399. Bình luận về Thể chế pháp lý ngân hàng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

(ANVI) – Tham luận Hội thảo “Thể chế pháp lý về tài chính, ngân hàng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức ngày 28-10-2022 tại TP HCM[1]

1. Thực trạng thể chế pháp lý ngân hàng:

1.1. Cách mạng Công nghiệp 4.0 tác động đến hoạt động ngân hàng:

1.1.1. Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0:

Hoạt động ngân hàng và pháp luật ngân hàng tương đối khác biệt so với các lĩnh vực khác, kể cả hoạt động ngân hàng truyền thống cũng như ngân hàng đang biến đổi trong bối cảnh diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là một cấp độ phát triển vượt bậc của công nghệ kỹ thuật số, giúp cho việc kết nối toàn diện, tức thời giữa các bộ phận, công đoạn sản xuất, kinh doanh trong doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp với đối tác và giữa sản phẩm với con người một cách thần kỳ. Nó cũng giúp tạo ra các máy móc, công xưởng, sản phẩm và mạng lưới phân phối thông minh, linh hoạt rất cao, tối ưu hoá nguồn lực, quy trình, năng suất, hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng và giúp thế giới thay đổi từng ngày với tốc độ chóng mặt. Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế – tài chính nói chung, hoạt động ngân hàng nói riêng.

Ứng dụng công nghệ và ứng dụng mới như chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AL), xử lý tập dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây, kết nối internet vạn vật,… đã giúp các ngân hàng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và quản trị hệ thống nhờ quá trình phân tích, xử lý thông tin, dữ liệu nhanh chóng, chính xác và khách quan; nhận biết và xác thực khách hàng dễ dàng; tự động hoá nhiều nghiệp vụ và hoạt động; giảm thiểu các khâu trung gian, tối ưu hoá quy trình và thời gian xử lý giao dịch; hạn chế tối đa sai sót và giảm thiểu rủi ro hoạt động; giúp tiết kiệm chi phí và kiểm soát tuân thủ hữu hiệu.

Đại dịch COVID-19 kéo dài trong 03 năm qua (2020 – 2022) cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc áp dụng các giải pháp công nghệ hỗ trợ hoạt động ngân hàng.

1.1.2. Thực trạng hoạt động của ngân hàng:

Công nghệ mới đã tạo ra các lĩnh vực kinh doanh mới, các mô hình ngân hàng mới, với các cấp độ khác nhau như ngân hàng trực tuyến, ngân hàng điện tử và ngân hàng số, áp dụng cho nhiều dịch vụ từ huy động, cho vay, thanh toán, giao dịch ngoại hối và các dịch vụ khác. Ngoài ra, nó còn thúc đẩy các ngân hảng mở rộng sự liên kết, hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (Fintech), nhất là trong lĩnh vực thanh toán (như ví điện tử, mobi-money) và xác thực khách hàng.

Một số ngân hàng đã cung cấp các dịch vụ ngân hàng số cho khách hàng và phát triển những dịch vụ mới, như cho phép khách hàng chuyển tiền qua mạng xã hội (Facebook, Zalo,..) hay rút tiền tại ATM không cần dùng thẻ. Các ngân hàng cũng đã triển khai nhiều phương thức, kênh thanh toán đa dạng, tiện lợi, nhanh chóng, 24/7 như QR Code, thanh toán không chạm (không tiếp xúc), VISA và POS trên thiết bị di động.

Trên thực tế, ngân hàng đã và đang là một trong những ngành đi đầu về hội nhập và ứng dụng công nghệ một cách nhanh chóng, sâu rộng, đồng thời đã đạt được những kết quả rất ấn tượng, tiệm cận với trình độ tiên tiến nhất trên thế giới. Chẳng hạn về tốc độ chuyển tiền, tôi có người nhà ở Mỹ nói rằng, việc chuyển tiền giữa các ngân hàng tại nước Mỹ chậm hơn ở Việt Nam rất nhiều, có khi mất tới vài ngày, trong khi ở Việt Nam thường chỉ mất vài giây cho đến vài tiếng.

