Vụ khách hàng mất 46 tỷ đồng tại Sacombank: Ngân hàng giữ tiền chờ kết quả điều tra có hợp lý?
(VNB) – Theo Luật sư Trương Thanh Đức, việc tạm giữ các khoản tiền, tài sản, chứng cứ có liên quan để chờ phán xét của toà án là quy định chung không chỉ riêng ở vụ án này. Điều này là hợp lý khi vụ việc còn nhiều điểm nghi vấn, cần điều tra làm rõ.
Vụ việc “khách hàng tố mất 46 tỷ đồng” diễn ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – Mã: STB) đã nhận được sự quan tâm của nhiều kênh truyền thông, dư luận trong thời gian qua với nhiều ý kiến trái chiều.
Khách hàng là bà Hồ Thị Thùy Dương cho biết đã bị mất 46,9 tỷ đồng trong tài khoản khi không thực hiện giao dịch nhưng phía Sacombank lại cho biết cần chờ kết luận điều tra của cơ quan chức năng để có hướng giải quyết. Nhiều ý kiến cho rằng đây là cách xử lý chưa hợp tình, hợp lý, nhất là khi ngân hàng đã trả tiền cho một số khách hàng bị rơi vào trường hợp giống bà Hồ Thị Thùy Dương.
Việc phong toả tài sản để điều tra vụ án là bình thường
Chia sẻ với chúng tôi, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng dưới góc độ pháp lý, trong trường hợp có phát sinh tranh chấp giữa các bên thì cần có bên thứ ba phân xử mà ở đây là toà án.
Tại vụ việc Sacombank lần này, ngân hàng đã trả tiền cho một số khách hàng có liên quan trong cùng sự vụ cho thấy giữa những trường hợp này có sự khác nhau. Trường hợp nào không liên quan, có thể xử lý nhanh. Trường hợp nào có dấu hiệu liên quan đến tội phạm hình sự, pháp luật cho phép dừng lại để chờ kết luận của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.
Theo luật sư, về nguyên tắc, những người làm trong ngân hàng nói riêng là làm theo sự phân công, ủy quyền, giao việc của ngân hàng nên sai thì ngân hàng phải chịu. Nếu nhân viên ngân hàng làm không đúng quy trình, không đúng quy định của pháp luật và quy định nội bộ thì thuộc về trách nhiệm nội bộ trong ngân hàng, chứ nguyên tắc là ngân hàng sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm đối với khách hàng khi cán bộ của mình làm sai khiến khách hàng mất tiền, tài sản hay những thiệt hại khác.
“Tuy các cán bộ nhân viên Sacombank đã bị khởi tố về tội Tham ô tài sản nhưng người nào chưa bị Tòa án kết tội thì vẫn không thể coi là có tội. Trường hợp này, mới chỉ là khởi tố vụ án, khởi tố bị can, còn cần quá trình điều tra, xem xét”, ông Đức cho hay.
Theo Luật sư trong trường hợp bà Hồ Thị Thuỳ Dương cần lưu ý có điểm bất bình thường đó là không thể xác định được ngay việc mất tiền là do lỗi của ai, trường hợp này cũng đã bị khởi tố vụ án hình sự.
Do đó, việc phong toả, tạm giữ các khoản tiền, tài sản, chứng cứ có liên quan để chờ đợi phán xét của toà án là bình thường, bởi vì đây là quy định chung không chỉ riêng ở vụ án này.
Sau này nếu kết luận cán bộ ngân hàng là người có lỗi, khách hàng vô can thì ngân hàng trả toàn bộ số tiền gốc, tiền lãi trong hạn mà khách hàng bị mất và còn phải trả lãi quá hạn (bằng 150% lãi trong hạn) khi không trả tiền đúng hạn theo đúng quy định của pháp luật (Bộ Luật dân sự).
“Trong trường hợp ngược lại, nếu có bằng chứng rằng khách hàng có sơ suất thì họ sẽ phải chịu một phần trách nhiệm. Hoặc nếu khách hàng cố tình sai trái hoặc thông đồng với cán bộ ngân hàng thì câu chuyện sẽ hoàn toàn chuyển theo hướng khác, chứ không phải chỉ là trách nhiệm của một phía.”, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo Luật sư để có được sự yên tâm không chỉ riêng những người mất tiền mà của tất cả khách hàng của ngân hàng thì Sacombank nên tuyên bố cam kết rõ ràng rằng sẽ trả đủ gốc, đủ lãi trong hạn và quá hạn, thậm chí cả những thiệt hại hệ luỵ (nếu có).
