(PL&XH) – Tình trạng chủ nợ không đòi được tiền, thuê “xã hội đen” tìm con nợ để khủng bố đe dọa, thậm chí “xiết nợ”, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xảy ra ngày càng phức tạp…
Dự thảo sửa đổi Nghị định về việc kinh doanh (KD) dịch vụ đòi nợ do Chính phủ ban hành có đề xuất bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Công an về quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
“Siết” quản lý dịch vụ đòi nợ…
Đề xuất trên được Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14 – 6 – 2007 của Chính phủ về việc KD dịch vụ đòi nợ.
Theo đề xuất, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước đối với hoạt động KD dịch vụ đòi nợ và có nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo lực lượng CA các cấp kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động KD dịch vụ đòi nợ; quy định mẫu trang phục của nhân viên dịch vụ đòi nợ; tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm quy định về an ninh, trật tự trong hoạt động KD dịch vụ đòi nợ.
Dự thảo đề xuất, thay vì báo cáo Bộ Tài chính, UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, sẽ báo cáo Bộ Công an về tình hình KD dịch vụ đòi nợ trên địa bàn tỉnh, TP theo định kỳ 6 tháng, hàng năm và đột xuất.
Theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định về KD dịch vụ đòi nợ đang được Bộ Tài chính xây dựng, đơn vị KD dịch vụ đòi nợ phải cấp trang phục, cấp thẻ nhân viên cho người lao động có đủ tiêu chuẩn thực hiện các hoạt động dịch vụ đòi nợ. Trên thẻ phải có ảnh, ghi rõ họ tên, chức vụ của người được giao nhiệm vụ và có dấu của doanh nghiệp. Những người không mặc trang phục theo quy định, không đeo thẻ nhân viên hoặc không có giấy giới thiệu của doanh nghiệp KD dịch vụ đòi nợ thì không được làm việc trực tiếp với chủ nợ hoặc khách nợ (con nợ) hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan.
Dự thảo cũng nêu rõ điều kiện về văn phòng đại diện, chi nhánh và địa điểm KD của doanh nghiệp KD dịch vụ đòi nợ. Cụ thể, địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp KD dịch vụ đòi nợ phải ổn định ít nhất từ một năm trở lên; nếu là nhà thuộc sở hữu của người đứng tên đăng ký KD thì trong hồ sơ đăng ký kinh doanh phải có giấy tờ hợp lệ, nếu là nhà thuê thì phải có hợp đồng thuê nhà có thời hạn thuê từ một năm trở lên.
Trường hợp chuyển địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp KD dịch vụ đòi nợ thì người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện phải thông báo bằng văn bản cho CQCA cấp tỉnh nơi đi và nơi đến chậm nhất là 15 ngày trước khi thực hiện việc di chuyển địa điểm.
Tháng 6 – 2013, lực lượng bảo vệ của 7 ngân hàng đã bao vây Cty TNHH Trường Ngân tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, để “xiết nợ” do doanh nghiệp này đem kho hàng 100 tỷ đồng đi thế chấp ở nhiều ngân hàng vay 600 tỷ đồng. Ảnh: TL
“Thực trạng” và những nghi ngại
Không khó để nhận thấy, hiện nay quan hệ dân sự ngày càng đa dạng, phức tạp, đã nảy sinh nhu cầu về dịch vụ đòi nợ ở Việt Nam. Đây là nhu cầu thực tế của xã hội và đang trở nên thường xuyên với nhiều tổ chức, cá nhân đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp có mạng lưới khách hàng rộng lớn như bưu chính viễn thông, điện, nước cũng như các tổ chức tín dụng.
Được biết, hiện nay tại Việt Nam có khoảng 70 doanh nghiệp đăng ký KD lĩnh vực thu hồi nợ, đòi nợ, ngoài ra cũng còn không ít các văn phòng luật sư cung cấp dịch vụ tư vấn lĩnh vực này.
Thực tế đến nay do chưa có một cơ chế quản lý hiệu quả hoạt động đòi nợ, nên việc “đòi nợ” diễn ra khá phức tạp. Chính vì thế, Dự thảo nói trên đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, khi cho rằng cần thiết phải có một cơ chế pháp lý cho loại hình KD này.
