Lại rộ lên lừa đảo đầu tư tiền số.
(TN) – Những vụ lừa đảo liên quan đến tiền số sau một thời gian lắng dịu thì nay lại được thổi lên.
Lùa gà, đánh sập web…
Những ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao với nhiều ý kiến, phản hồi tố cáo một cá nhân tên N.N.A từ 5 – 6 năm trước đã lôi kéo nhiều người tham gia đầu tư dự án tiền ảo SCSJ. Cụ thể, trong giai đoạn 2019 – 2020 khi làn sóng tiền số, tiền ảo nở rộ, nhiều người chuyển tiền vào tài khoản của N.N.A để đầu tư vào dự án SCSJ, tối thiểu là 1.000 USD (khoảng 25 triệu đồng), và được cung cấp tài khoản cùng mật khẩu để đăng nhập trên web. Từ số coin ban đầu, họ được hứa hẹn sẽ tăng 10 lần, 100 lần khi lên sàn. Rất nhiều người đã tin tưởng và chuyển tiền vào tài khoản riêng của N.N.A để mua tiền ảo với số tiền từ 5.000 – 10.000 USD (tương đương 125 – 250 triệu đồng), đồng thời kêu gọi, giới thiệu người quen cùng đầu tư.
Tuy nhiên, không lâu sau, website bị đánh sập, nhà đầu tư không thể truy cập, đồng tiền SCSJ không được đưa lên sàn. N.N.A khi đó lên tiếng xin lỗi và tự nhận mình cũng là nạn nhân bị lừa. Những nhà đầu tư lúc đó cũng vẫn tin rằng do “số xui” nên ngậm đắng nuốt cay, chịu mất tiền. Thế nhưng bất ngờ mới đây, N.N.A lên một nhóm trên mạng xã hội khoe mới tậu nhà ở Hội An để mở dịch vụ homestay nên nhiều nhà đầu tư đã vào phản hồi và tỏ vẻ nghi ngờ A. hưởng lợi lớn từ vụ tiền ảo trước đây nên mới có được cơ ngơi đồ sộ, cuộc sống giàu sang.
Một nhà đầu tư phẫn nộ cho hay vì tin lời N.N.A nên đã chuyển khoản 5.400 USD để tham gia đầu tư vào SCSJ tháng 9.2019. Một tháng sau, cô nhờ bán coin thì được N.N.A bảo “cứ từ từ để nó lên rồi bán, rồi có ai mua thì bán hộ”, không lâu sau thì web sập. “Cũng phải trách bản thân mình thời điểm đó vì tin vào những lời chào mời quá hấp dẫn của dự án mà bạn với anh họ của bạn mở ra để lùa gà. Tin nhắn mọi thứ vẫn còn. Nhưng suốt 5 năm bạn chưa cho tớ một lời giải thích thỏa đáng”, nhà đầu tư này chia sẻ…
Người đầu tư tiền số cần cẩn thận, tránh dính bẫy lừa đảo
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Những vụ lừa đảo tiền số, tiền ảo như trên trước đây xảy ra khá nhiều. Từ đầu năm đến nay, cơ quan công an cũng liên tục phát hiện và truy tố nhiều tổ chức, cá nhân dụ dỗ, lừa đảo nhà đầu tư. Mới nhất là tháng 2 vừa qua, Công an Q.Cầu Giấy (Hà Nội) thông tin từ năm 2023, hai cá nhân gồm Đỗ Huy Hoàng và Hoàng Văn Quyết đã bàn bạc, thống nhất, liên hệ với đối tượng Alexsandr Mamasidikov (39 tuổi, quốc tịch Uzbekistan) để phân phối, bán tiền ảo MPX thông qua website Crossfi.org và quảng cáo đang hoạt động trong lĩnh vực tiền mã hóa trên thế giới.
Sau đó, nhóm này đăng tải nhiều thông tin về dự án tiền mã hóa trong tương lai, quảng cáo tiềm năng của đồng tiền mã hóa XFI để đi chào mời, bán đồng tiền năng lượng MPX (các đối tượng quảng cáo từ đồng tiền MPX sẽ “đào” được đồng XFI). Trong quá trình dụ dỗ nhà đầu tư, các đối tượng tổ chức cho “con mồi” đi du lịch ở Dubai; quảng cáo giới thiệu có thể sử dụng thẻ visa tích hợp đồng tiền XFI để thanh toán tại các siêu thị, cửa hàng, can thiệp vào giá trị của đồng XFI… nhằm bán được đồng MPX, từ đó chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.
