392. Ngân hàng chưa “khai” hết nợ xấu

(LĐ) – Dù thuộc nhóm dẫn đầu hệ thống về giá trị tuyệt đối lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm, con số nợ xấu của hàng loạt ngân hàng lớn dường như vẫn chưa đủ và ẩn chứa nhiều rủi ro.

Nhập nhằng nợ xấu

Ghi nhận con số lợi nhuận thuần 2.000 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2013, BIDV thuộc vào nhóm ngân hàng (NH) dẫn đầu về con số lợi nhuận tuyệt đối trong số hơn 10 nhà băng vừa công bố kết quả kinh doanh. Mức lợi nhuận có mức tăng tới 43% so với cùng kỳ năm trước và càng đáng mừng trong bối cảnh lợi nhuận chung của toàn ngành sút giảm thê thảm.

Song nếu xem xét kỹ hơn, giới phân tích chỉ ra rằng, sức khỏe tài chính của BIDV vẫn chưa thực sự được cải thiện đáng kể. Cụ thể, tính tới cuối tháng 6.2013, tỉ lệ cho vay/huy động của BIDV lên tới 109%, cao hơn nhiều con số 87,3% của trung bình ngành. Chưa kể BIDV vẫn là người đi vay ròng trên thị trường liên NH, với số dư ròng ước tính ở mức âm 13.500 tỉ đồng. “Các con số thống kê trên thể hiện rằng tình hình thanh khoản của NH vẫn chưa thực sự được ổn định như yêu cầu” – một tổ chức đầu tư đưa nhận định.

Quan trọng hơn, nếu tính đến chất lượng tín dụng, tỉ lệ nợ xấu của BIDV trong kỳ báo cáo được khống chế ở mức 2,78%, giảm nhẹ so với con số 2,93% vào cuối năm 2012. Song tỉ lệ trên đây dường như chưa tính đến khoản cho vay 4.000 tỉ đồng cho Vinashin và Vinalines. “Nếu những khoản cho vay này được phản ánh, tỉ lệ nợ xấu của BIDV sẽ vào khoảng 3,67% và như vậy, rủi ro tín dụng của BIDV vẫn còn khá cao” – một chuyên gia tài chính nhận định.

Ngược lại với ACB, tỉ lệ nợ xấu đến cuối tháng 6 vừa qua lại tăng lên 2,99% so với con số 2,88% trong quý đầu tiên của năm 2013. Điều đáng lo ngại là tỉ lệ nợ xấu của ACB tăng chủ yếu do tăng nợ nhóm có khả năng mất vốn.

Cụ thể dù mức tăng nợ xấu sau một quý không cao, ACB vẫn phải trích lập thêm 259 tỉ đồng dự phòng do nợ nhóm 4 và nhóm 5 tăng đáng kể. Số liệu được ACB công bố tính đến thời điểm 30.6 cho thấy, nhà băng này có 946 tỉ đồng nợ nghi ngờ và 1.782 tỉ đồng nợ có khả năng mất vốn, tăng lần lượt 40,6% và 55% so với cuối năm 2012.

Nhìn vào báo cáo của ACB, một tổ chức đầu tư lưu ý, vẫn còn khoản tiền gửi 719 tỉ đồng của ACB tại Vietinbank CTG vẫn chưa được trích lập dự phòng và các khoản nợ hơn 3.500 tỉ đồng quá hạn của các Cty liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên (được xếp vào nhóm 2 hồi cuối năm 2012) cũng chưa được giải thích rõ trong báo cáo mới đây. Đặt trong bối cảnh này, việc ACB mới đây đánh tiếng muốn bán 1.500 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC được cho là do nhà băng này chủ động muốn giảm tỉ lệ nợ xấu hiện tại và nhằm tăng “room” cho việc hạch toán các khoản nợ xấu tiềm năng trong tương lai.

Song, dù giả định ACB sẽ bán thành công 1.500 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC, một tổ chức đầu tư bày tỏ quan điểm vẫn không kỳ vọng tỉ lệ nợ xấu của ACB sẽ giảm mạnh do khả năng nợ xấu mới sẽ tiếp tục phát sinh.

Nợ xấu chưa đúng thực tế

Dù không phản ánh tình hình nợ xấu chung của toàn hệ thống ngân hàng song các phân tích về con số nợ xấu của BIDV và ACB trên đây chỉ ra rằng, thực tế nợ xấu ngân hàng có thể còn “bi đát” hơn những gì được công bố.

Trong buổi làm việc mới đây nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề nợ xấu tại VN, luật sư Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng cho rằng số liệu nợ xấu của các nhà băng chưa được phản ánh chính xác. Ông này nhìn nhận tỉ lệ nợ xấu 4,65% tính đến cuối tháng 5.2013 theo số liệu của NHNN là con số khá đẹp và nếu đúng như vậy, sẽ không cần đến Cty quản lý tài sản của các TCTD (VACM) nhằm phục vụ mục đích xử lý nợ xấu.

Trong khi đó, bà Trần Hồng Hạnh – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đánh giá, việc che giấu nợ xấu sẽ phản ánh không đúng thực trạng của NH và từ đó khiến các giải pháp áp dụng để xử lý nợ xấu sẽ không phù hợp và kéo dài thời gian trì trệ, thua lỗ của các nhà băng.

Con số được Vụ Dự báo thống kê tiền tệ (NHNN) khảo sát mới đây cho thấy, trong số 124 TCTD tham gia khảo sát, có khoảng 30 TCTD khai báo tỉ lệ nợ xấu ở mức trên 3%, chiếm khoảng 1/4 số lượng tổ chức tín dụng hiện nay. Chưa hết, có trên 50% TCTD dự kiến tỉ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2013 sẽ không đổi hoặc tăng so với cuối năm 2012.

Trong khi đó, theo quy định, các TCTD có tỉ lệ nợ xấu trên 3% sẽ bắt buộc phải tham gia mua bán nợ với VAMC. Ngoài câu chuyện phải tăng trích lập dự phòng tương ứng với mức gia tăng của nợ xấu, một số chuyên gia cũng nhìn nhận, việc che giấu con số nợ xấu thực tế cũng có thể do một số nhà băng e ngại việc phải bán nợ xấu cho VAMC cũng như nhằm tránh những thông tin không mấy tích cực tới thương hiệu của chính ngân hàng.

 

——————-

Lao Động 16-8-2013 (Mục vấn đề và sự kiện):

http://laodong.com.vn/Tai-chinh/Ngan-hang-chua-khai-het-no-xau/133165.bld

(98/1.045)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,755