Tất nhiên, việc xử lý giao dịch nói chung, việc thanh toán và chuyển tiền nói riêng, nhanh hay chậm không hẳn chỉ do công nghệ và chất lượng dịch vụ, mà còn phụ thuộc vào những ràng buộc, đòi hỏi và kiểm soát mờ tỏ, chặt lỏng khác nhau của pháp luật.

Dù đã có những bước phát triển đột phá và mạnh mẽ, nhưng về thể chế pháp lý ngân hàng Việt Nam thì vẫn còn không ít sự ngổn ngang, dang dở, vướng mắc.

1.2. Thực trạng thể chế pháp lý ngân hàng:

1.2.1. Tổng quan về pháp luật ngân hàng:

Ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh chuyên ngành đầu tiên được điều chỉnh bằng pháp lệnh từ năm 1990 (Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính năm 1990) và bằng luật từ năm 1997 (Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997).

Pháp luật ngân hàng bao gồm nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật, từ Hiến pháp cho đến các thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Rất ít lĩnh vực chuyên ngành như ngân hàng được đề cập đến trong Hiến pháp. Cụ thể là Hiến pháp năm 2013 có 02 quy định liên quan đến ngân hàng. Đó là quy định tại khoản 3, Điều 55 “Đơn vị tiền tệ quốc gia là Đồng Việt Nam” và quy định tại khoản 4, Điều 70 về một trong những nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội là “Quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia”.

Đến cuối năm 2022, pháp luật trực tiếp điều chỉnh đối với hoạt động ngân hàng gồm có 5 đạo luật; 01 Nghị quyết của Quốc hội; 01 Pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và hàng trăm văn bản dưới luật khác, như các Nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các Thông tư của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngoài ra, có nhiều quy định pháp luật liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động của ngành ngân hàng, nhất là hoạt động tín dụng liên quan đến hàng nghìn văn bản thuộc mọi lĩnh vực khác nhau, từ chăn nuôi, trồng trọt, thực phẩm, thương mại, cho đến xây dựng, công nghệ, y tế, giáo dục, môi trường, v.v…

Dựa theo lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh thì pháp luật ngân hàng được phân chia thành 02 nhóm, điều chỉnh hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và điều chỉnh hoạt động của các tổ chức tín dụng (bao gồm ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài).

Tuy nhiên, Luật Các tổ chức tín dụng vẫn trong tình trạng luật khung, mang tính nguyên tắc. Một số vấn đề rất cơ bản và quan trọng về hoạt động ngân hàng như gửi tiền, thanh toán, tín dụng, bảo lãnh, ngoại hối, bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính,… vẫn chưa được quy định hoặc mới chỉ quy định mang tính nguyên tắc trong luật, mà chỉ được quy định tại các nghị định, thông tư, trong khi lại có nhiều điểm khác, thậm chí trái ngược với các đạo luật khác. Giai đoạn 1998 – 2010 nhiều nội dung về tín dụng và hợp đồng tín dụng đã từng được quy định cụ thể trong luật[2].

1.2.2. Đặc thù của pháp luật ngân hàng:

Một số quy định trong lĩnh vực ngân hàng có độ vênh, thậm chí mâu thuẫn với các quy định chung của pháp luật.

Do sự biến động lớn và liên tục của nền kinh tế, xã hội, nên pháp luật về lĩnh vực ngân hàng cũng thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, thay thế. Cao điểm là năm 2018 riêng Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 53 thông tư, sau đó trong 03 năm từ 2019 – 2021, bình quân ban hành 29 thông tư mỗi năm.

Các tổ chức tín dụng nói chung, ngân hàng nói riêng, chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật và quy định nội bộ chặt chẽ, cụ thể hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác. Với quy định, tổ chức tín dụng không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động được ghi nhận trong Giấy phép thành lập và hoạt động trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010[3], gần như đã cấm các tổ chức tín dụng kinh doanh mấy nghìn ngành, nghề đầu tư kinh doanh như các doanh nghiệp khác.

Tức là, khác với các doanh nghiệp nói chung, liên quan đến các hoạt động kinh doanh thì các tổ chức tín dụng chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, chứ không phải là được làm những gì pháp luật không cấm.

