4.029. Đề xuất tăng trách nhiệm ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc.

Đề xuất tăng trách nhiệm ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc.

(TT) – Các chuyên gia cho rằng cần có cơ chế để nâng cao trách nhiệm và vai trò của ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc hoặc nhà đầu tư mới, tránh tình trạng tái cơ cấu 10 năm chưa được.
TS Nguyễn Trí Hiếu – Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu chia sẻ tại hội thảo ngày 11/4. Ảnh: Tiền Phong.

Tại hội thảo “Tái cơ cấu ngân hàng: Làm sao đạt hiệu quả tối đa?” do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 11/4, TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu, cho biết Việt Nam đã áp dụng nhiều hình thức tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém như sáp nhập, hợp nhất, có sự tham gia của nhà đầu tư mới, ngân hàng “0 đồng”, chuyển giao bắt buộc…

Cần minh bạch về “sức khỏe” của các ngân hàng đang tái cơ cấu

Với nhóm ngân hàng “0 đồng”, năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của 3 ngân hàng thương mại gồm OceanBank, CBBank, GPBank. Sau đó, DongABank cũng được mua lại và trở thành ngân hàng con của NHNN.

Sau khi Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) được ban hành năm 2024, các ngân hàng thương mại trong diện kiểm soát đặc biệt được chuyển giao bắt buộc. Cụ thể, CBBank được chuyển giao cho Vietcombank và đổi tên thành VCBNeo; OceanBank được chuyển giao cho MB, đổi tên thành MBV; GPBank được giao cho VPBank; DongABank được chuyển giao cho HDBank, đổi tên thành Vikki Bank. Ngoài ra, còn SCB trong diện kiểm soát đặc biệt đang tìm nhà đầu tư.

Hiện nay, 4 ngân hàng đã được chuyển giao, đổi tên, nhận diện thương hiệu mới, định hướng mới, phong cách phục vụ mới với kỹ thuật số, chủ yếu phục vụ khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp nhỏ.

Mới đây, trong tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, MB cho biết tính đến ngày 31/12/2024, MBV đã ghi nhận tổng tài sản tăng 16% lên 46.232 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng đạt 34.795 tỷ đồng (+6%); huy động vốn đạt 46.958 tỷ đồng (+5%).

Đặc biệt, lỗ lũy kế của ngân hàng này còn 15.688 tỷ đồng, tức giảm gần 4.000 tỷ đồng so với thời điểm chuyển giao. Như vậy chỉ sau chưa đầy 3 tháng, tình hình hoạt động và lỗ lũy kế của nhà băng đã được cải thiện đáng kể.

Đề xuất tăng trách nhiệm ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc

Chỉ sau chưa đầy 3 tháng về với MB, tình hình hoạt động và lỗ lũy kế của MBV (trước đây là OceanBank) đã được cải thiện đáng kể. Ảnh: Thuonghieu.net

Tuy nhiên, ngoài MBV, đến nay các ngân hàng được chuyển giao chưa công bố tình hình sau tái cấu trúc. TS Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị NHNN phải minh bạch thông tin về “sức khỏe tài chính” của các ngân hàng trên website.Mặt khác, ông cho biết theo Điều 185 Luật Các Tổ chức tín dụng 2024, ngân hàng nhận chuyển giao sẽ sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng được chuyển giao bắt buộc, nhưng không phải hợp nhất báo cáo tài chính, đồng thời được loại trừ khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất.

Theo TS Hiếu, những điều khoản này không phù hợp, đặc biệt là không hợp nhất các khoản lỗ lũy kế của ngân hàng con (nếu có) vào bảng cân đối kế toán của cả hệ thống ngân hàng nhận chuyển giao.

“Các chỉ số an toàn vốn sẽ không thể hiện chính xác tính hình sức khỏe tài chính của cả hệ thống ngân hàng nhận chuyển giao và điều này có thể tác động đến lòng tin của cổ đông, khách hàng gửi tiền, trừ trường hợp tất cả tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng con được ngân hàng mẹ bảo lãnh 100%”, TS Hiếu nói.

Để việc tái cơ cấu ngân hàng thông qua phương án chuyển giao bắt buộc có hiệu quả, ông cho rằng vốn chủ sở hữu của ngân hàng được tái cơ cấu phải đảm bảo ở mức 3.000 tỷ đồng, ngân hàng mẹ phải bảo lãnh tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng con. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh đến vai trò của Công ty Bảo hiểm tiền gửi quốc gia trong việc giám sát các ngân hàng được sáp nhập.

Mặt khác, TS Hiếu cho rằng quá trình tái cơ cấu chỉ thành công nếu có sự tham gia của những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm và cam kết gắn bó lâu dài. Nhà đầu tư không nên chỉ đến vì mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn mà cần đồng hành để tái tạo toàn diện ngân hàng sau khi tiếp nhận.

