4.029. Bảo hiểm nhân thọ đang được vận hành rất… méo mó

(PN) – Sau khi diễn viên Ngọc Lan phát trực tiếp (livestream) trên Facebook cảnh báo về việc nhân viên bán bảo hiểm tư vấn lập lờ, nhiều người mới coi lại hợp đồng bảo hiểm và phát hiện mình cũng chung cảnh ngộ.

Nhân viên bảo hiểm tư vấn sai, kê khai khống

Phản ánh đến Báo Phụ nữ TPHCM, chị Tuyết Mai (huyện Củ Chi, TPHCM) kể, chị vừa coi lại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (BHNT) của công ty M. và đối chiếu với những gì được nghe từ nhân viên ngân hàng trước đó, chị thấy thông tin tư vấn lập lờ, nhiều nội dung trong hợp đồng bị nhân viên tự ý kê khai sai sự thật.

Chị Mai là khách hàng thân thiết của phòng giao dịch Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) chi nhánh Củ Chi. Nghe nhân viên ngân hàng tư vấn sản phẩm BHNT liên kết đầu tư (vừa có yếu tố tích lũy, vừa đề phòng rủi ro) của công ty M, lãi suất 8,5%/năm, chị đồng ý tham gia với mức phí 50 triệu đồng/năm. “Tôi 51 tuổi, muốn mua BHNT trong vòng 7 năm để vừa đến tuổi nghỉ hưu. Nhân viên nói rằng, tới năm thứ tám, tôi có thể rút được toàn bộ 500 triệu đồng nếu không vi phạm hợp đồng. Từ năm thứ nhất đến năm thứ bảy, nếu tôi xảy ra tai nạn, tử vong thì con tôi sẽ được hưởng toàn bộ 500 triệu đồng này” – chị Mai kể.

Một nhân viên tư vấn bảo hiểm ghi chú rằng khách có thể rút bảo hiểm nhân thọ sau 5 năm nhưng thực tế thì không giống như nhân viên này nói – Ảnh: Độc giả cung cấp

Nhưng mới đây, chị Mai đến phòng giao dịch SCB hỏi lại thì được giải thích: nếu rút tiền ở năm thứ tám là vi phạm hợp đồng và không thể rút được 350 triệu đồng đã đóng trong 7 năm. Lúc này, đọc kỹ lại hợp đồng, chị mới biết, có nhiều thông tin đã bị nhân viên ghi khống. Cha mẹ chị Mai đang mắc nhiều bệnh mãn tính về huyết áp, tim mạch, gan, thận. Lúc tư vấn cho chị, nhân viên không hỏi gì về sức khỏe của cha mẹ chị nhưng vẫn ghi trong hợp đồng là sức khỏe tốt. Chị Mai có tổng thu nhập 8 triệu đồng/tháng nhưng nhân viên kê khống lên thành 30 triệu đồng/tháng. Chị có uống rượu bia khi đi đám tiệc nhưng nhân viên ghi là không sử dụng rượu bia. Nhân viên cũng không cho chị Mai biết rằng chị có 21 ngày để tham khảo và có quyền hủy hợp đồng. Hợp đồng gửi về nhà chị Mai cũng rất trễ, sau 15 ngày kể từ ngày ký.

“Tôi đã đóng BHNT được 100 triệu đồng. Do số tiền đã đóng được phân bổ vào hạng mục đầu tư nhiều hơn là sức khỏe nên khi rút trước hạn, tôi chỉ lãnh được 34 triệu đồng. Tôi có lỗi là không đọc kỹ hợp đồng, nhưng nhân viên tư vấn cũng có lỗi vì không tư vấn rõ quyền lợi, rủi ro của khách hàng. Đề nghị cơ quan thanh tra bảo hiểm rà soát lại xem nhân viên công ty bảo hiểm, nhân viên ngân hàng đã tư vấn đúng và đủ theo quy định pháp luật hay chưa” – chị Mai nêu yêu cầu.

Chị Thiên Kim (quận 10, TPHCM) cho biết, chị tham gia BHNT của công ty M. mức phí 60 triệu đồng/năm. Trong bản minh họa quyền lợi bảo hiểm, nhân viên tư vấn viết tay dòng chữ: “Sau 5 năm, nếu rút hết tiền thì sẽ nhận được 469.268.000 đồng (tiền gốc 300 triệu đồng, còn lại là phần lãi). Tối đa năm thứ năm, khách hàng rút 80% và để lại 20% giá trị bảo hiểm thì vẫn được bảo vệ tối đa khi hết giá trị tài khoản hợp đồng”.

