Kỳ vọng Luật Các tổ chức tín dụng ngăn sở hữu chéo: Có muốn làm quyết liệt hay không?
(ĐTVN) – Tài chính và bất động sản là 2 lĩnh vực khá khăng khít. Với đặc điểm tính thâm dụng vốn cao và vòng quay vốn dài của ngành bất động sản, hậu thuẫn từ nguồn vốn tín dụng là điều không thể thiếu.
Quan hệ đối tác thân thiết giữa ‘tài chính’ và ‘bất động sản’
Theo các chuyên gia, nếu lãnh đạo các công ty bất động sản (BĐS) đồng thời là chủ sở hữu của ngân hàng tuân thủ chặt chẽ các quy tắc hoạt động thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc hàng loạt các nhà phát triển BĐS lớn bất ngờ xuất hiện trong vai trò lãnh đạo ngân hàng làm gia tăng lo ngại về rủi ro cho vay, khi dòng vốn ngân hàng có thể bị điều tiết để cho các doanh nghiệp “sân sau” vay một các dễ dàng và bằng những mối quan hệ tưởng như chỉ là đối tác với nhau nhưng phía sau đó là mối quan hệ thân hữu người nhà với nhau.
Ví như, Techcombank cho biết, trong những năm gần đây, Techcombank hợp tác với Masterise Group – một trong những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản cao cấp – để đem đến các giải pháp tài chính toàn diện cho khách hàng.
Trong khuôn khổ hợp tác, Techcombank cung cấp các sản phẩm tài chính đa dạng, từ cho vay mua nhà, thẻ tín dụng đến bảo hiểm, giúp khách hàng của Masterise dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính phù hợp.
Khách hàng mua nhà tại các dự án của Masterise sẽ được sử dụng dịch vụ tài chính trọn gói từ Techcombank, bao gồm vay lãi suất thấp, đóng phí bảo hiểm tài sản và nhiều dịch vụ tài chính khác từ khi mua nhà đến lúc ở, sinh hoạt hằng ngày. Techcombank cũng cung cấp kèm theo dịch vụ hỗ trợ quản lý tài chính cá nhân, tất cả đều được thực hiện trên một nền tảng đồng bộ, thuận tiện, hiệu quả.
Điểm nổi bật của quan hệ hợp tác Techcombank và Masterise là việc tích hợp các dịch vụ tài chính và bất động sản. Khách hàng không chỉ được tiếp cận các sản phẩm tài chính chất lượng của Techcombank mà còn được trải nghiệm các tiện ích sống vượt trội từ Masterise Homes. (1)
Mặc dù mới nổi lên trong khoảng 5 năm trở lại đây, song trên thực tế, Masterise Group đã xuất hiện từ khá sớm trên thị trường bất động sản. Tiền thân của tập đoàn này là Công ty cổ phần Đầu tư Thảo Điền (TDI) được thành lập vào năm 2007, song tới năm 2016, TDI mới “trình làng” dự án đầu tay mang tên Masteri Thảo Điền.
Đây cũng là lúc bà Đỗ Tú Anh (sinh năm 1974), từng được biết đến là Giám đốc chi nhánh miền Nam của Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS, công ty con của Techcombank), thành viên Ban đại diện Quỹ Đầu tư bất động sản Techcom Việt Nam – đảm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT của TDI. Khi đó, TDI có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Năm 2019, TDI đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Masterise, đồng thời khởi động cho quá trình tăng vốn, từ 1.000 tỷ đồng (2016) lên 1.423 tỷ đồng (tháng 5/2020) rồi 2.423 tỷ đồng (tháng 10/2020).
Cũng từ 2019, một nhóm doanh nghiệp mang “họ” Masterise được ra đời, có thể kể đến như: Công ty TNHH Phát triển bất động sản Masterise Homes, Công ty Cổ phần phân phối Masterise Retail, Công ty TNHH môi giới Masterise Agents, Công ty TNHH dịch vụ và quản lý bất động sản Masterise Services, Công ty TNHH dịch vụ khách sạn Masterise Hotels, Công ty TNHH Dịch vụ nghỉ dưỡng Masterise World, Công ty quản lý bất động sản Masterise Property, Công ty TNHH Masterise Luxury Lifestyle.