1.2.3. Các Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết về hoạt động ngân hàng do Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành (cùng với các văn bản sửa đổi, bổ sung va gia hạn):

  • Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005.
  • Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
  • Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010.
  • Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012.
  • Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.
  • Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH13 về “Xử lý nợ xấu”.
  • Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005.

1.2.4. Một số Nghị định quan trọng về hoạt động ngân hàng do Chính phủ ban hành (cùng với các văn bản sửa đổi, bổ sung) và có ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng:

  • Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04-10-2002 về “Tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác”.
  • Nghị định số 28/2005/NĐ-CP ngày 09-3-2005 “Quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam”.
  • Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 08-3-2007 về Giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng”.
  • Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03-4-2012 về “Quản lý hoạt động kinh doanh vàng”.
  • Nghị định số 40/2012/NĐ-CP ngày 02-5-2012 về “Nghiệp vụ phát hành tiền; bảo quản, vận chuyển tài sản quý và giấy tờ có giá trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
  • Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22-11-2012 của về “Thanh toán không dùng tiền mặt”.
  • Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18-5-2013 của Chính phủ về “Thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam”.
  • Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28-6-2013 “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi”.
  • Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04-10-2013 “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền”.
  • Nghị định số 219/2013/NĐ-CP ngày 26-12-2013 về “Quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh”.
  • Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31-12-2013 về “Thanh toán bằng tiền mặt”.
  • Nghị định số 39/2014/NĐ-CP ngày 07-5-2014 về “Hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính”.
  • Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17-7-2014 “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối”.
  • Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09-6-2015 về “Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”.
  • Nghị định số 135/2015/NĐ-CP ngày 31-12-2015 “Quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài”.
  • Nghị định số 89/2016/NĐ-CP ngày 01-7-2016 “Quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế”.
  • Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11-9-2018 về việc “Giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”;
  • Nghị định số 58/2021/NĐ-CP ngày 10-6-2021 “Quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng”.

1.2.5. Một số Thông tư quan trọng về hoạt động ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành (cùng với các văn bản sửa đổi, bổ sung) có ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng:

  • Thông tư số 34/2013/TT-NHNN ngày 31-12-2013 “Quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
  • Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19-8-2014 “Hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán”.
  • Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11-12-2014 “Hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán”.
  • Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31-3-2015 “Quy định về quỹ tín dụng nhân dân”.
  • Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 26-6-2015 “Quy định về bảo lãnh ngân hàng”.
  • Thông tư số 22/2015/TT-NHNN ngày 20-11-2015 “Quy định về hoạt động cung ứng và sử dụng séc”.
  • Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30-6-2016 “Quy định về hoạt động thẻ ngân hàng”.
  • Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 “Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”.
  • Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 “Quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính”.
  • Thông tư số 48/2018/TT-NHNN ngày 31-12-2018 “Quy định về tiền gửi tiết kiệm”.
  • Thông tư số 49/2018/TT-NHNN ngày 31-12-2018 “Quy định về tiền gửi có kỳ hạn”.
  • Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15-11-2019 “Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
  • Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30-7-2021 “Quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

2. Thực tiễn thi hành pháp luật ngân hàng:

2.1. Thực tiễn thi hành pháp luật ngân hàng:

2.1.1. Thực tiễn ứng xử với tiền ảo:

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tiền ảo (virtual currency) khác với tiền điện tử (E-money[4]). Từ năm 2012, tiền điện tử đã được đề cập đến trong văn bản quy phạm pháp luật tại điểm đ khoản 3 Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Tuy nhiên cho đến nay, pháp luật vẫn chưa có sự giải thích thế nào là tiền ảo và tiền điện tử.

Pháp luật mới chỉ công nhận 09 phương tiện thanh toán hợp pháp là tiền mặt và 08 phương thức không sử dụng tiền mặt gồm: séc; lệnh chi; ủy nhiệm chi; nhờ thu; ủy nhiệm thu; thẻ ngân hàng (loại trả trước); ví điện tử và tiền di động (mobile money). Theo đó, tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp, vì chưa được Ngân hàng Nhà nước thừa nhận.