“Nếu ngân hàng tuyên bố như vậy thì sẽ rất sòng phẳng với khách hàng”, ông Đức nhận định. Theo ông, nếu ngân hàng có cam kết rõ ràng, có khi khách hàng sẽ vui lòng gửi lại hơn vì nhận được lãi suất cao hơn thông thường.
Hơn 46 tỷ đồng đã ‘bốc hơi’ như thế nào?
Để hiểu rõ hơn được về vấn đề này, chúng tôi sẽ điểm lại những thông tin chính của sự việc để xem hơn 46 tỷ đồng trong tài khoản của bà Hồ Thị Thùy Dương đã “bốc hơi” khỏi tài khoản tại ngân hàng Sacombank như thế nào.
Bà Hồ Thị Thùy Dương mở tài khoản và giao dịch tại Sacombank – PGD Cam Ranh (Khánh Hòa) đã nhiều năm. Đến tháng 5/2022, bà Dương cho biết bản thân phát hiện tài khoản của mình bị mất tiền và đã đề nghị ngân hàng trích lục sao kê. Kết quả, có tổng cộng 12 giao dịch (9 giao dịch rút tiền mặt và 3 giao dịch chuyển khoản) diễn ra từ 4/5/2022 đến 14/6/2022, với số tiền 46,9 tỷ đồng.
Theo cho biết từ bà Dương, tất cả giao dịch đều diễn ra trong khoảng thời gian 18h – 21h ngoài giờ hành chính. Đặc biệt, trong số đó có một giao dịch chuyển khoản số tiền 11 tỷ đồng, trong khi hạn mức tài khoản chỉ cho phép là 10 tỷ đồng.
“Tất các các giao dịch đều diễn ra sau giờ làm việc hành chính và tôi không hề nhận được tin nhắn biến động số dư. Có giao dịch vào thời điểm tôi đi nghỉ mát ở Phú Quốc”, Pháp luật TP HCM dẫn lời bà Dương.
Trong khi đó, phía Sacombank cho biết những thông tin khách hàng Hồ Thị Thùy Dương cung cấp là một chiều, chưa đầy đủ và không phản ánh đúng bản chất sự việc.
Ngân hàng cho hay ngay khi phát hiện sự vụ vào tháng 10/2022, ngân hàng đã báo cáo đến Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để điều tra, khởi tố vụ án theo quy định pháp luật.
Sacombank đã kiểm tra toàn bộ hồ sơ và phát hiện có bằng chứng vay mượn, hợp tác làm ăn ngoài xã hội giữa bà Dương và một số cá nhân nguyên là cán bộ nhân viên phòng giao dịch Cam Ranh trong nhiều năm. Các bằng chứng này đã được các đối tượng liên quan cung cấp và lập vi bằng ngày 16/10/2022.
Đối với 12 giao dịch mà bà Dương cho rằng mình bị mất tiền, Sacombank có đầy đủ chứng từ có chữ ký nhận tiền của bà Dương, bao gồm 9 phiếu nhận tiền mặt và 3 ủy nhiệm chi. Toàn bộ các tài liệu này đã được Sacombank chuyển giao cho Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa.
“Về phía ngân hàng, chúng tôi khẳng định không thoái thác trách nhiệm với khách hàng Hồ Thị Thùy Dương nói riêng và các khách hàng liên quan đến vụ việc xảy ra tại PGD Cam Ranh nói chung nhưng mọi việc cần xử lý tuân thủ quy trình và chờ kết luận từ cơ quan chức năng”, thông cáo của Sacombank khẳng định.
Sacombank – Phòng giao dịch Cam Ranh, nơi xảy ra vụ việc khách hàng mất tiền. (Ảnh: Sacombank).
Tháng 11/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố theo quyết định khởi tố vụ án hình sự và bắt tạm giam các cá nhân liên quan nhằm phục vụ công tác điều tra. 4 cá nhân bị khởi tố gồm bà Nguyễn Thị Thanh Hà – Phó phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh; một thủ quỹ và hai nhân viên giao dịch tại đây.
Đồng thời, Sacombank đã ra quyết định sa thải các cá nhân này và bổ nhiệm nhân sự mới nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của PGD Cam Ranh.
