395. Nợ xấu: “Quản” thế nào?

(TBKD) – Làm thế nào để giám sát được hoạt động của ngân hàng, đưa ra được con số nợ xấu thực của hệ thống ngân hàng đang là bài toán khó của cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tại hội thảo “Giải pháp tăng cường nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát an toàn hoạt động ngân hàng” vừa diễn ra mới đây, ông Đặng Thanh Bình, Phó Thống đốc NHNN, cho biết số liệu nợ xấu bị các ngân hàng che giấu vô cùng nhiều. “Cơ quan giám sát có thể hoạt động hiệu quả không khi mà số liệu không nắm chắc được?”, Phó Thống đốc đặt câu hỏi.

Ngân hàng đang giấu nợ xấu

Đã có khá nhiều chuyên gia là cá nhân hay tổ chức trong nước và nước ngoài đưa ra các con số khác lớn hơn nhiều về nợ xấu hay bình luận về các con số nợ xấu. Tuy nhiên, chưa có ai đề cập đến vấn đề số liệu nợ xấu bị các ngân hàng che giấu.

Thực tế, việc các tổ chức tín dụng (TCTD) che giấu nợ xấu được thể hiện rất rõ qua những con số mà NHNN công bố và báo cáo tài chính của các ngân hàng.

Còn nhớ, vào hồi tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN, đã cho biết có khoảng 30 TCTD khai báo tỷ lệ nợ xấu ở mức trên 3%. Còn tính đến cuối tháng 5, nợ xấu của toàn ngành là 4,65%. Riêng 4 tháng đầu năm 2013, tổng nợ xấu toàn hệ thống là 137.100 tỷ đồng (tăng 15,8% so với cuối năm 2012), tốc độ tăng bình quân 3,94%/tháng.

Vậy nhưng, nếu tổng hợp lại con số nợ xấu của những TCTD đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2013, lại ra một con số khác, thấp hơn con số nợ xấu là 4,65%, tính đến cuối tháng 5 của NHNN công bố.

 

 

Tính đến ngày 20/8, có 15 NHTM đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2013 hoặc công bố kết quả kinh doanh cơ bản. Tuy nhiên, 15 thành viên này hầu hết là ngân hàng lớn nên bức tranh nợ xấu cũng được thể hiện khá đầy đủ.

Mặc dù có ngân hàng gây sốc với thị trường khi công bố con số nợ xấu khủng, như SHB với 9,04% tính đến 30/6/2013, tăng so với cuối năm 2012 là 8,51%. Hay một vài ngân hàng khác cũng công bố nợ xấu đang tăng, như Vietinbank là 2,1%, tăng so với 1,46% của cuối năm 2012; Eximbank là 1,49%, tăng so với con số 1,31% của cùng kỳ năm ngoái; Vietcombank là 2,81% so với tỷ lệ 2,4% của cuối năm 2012; Sacombank từ 1,89% lên 2,5%; MB từ 1,86% lên 2,45%; ACB từ 2,5% lên gần 3%; Techcombank từ 2,69% lên 5,28%; Navibank từ 5,6% lên 6,1%…

Tổng lại các con số nợ xấu của 15 thành viên, chiếm khoảng 75% tổng dư nợ của hệ thống, cho thấy tỷ lệ nợ xấu chỉ trên mức 3%. Trong khi con số nợ xấu của NHNN tháng 5/2013 là 4,65%, chưa kể qua con số của cơ quan thanh tra giám sát NHNN còn cao hơn nhiều (dĩ nhiên theo chuẩn mực phân loại khác).

Vẫn biết, còn khoảng một nửa số TCTD chưa có thông tin về nợ xấu hay báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, nên chưa thể khẳng định mức độ sát thực của con số đã công bố. Nhưng có thể thấy, các ngân hàng vẫn đang che giấu nợ xấu của mình.