Thế nhưng, nay đọc kỹ hợp đồng, chị Kim mới biết nhân viên này đã tư vấn không chính xác. Trong hợp đồng ghi rõ: nếu từ 1-3 năm mà khách chấm dứt hợp đồng thì phí chấm dứt 100%; từ 4-5 năm mà chấm dứt thì phí trừ là 90%; từ năm thứ sáu, phí trừ 50%; từ năm thứ bảy, phí trừ 25%; từ năm thứ tám, phí trừ 10%; từ năm thứ chín, phí trừ 5%.

Chị Kim bất bình: “Rất nhiều người bị tư vấn sai chỗ thời hạn chấm dứt hợp đồng. Có khách còn được tư vấn rằng, chỉ sau 2 năm là được rút 100% giá trị hợp đồng nếu đóng mức phí cao (trên 100 triệu đồng/năm). Sau đó, họ mới biết là không thể chấm dứt trước hạn, nhưng do không có khả năng đóng tiếp trong các năm tiếp theo nên đành chấp nhận mất hàng trăm triệu đồng”.

Một số bạn đọc cho biết, họ còn phát hiện nhiều nội dung trong hợp đồng BHNT bị nhân viên tư vấn ghi sai thực tế, như thay đổi nghề nghiệp người tham gia bảo hiểm, ghi bừa tên người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm, ghi sai kinh nghiệm đầu tư (chứng khoán, trái phiếu, cổ phiếu, ngoại tệ) của người tham gia. Thậm chí, nhân viên tư vấn còn giả mạo chữ ký của khách hàng trong các hồ sơ như “bảng phân tích nhu cầu tài chính”, “giấy xác nhận đã nhận hợp đồng bảo hiểm”, “phiếu đánh giá mức độ chấp nhận rủi ro”.

Một số khách hàng đang bị các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp, tim mạch nhưng vẫn được nhân viên ghi trong hợp đồng bảo hiểm là “không có bệnh”.

Lỗi do khách hàng hay công ty?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hưng – Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) – thông tin, gần đây, hiệp hội nhận được rất nhiều phản ánh về việc khách đi vay tiền ở ngân hàng nhưng bị ép mua BHNT liên kết đầu tư; đến ngân hàng gửi tiết kiệm nhưng bị nhân viên ngân hàng dụ mua BHNT.

Theo ông, đa phần khách hàng nghĩ rằng đó là sản phẩm đầu tư sinh lời cao hoặc là sản phẩm của ngân hàng chứ không biết đó là hợp đồng mua BHNT. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người không đọc hợp đồng BHNT mà tin và mua theo lời giới thiệu của người thân còn người giới thiệu âm thầm hưởng hoa hồng cao. Các tư vấn viên đều không giải thích đúng theo hợp đồng mà chỉ giải thích theo hướng sản phẩm sẽ sinh lời cao để thuyết phục khách mua.

“Hướng giải quyết là khách phải chấp nhận lỗ để rút trước hạn hoặc phải tiếp tục duy trì đến thời hạn 10 năm theo quy định để giá trị hoàn lại tương đương với số phí đã tham gia. Tuy nhiên, rất nhiều người bỏ luôn do không đủ khả năng duy trì việc đóng phí” – luật sư Nguyễn Ngọc Hưng nói.

Ông Trần Nguyên Đán – giảng viên chuyên ngành bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, Trường đại học Kinh tế TPHCM – phân tích, những lỗi cơ bản dẫn đến khách mất nhiều quyền lợi là do không có thói quen đọc hợp đồng – kể cả hợp đồng vay ngân hàng – mà chỉ nghe theo lời của nhân viên tư vấn hoặc tin tưởng thương hiệu của công ty.

Theo ông, BHNT có nhiều loại. Những năm gần đây, BHNT triển khai thêm dòng sản phẩm liên kết đầu tư, gồm liên kết chung và liên kết đơn vị. Trong đó, dòng liên kết đơn vị mà diễn viên Ngọc Lan đang tham gia đang rất “ăn khách” trên thị trường do giúp khách ủy thác đầu tư vào thị trường tài chính mà không cần nhiều kiến thức về đầu tư (giao cho công ty quản lý quỹ đầu tư).

Nhiều khách hàng vẫn nhầm lẫn rằng BHNT liên kết đầu tư là chỉ đầu tư nhưng thực tế đó là sản phẩm BHNT, ngoài phần đầu tư, khách vẫn phải đóng phí hằng năm để được hưởng quyền lợi về sức khỏe. Với sản phẩm này, khách phải xác định tham gia với thời hạn trên 10 năm. Trong vòng 4 năm đầu, phí bảo hiểm sẽ được phân bổ nhiều vào các loại phí cơ bản của công ty bảo hiểm (phí làm hồ sơ, phí duy trì hợp đồng), phí dành cho đầu tư rất ít nên khách muốn rút trước hạn thì số tiền nhận được rất ít.

