Chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém: ba lưu ý quan trọng.
(KTSG) – Trong bối cảnh hoạt động tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đang có bước tiến mới, các chuyên gia cũng nhấn mạnh ba bài học lớn rút ra từ những thương vụ xử lý trong giai đoạn qua.

Sự phức tạp kéo dài trong pháp lý cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến các thương vụ tái cấu trúc ngành ngân hàng có nhiều tranh cãi. Ảnh: DNCC
Đầu năm 2025, hai ngân hàng yếu kém là GPBank và DongABank lần lượt được chuyển giao bắt buộc cho VPBank và HDBank, tiếp nối sự kiện trước đó là CBBank và Oceanbank được chuyển giao cho Vietcombank và Ngân hàng MB. Với mục tiêu phục hồi hoạt động ngân hàng yếu, các ngân hàng “khỏe” sẽ nhận được một số lợi ích từ cơ quan quản lý.
Cho đến nay, đã có ba ngân hàng đổi pháp lý thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên, trở thành ngân hàng con; hai ngân hàng triển khai chiến lược kinh doanh thành ngân hàng số, bao gồm VCBNeo (CBBank đổi tên) và Vikki (DongABank đổi tên).
Có hai câu hỏi trong diễn biến mới này, một là các ngân hàng có khả năng phục hồi kinh doanh hay không, hai là kịch bản xử lý tiếp theo của các nhà băng như thế nào, bao gồm cả trường hợp không thể tái cấu trúc thành công. Dù ở trong trường hợp nào, các chuyên gia cũng nhấn mạnh ba bài học lớn rút ra từ hàng loạt các thương vụ sáp nhập, tái cơ cấu trước đây, theo chia sẻ tại Hội thảo “Tái cơ cấu ngân hàng, làm sao đạt hiệu quả tối đa?” do báo Tiền Phong tổ chức mới đây.
Cần có “tiền thật”
Trong 15 năm qua, Việt Nam có nhiều thương vụ tái cơ cấu ngân hàng, tuy nhiên tập trung bốn giải pháp bao gồm sáp nhập, hợp nhất, nhà đầu tư mới tham gia và chuyển giao bắt buộc. Có nhiều bài học thành công nhưng cũng có thất bại.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng vấn đề tái cơ cấu quan trọng là thiếu nguồn lực để xử lý, từ đó dẫn đến những sai lầm nối tiếp khi vay nợ mới để trả nợ cũ hay tăng vốn, không có nguồn thu và khách hàng.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên chính sách công, Đại học Fulbright, ở những trường hợp thất bại, lý do vì nhà đầu tư mới thiếu nguồn lực tài chính, từ đó dẫn đến việc tăng vốn ảo. “Muốn tái cơ cấu mà không dùng nguồn lực thực thì là ảo, tay không bắt giặt”, ông Thành chia sẻ. Điều kiện là ngân hàng nhận sáp nhập sẽ dùng nguồn lực của họ để xử lý khi thấy được lợi ích.
Trong bối cảnh tái cơ cấu cần “tiền thật”, cách giải quyết chung của ngành là tăng tốc tăng trưởng nhanh trong 15 năm qua, tức lợi nhuận tương lai để bù đắp thua lỗ quá khứ. Trên thực tế, quy mô tài sản của các ngân hàng tăng bình quân 5 lần trong vòng 15 năm qua, ngay cả ở những ngân hàng có quy mô nhỏ.
“Những ngân hàng yếu kém thì giữ nguyên, còn lại tăng rất nhanh để bù đắp cho những ngân hàng còn lại. Điều này dù mang lại thách thức đối với quản lý hệ thống, nhưng cũng là cơ hội, cơ sở để tái cấu trúc ngành”, ông Thành nói.
Tương tự, với những thương vụ chuyển giao bắt buộc hiện nay, giới quản lý kỳ vọng vào sự tăng trưởng nhanh của các ngân hàng nhận sáp nhập, chấp nhận đổi những cơ chế ưu đãi. Điều này cũng mang đến động cơ thực sự phải tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, nhưng cũng phải cam kết trong kịch bản không xử lý được, ông Thành nêu.
