4.037. Nên coi áp thuế tối thiểu toàn cầu là cơ hội

Nên coi áp thuế tối thiểu toàn cầu là cơ hội

(TN) – Dự kiến thuế tối thiểu toàn cầu với mức 15% sẽ được áp dụng từ ngày 1.1.2024. Theo đó, doanh nghiệp nào đang được ưu đãi, đóng thuế thấp hơn 15% ở quốc gia mà họ đầu tư, sẽ phải nộp phần còn lại về cho quốc gia nơi họ có trụ sở chính.
Doanh nghiệp FDI đề nghị chuyển ưu đãi thuế ra… tiền

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trong hội thảo về quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) ngày 18.4 cho biết hiện có 1.015 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại VN có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế TTTC. Trong đó, có hơn 70 DN có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế TTTC áp dụng từ năm 2024.

Theo nguyên tắc áp dụng của sắc thuế này do tổ chức OECD/G20 công bố, các nước thành viên không bắt buộc phải áp dụng các quy định của thuế TTTC, nhưng nếu lựa chọn áp dụng các quy định này thì các nước sẽ phải thực hiện nhất quán theo hướng dẫn. Trong trường hợp một nước không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận các quy định thuế TTTC được các thành viên khác áp dụng.

Đến nay, hầu hết các nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu; Thụy Sĩ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Hồng Kông, Úc… đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024. Trong đó, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… là các nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào VN và là các nước có nhiều DN thuộc đối tượng áp dụng của thuế TTTC.

Điều này có nghĩa nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế TTTC thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024, ước tính khoảng hơn 12.000 tỉ đồng. Những DN FDI lớn đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN thấp hơn 15% tại VN có thể kể đến như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron…

áp thuế tối thiểu toàn cầu

Nhiều chuyên gia cho rằng VN cần nhanh chóng công bố lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu | THÙY LINH

Trường hợp VN không thu thuế thu nhập DN bổ sung để theo mức thuế 15% của thuế TTTC thì phần chênh lệch giữa mức thuế ưu đãi công ty FDI sẽ bị các nước khác thu về ngân sách của chính họ.

Tại hội thảo, một số DN FDI kiến nghị VN nên áp dụng cơ chế ưu đãi khoản hỗ trợ bằng tiền để bổ sung cho phần ưu đãi của các DN khi áp dụng thuế TTTC.

TS Châu Huy Quang, luật sư điều hành Công ty luật TNHH Rajah & Tann LCT, nhận định việc áp dụng thuế TTTC sẽ có sự tác động đáng kể đến VN. Đầu tiên là có thể mở ra khả năng tăng thu ngân sách trong trường hợp nhà nước truy thu thuế từ các DN VN đi đầu tư ra nước ngoài, và khả năng tăng thuế đối với các DN trong nước (bao gồm cả FDI) để bảo đảm mức thuế áp dụng không thấp hơn mức tối thiểu 15%. Nhưng việc này cũng có thể làm giảm sự hấp dẫn của VN trong hoạt động thu hút đầu tư FDI, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Tuy nhiên, ông Quang cho rằng áp dụng cơ chế ưu đãi khoản hỗ trợ (bồi hoàn bằng tiền) để bổ sung cho phần thuế mất đi của các DN khi áp dụng thuế TTTC phải được nghiên cứu kỹ lưỡng các cam kết quốc tế. Phía VN có thể bị xem là không tuân thủ thực hiện việc này do bản chất của khoản hỗ trợ bằng tiền đó là nhằm “lẩn tránh” quy định thuế TTTC.

Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, nếu không chuẩn bị tốt thì dễ bị tuột mất khoản tiền thuế mà nhẽ ra ngân sách nhà nước phải được hưởng. Chẳng hạn, với nhà đầu tư lớn từ Hàn Quốc khi đầu tư vào VN, họ được hưởng thuế 7%. Đến nay Hàn Quốc tuyên bố áp thuế TTTC từ năm 2024, tập đoàn đó sẽ phải nộp 8% còn lại về quốc gia mình nếu VN không tham gia áp thuế TTTC. Nhưng nếu VN tham gia áp thuế này thì phần 8% đó sẽ được nộp tại VN từ năm 2024.

“Tôi tính có khoảng hơn 100 DN phải nộp thuế TTTC tại VN, nếu tham gia ngay, ngân sách nhà nước có thêm vài tỉ đồng trong một năm. Do vậy, nhiều nước đang áp dụng và chắc chắn VN cũng sẽ áp dụng khi tham gia thuế TTTC 15%. Riêng việc quay sang hỗ trợ bằng tiền “thối lại” không khả thi và không thực tế. Bên cạnh đó, điểm yếu của VN là không xử lý được vấn đề chuyển giá, trốn thuế của các nhà đầu tư lớn”, GS Nguyễn Mại nói.

Thay đổi chính sách thu hút FDI

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đánh giá lâu nay VN cũng như nhiều nước đang phát triển chủ yếu thu hút đầu tư FDI bằng chính sách ưu đãi về thuế. Như vậy, khi tham gia áp thuế TTTC, trước hết các DN FDI sẽ thấy bất lợi, lãi sẽ ít đi hoặc có thể từ đang lãi chuyển thành lỗ… Điều này có thể khiến các DN xem xét lại các dự án đầu tư hiện có cũng như việc mở rộng đầu tư.

Tuy nhiên, với những tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động ở VN nhưng nhiều năm qua vẫn báo lỗ chưa đóng thuế, thì có áp mức thuế nào cũng không liên quan. Song song đó, VN nên có nghiên cứu kỹ và đưa ra các chính sách ưu đãi thu hút FDI không dựa vào ưu đãi về thuế, nhân công giá rẻ, thay vào đó là môi trường kinh doanh thông thoáng, kinh tế xã hội ổn định, thủ tục hành chính đơn giản minh bạch, nguồn nhân lực chất lượng cao…

TS Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM, nhấn mạnh Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần nhanh chóng công bố lộ trình áp dụng thuế TTTC. Đồng thời, phải nghiên cứu kỹ động thái thay đổi chính sách của các quốc gia để có thể thay đổi về chính sách thu hút vốn FDI và thậm chí cả chính sách thuế nội địa, chính sách chống chuyển giá. Liệu thay đổi về ưu đãi về thuế thu nhập DN, thì VN có thể ưu đãi qua chính sách về thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu trong các lĩnh vực nào đó? Hoặc mở rộng danh mục sản phẩm, dịch vụ cho DN được phép khấu trừ chi phí trước khi tính thuế thu nhập DN. Bởi nhiều nước cũng có thể thay đổi về chính sách để thu hút đầu tư.

Chính sách thu hút đầu tư của nhiều nước, trong đó có VN thời gian qua đã quá coi trọng ưu đãi về thuế. Trong điều kiện mới của thế giới cũng như VN, việc miễn giảm như vậy rất ít tác dụng và gần như không còn hiệu quả. Thế nên khi chính sách trên toàn cầu thay đổi, VN cũng phải thay đổi chính sách. GS Nguyễn Mại

Mai Phương – Nguyên Nga

—————

Thanh niên (Kinh tế) ngày 21-4-2023:

https://thanhnien.vn/nen-coi-ap-thue-toi-thieu-toan-cau-la-co-hoi-185230420132525546.htm

 (91/1.310) #FDI #TTNTT

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.421. Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của...

Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của nút thắt" để đất nước vươn...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,382