Ban đầu, hầu hết các công ty trên có vốn điều lệ khởi điểm chỉ 20 tỷ đồng, phần nhiều do bà Nguyễn Hương Liên đại diện phần vốn góp. Bà Liên là vợ ông Hồ Anh Ngọc, em trai ông Hồ Hùng Anh. Ông Ngọc từng giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Masteries Group giai đoạn 2011-2012 và hiện đang là Phó chủ tịch Techcombank. (2)
Sau khi khởi tạo nhóm doanh nghiệp trên, bà Nguyễn Hương Liên đã chuyển giao cho các nhân vật khác trong Masterise Group như Phan Thị Ánh Tuyết, Trần Quốc Hoài… qua đó cắt đứt sợi dây liên hệ cá nhân giữa giới chủ Techcombank và tập đoàn này.
Khi các cổ đông lại chất vấn về mối quan hệ với Tập đoàn Masterise, một lần nữa, ông Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank – trả lời như các năm trước rằng, doanh nghiệp này không phải công ty đầu tư bất động sản mà là nhà phát triển dự án, ký hợp tác với các chủ đầu tư để triển khai và thu phí.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước khẩn trương có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính, tiền tệ.
Nguồn: Chính phủ
“Không có chuyện Techcombank cấp tín dụng để Masterise tài trợ các dự án” – ông Hùng Anh khẳng định và cho biết dự án mà tập đoàn này đang triển khai đều hoạt động bình thường và tiến độ xây dựng đúng hạn. Với các khách hàng khác, những chủ đầu tư này vẫn duy trì công việc dù thị trường bất động sản đang trong giai đoạn rất khó khăn.
Với trái phiếu, Chủ tịch HĐQT Techcombank khẳng định, ngân hàng luôn quản lý trái phiếu như một khoản vay. Giá trị sổ sách của trái phiếu trong giai đoạn vừa qua đã giảm nhưng việc giảm này chỉ là vấn đề thời gian. Lượng trái phiếu Techcombank tư vấn chào bán ra thị trường bán lẻ cho tới nay chưa có trái phiếu nào bị quá hạn về gốc và lãi.
Cũng giống như Techcombank, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) có mặt trong rất nhiều dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam triển khai như TNR Grand Palace Thái Bình, TNR Stars River Side Nam Sách, TNR Stars Đồng Văn, TNR Stars Bích Động, TNR Stars Thắng City…
Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam (TNR Holdings) là một thành viên của Tập đoàn TNG Holdings Vietnam. Là tập đoàn kinh tế đa ngành, trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, TNG Holdings Vietnam hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực gồm: Bất động sản, Cho thuê bất động sản, Dịch vụ, Khách sạn và Khu nghỉ dưỡng, Năng lượng, Nông nghiệp và Tài chính – Ngân hàng.
TNR Holdings có nhiều dự án trải dài trên cả nước như TNR GoldSeason (Thanh Xuân, Hà Nội), TNR Goldmark City (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), TNR GoldSilk Complex (Hà Đông, Hà Nội), TNR The GoldView (Quận 4, TPHCM), TNR Stars Lệ Ninh (Lệ Thủy, Quảng Bình), TNR Stars Đồng Văn (Duy Tiên, Hà Nam), TNR Stars Tân Trường (Cẩm Giàng, Hải Dương), TNR Stars Riverside (Nam Sách, Hải Dương), TNR Stars Center Cao Bằng (Hợp Giang, Cao Bằng), TNR Stars Thoại Sơn (Thoại Sơn, An Giang), TNR Stars Bích Động (Việt Yên, Bắc Giang)… Cùng với việc sở hữu các khu đất vàng, các dự án đình đám tại thành phố lớn, đến nay, TNR Holding còn gây chú ý khi liên tục thâu tóm quỹ đất lớn lên tới cả triệu ha tại các tỉnh lẻ.