Tuy nhiên, các giao dịch tạo ra, đào, mua bán, chuyển nhượng, tặng cho,… vẫn không bị pháp luật cấm. Trên thực tế, các ngân hàng thương mại không chấp nhận bất cứ loại giao dịch, hoạt động nào liên quan đến tiền ảo thông qua ngân hàng dựa trên Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11-4-2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác” và Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13-4-2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về “Các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo”.

Việc ngăn chặn mọi giao dịch, hoạt động tiền ảo qua hệ thống ngân hàng là không rõ về cơ sở pháp lý, ngoại trừ việc không thừa nhận là phương tiện thanh toán, vì 02 Chỉ thị này không phải văn bản quy phạm pháp luật.

2.1.2. Thực tiễn ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech):

Công nghệ tài chính (fintech) là việc áp dụng các công nghệ đổi mới, sáng tạo và hiện đại vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng như dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, tín dụng (gồm cả cho vay ngang hàng – P2P Lending), hỗ trợ định danh khách hàng, chấm điểm tín dụng, huy động vốn, quản lý tài sản, và các giải pháp ứng dụng công nghệ khác như Blockchain, nhằm hỗ trợ ngân hàng để cung ứng cho khách hàng các dịch vụ tài chính minh bạch, hiệu quả và thuận tiện, với chi phí thấp hơn hẳn so với các dịch vụ tài chính truyền thống.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 10-2022, pháp luật chưa có quy định cụ thể điều chỉnh về P2P Lending cũng như nhiều ứng dụng công nghệ tài chính khác.

Các App huy động và cho vay trên thực tế nở rộ, trong khi pháp luật không thể hiện rõ là cho hay không (không cấm) và gần như không phân biệt được đâu là hoạt động hợp pháp, đâu là hoạt động bất hợp pháp.

Khoản 2, Điều 8 về “Quyền hoạt động ngân hàng”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: “2. Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”. Tức là nghiêm cấm các cá nhân, tổ chức kinh doanh, cung ứng thường xuyên 1, 2 hoặc cả 3 nghiệp vụ “nhận tiền gửi” (gồm tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác); “cấp tín dụng (gồm cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác) và “cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản” (gồm cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, uỷ nhiệm chi, nhờ thu, uỷ nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng)[5]. Tuy nhiên, các luật như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp lại cho phép các cá nhân, tổ chức được hoạt động vay, cho vay vốn và bảo lãnh.

2.1.3. Thực tiễn việc xác thực khách hàng:

Công nghệ 4.0 đã giúp thay đổi điều kiện giao dịch của ngân hàng, chẳng hạn như quy định về việc mở tài khoản. Trước đây, Điều 14 về “Trình tự, thủ tục mở tài khoản thanh toán”, Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19-8-2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán” quy định, khi ký hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán thì ngân hàng phải gặp mặt trực tiếp chủ tài khoản thanh toán là khách hàng cá nhân. Chỉ riêng trường hợp cá nhân ở nước ngoài, ngân hàng không thể gặp mặt trực tiếp thì mới có thể thực hiện xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua ngân hàng đại lý hoặc bên trung gian. Sau 3 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2016, 2018 và 2019 vẫn giữ nguyên quy định này.

Trên thực tế, các ngân hàng đã chủ động ứng dụng công nghệ để xác thực khách hàng. Vì vậy, từ năm 2021 trở đi, Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04-12-2020 mới thay đổi, bổ sung nội dung nêu trên. Theo đó, trường hợp mở tài khoản bằng phương thức điện tử thì không bắt buộc phải gặp mặt trực tiếp, mà ngân hàng được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng; đồng thời chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh, với điều kiện phải đáp ứng được một số yêu cầu tối thiểu.

2.1.4. Thực tiễn về vi phạm chế độ ngoại hối:

Điều 22 về “Quy định hạn chế sử dụng ngoại hối”, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định “trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. Nếu vi phạm quy định này trước ngày 01-01-2017 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực) thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và giao dịch vi phạm “pháp luật” sẽ bị vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005[6]. Tuy nhiên từ ngày 01-01-2017 trở đi, theo quy định khoản 2, Điều 2 về “Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự”; điểm c khoản 1 Điều 117 về “Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự”; Điều 122 về “Giao dịch dân sự vô hiệu”, Bộ luật Dân sự năm 2015, thì “quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật” và chỉ các giao dịch vi phạm “luật” mới bị vô hiệu.

