thông tin trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh”.
6.2. Đây là một quy định cần thiết để bảo đảm việc giải quyết tranh chấp được thực hiện một cách nhanh chóng, chính xác, công bằng, nhất là đối với trường hợp tổ chức xã hội yêu cầu cung cấp (chưa có quy định) và việc yêu cầu cung cấp các thông tin bí mật.
6.3. Khoản 2, Điều 55 nói trên quy định trách nhiệm bảo mật thông tin của các cơ quan, tổ chức được cung cấp thông tin và khoản 2, Điều 62 về “Nguyên tắc thực hiện hòa giải” của Dự thảo quy định tổ chức, cá nhân tiến hành hòa giải và các bên tham gia hòa giải phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến việc hoà giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, Dự thảo đã bỏ quy định tại khoản 1, Điều 6 về “Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng” mà không có giải trình: “Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”.
7. Về việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức thuơng lượng (các Điều 56 – 60):
7.1. Nếu như Luật hiện hành chỉ có 2 điều, thì Dự thảo đã quy định 5 điều về thương lượng, gồm Điều 56 về “Thương lượng”, Điều 57 về “Trình tự, thủ tục thương lượng”, Điều 58 về “Các trường hợp không tiếp nhận, giải quyết yêu cầu hỗ trợ thương lượng”, Điều 59 về “Thương lượng” và Điều 60 về ”Kết quả thương lượng”
7.2. Khác với 3 phương thức giải quyết tranh chấp còn lại đã được quy định cụ thể trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thương lượng gần như chưa được quy định một cách cụ thể ở đâu. Vì vậy, việc quy định trong Dự thảo là rất cần thiết và đã quy định một cách cụ thể, rõ ràng, hợp lý.
8. Về việc quy định vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 70, 71 và 73):
8.1. Khoản 2, Điều 70 về “Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” của Dự thảo đưa ra quy định mới đối với các trường hợp giải quyết theo thủ tục rút gọn là rất tốt.
8.2. Khoản 3, Điều 71 về “Án phí, lệ phí Tòa án đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” của Dự thảo đã đưa ra quy định mới là “Tổ chức xã hội đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Toà án”. Điều này có ý nghĩa rất thiết thực, thúc đẩy mạnh mẽ việc khởi kiện của tổ chức xã hội để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
8.3. Khoản 3, Điều 73 về “Tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng”, Dự thảo Luật đã đưa ra quy định mới là “Trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng, tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng”. Điều này sẽ giải quyết được sự khó khăn, thậm chí bế tắc trong trường hợp không xác định được cụ thể người được bồi thường thiệt hại, đồng thời cũng thúc đẩy tổ chức xã hội trong việc khởi kiện và đòi hỏi thương nhân nâng cao ý thức bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng./.
———————–
Hà Nội 05-8-2022
Giám đốc Công ty Luật ANVI
Trọng tài viên VIAC.