“Tình trạng chủ nợ không đòi được tiền, thuê “xã hội đen” tìm con nợ để khủng bố đe dọa, thậm chí “xiết nợ”, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xảy ra ngày càng phức tạp. Có trường hợp bức xúc đã đem hung khí (đao kiếm, tuýp sắt, thậm chí cả súng, mìn… ) đến nhà “con nợ” hòng đòi tiền, và gây ra các vụ thảm án, xôn xao dư luận, cũng từng xảy ra không ít. Cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn thực trạng này” – một người dân bày tỏ.
Có thể thấy, đề xuất nói trên của Bộ Tài chính nhằm tăng cường quản lý việc KD dịch vụ đòi nợ, ngoài điều kiện về vốn, tiêu chuẩn… doanh nghiệp muốn KD dịch vụ này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an ninh trật tự theo quy định của Bộ Công an.
Theo ban soạn thảo Dự thảo, quản lý dịch vụ đòi nợ cần phải đảm bảo được 2 mục tiêu: Thứ nhất đáp ứng nhu cầu chính đáng về dịch vụ đòi nợ trong nền kinh tế. Thứ hai cần ngăn chặn, hạn chế tiến tới xóa bỏ tình trạng đòi nợ thuê bất hợp pháp, đảm bảo cho hoạt động này được tiến hành đúng pháp luật, có tác dụng tích cực đối với sự phát triển của xã hội.
Để đạt được các mục tiêu nói trên, cơ quan chức năng đưa ra quy định: Doanh nghiệp đòi nợ không được sử dụng những người ngoài doanh nghiệp mình, những tổ chức khác thực hiện các hành vi như: Lừa gạt, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với con nợ, người thân của con nợ hoặc những người, tổ chức khác có liên quan; xâm phạm đời tư của con nợ, người thân của con nợ hoặc những người khác có liên quan; sử dụng các thông tin có được từ hoạt động dịch vụ đòi nợ có liên quan bất lợi tới chủ nợ và con nợ để phục vụ cho các mục đích khác, ngoài hoạt động dịch vụ đòi nợ, hoặc tiết lộ những thông tin đó cho tổ chức, cá nhân khác.
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cũng có những ý kiến vẫn bày tỏ sự băn khoăn khi lo ngại quản lý dịch vụ đòi nợ kiểu như trên, lại tạo ra “giấy phép con”, đối với hoạt động đòi nợ, dễ dẫn đến những tiêu cực xin cho, thậm chí có người còn lo ngại khi được “cấp phép” doanh nghiệp đòi nợ sẽ viện cớ để “lộng hành” hơn.
Quan điểm trên dường như có lý, khi thực tế không khó để nhận thấy, (có) những trường hợp đòi nợ (hoặc được ủy quyền đòi nợ), mặc dù chưa được cơ quan chức năng cho phép, nhưng vì bức xúc khi con nợ chưa có khả năng thanh toán, những người đòi nợ, đã có những hành vi không đúng theo quy định của pháp luật: Trấn áp, lăng mạ, đe dọa, khủng bố tinh thần, thậm chí hành hung… hòng “xiết nợ”. Những việc làm trái pháp luật như vậy là không thể chấp nhận.
“Điều kiện thành lập và hoạt động dịch vụ đòi nợ quá chặt chẽ, không nên đưa dịch vụ này thành một hoạt động KD phải có giấy phép mà chỉ cần quy định là một hoạt động KD có điều kiện (không cần giấy phép)” – luật sư Trương Thanh Đức – Trưởng phòng pháp chế, Ngân hàng Thương mại CP Hàng hải. Đồng quan điểm, luật gia Vũ Xuân Tiền, GĐ Cty tư vấn VFAM Việt Nam, khẳng định: “Giấy phép KD dịch vụ đòi nợ thực chất là một “giấy phép con”, đây là hoạt động rất mới ở nước ta, song không vì thế mà phải sinh ra giấy phép con”.[1]
Sỹ Hào
——————-
Pháp luật và Xã hội 27-8-2013:
(64/1.531)
[1] Phóng viên lấy lời phát biểu từ gần 7 năm trước đưa vào bải báo này.