Do vậy, từ chỗ bất kỳ giao dịch nào thể hiện bằng ngoại hối đều bị vô hiệu, thì đã thay đổi vẫn không ảnh hưởng đến hiệu lực của giao dịch, tuy nhiên vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính. Điều này dẫn tới việc, điều cấm của Pháp lệnh Ngoại hối đã không còn bảo đảm giá trị pháp lý cần thiết.

2.1.5. Thực tiễn về áp dụng lãi suất:

Thực tế trong nhiều năm, lãi suất cho vay (thậm chí cả lãi suất huy động) của các tổ chức tín dụng vượt trần lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự. Do đó, sau khi quy định trần lãi suất chung, lại phải buộc tạo ra ngoại lệ, cho phép lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng không bị giới hạn 20%/năm theo quy định tại Điều 268 về “Lãi suất”, Bộ luật Dân sự năm 2015, mà hoàn toàn do các bên thoả thuận, trừ một số trường hợp đặc biệt cho vay lãi suất ưu đãi thấp hơn thấp hơn mặt bằng lãi suất cho vay nói chung và đương nhiên là thấp trần lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Khoản 1, Điều 468 về “Lãi suất”, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

Khoản 2, Điều 91 về “Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”.

Với 2 điều luật nói trên, phải được hiểu một cách đúng đắn và hợp lý là: Mọi trường hợp cho vay không được vượt lãi suất 20%/năm. Các tổ chức tín dụng chỉ có thể thoả thuận với khách hàng với mức lãi suất không quá 20%, trừ trường hợp pháp luật có quy định mức lãi suất thấp hơn 20% thì không được vượt quá mức thấp hơn đó. Ví dụ, lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực, bao gồm: Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì thoả thuận không được quá 4,5%/năm, theo quy định tại khoản 1, Điều 1, Quyết định số 1730/QĐ-NHNN ngày 30-9-2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về “Mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hang hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016[7]”.

Tuy nhiên, quy định của Bộ luật Dân sự là không hợp lý, không phù hợp với thực tế, nên đã buộc phải dẫn đến cách hiểu trái luật. Đó là Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11-01-2019 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm” đã xác định, hợp đồng cho vay của các tổ chức tín dụng thì không bị giới hạn về lãi suất, còn hợp đồng cho vay của các tổ chức, cá nhân khác thì bị giới hạn không quá 20%/năm.

Điều quan trọng là quy định trần lãi suất cho vay 20% (nếu tính gộp cả phí tín dụng) thì sẽ triệt tiêu thị trường cho vay nói chung, thị trường tài chính tiêu dùng và cho vay thông qua các phương thức công nghệ nói riêng.

2.1.6. Thực tiễn về bảo mật thông tin khách hàng của ngân hàng:

Thông tin khách hàng là các thông tin do khách hàng cung cấp và phát sinh trong quá trình được tổ chức tín dụng cung ứng các nghiệp vụ ngân hàng, sản phẩm, dịch vụ, bao gồm thông tin định danh khách hàng và các thông tin về tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, giao dịch, bên bảo đảm và các thông tin có liên quan khác[8].

Mặc dù yêu cầu về bảo mật và cung cấp thông tin khách hàng của ngân hàng rất cao và chặt chẽ, trong đó có hoạt động ngân hàng điện tử và ứng dụng công nghệ cao[9].

Tuy nhiên, trên thực tế, đôi khi bắt gặp trường hợp nhân viên ngân hàng gọi điện cho khách hàng có khoản tiền sắp đáo hạn tại ngân hàng này để mời chào chuyền sang gửi tại ngân hàng khác. Không khó lắm khi tìm thông tin rao bán nhiều loại danh sách khách hàng nói chung, khách hàng gửi tiền tại ngân hàng nói riêng.