Trong quá trình phát triển, TNR Holdings và Ngân hàng MSB luôn có những bước đi đồng hành cùng nhau. Được biết, Chủ tịch HĐQT MSB là ông Trần Anh Tuấn. Ông có bằng cử nhân khoa học địa chất của học viện địa chất quốc gia Matxcova (Nga) và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của đại học Griggs (Mỹ). Ông từng học tập và kinh doanh tại Nga 10 năm trước khi trở về nước vào năm 1996 để tham gia kinh doanh và đầu tư. Sau khi về nước, ông Tuấn nắm vai trò lãnh đạo tại CTCP Nam Thắng và Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam VID Group từ đó đến nay.
Sở dĩ phát sinh mối quan hệ mật thiết giữa MSB và hệ sinh thái TNG Holdings là bởi bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường – Chủ tịch HĐQT của TNG Holdings là vợ ông Trần Anh Tuấn. Hiện bà Hường cũng đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của VID Group. Trước đó, bà Nguyệt Hường từng bị bãi nhiệm chức danh Đại biểu Quốc hội do có 2 quốc tịch.
Trong lĩnh vực bất động sản thương mại, các dự án của TNG Holdings được phát triển dưới thương hiệu TNR Holdings bao gồm các chung cư, khu dân cư và tòa nhà văn phòng.
Theo dữ liệu tài chính quý 4/2024, lợi nhuận sau thuế 2023 gần như đi ngang, nợ xấu ngân hàng tăng gần đến mức phải đưa vào kiểm soát hơn 4.280 tỷ đồng. Cả 3 nhóm nợ đều tăng, cuối năm 2022 dành gần 10,4 nghìn tỷ đồng cho bất động sản có liên quan đến TNR Holdings.
Ông Tuấn và bà Hường được giới kinh doanh biết tới là cặp đôi “quyền lực” luôn song hành cùng nhau khi chồng nắm ngân hàng còn vợ là “ông lớn” trong lĩnh vực đầu tư các khu công nghiệp và bất động sản. Cùng với việc nắm cổ phần tại MSB, hệ sinh thái ROX GROUP của doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường thật sự khá sâu sắc, khi bà cũng là vợ của doanh nhân Trần Anh Tuấn đang ngồi ghế Chủ tịch HĐQT từ năm 2012 cho đến nay. (3) (4)
Mới đây, ngân hàng MSB công bố danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ. Đáng chú ý, trong danh sách có nhóm công ty trực thuộc ROX Group gồm: Công ty Cổ phần ROX Key Holdings; Cổ phần Đầu tư Xây dựng ROX Cons; Công ty Cổ phần Đầu tư và Cho thuê Tài sản TNL (hiện đã sáp nhập vào là ROX Living).
Các tổ chức này đang nắm giữ hơn 138,8 triệu cổ phiếu MSB, tương đương 5,38% vốn MSB, nhưng tính cả người có liên quan thì tỷ lệ sở hữu của nhóm này là 8,02% vốn của ngân hàng chồng bà Hường. Bên cạnh các công ty mang họ ROX này, thì còn những cổ đông nắm trên 1% vốn MSB với những cái tên cũng nằm trong hệ sinh thái bà Hường gồm: – Công ty TNHH Khu nghỉ dưỡng Bãi Dài đang nắm 4,96% vốn; Công ty TNHH Công nghệ Xanh Hà Nội nắm giữ 129,2 triệu cổ phiếu, tương đương 4,97% vốn ngân hàng MSB; Công ty Xây dựng và Kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hà Nội – Đài Tư nắm giữ 129,48 triệu cổ phiếu, tương đương 4,98% vốn.