Cũng tại hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, cho rằng các thương vụ chuyển giao bắt buộc trước mắt là để giải quyết tình trạng khó khăn kéo dài. Nhưng về lâu dài, cần tiến tới hợp nhất, sáp nhập hoặc tái cổ phần hóa, giữ vững mô hình “mẹ – con” cùng một chủ sở hữu để bảo đảm kiểm soát và minh bạch trong quản trị.
Quan trọng nhất là bảo vệ người gửi tiền

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng mục đích cơ bản của tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém là đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền, có người đứng ra nhận trách nhiệm nếu người gửi muốn rút tiền.

“Thành công là bảo vệ được người gửi tiền”, PGS.TS nói và khẳng định không thể đòi hỏi các ngân hàng phát triển mạnh mẽ ngay sau khi tái cơ cấu.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên chính sách công tại Đại học Fulbright Việt Nam, số lượng ngân hàng thương mại đã thu hẹp từ 42 xuống còn 35 đơn vị như hiện nay, trong đó có 5 ngân hàng yếu kém và được kiểm soát đặc biệt (trước khi chuyển giao bắt buộc.

Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng nhìn chung có sự tăng trưởng bùng nổ, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng 10-15 lần trong 15 năm. Việc này tạo ra thách thức đối với việc quản lý nhưng đồng thời cũng là cơ hội, là cơ sở để tái cấu trúc ngân hàng.

Ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên chính sách công tại Đại học Fulbright Việt Nam chỉ ra những bài học tái cơ cấu ngân hàng thành công trong lịch sử. Ảnh: Tiền Phong.

Nhìn vào lịch sử tái cơ cấu những ngân hàng thương mại yếu kém từ năm 2011 đến nay, ông Thành cho rằng để tái cơ cấu thành công, NHNN cần đóng vai trò là “người cho vay cuối cùng” (lender of last resort) để đảm bảo thanh khoản.

Đồng thời, tái cơ cấu phải dùng nguồn lực tài chính thực, từ Nhà nước và/hoặc từ nhà đầu tư tư nhân mới, song song đó cần thay đổi cấu trúc sở hữu theo hướng giảm sở hữu chéo.

Đặc biệt, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng cần một hệ thống thanh tra, giám sát mang tính hợp nhất cao hơn để phát hiện và ngăn chặn các hành vi không tuân thủ trên cả hoạt động ngân hàng và chứng khoán, tức là trên cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn.

Từ góc nhìn của một ngân hàng nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, ông Nguyễn Quốc Tuấn – Giám đốc Ban Dự án chiến lược HDBank, cho biết việc tái cơ cấu ngân hàng là một trong những giải pháp đã được cân đo đong đếm rất nhiều từ các bộ, ban, ngành nhằm đưa ra giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn.

Để thực hiện chuyển giao bắt buộc, tất cả ngân hàng tham gia đều có phương án cụ thể như tình hình tài chính, trách nhiệm của các bên tham gia, mức độ an toàn cho người gửi tiền. Tất cả phương án nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là để ngân hàng hoạt động bình thường, dựa trên phê duyệt theo đúng quy định của Luật Tổ chức tín dụng.

Trong quá trình tham gia, NHNN và các bộ, ban, ngành đã cân nhắc đến việc giải thể ngân hàng, nhưng xét các yếu tố về nền kinh tế, an ninh trật tự xã hội nên đã lựa chọn phương án tối ưu là tái cấu trúc ngân hàng.

“Với sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ và các bên liên quan, việc tái cơ cấu ngân hàng sẽ đạt kết quả tốt đẹp. Ở góc độ cá nhân, tôi đánh giá tái cấu trúc ngân hàng là giải pháp toàn diện”, ông Nguyễn Quốc Tuấn nói.

Tri Thức – Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Lan Anh

————-

Tạp chí Tri thức (Kinh doanh) ngày 11-4-2025:

https://znews.vn/de-xuat-tang-trach-nhiem-ngan-hang-nhan-chuyen-giao-bat-buoc-post1545125.html

(79/1.805)

Bài viết 

314. Bài 3: Khát vọng hùng cường - Thể chế tốt phải...

Bài 3: Khát vọng hùng cường - Thể chế tốt phải tạo ra sự đột phá. Luật sư Trương...

Bình luận 

442. Bình luận pháp lý về việc “chuyển giao...

Bình luận pháp lý về việc “chuyển giao bắt buộc” để cơ cấu...

Phỏng vấn 

4.464. Kinh khiếp hàng giả!: Người bán tinh vi hay...

Kinh khiếp hàng giả!: Người bán tinh vi hay quản lý buông lỏng? (NLĐ)...

Trích dẫn 

4.036. Chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém: ba...

Chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém: ba lưu ý quan trọng. (KTSG)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 244,822