Thông tin về giao dịch bảo đảm của khách hàng hoặc của người thứ ba để bảo đảm cho nghĩa vụ tài sản của khách hàng là cũng là thông tin mật. Việc bảo mật các thông tin giao dịch bảo đảm này có phần mâu thuẫn với yêu cầu công khai thông tin để tránh rủi do cho người thứ ba, tương tự như công khai thông tin về đăng ký quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản (quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng và quyền bề mặt)[10].

2.1.7. Thực tiễn về quyền thu giữ tài sản bảo đảm:

Trong khi bên nhận bảo đảm nói chung không có quyền thu giữ tài sản bảo đảm, thì do thực tế cần ưu tiên xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng, nên buộc phải quy định ngoại lệ.

Theo đó, chỉ riêng hệ thống ngân hàng được quyền thu giữ tài bảo đảm theo quy định tại Điều 7 về “Quyền thu giữ tài sản bảo đảm”, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về “Thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”, đã được kéo dài thời hạn áp dụng đến hết ngày 31-12-2023 theo Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16-6-2022 của Quốc hội.

Tuy nhiên, chưa có quy định về việc thu giữ tài sản bảo đảm liên quan đến công nghệ cao.

2.1.8. Thực tiễn về tội phạm sử dụng công nghệ cao:

Vi phạm nói chung, tội phạm nói riêng trong lĩnh vực công nghệ ngày càng phổ biến và phức tạp. Liên quan đến công nghệ cao, việc tiền gửi ngân hàng bị mất, bị lừa, bị đánh cắp mật khẩu, bị chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng và nhức nhối.

Tuy nhiên pháp luật lại quy định thiếu hợp lý giữa việc xử phạt tội phạm chiếm đoạt tài sản theo các phương thức truyền thống với tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên thì có thể bị phạt tù đến mức cao nhất là tù chung thân theo quy định tại khoản 4, Điều 174 về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong khi đó, kẻ sử dụng công nghệ cao như mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên thì lại chỉ bị phạt tù với mức cao nhất là 20 năm tù theo quy định tại khoản 4, Điều 290 về “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, trong khi hành vi sau có thủ đoạn và tính chất nguy hiểm hơn cho xã hội, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng.

Vấn đề đặc biệt nhức nhối trên thực tế là nhiều trường hợp tội phạm ngang nhiên nhận tiền, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng và các trung gian tài chính, nhưng không xác định được danh tính chủ tài khoản do quá nhiều tài khoản ngân hàng, tài khoản thuê bao điện thoại và tài khoản mạng xã hội “ma”, thuộc trách nhiệm của các ngân hàng và các nhà mạng. Nhiều trường hợp nạn nhân, thậm chí cả cơ quan công an hay chính ngân hàng, chứng kiến tiền bị “cướp” chuyển qua tài khoản khác mà không thể ngăn chặn, do hệ thống quy định thiếu đồng bộ, không có quy định xử lý ngăn chặn hiệu quả, thậm chí còn không thể xử lý kịp thời vì quy định cứng nhắt về bảo mật thông tin khách hàng nói chung và thông tin giao dịch nói riêng.