Hiện theo thống kê các doanh nghiệp “dây mơ rễ má” họ ROX này đang chiếm 1/4 số vốn đề lệ MSB. MSB của Chủ tịch Trần Anh Tuấn còn đứng ra thu xếp cho nhiều thương vụ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp của vợ mình và đã huy động nguồn vốn khủng từ kênh trái phiếu, trở thành một trong những đơn vị “ôm” nợ trái phiếu tốp đầu thị trường. Điều đặc biệt hơn, dù tài sản và dự án khá nổi trên thị trường nhưng ROX Living trong năm 2023 chỉ có 86 tỷ lợi nhuận. Không những thế, nửa đầu năm 2024 doanh nghiệp này chỉ báo lãi sau thuế vỏn vẹn 6 tỷ.
Được MSB đứng sau, ROX Living chỉ có 2.593 tỷ trong khi nợ phải trả gấp 11,06 lần vốn chủ sở hữu, tương đương mức 28.678,5 tỷ. Tiếp theo sau là Công ty bất động sản Mỹ với hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gấp 6,25 lần, nợ phải trả vượt ngưỡng 20.000 tỷ. Vẫn còn nữa là Hano-Vid cũng có nợ phải trả gấp 4,42 lần vốn chủ sở hữu, vượt ngưỡng 23.000 tỷ. (5)
Sở hữu chéo: Hậu quả nhãn tiền và bài học kinh nghiệm
Trong thương vụ thâu tóm “đất vàng” của VINAFOOD 2 đáng chú ý vai trò của các ngân hàng đứng sau, giúp sức các doanh nghiệp.
Cụ thể, căn cứ kết quả điều tra và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 26/10/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với 02 cá nhân: Huỳnh Thế Năng (sinh năm: 1959; nguyên Tổng Giám đốc VINAFOOD 2) và Đinh Trường Chinh (sinh năm: 1974; nguyên giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Hai bị can này đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng khu đất khu đất số 33 Nguyễn Du và 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Theo xác nhận của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, bà Hoàng Ngọc Cẩm Hồng đã xuất cảnh từ ngày 10/02/2016, nhưng lạ rằng trong cùng ngày 15/02/2016 (sau 05 ngày), bà Hồng đã ký lập 09 ủy nhiệm chi tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Ngân hàng MSB), với tổng số tiền 792 tỷ đồng/09 ủy nhiệm chi để chuyển tiền từ tài khoản của bà tại ngân hàng MSB vào tài khoản của Công ty Việt Hân cũng tại MSB, với nội dung “Chuyển một phần tiền theo hợp đồng chuyển nhượng vốn góp ngày 30/01/2016” (mua 99% vốn góp (792 tỷ đồng) trong Công ty Việt Hân Sài Gòn).
Đồng thời, trong cùng ngày 15/02/2016, Công ty Bất động sản Mùa Đông cũng lập 20 ủy nhiệm chi (có một số ủy nhiệm chi có cùng nét chữ của 09 ủy nhiệm chi do bà Hoàng Ngọc Cẩm Hồng nêu trên) với tổng số tiền là 1.683 tỷ đồng chuyển tiền từ tài khoản của Công ty CP Bất động sản Mùa Đông vào tài khoản của bà Hoàng Ngọc Cẩm Hồng cũng tại Ngân hàng MSB, với nội dung “Chuyển tiền mua phần vốn góp tại Công ty Việt Hân Sài Gòn theo hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp số 03/2016 HĐCNVG/VH-SG ngày 02/02/2016” (mua 99% vốn góp không ngang giá (1.683 tỷ đồng) trong Công ty Việt Hân Sài Gòn).
Không chỉ có vậy, ngày 04/02/2016 Ngân hàng MSB và Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông đã ký kết Hợp đồng cho vay số 042/2016/HĐCV, tổng số tiền được vay là 1.683 tỷ đồng, mục đích để tài trợ cho Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông mua 99% vốn góp trong Công ty Việt Hân Sài Gòn của bà Hoàng Ngọc Cẩm Hồng. Ngân hàng MSB đã thực hiện giải ngân ngày 04/02/2016.
