Hé mở 11 ngân hàng bị thanh tra vì vi phạm về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
(DV) – Theo tìm hiểu của Dân Việt, 11 ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước thanh tra về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp năm 2022, trong đó 9 ngân hàng thuộc diện thanh tra đột xuất và 2 ngân hàng thuộc danh sách thanh tra theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước.
Trước yêu cầu của cử tri Hà Nội về việc làm rõ trách nhiệm của các ngân hàng khi tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp có nhiều sai phạm, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan thanh tra ngành ngân hàng vừa qua tập trung nguồn lực thanh tra các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, dễ phát sinh sai phạm.
Đáng chú ý, công tác thanh tra giám sát không chỉ dừng ở giám sát tình hình tuân thủ, chấp hành quy định về an toàn trong hoạt động mà chú trọng giám sát, đánh giá rủi ro của các tổ chức tín dụng, nhất là các vấn đề như kinh doanh, đại lý bảo hiểm; chấp hành quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn.
Năm 2022, thanh tra, giám sát ngân hàng đã thanh, kiểm tra 1.420 cuộc, trong đó 1.034 cuộc theo kế hoạch và 385 cuộc kiểm tra đột xuất.
“Hé mở” về 11 ngân hàng bị thanh tra về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đã thanh tra đột xuất và có kết luận thanh tra tại 11 tổ chức tín dụng. Trên cơ sở kết quả thanh tra, cơ quan quản lý tiền tệ đã ban hành một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các ngân hàng có hành vi vi phạm.
Hiện, danh tính 11 ngân hàng bị thanh tra về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đang được dư luận quan tâm.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, việc thanh tra về hoạt động đầu tư trái phiếu là hoạt động thông thường của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại. Ngoài 11 ngân hàng đã được thanh tra trong năm 2022, ngân hàng nào có hoạt động đầu tư trái phiếu sẽ lần lượt được thanh tra hết trong năm 2023.
Đáng chú ý, 11 ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước thanh tra về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp năm 2022, trong đó 9 ngân hàng thuộc diện thanh tra đột xuất và 2 ngân hàng thuộc danh sách thanh tra theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, về cơ bản tất cả các ngân hàng thương mại cổ phần lớn đều có tên trong danh sách thanh tra năm 2022. 4 ngân hàng thương mại quốc doanh không nằm trong danh sách này.
Về các vi phạm, theo tìm hiểu, thanh tra về hoạt động đầu tư trái phiếu và hành vi dẫn tới việc xử phạt từng ngân hàng khác nhau là khác nhau, các vi phạm cũng khá đa dạng. Tuy nhiên, không phải do hoạt động đầu tư đó bị xử phạt mà do khi đầu tư, ngân hàng không thực hiện “chuẩn chỉ” theo quy định. Chẳng hạn như việc không báo cáo giao dịch, điều kiện đầu tư thiếu hay trích lập chưa đúng,…
Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, theo quy định danh tính của các ngân hàng bị thanh tra đột xuất và các ngân hàng vi phạm đã bị xử phạt có thể công bố hoặc không công bố, tùy theo đánh giá của cơ quan thanh tra và thông tin đó có phải thông tin thuộc loại bí mật không, hay không, có nhạy cảm không?
Theo vị luật sư này, nên công bố kết quả thanh tra. Tuy nhiên, việc công bố cũng không còn nhiều ý nghĩa, bởi hiện tại các ngân hàng không dám “làm liều” trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Ngân hàng nào “rót” nhiều tiền vào trái phiếu doanh nghiệp
Mặc dù chưa có danh tính chính xác của các ngân hàng đã bị thanh tra đột xuất, song nhìn từ báo cáo tài chính của các ngân hàng tại thời điểm 31/12/2022 có 17 ngân hàng trong tổng số 28 ngân hàng được thống kê đang nắm giữ 187,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Con số này tương đương gần 8 tỷ USD, giảm 13% so với cuối năm 2021 – theo báo cáo từ FiinRatings.
Trong đó, MB trở thành ngân hàng nắm giữ trái phiếu nhiều nhất hệ thống với hơn 43,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Nhà băng là chủ nợ lớn nhất của Novaland. Dư nợ của Novaland tại MB đạt gần 12.000 tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng dư nợ của ngân hàng.
Techcombank lùi về vị trí á quân sau khi giảm 34,5% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ, từ 62,6 nghìn tỷ đồng về còn hơn 41 nghìn tỷ đồng vào cuối năm trước.
17 ngân hàng đang nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp sẵn sàng để bán tại ngày 31/12/2022 (Nguồn: FiinRatings)
Giá trị trái phiếu doanh nghiệp mà VPBank và TPBank lần lượt nắm giữ tăng 18% và 16% so với cuối năm 2021, nâng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ của 2 ngân hàng này lên xấp xỉ 32,9 nghìn tỷ đồng và 21,6 nghìn tỷ đồng.
SHB tăng gấp đôi lượng trái phiếu nắm giữ so với đầu năm lên gần 13,2 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2022. Nhờ đó, SHB vượt qua nhiều “ông lớn” khác để giữ hạng 5 trong top các ngân hàng có giá trị trái phiếu doanh nghiệp cao nhất.
Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp thuộc top 5 (MBBank, Techcombank, VPBank, TPBank, SHB) nắm giữ đã chiếm đến 81% tổng giá trị của 17 ngân hàng cộng lại.
Nếu loại trừ 3 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước trong 17 ngân hàng kể trên, các ngân hàng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhiều hiện tại là: MB, Techcombank, VPBank, TPBank, SHB, BaoViet Bank, BIDV, HDBank, VietinBank, Bac A Bank, OCB, MSB, NamABank, VIB, KienLongBank, SeABank. Như vậy, nhiều khả năng, 11 ngân hàng bị thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nằm trong nhóm ngân hàng này.
Huyền Anh
—————
Dân Việt (Kinh tế) ngày 14–3-2023:
(120/1.182) #TPDN #thanhtra #NHNN #TCTD