(DV) – Khác với việc chỉ cho giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số nhóm hàng, mặt hàng như năm 2022, Bộ Tài chính đề nghị cho giảm 2% thuế VAT tất cả các mặt hàng đến hết ngày 31/12/2023, điều này khiến chuyên gia, doanh nghiệp đều “thở phào”.
Ngân sách thất thu 35.000 tỷ đồng… nhưng nền kinh tế thu được lớn hơn!?
Ngày 17/4 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ chấp thuận đề xuất phương án giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với tất cả các loại mặt hàng theo đề xuất của Bộ Tài chính. Đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua theo thể thức rút gọn quy trình.
Sau khi tiếp nhận thông tin này, nhiều chuyên gia về thuế, doanh nghiệp thở phào nhẹ nhõm. Theo đó, việc giảm thêm 2% thuế VAT đối với toàn bộ mặt hàng đang chịu thuế VAT 10% hiện nay sẽ giúp giảm bớt các tác vụ về kế toán và nghiệp vụ của cơ quan thuế. Điều này vừa tạo thuận lợi cho cơ quan thuế, vừa giúp đỡ doanh nghiệp giảm bớt các thủ tục liên quan.
Nhiều ý kiến đề nghị quyết định và hướng dẫn chính sách giảm 2% thuế VAT sớm vì chỉ còn hơn 6 tháng nữa là hết năm.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết: “Tại thời điểm này chính sách giảm thuế VAT là rất cần thiết đối với doanh nghiệp và người dân khi trong quý I/2023 tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rất khó khăn, số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động liên tục tăng lên… Do vậy, việc tiếp tục giảm thuế VAT sẽ mang lại kết quả tích cực, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tái sản xuất”.
Theo bà Cúc, Thuế VAT nằm trong giá, khi giảm 2% thuế VAT sẽ giảm giá bán hàng hóa dịch vụ, kích thích tiêu dùng, giúp doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn. Đối với doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguyên vật liệu đầu vào được giảm thuế sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, kích thích sản xuất.
Đồng thời, vị đại diện Hiệp hội tư vấn thuế cho rằng: Giảm thuế VAT trong năm 2023 sẽ ngắn hơn các năm trước 2022, 2021 do đó không thể giữ quy định giảm 2% thuế VAT đối với một số mặt hàng, và loại trừ một số mặt hàng khác như năm 2022 được mà phải thực hiện toàn bộ mặt hàng đang là đối tượng chịu thuế VAT là 10%.
“Nếu gia hạn chính sách như năm 2022, cho giảm 2% thuế VAT đối với một số mặt hàng và loại trừ một số mặt hàng, sẽ không khác gì “hành” doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi ủng hộ phương án giảm toàn bộ 2% thuế VAT đối với toàn bộ mặt hàng đang chịu thuế VAT 10%”, bà Cúc nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Dân Việt, LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: “Việc giảm thuế VAT đồng loạt các mặt hàng chịu thuế 10% hiện nay là “bài học kinh nghiệm” và “sửa sai” của Bộ Tài chính, các năm trước doanh nghiệp dù được giảm thuế VAT, nhưng làm sổ sách đến khổ, rất cực vì một số mặt hàng được giảm về 8%, nhưng còn có mặt hàng vẫn giữ 10%”.
Theo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, nếu Quốc hội thông qua giảm thuế VAT 2% (dự kiến thông qua kỳ họp vào tháng 6/2023), thu ngân sách 6 tháng cuối năm có thể giảm 35.000 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD, nhưng mặt được lợi có thể sẽ là lớn hơn nhiều.
LS Đức bình luận: “Nếu tính số tuyệt đối thì thuế VAT có thể giảm, nhưng giảm thuế VAT sẽ giúp tăng thu các khoản thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiêu dùng tăng cao, kích thích mua sắm… từ đó kích thích nền kinh tế. Đó là mặt lợi của chính sách.
LS Trương Thanh Đức đề xuất, giảm về 8% đối với các mặt hàng chịu thuế VAT 10% vẫn chưa đủ. “Theo quan điểm của tôi nên giảm đồng loạt VAT về 5% (hiện ngoài nhiều hàng hoá chịu thuế VAT 10%, vẫn có một số nhóm mặt hàng chịu thuế VAT 5% hoặc không chịu thuế). LS Đức cho rằng: Việc phân ra có mặt hàng đang chịu thuế VAT 5%, mặt hàng chịu thuế VAT 8% vẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp khi làm thuế khi đã giảm khó khăn so với năm 2022, 2021.
LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI
Tránh giảm thuế VAT kiểu phân biệt, làm khổ doanh nghiệp
“Bối cảnh năm 2021 – 2022, dù xảy ra đại dịch nhưng kinh tế vẫn chưa đến nỗi khó khăn như hiện nay. Hiện nay, thị trường bất động sản đóng băng, trái phiếu, chứng khoán giảm sút đến kiệt quệ; doanh nghiệp xuất khẩu mất đơn hàng, giảm kim ngạch… trăm thứ khó đổ nên vai doanh nghiệp nên cần phải có những chính sách nhanh chóng tạo điều kiện thực chất cho họ”, LS Trương Thanh Đức cho hay.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Vũ Thị Minh Phương (Hà Nội) kế toán trưởng của doanh nghiệp tại Hà Nội cho biết: Chính sách giảm thuế VAT năm 2022 dù được cho là có lợi cho doanh nghiệp, nhưng khiến doanh nghiệp bị “trầy da, tróc vẩy” vì các thủ tục về thuế hoặc hoàn thuế” do chính sách giảm thuế VAT 20% chỉ áp dụng cho một số mặt hàng, còn một số khác thì không.
Theo chị Phương, năm 2022, cơ quan thuế dù có hướng dẫn các thủ tục về thuế VAT nhưng khá chung chung, khiến những doanh nghiệp sản xuất nhiều sản phẩm, đa ngành rất khổ sở. Nhiều doanh nghiệp không thể phân biệt được sản phẩm nào, mã hàng nào được giảm thuế 8%, mặt hàng nào giữ thuế 10%, điều này khiến chính sách giảm thuế VAT 2% của năm 2022…. “rối như tơ vò”.
“Kế toán nhiều doanh nghiệp kêu trời, thậm chí thời gian đi lại lên cơ quan thuế nhiều hơn đi chợ. Nhiều doanh nghiệp có đơn xin áp dụng thuế VAT 10% để thuận tiện cho sản xuất, kinh doanh và đơn hàng không được. Kế toán viên phải làm ngày, làm đêm, thậm chí thời gian cuối năm vô cùng khổ sở”, chị Phương kể lại.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế: Việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% cho toàn bộ mặt hàng chịu thuế 10% là điều tán thành, song quy trình thủ tục cần nhanh gọn, cụ thể. Càng chi tiết, càng đơn giản và mở rộng điều kiện thuế càng có lợi cho doanh nghiệp và quản lý.
Nhìn nhận về cơ hội cho nền kinh tế khi thuế VAT được đề xuất giảm thêm 2% đến cuối năm 2023, ông Phụng cho rằng, chắc chắn tác động tổng thể lên nền kinh tế là có, tăng thu từ tăng thuế thu nhập doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng, hạ giá sản phẩm. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi doanh nghiệp đang khó khăn, vì vậy việc giảm thuế sẽ có ý nghĩa như liều “doping” cho nền kinh tế, doanh nghiệp.
An Linh
—————
Dân Việt (Kinh tế) ngày 18-4-2023:
(395/1.344) #VAT #TNCN #TNDN