Đề nghị bổ sung quy định về “chủ sở hữu hưởng lợi” trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
(DNCL) – Trước hàng loạt các vướng mắc, bất cập phát sinh, Bộ Tài chính đã xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp 2020.
Dự án Luật (sửa đổi) lần này, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất nhiều quy định mới, trong đó có quy định về “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp” để phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, tham nhũng, rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Ảnh minh họa
Cụ thể, tại khoản 37, Điều 4 Dự thảo luật quy định, chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân là cá nhân có một trong các tiêu chí sau: Cá nhân thực tế nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu từ 25% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp; Cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp được hưởng hơn 25% cổ tức hoặc lợi nhuận của doanh nghiệp; Cá nhân cuối cùng có quyền chi phối doanh nghiệp.
Theo cơ quan soạn thảo, khái niệm mới này được đưa ra dựa trên các thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp, yêu cầu minh bạch hóa thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi. Việc nhận diện chủ sở hữu hưởng lợi và cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi còn là những biện pháp quan trọng để phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, tham nhũng, rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Thực tế cho thấy, nước ta đã phát sinh tình trạng “núp bóng sở hữu” với nhiều vụ việc tổ chức, cá nhân kiểm soát doanh nghiệp thiếu minh bạch, lạm dụng vị thế kiểm soát doanh nghiệp để thực hiện các hành vi tham nhũng, rửa tiền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, đối tác, khách hàng và các cộng đồng xã hội mà còn làm giảm niềm tin, tăng rủi ro và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của khu vực doanh nghiệp và của nền kinh tế…
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc minh bạch hóa cấu trúc sở hữu doanh nghiệp trở thành yêu cầu cấp thiết. Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã đề xuất bổ sung quy định về “chủ sở hữu hưởng lợi” nhằm đáp ứng yêu cầu này.
Cụ thể, theo khoản 37, Điều 4 của Dự thảo, “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp” được định nghĩa là cá nhân có một trong các tiêu chí sau:
Cá nhân thực tế nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
Cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp được hưởng hơn 25% cổ tức hoặc lợi nhuận của doanh nghiệp;
Cá nhân cuối cùng có quyền chi phối doanh nghiệp.
Theo cơ quan soạn thảo, việc bổ sung quy định này nhằm thực hiện cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền, đồng thời góp phần đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát tăng cường (Danh sách xám) của Nhóm hành động tài chính quốc tế (FATF).
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng ủng hộ đề xuất này, cho rằng việc bổ sung quy định về “chủ sở hữu hưởng lợi” là cần thiết để hoàn thiện khung khổ pháp lý, nâng cao tính minh bạch và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, VCCI lưu ý rằng đây là quy định mới, ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin và có thể đi kèm với các chế tài nếu vi phạm. Do đó, các quy định cần đảm bảo tính rõ ràng, hợp lý để có tính khả thi và giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nhận định rằng việc bổ sung quy định về “chủ sở hữu hưởng lợi” là bắt buộc khi Việt Nam tham gia sân chơi quốc tế. Điều này không chỉ thể hiện sự tuân thủ luật chơi một cách nghiêm túc mà còn góp phần làm cho môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp rõ ràng hơn, an toàn, thuận lợi và minh bạch hơn.
Vì vậy cần nhanh chóng hoàn thiện quy định pháp luật về “chủ sở hữu hưởng lợi” để thực thi một cách nghiêm túc, bởi đây là vấn đề không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà là vấn đề đại sự quốc gia, giống như câu chuyện về “thẻ vàng” trong lĩnh vực thủy sản hiện nay, Luật sư Trương Thanh Đức đề nghị.
PVA
————-
Doanh nhân & Công lý (Diễn đàn pháp lý) ngày 20-4-2025:
(145/844)