Ông Trần Nguyên Đán lưu ý: “Khách hàng phải đọc kỹ hợp đồng, muốn ký vào chỗ nào thì đọc kỹ chỗ đó. Đặc biệt, phải chú ý vào các điều khoản loại trừ, bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm”. Ông cho rằng, BHNT đã có mặt ở Việt Nam 25 năm nhưng các doanh nghiệp BHNT chỉ phát triển theo chiều rộng – tức là gia tăng doanh số, mở đại lý bảo hiểm – chứ không phát triển theo chiều sâu, dẫn đến khách hàng bị mất quyền lợi, ác cảm với sản phẩm.

Theo ông, BHNT dạng liên kết đầu tư là sản phẩm có độ phức tạp cao, đòi hỏi nhân viên tư vấn phải có kiến thức tài chính, chứng khoán để có thể dự đoán được diễn biến của thị trường, giải thích cho khách hàng về rủi ro, tỉ suất sinh lời của sản phẩm. Do đó, không phải tư vấn viên hay đại lý bảo hiểm nào cũng có thể tư vấn được. Nhưng trên thực tế, các chương trình đào tạo của các công ty BHNT hiện nay chỉ nghiêng về kỹ năng bán hàng và xem nhẹ kiến thức nền tảng chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm.

Ông giải thích thêm, hầu như không có nhân viên nào giải thích rõ rằng, khách phải chịu rủi ro khi ủy thác đầu tư thông qua sản phẩm BHNT liên kết đầu tư. Do đó, khách hàng hiểu sai rằng sản phẩm này chỉ có lời, không có lỗ. Thực tế, khách chỉ có lời khi các quỹ đầu tư hoạt động hiệu quả, còn khi chứng khoán giảm mạnh, các quỹ cũng giảm theo thì khách rút tiền sẽ bị lỗ (dù đã đến hạn 10-15 năm như hợp đồng đã ký). Chính vì vậy, khách hàng luôn cảm thấy mình bị lừa.

Cũng theo ông Trần Nguyên Đán, để lấy lại niềm tin cho người dân về bảo hiểm nói chung, BHNT nói riêng, cần xử lý triệt để các vi phạm hiện hành. Hiện nay, các ngân hàng có xu hướng bán bảo hiểm độc quyền, do nhận rất nhiều quyền lợi từ công ty bảo hiểm nên đã ép cấp dưới chạy theo chỉ tiêu bán bảo hiểm. Các nhân viên này đã tận dụng lượng khách hàng đến vay tiền hoặc gửi tiết kiệm ngân hàng để gợi ý, năn nỉ, tư vấn không đúng sự thật để đạt được mục tiêu.
“Cái gốc của vấn đề là phải chống độc quyền trong ngân hàng, dẹp luôn phí “lót tay” này. Lâu nay, ở Việt Nam, chưa có tiền lệ là công ty hay nhân viên tư vấn bị phạt do bán sản phẩm bảo hiểm thiếu trung thực. Đã đến lúc cần đặt ra mức phạt đối với đơn vị, nhân viên vi phạm, từ đó gia tăng niềm tin của công chúng vào ngành bảo hiểm. Cần đưa ra khung pháp lý để quản lý chặt chẽ hơn và yêu cầu các công ty bảo hiểm phải bám sát khung pháp lý đó” – ông Trần Nguyên Đán đề xuất.

Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, sau khi ký hợp đồng, khách hàng có 21 ngày cân nhắc. Nhưng các đại lý thường “giam” hợp đồng đến ngày thứ 21 mới giao cho khách hoặc các đại lý lén kích hoạt hợp đồng bảo hiểm online để khách không còn quyền hủy hợp đồng.

Đừng đẩy người mua vào thế khó

Có một thực trạng là người mua bảo hiểm chưa nhận thức đúng đắn về sản phẩm, nghĩ rằng đây là kênh đầu tư nên sẵn sàng bỏ nhiều tiền. Họ không chú ý điều kiện tiên quyết về chi trả bảo hiểm, không hiểu về thời gian duy trì hợp đồng bảo hiểm nên có thể không được chi trả như mong muốn hoặc không theo đuổi được sản phẩm nên mất cả gốc lẫn lãi. Lỗi là do cả hai phía, nhưng lỗi chính vẫn là do doanh nghiệp thiếu bài bản, thiếu chuyên nghiệp, thiếu tử tế, thiếu văn hóa kinh doanh. 