2.2. Chính sách về công nghệ tài chính:

2.2.1. Rất nhiều văn bản chỉ đạo về hoạt động ngân hàng liên quan đến công nghệ tài chính:

  • Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện các công việc rà soát, đánh giá thực trạng và đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử, tài sản ảo, tiền ảo trong thời gian từ năm 2017 đến 2020[11].
  • Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó đặt ra một số vấn đề như việc phát triển ngành Ngân hàng theo hướng dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến; thử nghiệm hoạt động Fintech (sandbox), trong đó có hoạt động cho vay ngang hàng[12].
  • Năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc “thực hiện thí điểm các mô hình thanh toán mới, các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech), nghiên cứu việc nạp tiền vào ví điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng và áp dụng công nghệ mới, giải pháp đổi mới sáng tạo vào lĩnh vực ngân hàng”[13].
  • Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc “Ban hành khuôn khổ thể chế quản lý thử nghiệm (sandbox) đối với hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt”[14].
  • Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính “Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng khung thể chế thử nghiệm cho các dịch vụ công nghệ tài chính (Fintech) theo các thông lệ tốt trên thế giới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển các dịch vụ tài chính số mới”; “Chủ trì, xây dựng khung thể chế cho các dịch vụ công nghệ tài chính (Fintech) gắn liền với chính sách khuyến khích hoạt động và giao dịch doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”; “Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tăng cường giám sát nguồn vốn, lưu chuyển vốn thông qua các hình thức tiền số, tài sản số; huy động vốn mới như phát hành tiền ảo và tài sản mã hóa, tiền điện tử trên thị trường tài chính”[15].
  • Năm 2021, Chính phủ đã tiếp tục ra Nghị quyết giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ trong quá xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, trình Chính phủ trong quý IV năm 2021[16].
  • Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán thông qua tài khoản viễn thông (Mobile-Money) nhằm tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng. Doanh nghiệp có viễn thông được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Ví điện tử. Khách hàng cá nhân có đăng ký thuê bao di động được phép nạp tiền, rút tiền, chuyển tiền và thanh toán qua tài khoản Mobile-Money cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp phục vụ cho nhu cầu cuộc sống bằng đồng tiền Việt Nam ở nội địa Việt Nam, với tổng hạn mức giao dịch rút tiền, chuyển tiền và thanh toán không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản. Và thời hạn thí điểm là 02 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money[17].
  • Cũng trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước “Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)” trong các năm 2021 – 2023[18]. Thực chất là việc nghiên cứu, xây dựng việc thí điểm sử dụng tiền điện tử dựa trên Công nghệ Blockchain, khác với loại tiền ảo không gắn liền với đồng tiền quốc gia.
  • Năm 2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã giao cho Vụ Thanh toán chủ trì việc “Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương”[19]. Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu việc giám sát, kiểm tra, rà soát các giao dịch thẻ nhằm ngăn chặn “giao dịch thẻ không phù hợp quy định của pháp luật (liên quan đến hoạt động trò chơi có thưởng, cờ bạc, cá độ, kinh doanh ngoại hối, chứng khoán, tiền ảo, tiền điện tử…)”[20].

2.2.2. Tuy nhiên, đến tháng 10/2022, đã qua gần 04 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm các hoạt động công nghệ tài chính, nhưng mới chỉ có các văn bản chỉ đạo, điều hành, đốc thúc, chứ chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào (kể cả Nghị định về thử nghiệp hoạt động Fintech) và vẫn chưa có doanh nghiệp nào được chính thức triển khai các hoạt động Fintech, ngoại trừ hoạt động ví điện tử của các công ty trung gian thanh toán đã được cấp phép từ trước.

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật:

3.1. Kiến nghị ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật:

  • Sớm ban hành Nghị định (sau này là Luật) về Cơ chế thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Sandbox), trong đó có các hoạt động cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ; chấm điểm tín dụng; P2P Lending; ứng dụng công nghệ Blockchain và ứng dụng các công nghệ khác trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.
  • Sớm ban hành quy định về tiền ảo, cấm hay không cấm, cho phép hay không cho phép giao dịch, hoạt động nào liên quan đến tiền ảo;
  • Ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính, ngân hàng.

3.2. Kiến nghị luật hóa các văn bản pháp quy hiện hành để bảo đảm cơ sở và hiệu lực pháp lý:

  • Xây dựng Luật Ngoại hối trên cơ sở Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005;
  • Xây dựng Luật Thanh toán trên cơ sở 02 Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán không bằng tiền mặt;
  • Xây dựng Luật Huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên cơ sở 02 thông tư về tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn và các quy định về tiền gửi thanh toán (không kỳ hạn) và tiền gửi khác của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;
  • Xây dựng Luật Tín dụng trên cơ sở 03 thông tư về cho vay nói chung, cho vay tiêu dùng nói riêng và thông tư về bảo lãnh ngân hàng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;
  • Xây dựng Luật Xử lý nợ xấu trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội về Xử lý nợ xấu. Mở rộng phạm vi điều chỉnh để giải quyết nợ xấu nói chung của nền kinh tế, trong đó quy định thống nhất, bình đẳng về quyền được hay không được thu giữ tài sản bảo đảm của mọi chủ thể nhận bảo đảm nói chung và của các tổ chức tín dụng nói riêng.

