Bình luận Dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền
(ANVI) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC bình luận Dự thảo tháng 9-2022:
1. Ý nghĩa, vai trò của Luật:
1.1. Là lĩnh vực rất quan trọng trong quá trình tham gia vào hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, khoản 7, Điều 16, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm đối với doanh nghiệp là “rửa tiền”.
1.2. Phòng chống rửa tiền có tác dụng quan trọng trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm lừa đảo, trốn thuế, buôn lậu, buôn bán ma tuý, các tội chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là các tội phạm tham nhũng.
2. Một số hạn chế của Luật hiện hành:
2.1. Luật Phòng chống rửa tiền hiện hành mới chỉ điều chỉnh đến 02 nhóm đối tượng là tổ chức tài chính và tổ chức phi tài chính liên quan; chưa mở rộng đến các đối tượng khác tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền liên quan đến công nghệ mới như trung gian thanh toán, tiền ảo, tài sản ảo, vật phẩm NFC.
2.2. Luật Phòng chống rửa tiền hiện hành mới chỉ đến cập đến “cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị”, mà chưa đề cập đến “cá nhân Việt Nam có ảnh hưởng chính trị”.
2.3. Luật Phòng chống rửa tiền hiện hành chưa có quy định về việc đánh giá mức độ rủi ro quốc gia và rủi ro ngành về rửa tiền.
2.4. Luật Luật Phòng chống rửa tiền hiện hành còn nhiều quy định chưa được quy định cụ thể, chi tiết, mà được quy định chi tiết và hướng dẫn tại Nghị định, quyết định, thông tư.
3. Một số nội dung mới của Dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền:
3.1. Việc bổ sung “Dịch vụ trung gian thanh toán” một trong những đối tượng báo cáo tại điểm đ, khoản 1, Điều 4 về “Đối tượng báo cáo”, Dự Luật là cần thiết.
3.2. Việc bổ sung quy định về việc đánh giá mức độ rủi ro quốc gia về rửa tiền trong Dự luật nói chung và Điều 7 về “Đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền” của Dự luật nói riêng là cần thiết và hợp lý.
4. Một số nội dung góp ý cụ thể:
4.1. Về “Giao dịch có giá trị lớn” (Điều 4):
Khoản 4, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Dự thảo Luật quy định như sau:
“4. Giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một ngày, có tổng giá trị bằng hoặc vượt mức do Thủ tướng Chính phủ quy định”.
Đề nghị quy định cụ thể mức này trong Luật để dễ theo dõi, thực hiện và bảo đảm giá trị pháp lý. Trường hợp cần thiết thì mới giao cho Chính phủ (không nên giao cho Thủ tướng Chính phủ) thay đổi mức này.
Thực tế quy định mức giao dịch có giá trị lớn được Thủ tưởng quy định trong 10 năm qua cũng không thay đổi. Hiện nay, “Mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng” theo quy định tại Điều 3, Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg ngày 18-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ “Quy định Mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo”.
Tổ chức tài chính phải báo cáo từng giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có mức giá trị từ 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng trở lên, theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 7 về “Giao dịch chuyển tiền điện tử”, Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31-12-2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền” (sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 31/2014/TT-NHNN ngày 11-11-2014 và Thông tư số 20/2019/TT-NHNN ngày 14-11-2019).
Có thể xem xét tăng mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo, chẳng hạn 500 triệu đồng.
4.2. Về “Tổ chức phi lợi nhuận” (Điều 3):
“Tổ chức phi lợi nhuận” được giải thích tại khoản 15, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Dự thảo Luật như sau:
“15. Tổ chức phi lợi nhuận là tổ chức hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bao gồm: hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức tôn giáo, tổ chức phi chính phủ nước ngoài được thành lập, đăng ký, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Cần xem xét sửa đổi thành “pháp nhân phi thương mại” vì luật cần phải quy định về “pháp nhân” thay cho “tổ chức” và để bảo đảm sự thống nhất với quy định tại khoản 1 và 2, Điều 76 về “Pháp nhân phi thương mại”, Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
“1. Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên.
2. Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác”.
4.3. Về việc “Thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh, nặc danh, mạo danh” (Điều 8):
Khoản 2, Điều 8 về “Các hành vi bị cấm”, Dự thảo Luật quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là “2. Thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh, nặc danh, mạo danh”. Tài khoản vô danh, nặc danh và mạo danh trong lĩnh vực ngân hàng, điện thoại di động và mạng xã hội, là một trong những vấn đề nhức nhối tiếp tay cho hoạt động gian lận, lừa đảo xảy ra ngang nhiên, phổ biến, rất khó phát hiện, ngăn chặn và điều tra xử lý.
Vì vậy, Luật này, cùng với các Luật liên quan như Luật Các tổ chức tín dụng cần có các quy định nhằm ngăn chặn việc lừa đảo ngang nhiên chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, tránh tình trạng rất vướng mắc trên thực tế.
