393. Không trả giá hời, đừng hòng mua… nợ xấu

(IFN) – Những khoản nợ xấu “khủng” tưởng chừng đang làm “nghẹt” dòng chảy vốn trong hệ thống ngân hàng nay lại đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.

NĐT ngoại sẵn sàng mua nợ xấu

Số liệu của Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho thấy, tính đến tháng 5/2013 tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,65%. Tuy nhiên, theo tính toán của một số tổ chức tài chính quốc tế, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam phải gấp 4-5 lần số này.

Số liệu thể hiện trên sổ sách và báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) khá … đẹp, nhưng do lâu nay các TCTD vẫn “tự xoay” xử lý nợ xấu nên nợ xấu cứ ngày càng … xấu thêm. Vì thế luật sư Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm CLB Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, khi nguồn lực (tiền) hạn chế, “xử” nợ xấu qua kênh bán lại một phần/tất cả cho các nhà đầu tư nước ngoài nên được tính tới.

Muốn bán nợ xấu cho NĐT ngoại Việt Nam phải xây dựng một cơ chế pháp lý đặc thù

Sự quan tâm đặc biệt của nhiều NĐT nước ngoài đối với nợ xấu ở Việt Nam cũng được ông John Sheenan – Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Capital Services Group thừa nhận.

Trái với tâm lý “nuôi” nợ xấu tốt lên đến khi bán sẽ được lời hơn, ông John Sheenan thẳng thắn, nên bán ngay lúc này, vì giải quyết nợ xấu càng sớm, chi phí giải quyết càng đỡ đắt đỏ. “Trong tay tôi hiện đã có vài NĐT ngoại đang “nhòm ngó” muốn mua nợ xấu của các NH Việt Nam” – ông tiết lộ.

Còn theo Giám đốc bộ phận tư vấn các tổ chức tài chính của Deloitte (Anh) Robert Young, hiện các NĐT ngoại đã sẵn sàng “nhập cuộc”, vấn đề là Việt Nam đã sẵn sàng “mở cửa” để bán nợ cho các NĐT nước ngoài hay chưa. Sở dĩ ông Robert nhấn mạnh như vậy, bởi sau nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi với một số nhà đầu tư ông nhận thấy họ đang rất quan tâm, tìm hiểu thị trường nợ Việt Nam và muốn “giúp một tay”.

Thực tế, việc mua bán nợ cho NĐT ngoại hay kêu gọi dòng vốn ngoại để tăng tiềm lực tài chính của VAMC trong quá trình xử lý dứt điểm nợ xấu cũng đã được chính lãnh đạo VAMC “đánh tiếng tại buổi lễ khai trương hoạt động công ty này mới đây. Đây được cho là động thái mở đường cho dòng vốn ngoại “đổ” vào “xử” nợ xấu nhanh hơn.

Bán bao nhiêu để có “hời”?

Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức lại khá bi quan khi nêu lên điểm “vướng” nhất hiện nay nếu bán nợ cho nhà đầu tư ngoại, chính là hiện Việt Nam chưa có được một cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài.

“Khung pháp lý của Việt Nam đang “đóng” với các nhà đầu tư ngoại, điển hình là chính sách về sở hữu đất đai, cổ phần của nhà đầu tư ngoại… đặc biệt thiếu chính sách đặc thù để NĐT ngoại thanh lý nợ với những khoản nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản”- luật sư Đức nêu cụ thể.

Ở góc nhìn này, ông Robert Young thừa nhận, hệ thống pháp lý Việt Nam phải thay đổi căn bản thì mới “hút” được nhà đầu tư ngoại vào mua nợ xấu. Ông nhấn mạnh tới sự rõ ràng, chặt chẽ và ổn định của hệ thống pháp lý. “Nhà đầu tư nước ngoài phải hiểu rõ quy trình thì mới có thể tham gia quá trình mua bán nợ xấu tại Việt Nam”- ông Robert nêu quan điểm.

Còn việc “xử” nợ xấu nhanh hay chậm, theo vị Giám đốc bộ phận tư vấn của Deloite không thể nóng vội vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như sự ổn định kinh tế vĩ mô, hồi phục thị trường bất động sản, nỗ lực cải thiện pháp lý của Việt Nam…

Trong lúc nguồn lực của Nhà nước để “xử” nợ xấu có hạn thì việc bán lại nợ cho nhà đầu tư ngoại là một phương thức tốt có thể tính tới, song với con số nợ xấu “bùng nhùng” như hiện nay, liệu các TCTD Việt Nam có thể bán được giá tốt?

Con số được Vụ Dự báo thống kê tiền tệ (NHNN) khảo sát mới đây cho thấy, trong số 124 TCTD tham gia khảo sát, có khoảng 30 TCTD khai báo tỷ lệ nợ xấu ở mức trên 3%, chiếm khoảng 1/4 số lượng TCTD hiện nay. Chưa hết, có trên 50% TCTD dự kiến tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2013 sẽ không đổi hoặc tăng so với cuối năm 2012.

Chia sẻ với PV Infonet, Phó tổng giám đốc một NHTMCP lớn tại Hà Nội cho rằng, bất kỳ khoản nợ nào, kể cả nợ thuộc diện khả năng mất vốn (nhóm 5), hay nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3)… nếu nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đều có thể đem ra thương thảo để bán lại.

Theo ông, các TCTD đang có nợ trong tay nên mạnh dạn bán lại nợ, còn mức giá bao nhiêu để tránh phần “thiệt hơn” thì “mỗi khoản nợ đều có giá khác nhau, để bán được phải trải qua cả một quá trình thương thảo. Ngay chính bản thân các TCTD hiểu rõ nhất sẽ làm như thế nào, bán ở mức giá nào để đảm bảo khoản thu về tốt nhất”.

Trước lo ngại khung pháp lý chưa sẵn sàng chờ đón vốn ngoại mua nợ xấu, vị lãnh đạo một trong 4 NHTM quốc doanh đánh giá không nên quá lo lắng vì dù bán nợ cho VAMC hay NĐT ngoại đều trên giá trị thực chứ không phải sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro.

“Chắc chắn trước mỗi thương vụ các NĐT đã tính toán tới chuyện sẽ “xử” món nợ đó ra sao để có lợi nhất cho mình” – ông nói.

Nguyễn Hoài

——————-

Infonet 18-8-2013:

http://infonet.vn/Kinh-doanh/Khong-tra-gia-hoi-dung-hong-mua-no-xau/104618.info

(203/1.080)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,759