Không có công ty bảo hiểm nào đưa ra chủ trương nhưng vì đồng lương, hoa hồng lớn, nhân viên tư vấn không trung thực với khách hàng, mồi chài đủ trò, không nói hết sự thật quan trọng về trường hợp khách sẽ mất tiền, thiệt hại. Thời gian qua, có nhiều vụ tranh chấp hợp đồng BHNT mà khách không được bảo vệ quyền lợi, các công ty không thật sự vì khách hàng, làm cho khách hàng mất niềm tin, nhầm lẫn. Tại sao cứ để khách hàng nghĩ rằng sản phẩm không ổn, không tốt, phải mua trong tình thế bị ép buộc? Sau này, trong hợp đồng BHNT, nên có những phần tóm tắt để người mua đọc, hiểu dễ dàng, đừng dùng câu từ “lắt léo” để đẩy thế khó cho người mua. 

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

 

Công ty bảo hiểm cần công khai tỉ lệ duy trì hợp đồng

Hiện nay, có tình trạng các ngân hàng ép khách vay mua BHNT hoặc khách đến gửi tiền tiết kiệm bị nhân viên ngân hàng dụ mua BHNT. Ngân hàng Nhà nước, Cục Giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính đã có văn bản cấm nhưng tình trạng này vẫn xảy ra. Đa phần khách bị dụ, bị ép không có nhu cầu mua bảo hiểm nên họ có xu hướng hủy hợp đồng sau 1-2 năm do không có khả năng duy trì.

Để dẹp bỏ tình trạng này, cần yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm công khai tỉ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm ở năm thứ hai và thứ ba. Nếu công khai số liệu này, khách hàng có thêm kênh để tham khảo và biết mình nên lựa chọn sản phẩm của đơn vị nào.

Ông Ngô Trung Dũng – Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV)

 

Đừng “mập mờ đánh lận con đen”

Hiện có 3 loại BHNT là có kỳ hạn – tử kỳ, BHNT trọn đời và BHNT trọn đời liên kết đầu tư. Ở các thị trường phát triển, sản phẩm BHNT rất rõ ràng, sản phẩm chuyên về bảo vệ rủi ro sức khỏe thuần túy như tử kỳ, trọn đời. Với các sản phẩm bảo hiểm khác gắn kèm khi mua nhà, mua xe thì cũng chuyên về sức khỏe.

Với dòng bảo hiểm tích lũy thì hợp đồng luôn cung cấp rất rõ ràng thời hạn số tiền đóng vào được tích lũy, có lợi nhuận. Khách có thể lựa chọn rút tiền khi còn sống hoặc giữ số tiền này đến khi tử vong, người thân sẽ nhận được tiền BHNT chi trả và cả số tiền khách đã đầu tư suốt thời gian qua. Các công ty bảo hiểm nước ngoài luôn công bố báo cáo tài chính một cách minh bạch để khách hàng tham khảo, không có chuyện ép khách phải mua bảo hiểm nếu khách không có nhu cầu, khách có quyền đổi công ty nếu thấy dịch vụ công ty đó không tốt.

Tại Việt Nam, sản phẩm BHNT liên kết đầu tư đang lằng nhằng, 2 sản phẩm còn lại thì khá rõ ràng. Thời gian qua thị trường BHNT phát triển quá nhanh, quá nóng nên đã xuất hiện nhiều bất cập trong quản lý, giám sát chất lượng dịch vụ, còn nhiều “mập mờ đánh lận con đen”. Nhân viên bảo hiểm không nói rõ ràng tiền tích lũy là bao nhiêu 1 năm, khi nào được rút ra. Có nhân viên tư vấn bảo hiểm nói với tôi rằng có thể rút tiền bất cứ lúc nào, số tiền lớn hơn cả số tiền được BHNT chi trả khi có tai nạn, tử vong. Rất nhiều người kỳ vọng đầu tư vào BHNT để có số tiền lớn nhưng kết quả không như kỳ vọng.

Cùng là huy động vốn giống các ngân hàng để đầu tư vào các tài sản rủi ro như trái phiếu, cổ phiếu, chứng khoán… nhưng hầu như rất ít công ty bảo hiểm ở Việt Nam công bố báo cáo tài chính do pháp luật chưa quy định rõ chế tài xử phạt. Với BHNT liên kết đầu tư, lợi nhuận bảo hiểm phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của các công ty bảo hiểm. Nhưng cũng do không có sự minh bạch thông tin tài chính nên nhà đầu tư không thể biết hết được các rủi ro sẽ gặp phải. Đây là một lỗ hổng rất lớn cần phải sửa để thị trường được hoàn thiện và minh bạch hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng

Thanh Hoa

—————

Phụ nữ HCM (Thời sự) ngày 12-4-2023:

https://www.phunuonline.com.vn/bao-hiem-nhan-tho-dang-duoc-van-hanh-rat-meo-mo-a1489340.html

(263/2.988) #Baohiem #BHNT #NgocLan

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,579