397. Gửi tiền vào các công ty đầu tư forex: Tin “ủy”, coi chừng “thác”

(ANTG) – Lãi suất lên đến 42%/năm, chưa kể một số ưu đãi như tự mình được dùng tiền gửi kinh doanh mà vẫn nhận đủ lãi suất, ngoài ra còn được đi tham quan, du lịch miễn phí… là những ưu đãi trong mơ mà các công ty ủy thác đầu tư đưa ra “câu” khách hàng gửi tiền. Tiền của người ủy thác sẽ được dùng để đầu tư forex – kinh doanh trao đổi ngoại tệ, ngoại hối (Foreign Exchange – FX), nhiều rủi ro và lắm nguy hiểm.

Tuy nhiên, lợi nhuận cao, cũng tỷ lệ thuận với rủi ro cực lớn. Tham khảo ý kiến các tay chơi forex, ngay cả trên diễn đàn mạng cũng kêu trời vì thua lỗ. Hùng, một thành viên tham gia forex cho biết đã nướng vào đây gần 200 triệu đồng và đang tìm mọi cách gỡ gạc. “Chơi forex chẳng khác gì hình thức đánh bạc, trong đó phần thắng luôn thuộc về nhà cái. Các chị đừng dại dột tin những lời đường mật của các nhân viên tư vấn mà ném tiền qua cửa sổ.

Việc đưa đi du lịch Quảng Châu như Công ty K.T thực chất chỉ là hình thức lấy mỡ nó rán nó: “Câu” khách nộp nhiều tiền, rồi rút ra một chút ít để làm mờ mắt khách hàng. Còn “chiêu” cho khách hàng kinh doanh tưởng là một ưu đãi dành cho người có vốn lớn, thì thực ra là một “ngược đãi” đối với người đóng tiền. Khách hàng nào trót tham gia vào, thua lỗ là cầm chắc. Lúc đó, để vớt vát, khách sẽ phải đóng thêm tiền. Mà càng đóng, chắc chắn sẽ càng thua lỗ, chỉ béo với công ty mà thôi”, Hùng không giấu được cay cú khi khuyến cáo chúng tôi.

Điều đáng nói là, dù là ủy thác đầu tư hay đứng ra tham gia “chơi” forex trực tiếp, nhà đầu tư cũng đang tham gia vào hoạt động đầu tư phi pháp, không được pháp luật bảo vệ, bởi theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đây là những hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Giao dịch ngoại hối trên sàn quốc tế ở Việt Nam còn hạn chế, vì việc giao dịch này đòi hỏi phải có thao tác chuyển tiền, mà chuyển tiền đi nước ngoài phải qua ngân hàng. Còn nếu chuyển kênh không chính thức thì vi phạm pháp lệnh ngoại hối.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung, thì chỉ có ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ là những định chế tài chính trung gian được nhận ủy thác vốn của tổ chức, cá nhân để thực hiện các họat động đầu tư. Như vậy, việc một doanh nghiệp nhận ủy thác đầu tư mà chưa đáp ứng các điều kiện, hoặc không được tổ chức và hoạt động theo những mô hình nêu trên, là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu hoạt động này trở nên phổ biến, thì có thể tạo ra rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư và cả hệ thống tài chính – tiền tệ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI: “90% các công ty đầu tư tài chính kiểu này là lừa đảo, làm liều”

PV: Thưa ông, với mức lãi suất trên trời” mà các công ty đầu tư tài chính đưa ra, liệu người gửi tiền có rủi ro?

LS Trương Thanh Đức: Thực ra nhận ủy thác đầu tư là một nghiệp vụ kinh doanh được quy định trong luật. Tuy nhiên, quan trọng là các công ty này dùng tiền ủy thác để làm gì. Ví dụ nếu mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, ăn chênh lệch thì quá tốt. Nhưng trên thực tế, cảm giác 90% là lừa đảo, làm liều, làm lấy được mà thôi. Làm gì có thứ nào ủy thác đầu tư luôn cam kết là lãi suất 20 – 30% trở lên, nhất là trong thời buổi này, càng nước ngoài càng không thể có. Đây rõ ràng là loại kinh doanh mạo hiểm: có khi sẽ mất trắng, hoặc dù không mất cũng không thể được lãi như thế.