Song song với đó, ngày 29/5/2016, ông Đinh Trường Chinh, thời điểm này là Chủ tịch HĐTV là đại diện theo pháp luật của Công ty Việt Hân Sài Gòn đã ký Hợp đồng thế chấp với Ngân hàng MSB, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (Hợp đồng không số) bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 04 cơ sở nhà đất này có tổng giá trị tài sản đảm bảo là 2.043 tỷ đồng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông theo Hợp đồng cho vay số 042/2016/HĐCV.
Không chỉ có vậy, tìm hiểu của phóng viên cho thấy, tháng 2/2016 Công ty Việt Hân Sài Gòn cũng đã dùng khoản phải thu hình thành trong tương lai phát sinh từ việc bán căn hộ, tầng hầm, trung tâm thương mại, văn phòng… của dự án tại địa chỉ 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du làm tài sản thế chấp cho giao dịch tín dụng cũng với Ngân hàng MSB, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.
Thương vụ chuyển nhượng phần vốn góp, thâu tóm “đất vàng” của VINAFOOD 2 chưa dừng lại ở đó. Sau khi Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông mua lại 99% phần vốn góp của bà Hoàng Ngọc Cẩm Hồng tại Công ty Việt Hân Sài Gòn thì Công ty Việt Hân và Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông tiếp tục thực hiện chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn góp (800 tỷ đồng vốn điều lệ) trong Công ty Việt Hân Sài Gòn cho 02 pháp nhân mới là Công ty cổ phần Saigon Dimenaion, và Công ty Đầu tư BOB, với giá trị chuyển nhượng ghi trong hợp đồng tăng từ 1.980 tỷ đồng thành 2.250 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy dù Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông nắm giữ 99% vốn góp của Công ty Việt Hân Sài Gòn trong thời gian ngắn nhưng đã kịp vay hàng nghìn tỷ đồng từ Ngân hàng MSB để “lướt sóng” đất vàng thu lợi. Chưa tính việc Công ty Việt Hân Sài Gòn cũng đã dùng tài sản hình thành trong tương lai của dự án “đất vàng” này để thực hiện giao dịch tín dụng với Ngân hàng MSB. (7)
Hay như điển hình qua vụ Vạn thịnh Phát, câu chuyện “đại gia” đứng sau thao túng, chi phối các tổ chức tín dụng đã được đặt ra. Vấn đề này, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo Trung ương) từng có cảnh báo. Từ năm 2015, Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo kiểm tra chuyên đề về lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, đưa ra 29 kiến nghị, yêu cầu cụ thể, theo đó, tình hình khó khăn, vướng mắc và vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này đã đỡ đi rất nhiều. Tuy nhiên, để thay đổi và bảo đảm sự minh bạch, lành mạnh không thể một sớm một chiều.
Vụ Vạn Thịnh Phát là vụ án điển hình về tham ô trong khu vực tư và không chỉ dừng lại ở một hành vi tham ô mà còn kéo theo nhiều hành vi phạm tội khác rất nghiêm trọng. Việc xử lý bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm là lời răn đe, cảnh tỉnh “cả vùng, cả lĩnh vực”. Đây là bài học không của riêng ai. Các doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là các doanh nghiệp “đồng sở hữu” tổ chức tín dụng cần xem đây là tấm gương để tự soi, tự sửa. (8)
Câu hỏi quan trọng hơn mà dư luận đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước, là làm sao đề ngăn chặn thêm các “SCB” trong tương lai? Cách đây gần 20 năm chúng ta nói nhiều đến “sở hữu chéo”. Và trong quá khứ cũng đầy rẫy những bài học từ sở hữu chéo, đặc biệt trong hoạt động ngân hàng thương mại. Đáng tiếc, những cảnh báo hóa ra chỉ giúp “sỡ hữu chéo” ngày càng tinh vi hơn. nhiều đại biểu tiếp tục lên tiếng cho rằng, việc sở hữu chéo, chi phối và thao túng ngân hàng ngày càng phức tạp, cần phải xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm xác định được cá nhân, tổ chức hay còn gọi với những cái tên mỹ miều, như “ông bầu”; “madam” nắm quyền… ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng. Họ là ai? Là các chủ doanh nghiệp lớn.