Tránh lợi ích nhóm và sở hữu chéo
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu, phục hồi hoạt động kinh doanh của các ngân hàng yếu kém trong diện kiểm soát đặc biệt là rất khó, và thực tế trong 10 năm qua kể từ khi mua lại ngân hàng 0 đồng đã cho thấy thực tế cách thức này không thành công.
Sự lo ngại mà ông Hiếu nêu lên nằm ở chỗ cần thận trọng hơn với mô hình mẹ – con. Rủi ro nằm ở chỗ các ngân hàng mẹ có thể “đẩy” các khoản tài sản xấu về ngân hàng con. Điều này đặc biệt rủi ro hơn nếu nhóm tập đoàn bất động sản thường là nhóm lợi ích tại các ngân hàng và đã từng gây ra nhiều hệ lụy trong quá khứ.
Còn ông Thành lưu ý đến việc muốn tái cấu trúc ngân hàng thì cần phải giải quyết vấn đề sở hữu chéo. “Sáp nhập, hợp nhất mà không thay đổi được nhóm cổ đông cũ thì vẫn thất bại, khi nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sở hữu chéo lũng đoạn ngân hàng”, ông Thành nhìn nhận.
Thị trường hiện nay hiện còn lại ngân hàng SCB sau khi bốn ngân hàng yếu kém giai đoạn trước đã có địa chỉ mới. Thông tin liên quan gần đây cho thấy một tập đoàn tư nhân, tức doanh nghiệp phi tài chính, muốn tham gia tái cấu trúc ngân hàng trong vòng 15 năm. Việc “chuyển giao bắt buộc” còn gây nhiều tranh cãi, nhưng bài học rút ra là phải có “thực lực” và không thao túng theo kiểu “hệ sinh thái”.
Những lo ngại khác
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nói việc tái cơ cấu ngân hàng có bước tiến mới quan trọng, khi chuyển mô hình ngân hàng yếu kém sang ngân hàng cổ phần, đồng thời chuyển pháp lý thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xây dựng được vấn đề cơ sở pháp lý trong dài hạn.
Chẳng hạn, trong vấn đề chuyển giao sang nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân thì lại chưa thể xác định được đây là mối quan hệ pháp lý, khác biệt với việc chuyển giao “0 đồng” cho Ngân hàng Nhà nước. Từ đó dẫn đến việc khó xác định mối quan hệ kinh tế của ngân hàng mẹ – con, theo ông Đức.
“Vấn đề quan trọng là phải vững về pháp lý và cả kinh tế thì mới có thể giải quyết hiệu quả việc tái cơ cấu ngành ngân hàng. Nên định hình xa hơn chứ không nên loay hoay với các giải pháp chữa cháy”, ông Đức nhìn nhận.
Sự tính toán rõ ràng giữa ngân hàng mẹ – con cũng là điều ông Hiếu đặt vấn đề. Chẳng hạn nếu như ngân hàng mẹ đầu tư vào ngân hàng con, thì dòng tiền đó sẽ được hạch toán như thế nào, trong bối cảnh các ngân hàng mẹ được những ưu đãi về báo cáo tài chính, chẳng hạn miễn hợp nhất số liệu ngân hàng yếu kém.
Bên cạnh nghi ngại về khả năng phục hồi kinh doanh của ngân hàng con trong bối cảnh nhiều ngân hàng nhỏ cũng đang gặp khó khăn, vấn đề của cơ quan quản lý là phải tăng cường quản lý đặc biệt. Trong đó, NHNN không chỉ giữ vai trò là người cho vay cuối cùng, mà cần có khung quản lý, thanh tra giám sát phù hợp. Theo đó, ông Thành nhấn mạnh các ngân hàng hiện nay đang hoạt động như “siêu thị tài chính” nhiều dịch vụ, nhưng bản thân chịu sự kiểm soát riêng biệt từ phía các đơn vị khác nhau, gồm dịch vụ ngân hàng truyền thống, chứng khoán hay bảo hiểm.
Dũng Nguyễn
————-
Kinh tế Sài Gòn (Ngân hàng) ngày 14-4-2025:
https://thesaigontimes.vn/chuyen-giao-bat-buoc-ngan-hang-yeu-kem-ba-luu-y-quan-trong/
(175/1.361)