Cần tăng hiệu quả giám sát

Mặc dù vậy, một điểm dễ thấy, đó là nợ xấu vẫn tăng lên với tốc độ đáng ngại trong 6 tháng đầu năm 2013, thậm chí có đơn vị còn tăng lên với con số tuyệt đối. Đó là chưa kể một phần đã được cơ cấu lại theo cơ chế của Quyết định 780, hay Thông tư 02 chưa phải áp dụng trong tháng 6/2013.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), con số nợ xấu chiếm 4,56% tổng dư nợ mà NHNN vừa báo cáo chưa thực sự chính xác.

Ông Đức lo ngại con số nợ xấu không chính xác dẫn tới tâm lý “đủng đỉnh”, yên tâm rằng thị trường sẽ sớm hồi phục, tài sản bảo đảm phục hồi, doanh nghiệp có thể trả được nợ. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, khi nó cứ tiếp diễn không phải theo chu kỳ hơn chục năm mới xử lý xong.

Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cũng khuyến cáo các ngân hàng không nên che giấu nợ xấu mà phải tự thân xác định đúng số nợ thực sự. “Nếu không phản ánh đúng thực trạng thì giải pháp đưa ra không thể phù hợp được. Càng kéo dài thời gian càng trì trệ, thua lỗ”, bà Hạnh cảnh báo.

Nếu để tự thân các TCTD khai báo thật về con số nợ xấu là điều rất khó, do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra giám sát.

Theo Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình, thời gian qua, hệ thống ngân hàng phát triển mạnh về quy mô, loại hình, số lượng… đòi hỏi đi kèm điều kiện về tăng cường quản lý, thanh tra giám sát. Công tác thanh tra giám sát tuy đã được cải thiện, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, chưa theo kịp tốc độ phát triển của khu vực ngân hàng; hoạt động thanh tra giám sát chưa đúng trọng tâm, trọng điểm và chất lượng chưa cao.

“Các thông lệ quốc tế về chuẩn mực giám sát ngân hàng chưa được nghiên cứu, áp dụng đầy đủ, dẫn đến nhìn nhận chưa đầy đủ tình hình, thực trạng. Thanh tra tại chỗ, thanh tra tuân thủ vẫn là chủ yếu, khả năng giám sát toàn bộ thị trường để phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa rủi ro cho hệ thống ngân hàng còn yếu, thanh tra hoạt động còn thụ động, xử lý các vụ việc phát sinh là chủ yếu”, Phó Thống đốc nhận định.

Do vậy, Phó Thống đốc cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện chính khung chính sách phù hợp với sự phát triển mới. Đồng thời, phải có cơ sở hạ tầng công cộng và công cụ thị trường đủ mạnh. Đi kèm đó phải nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực thực hiện công việc này.

Về vấn đề này, Ts. Nguyễn Phi Lân, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát ngân hàng, cho biết thời gian tới, cần coi giám sát từ xa là phương thức thanh tra giám sát chủ yếu để giúp cảnh báo sớm, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

Ông Lân cho biết hiện cơ quan Thanh gia giám sát NHNN đang triển khai Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ hoạt động giám sát từ xa”, với 5 hệ thống cơ bản, như: hệ thống “Giám sát an toàn vi mô”; hệ thống “Giám sát an toàn vĩ mô”; hệ thống “Cảnh báo sớm”; hệ thống “Quản lý tiến trình thanh tra giám sát”; hệ thống “chấm điểm và xếp hạng TCTD theo tiêu chuẩn CAMELS”.

Tuy vậy, “dù công tác thanh tra giám sát được nâng cao đến đâu, làm tốt đến mấy thì cũng không bao giờ có thể làm thay hoàn toàn các công việc mà hệ thống kiểm soát nội bộ, hệ thống quản trị của một ngân hàng được”, Phó Thống đốc nhấn mạnh. Bởi vấn đề quản trị doanh nghiệp, kiểm soát nội bộ, công khai minh bạch, kỷ luật thị trường… luôn có những mối quan hệ hết sức chặt chẽ với nhau.

Theo Minh Huệ – Thời báo kinh doanh

 

——————-

Thời báo Kinh doanh 22-8-2013 (mục Tài chính – Ngân hàng):

http://thoibaokinhdoanh.vn/441/news-detail/722306/tai-chinh-ngan-hang/no-xau-quan-the-nao-.html

(100/1.388)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,165