3.3. Kiến nghị sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành:

  • Sửa đổi các quy định liên quan của Luật Các tổ chức tín dụng, Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh bất động sản,… về việc công khai các thông tin về giao dịch bảo đảm, bao gồm cả thông tin tiền gửi, tài sản gửi, tài sản khác của khách hàng là tài sản bảo đảm tại các tổ chức tín dụng;
  • Sửa đổi quy định về lãi suất của Bộ luật Dân sự năm 2015 để thống nhất, công bằng về giới hạn lãi suất cho vay của mọi đối tượng cho vay nói dung, của các tổ chức tín dụng nói riêng, theo hướng bỏ trần lãi suất trong Bộ luật Dân sự, để dựa vào trần lãi suất thị trường của các tổ chức tín dụng;
  • Sửa đổi Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng:
  • Mô tả rõ hành vi vi phạm, tăng chế tài xử phạt về bảo mật thông tin, gian lận, chiếm đoạt dữ liệu, mật khẩu,… để tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng trong việc phòng ngừa ngăn chặn, xử lý vi phạm một cách kịp thời, nghiêm minh và hiệu quả;
  • Bỏ tội phạm cho vay lãi nặng hoặc quy định cụ thể mức lãi suất phạm tội cho vay lãi nặng, mà không phụ thuộc vào quy định của Bộ luật Dân sự;
  • Điều chỉnh hình phạt của tội “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” (Điều 290) ít nhất phải ngang bằng với “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 174).

(6.900 chữ)

—————-

Hà Nội ngày 28-10-2022

Luật sư Trương Thanh Đức

Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.

[1]     Bài viết này tham khảo một số nội dung cuốn sách “Cẩm nang pháp luật ngân hàng”, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC.

[2]. Các điều từ Điều 51 đến Điều 64, Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 (sửa đổi, bổ sung năm 2004).

[3].    Khoản 2 Điều 90 về “Phạm vi hoạt động được phép của tổ chức tín dụng”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

[4].    Chú thích của Ngân hàng Nhà nước về tiền điện tử tại khoản 2, Mục III, Quyết định số 488/QĐ-NHNN ngày 27-3-2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành “Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của các tổ chức tín dụng giai đoạn 2017 – 2020”.

[5].    Các khoản 12 – 14, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016.

[6].    Điểm b khoản 1 Điều 122 về “Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự” và Điều 127 về “Giao dịch dân sự vô hiệu”, Bộ luật Dân sự năm 2005.

[7].    Khoản 2, Điều 13 về “Lãi suất cho vay”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”.

[8].    Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11-9-2018 của Chính phủ về việc “Giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng”.

[9]. Điều 133 về “Yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng điện tử”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

[10]. Điều 106 về “Đăng ký tài sản”; Điều 159 về “Quyền khác đối với tài sản”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

[11]. Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21-8-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”.

[12]. Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08-8-2018 phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

[13]. Khoản 3 Khoản 2.5, mục 2 về “Thực hiện quyết liệt các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng”, Phần II, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01-01-2019 của Chính phủ về “Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019”.

[14]. Khoản 3.2 Mục 3 về “Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh một cách thực chất, hiệu quả hơn”, Phần II, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01-01-2020 của Chính phủ về “Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020”.

[15]. Mục 6, Phần IV, Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030”.

[16]. Điều 1, Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 06-9-2021 của Chính phủ về việc “Thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng”.

[17]. Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ”.

[18]. Điểm d, mục 5 về “Nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ lõi”, phần VI và Danh mục các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”.

[19]. Điểm 2.2.8, mục IV, “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11-5-2021.

[20]. Điểm (iii), khoản 2, Mục II, Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 07-01-2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc “Tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động thẻ ngân hàng”.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.912. Tại sao giá vàng dù leo thang nhưng vẫn "cháy hàng"...

Tại sao giá vàng dù leo thang nhưng vẫn "cháy hàng" vàng miếng, vàng nhẫn? (KTCK)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,320