4.4. Về “Cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị” (Điều 17):
Dự thảo vẫn chỉ đến cập đến “cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị” (tại Điều 17 về “Cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị), mà chưa đề cập đến “cá nhân Việt Nam có ảnh hưởng chính trị”. Như vậy chỉ đáp ứng được yêu cầu phòng chống rửa tiền của nước ngoài, phục vụ hội nhập, mà chưa đáp ứng được yêu cầu phòng chống rửa tiền ở Việt Nam.
Vì vậy, xem xét bổ sung danh sách cá nhân Việt Nam có ảnh hưởng chính trị để lập danh sách khách hàng áp dụng tại “đối tượng báo cáo”.
4.5. Về “Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền” (Điều 24):
Điều 24 về “Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền” (và khoản 1, Điều 16 về “Phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền”), Dự thảo Luật quy định như sau:
“Điều 24. Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền
Đối tượng báo cáo là tổ chức phải ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền bao gồm nội dung chính sau đây:
a) Chính sách chấp nhận khách hàng, trong đó có nội dung về từ chối mở tài khoản, thiết lập mối quan hệ kinh doanh, thực hiện giao dịch hoặc chấm dứt mối quan hệ kinh doanh với khách hàng khi đối tượng báo cáo không thể hoàn thành việc nhận biết, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng do khách hàng từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ và phải xem xét báo cáo giao dịch đáng ngờ;
b) Quy trình, thủ tục nhận biết, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng;
c) Chính sách, quy trình quản lý rủi ro trong đó có các quy định tại khoản 1 Điều 16, khoản 1 Điều 19 và khoản 3 Điều 34 Luật này;
d) Quy trình báo cáo các giao dịch phải báo cáo;
đ) Quy trình rà soát, phát hiện, xử lý và báo cáo giao dịch đáng ngờ; cách thức giao tiếp với khách hàng thực hiện giao dịch đáng ngờ phải báo cáo;
e) Lưu trữ và bảo mật thông tin;
g) Áp dụng biện pháp tạm thời, nguyên tắc xử lý trong các trường hợp trì hoãn thực hiện giao dịch;
h) Chế độ báo cáo, cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
i) Tuyển dụng nhân sự, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền;
k) Kiểm soát và kiểm toán nội bộ việc tuân thủ các chính sách, quy định, quy trình và thủ tục liên quan đến hoạt động phòng, chống rửa tiền; trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền.
2. Đối tượng báo cáo là doanh nghiệp siêu nhỏ, cá nhân phải ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền có nội dung theo quy định tại các điểm a, b, c, đ, e và g khoản 1 Điều này.
3. Nội dung quy định nội bộ phải bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động có nghi ngờ liên quan tới rửa tiền; phù hợp cơ cấu tổ chức, quy mô hoạt động và mức độ rủi ro về rửa tiền trong hoạt động của đối tượng báo cáo và phải được áp dụng, phổ biến đến toàn hệ thống và đại lý của đối tượng báo cáo.
4. Hằng năm, đối tượng báo cáo phải đánh giá quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.5. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định chi tiết Điều này”.
Đề nghị loại trừ một số đối tượng báo cáo không phải “xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo”, trong đó có hoạt động “cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư” theo quy định tại khoản 2, Điều 4 về “Đối tượng báo cáo” Dự thảo Luật (khoản 5, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012). Ví dụ, đòi hỏi tổ chức hành nghề luật sư là doanh nghiệp nhỏ “Tuyển dụng nhân sự, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền” là quá khó khăn, không cần thiết và không khả thi trên thực tế, đặc biệt là không có ý nghĩa đáng kể trong việc phòng chống rửa tiền.
4.5. Về “Báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo” (Điều 25):
Điều 25 về “Báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo”, Dự thảo Luật (Điều 21 Luật hiện hành) quy định như sau:
“Điều 25. Báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo
1. Đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.
2. Thủ tướng Chính phủ quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ”.
Đề nghị loại bỏ giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo của các doanh nghiệp (trừ trường hợp đặc biệt), trong đó có tổ chức hành nghề luật sư, vì hai lý do sau:
Thứ nhất, giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên phải thực hiện qua ngân hàng một cách công khai, minh bạch;
Thứ hai, ngân hàng đã phải báo cáo giao dịch lớn, thì cần ứng dụng công nghệ để các doanh nghiệp nhận tiền khác không cần phải báo cáo, tránh một giao dịch phải báo cáo 2 lần.
5. Vấn đề khác:
5.1. Về tội rửa tiền:
Khoản 1 và 2, Điều 324 về “Tội rửa tiền”, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ Sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng”.
5.2. Như vậy, nếu tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên thì sẽ bị phạt tù từ 05 năm trở lên. Tuy nhiên, cấu thành cơ bản không có định lượng, nên có thể hiểu, chỉ cần số tiền, tài sản phạm tội hoặc thu lợi bất chính từ 01 vài đồng đồng trở lên đã phạm tội rửa tiền, với khởi điểm hình phạt từ 01 năm tù. Quy định này là bất hợp lý, không khả thi, cần xem lại, nhất là nằm trong tổng thể một loạt tội quy định khung hình phạt theo định lượng cụ thể.
————————-
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI
Hà Nội 19-10-2022
(2.585)
#rửa tiền