PV: Nhưng ở đây, các công ty này đầu tư kinh doanh ngoại hối – forex, không phải chứng khoán?

LS Trương Thanh Đức: Vấn đề là họ đánh vào tâm lý khách hàng, vì forex nghe có vẻ “tây”, có vẻ cao sang, mơ hồ nên mới lôi kéo được những người ưa mạo hiểm. Chứ nếu họ bảo dùng tiền để sản xuất kinh doanh, hay mua chứng khoán trong thời buổi này, thì chắc chắn sẽ không ai tin mức lợi nhuận mà các công ty này đưa ra cả. Hay nếu bảo dùng tiền mua đất, mua nhà để kiếm lời cũng không ai tin, mà phải nói đến cái viển vông đâu đâu để đánh lừa người cả tin.

PV: Vâng, mô hình đó dù mạo hiểm nhưng vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển, lôi kéo được không ít người tham gia?

LS Trương Thanh Đức: Thực ra bản chất nó cũng như kinh doanh đa cấp. Rõ ràng họ trả lãi thật, giao dịch có lợi thật, nhưng đến một lúc nào đó, không đủ khả năng thanh toán, thì sẽ sập và chết cả làng, chỉ béo những người đi trước, mà nhất là những người đứng ra tổ chức.

PV: Ý của luật sư là lấy tiền của người sau trả cho người trước?

LS Trương Thanh Đức: Chính xác, cũng giống như chơi hụi. Nhưng chơi hụi lãi thấp thì bình thường, còn lãi cao là bất hợp pháp. Sự nguy hiểm tăng theo lãi suất, rủi ro tăng theo lãi suất. Nguyên lý là như thế, ngay cả với ngân hàng, lãi suất cao còn chết huống gì mấy công ty này.

PV: Thực ra, vấn đề nằm ở chỗ, hầu như các hợp đồng đều ký trên cơ sở niềm tin, mà không có một sự bảo đảm nào. Ví dụ gửi ngân hàng còn có bảo hiểm tiền gửi, trong khi ủy thác vào đây, chỉ là sự uy tín, mà thực chất cũng chẳng có thước nào để đo mức độ uy tín?

LS Trương Thanh Đức: Chính xác, cái này hoàn toàn theo lòng tin, không có căn cứ gì cả. Người gửi ném tiền qua cửa sổ, phụ thuộc vào may rủi, mà phần rủi ro chắc chắn lớn hơn, nhìn thấy rõ.

PV: Vậy nếu vỡ nợ, người ủy thác có cơ sở pháp lý gì để đòi tiền?

LS Trương Thanh Đức: Vẫn có cơ sở pháp lý để kiện, nhưng kiện thì cứ kiện, tòa cứ xử, tuyên bên nhận ủy thác phải trả tiền cho người ủy thác, nhưng lấy tiền đâu mà trả? Các vụ vỡ hụi đều như thế, và khi không có tiền thì cũng bằng hòa.

PV: Nhưng rõ ràng có dấu hiệu hình sự đối với bên công ty ủy thác?

LS Trương Thanh Đức: Nếu có dấu hiệu gian dối, lừa đảo, vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý hình sự, cá nhân tổ chức nhận ủy thác sẽ phải chịu án tù. Song, nếu hợp thức hóa được hồ sơ, chứng minh rằng vỡ nợ không phải vì lừa đảo mà do rủi ro, công ty này sẽ được phá sản, được xóa nợ hợp pháp.

PV: Cảm ơn ông!

Hà An (thực hiện)

Lệ Thúy – Thanh

————–

An ninh Thế giới 05-11-2013:

http://antg.cand.com.vn/vivn/vuan/2010/9/81933.cand?Page=2

(919/1.304)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.389. Đổi mới thể chế: Giảm thiểu can thiệp...

Đổi mới thể chế: Giảm thiểu can thiệp hành chính vào thị trường. (VNN)...

Trích dẫn 

3.907. Dự kiến bỏ miễn thuế với hàng nhập...

Dự kiến bỏ miễn thuế với hàng nhập dưới 1 triệu đồng. (VOV GT)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,583