Qua điều tra cho thấy có gần 2.000 bị hại sập bẫy đường dây lừa đảo tiền ảo tinh vi này với tổng số tiền chiếm đoạt khoảng hơn 2.000 tỉ đồng. Theo cơ quan điều tra, CrossFi tiền thân là MinePlex, từng gây xôn xao trong giới đầu tư tiền mã hóa khi tự xưng là ngân hàng điện tử phi tập trung. Bằng các hứa hẹn lợi nhuận hấp dẫn, mô hình này đã huy động được hàng triệu USD trong nhiều năm qua…
Lừa đảo “ăn theo”
Từ đầu tháng 3, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành liên quan trình đề án thí điểm quản lý tài sản số. Ngay sau đó, trên một số diễn đàn về đầu tư tiền số, tiền ảo, các đối tượng lại bắt đầu dụ dỗ nhà đầu tư nên nhanh tay mua tiền số vì khi có khung pháp lý là “VN chính thức cho phép, lúc đó tiền số sẽ có cơ hội tăng”…
Chưa cần biết gì nhiều nhưng bất kỳ hình thức kêu gọi, chào mời đầu tư nào mà cam kết lợi nhuận lớn hơn 3 lần lãi suất tiền gửi ngân hàng trở lên là có dấu hiệu lừa đảo. Bởi trên thị trường, dù bất kỳ lĩnh vực nào thì không thể có ai dám đảm bảo cứ đầu tư là 100% thắng lợi.
Chuyên gia thị trường tài chính Phan Dũng Khánh
Chuyên gia thị trường tài chính Phan Dũng Khánh khuyến cáo: Giống như nhiều trò lừa đảo khác, các cá nhân sẽ tìm cớ để đưa ra những kịch bản mới nhưng bản chất thì vẫn như trước đây. Hứa hẹn đầu tư có lãi lớn trong thời gian ngắn, 1 tuần, 1 tháng… thậm chí “mất em đền” nhưng thực tế chưa ai nhận được đền bù cả. Các nhóm chat này sẽ liên tục đăng lên các mạng xã hội nội dung cho thấy nhiều người lời số tiền khủng (nhưng đều đã bị chỉnh sửa, kèm hình ảnh siêu xe, nhà biệt thự hoành tráng, chụp hình với người nổi tiếng)… Chiêu trò cuối để kết thúc vụ lừa đảo là trang web không truy cập được và các cá nhân giới thiệu cũng biến mất. Ông Khánh nhấn mạnh: “Chưa cần biết gì nhiều nhưng bất kỳ hình thức kêu gọi, chào mời đầu tư nào mà cam kết lợi nhuận lớn hơn 3 lần lãi suất tiền gửi ngân hàng trở lên là có dấu hiệu lừa đảo. Bởi trên thị trường, dù bất kỳ lĩnh vực nào thì không thể có ai dám đảm bảo cứ đầu tư là 100% thắng lợi”.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, hiện nay VN vẫn chưa có quy định liên quan về tài sản số, tiền số nhưng cũng không có điều khoản nào là cấm. Vì vậy có thể được xem là “vùng xám” trong lĩnh vực liên quan. Nếu Chính phủ ban hành quy định thí điểm quản lý tiền số thì cũng không liên quan đến hoạt động giao dịch trên các sàn quốc tế hay nhiều đồng tiền ảo hiện nay, nhất là những đồng tiền do cá nhân tự phát hành. Vì vậy, nhà đầu tư nếu tin tưởng các cá nhân, tham gia góp tiền đầu tư tiền số, tiền ảo thì vẫn tự chịu rủi ro mất tiền mà không được cơ quan nào bảo vệ. Nhiều đồng tiền số do một nhóm cá nhân đưa ra hoàn toàn không có giá trị cơ bản nào, khá mơ hồ về ứng dụng hay khả năng đưa lên giao dịch trên các sàn. “Tính chất và độ rủi ro trong việc đầu tư các đồng tiền số không ai biết, không được niêm yết giao dịch trên một số sàn quốc tế nổi tiếng thì từ trước đến nay vẫn như vậy. Do đó nhà đầu tư nên cẩn trọng trước những lời chào mời kêu gọi đầu tư để hưởng lãi cao”, Luật sư Trương Thanh Đức cho hay.
Bộ Tài chính cho biết ngày 11.3 đã có Tờ trình số 64/TTr-BTC trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về việc triển khai thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất cơ chế phối hợp quản lý giữa các cơ quan như Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động thị trường, đồng thời hạn chế tối đa rủi ro về an ninh tài chính, bảo đảm sự ổn định cho thị trường tài chính – tiền tệ. Hoạt động phát hành và giao dịch tài sản mã hóa đang phát triển nhanh chóng cả về khối lượng phát hành, giá trị giao dịch và mức độ phức tạp. Các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa đang diễn ra sôi động, đa dạng, thu hút số lượng lớn người tham gia, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, thương mại, an ninh của một số quốc gia, trong đó có VN. Việc triển khai thí điểm cho phép các cơ quan quản lý có thể nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi và điều kiện triển khai thực tiễn, giảm thiểu tối đa các hành vi bất hợp pháp như “rửa tiền” và tài trợ khủng bố, bảo vệ nhà đầu tư, tạo tiền đề phát triển thị trường tài chính minh bạch, an toàn, bền vững.
Mai Phương
————-
Thanh niên (Kinh tế) 07-4-2025:
https://thanhnien.vn/lai-ro-len-lua-dao-dau-tu-tien-so-185250406164158362.htm
(237/1.635)