Kết quả điều tra bước đầu xác định từ tháng 8/2022, do cần tiền, bà Nguyễn Thị Thanh Hà đã tự ý sử dụng thông tin khách hàng (số tài khoản, số thẻ tiết kiệm) và nhiều lần chỉ đạo các nhân viên cấp dưới làm hồ sơ tín dụng khống (vay cầm số sổ tiết kiệm), mục đích để làm chứng từ khống tất toán và chứng từ khống rút tiền từ thẻ tiết kiệm của khách hàng.
Hiện vụ việc vẫn đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng việc cơ quan chức năng khởi tố Phó phòng Giao dịch Sacombank Cam Ranh – Nguyễn Thị Thanh Hà về tội tham ô tài sản với những dấu hiệu ban đầu là chính xác và hợp lý.
Bởi Phó phòng giao dịch Cam Ranh là người giữ chức vụ quản lý trong doanh nghiệp còn các cán bộ, nhân viên ngân hàng khác là những người được giao thực hiện các nhiệm vụ tại ngân hàng, trong đó có việc bảo đảm tiền gửi cho khách hàng và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ đó.
Việc họ tự ý rút gần 47 tỷ đồng, theo cáo buộc của bà Dương, là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể bị xử lý về tội Tham ô tài sản theo Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015.
Các điều khoản trong thoả thuận tạm ứng tiền có hợp lý?
Bà Dương và ngân hàng Sacombank đã nhiều lần làm việc với nhau nhưng không đi đến thống nhất, bà Dương đã gửi đơn cầu cứu đến nhiều nơi cả Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan cảnh sát, công an.
Cụ thể, ngày 26/12/2022, bà Dương chủ động liên hệ đề nghị Sacombank tạm ứng hỗ trợ 15 tỷ đồng duy trì hoạt động kinh doanh trong quá trình chờ điều tra sự vụ. Sacombank đã chấp nhận đề nghị này nhưng sau đó, khách hàng thay đổi và không nhận tạm ứng nữa.
Phía bà Dương cho biết ngân hàng có văn bản ủy quyền cho luật sư thông báo đến bà Dương về việc hỗ trợ tạm ứng số tiền 15 tỷ đồng. Điều kiện khi nhận 15 tỷ đồng từ Sacombank là: “Không thực hiện việc đăng tin, lan truyền thông tin này trên mạng xã hội và các phương tiện khác khi chưa có sự kết luận của cơ quan chức năng và sự đồng ý bằng văn bản của Sacombank”.
Sau đó, bà đã không đồng ý với việc tạm ứng này nữa.
Giấy đề nghị rút tiền bà Dương gửi Sacombank. Ảnh: Zing News.
Gần đây nhất, ngày 19/3, bà Hồ Thị Thùy Dương đã đề nghị Sacombank cho rút 25 tỷ đồng nằm trong số 46,9 tỷ đồng.
“Tôi đề nghị ngày 21/3, phía ngân hàng trả 25 tỷ đồng từ tài khoản, còn 21,9 tỷ đồng còn lại tôi đề nghị được mở một sổ tiết kiệm tại Sacombank mang tên Hồ Thị Thùy Dương, có thời hạn 4 tháng. Đến thời hạn rút tiền đề nghị, ngân hàng hoàn trả gốc và lãi theo quy định kể từ ngày tôi bị tạm giữ số tiền trên”, bà Hồ Thị Thùy Dương nói với Zing.
Chia sẻ thêm về các thoả thuận này, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng trong các trường hợp khi pháp lý đang mập mờ thì việc hai bên có các thoả thuận với nhau là bình thường. Những thoả thuận này có thể điều hoà nhằm giảm thiểu ảnh hưởng hoặc thiệt hại tới các bên.
Đối với các thoả thuận như vậy, hai bên đều có quyền đưa ra các điều kiện kể cả điều khoản bảo mật hoặc giữ thông tin, điều này xuất hiện nhiều trong các thoả thuận giữa các bên khi đang trong vòng đàm phán các thương vụ.
Theo luật sư, trên thực tế, khi có phán xét của toà án, nếu phần sai thuộc về mình ngân hàng sẽ trả lại toàn bộ số tiền theo nghĩa vụ của mình, nhưng nếu trong trường hợp khách hàng cũng là người sai thì việc họ có hoàn trả lại tiền cho ngân hàng hay không thì chưa rõ. Do đó, việc ngân hàng chấp nhận cho khách hàng tạm ứng một phần tiền và phải hoàn trả trong trường hợp phán xét của toà án làm thay đổi nghĩa vụ các bên là đề nghị hợp lý.
Diệp Bình
—————-
VietnamBiz (Tài chính) 23-3-2023:
(871/2.257) #STB #Sacombank