Các cổ đông có thể lách quy định sở hữu bằng việc nhờ đứng tên hộ. Nhưng điều này thường không giấu được cơ quan chức năng. Muốn làm quyết liệt sẽ làm được, việc điều tra một người có liên quan đến ai trong ngân hàng đâu có khó!
– TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chính vì thế mà có một tình trạng phổ biến là, tiền trong ngân hàng là tiền gửi của dân, nhưng người dân lại rất khó vay do những “quy định điều kiện vay” hết sức ngặt nghèo, trong khi lại quá dễ dàng cho doanh nghiệp “sân sau”.
Cũng phải ghi nhận rằng, trong giai đoạn sơ khai của thị trường tài chính vừa qua, nhiều đại gia mua lại các ngân hàng, đa phần lúc đó còn là “ngân hàng nông thôn”, rồi dần phát triển trở thành các nhà băng tên tuổi trên thị trường hiện nay. Họ có công lao không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế Việt Nam, góp phần quan trọng khẳng định vai trò của khối tư nhân.
Nhưng không ít trong số họ đã biến ngân hàng trở thành công cụ tài chính huy động vốn, điều chuyển một lượng lớn nguồn lực, chính là tiền gửi của người dân, cho các hoạt động kinh tế thân hữu, mà tỷ trọng lớn nhất là bất động sản (BĐS). (9)
Xã hội đã hình thành tâm lý đầu cơ BĐS, dòng vốn không ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, mà “chôn” và “chết” ở BĐS dẫn tới lãi suất rất khó để hạ xuống. Với sản xuất kinh doanh, lãi suất cao đồng nghĩa với sức cạnh tranh teo tóp so với các đối thủ nước ngoài, trên “sân chơi” hội nhập.
Giá tài sản (chủ yếu là BĐS) phải càng tăng thì định giá vay ngân hàng mới nhiều hơn, giúp giới chủ bù đắp các khoản vay và duy trì hệ thống.
Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, điểm vướng lớn nhất của thị trường bất động sản là trái phiếu doanh nghiệp. Năm 2023 – 2024, trung bình mỗi năm, doanh nghiệp địa ốc sẽ phải trả tới hàng trăm ngàn tỷ. Trong khi, dự án khó thanh khoản, phía ngân hàng cạn room tín dụng, áp lực trả nợ trái phiếu của doanh nghiệp rất lớn. Ông Cường còn lo ngại đây là vấn đề có thể đẩy thị trường địa ốc vào điểm xấu.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có quy định giới hạn cho vay vào BĐS, tuy nhiên, nếu đó là chủ ngân hàng, thành viên hội đồng quản trị… thì họ sẽ có nhiều cách để cho doanh nghiệp sân sau được vay vốn. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu và ngân hàng sẽ đứng ra mua. Đây cũng là một hình thức cho vay, song rủi ro cho vay đã bị che lấp. Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong việc cho vay cũng như tạo sự mất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Ông Thịnh cho rằng để hạn chế tình trạng tín dụng chảy vào các “sân sau”, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay BĐS tại các ngân hàng có lãnh đạo liên quan đến doanh nghiệp BĐS. Đồng thời, cần giám sát các hình thức cho vay khác nhau, kể cả việc mua bán trái phiếu, cho vay thông qua các lĩnh vực khác… để hướng dòng tín dụng của ngân hàng chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phục vụ cả nền kinh tế.
Tại một hội thảo mới đây, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, thị trường trái phiếu của Việt Nam đáng buồn khi gần 50% trái phiếu là BĐS, 30% là ngân hàng, 20% còn lại thì 5-7% rơi vào điện mặt trời phát hành ồ ạt. Khối lượng trái phiếu phát hành vài năm qua dường như không có bóng dáng của khu vực sản xuất, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp, thương mại… mà tập trung chủ yếu cho ngành có cơ hội đầu cơ cao nhất là BĐS.
