(CP) – Các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những định chế tài chính mạnh, bày tỏ sự quan tâm tới việc xử lý nợ xấu của Việt Nam và mong muốn tham gia.
Ảnh minh họa |
Tại cuộc họp báo định kỳ của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), ngày 15/8, bà Karin Finkelston, Phó Chủ tịch IFC khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đánh giá việc thành lập Công ty Quản lý Tài sản Quốc gia (VAMC) là một bước tiến trong tiến trình giải quyết nợ xấu của Việt Nam và IFC với tư cách một nhà đầu tư cũng mong muốn tham gia quá trình này.
Ông Nguyễn Hữu Thủy, Tổng Giám đốc VAMC, cho biết thời gian tới Công ty sẽ tiến hành mua khoản nợ xấu đầu tiên trong khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt cho khoảng 10 ngân hàng trong vòng 2 tháng đầu tiên.
Đến cuối năm, công ty dự kiến sẽ đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép mua nợ xấu theo giá thị trường từ 2014. Tuy nhiên, một số chuyên gia quốc tế lo ngại về tiềm lực tài chính của VMAC và cho rằng cần có các nguồn vốn lớn từ bên ngoài để giải quyết nợ xấu.
Trước đó, tại Hội thảo “Giải pháp cho vấn đề nợ xấu tại Việt Nam”, ông John Sheehan, nguyên Giám đốc Điều hành Ngân hàng Lehman Brothers, người từng có kinh nghiệm xử lý nợ xấu tại hơn 22 thị trường trên thế giới, đã khẳng định đang có hàng tỷ USD muốn đổ vào Việt Nam nhưng họ chờ đợi cơ sở hạ tầng tốt cho thị trường mua bán nợ xấu. Cơ sở hạ tầng cho giải quyết nợ xấu càng tốt thì giá bán những khoản nợ đó càng cao và ngược lại, hạ tầng kém thì giá bán nợ xấu càng thấp.
Nhiều thị trường khác trong khu vực cũng đã tìm cách cải thiện chính sách pháp lý để rộng đường cho vốn ngoại mua các ngân hàng với điển hình thành công là Thái Lan khi xử lý nợ xấu năm 1998.
Có cùng quan điểm, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Chủ tịch CLB Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, khẳng định muốn xử lý nợ xấu cần lượng tiền lớn trong khi nguồn lực trong nước còn hạn chế. Do đó, cần sớm có các chính sách mở hơn với nhà đầu tư nước ngoài, như quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần, mua cổ phiếu…
Mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết NHNN đang đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên trên 30% thay vì chỉ có thể đầu tư tối đa 30% cổ phần một ngân hàng như trước đây.
Đề án tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua lại, sáp nhập, hợp nhất với TCTD yếu kém cần phải cơ cấu lại của Việt Nam.
Tuy nhiên, bà Karin Finkelston cho rằng để giải quyết nợ xấu hiệu quả cần những đường hướng cụ thể hơn, gắn với pháp luật về phá sản và cơ chế thị trường. Giải quyết nợ xấu không chỉ trên sổ sách, nếu không cẩn trọng sẽ chỉ là chuyển nợ xấu từ bên này sang bên kia có thể dẫn tới cuộc khủng hoảng khác.
Cụ thể, nhiều chuyên gia tài chính khuyến nghị giải quyết nợ xấu theo cơ chế thị trường, đấu giá công khai các khoản nợ, các khoản nợ xấu phải được mua bởi nhưng đơn vị có kinh nghiệm xử lý.
Anh Minh
——————-
Báo điện tử Chính phủ 16-8-2013:
http://baodientu.chinhphu.vn/Gop-y-Hien-ke/Nha-dau-tu-ngoai-muon-tham-gia-xu-ly-no-xau/178952.vgp
(68/664)