“Ngân hàng phát hành trái phiếu chỉ để tăng vốn chủ sở hữu (tăng vốn cấp 2), để có thêm nhiều cơ hội huy động vốn, tăng tổng tài sản lên, mà huy động vốn lại để cho vay. Tuy nhiên, việc cho vay này chủ yếu tập trung vào các công ty “sân sau”, tập trung vào BĐS”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa nhấn mạnh: “Số ngân hàng cho các tập đoàn “sân sau” vay lớn tới mức đáng báo động, chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, các con số công bố chính thức gần như vẫn đúng theo Luật Các tổ chức tín dụng và đây là điều rất đáng lo ngại”, ông Nghĩa nói và cho biết trái phiếu “buồn” vì vắng bóng các khu vực sản xuất, dịch vụ, thương mại…
Cũng theo ông Nghĩa, bao nhiêu năm phát triển trái phiếu doanh nghiệp mà không vào sản xuất – lĩnh vực cần trái phiếu nhất. Lý do là lãi suất quá cao thì ngành sản xuất không chịu đựng được, ngoài ra kỳ hạn trái phiếu phần lớn chỉ 3 năm thay vì 5 năm, 10 năm, 15 năm thì các doanh nghiệp không xoay xở được.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước khẩn trương có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính, tiền tệ. (10) (11)
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – cho rằng giới chủ của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân thường có xu hướng tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần. Do đó, tăng vốn chủ yếu là của cá nhân, thậm chí nhiều cổ đông tăng sở hữu bằng vốn thực chất của cá nhân.Theo ông Đức, điều này dẫn đến tình trạng trong một số thời kỳ, ước đoán có nhiều hơn một nửa số ngân hàng cổ phần chỉ do một số ít cá nhân sở hữu chi phối. Tuy nhiên, khác với lộ trình giảm dư nợ cấp tín dụng (cho một khách hàng từ 15%, mỗi năm giảm 1%, xuống 10% vốn tự có kể từ năm 2029, tương tự là giảm mức dư nợ đối với mỗi nhóm khách hàng và người có liên quan từ 25% xuống 15%), lại chưa đặt ra lộ trình cụ thể giảm sở hữu vốn, mà giao toàn quyền cho Ngân hàng Nhà nước.
Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 quy định cổ đông là cá nhân chỉ được sở hữu tối đa 5% vốn điều lệ ngân hàng, trong khi cổ đông tổ chức không được sở hữu quá 10%. Các tổ chức tín dụng cũng phải công khai danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Điều này giúp minh bạch hóa việc giám sát các ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay mới có 23 ngân hàng chấp hành quy định công bố công khai danh sách này.
“Một người dân không nằm trong diện nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng lại là cổ đông nắm 1% vốn ngân hàng, một doanh nghiệp liên quan đến giới chủ vay rất nhiều tiền từ ngân hàng, nếu được công khai chi tiết thông tin thì công chúng đều nhìn thấy và cơ quan chức năng phải xem xét ngay. Tuy nhiên, nếu 10 cổ đông, mỗi người được nhờ đứng tên sở hữu suýt soát 1% thì tổng số đã gần gấp đôi giới hạn đối với một cổ đông cá nhân mà không phải công khai, tức không bị giám sát chặt”, Luật sư Trương Thanh Đức phân tích.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tỷ lệ sở hữu của cá nhân tại Luật Các tổ chức tín dụng được quy định thấp hơn so với pháp nhân. Các cổ đông có thể lách quy định sở hữu bằng việc nhờ đứng tên hộ. “Nhưng điều này thường không giấu được cơ quan chức năng. Muốn làm quyết liệt sẽ làm được, việc điều tra một người có liên quan đến ai trong ngân hàng đâu có khó,” TS. Nguyễn Trí Hiếu nói. (12)
ĐTVN
————-
Đầu tư Việt Nam (Tài chính – Ngân hàng) ngày 21-02-2025:
(376/4.923)