4.043. Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, bảo vệ lợi ích của các bên liên quan.

Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, bảo vệ lợi ích của các bên liên quan.

(ĐBND) – Tại Tọa đàm “Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 21.4, các đại biểu thống nhất cao việc luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42). Trước mắt, có thể thực hiện trong Luật Các tổ chức tín dụng nhưng theo trình tự rút gọn trong một kỳ họp; còn về lâu dài cần đưa vào một luật chung. Dù ở hình thức nào thì mục tiêu cuối cùng là tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, rõ ràng, bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên liên quan.

Tỷ lệ nợ xấu đang ở mức cao

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim cho biết, Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Quốc hội ban hành năm 2017 trong bối cảnh đặc biệt. Thời điểm đó, tỷ lệ nợ xấu chưa xử lý và nợ tiềm ẩn nguy cơ thành nợ xấu lên đến 10% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng. Khung pháp lý thiếu đồng bộ, nhiều khoảng trống và hiệu quả thấp.

Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Sau hơn 6 năm triển khai, Nghị quyết 42 đã cho thấy vai trò quan trọng trong việc tạo lập cơ chế pháp lý đặc thù, góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, kể từ ngày 1.1.2024, Nghị quyết 42 đã chính thức hết hiệu lực. Trong khi đó, một số quy định cốt lõi chưa được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng phát biểu. Ảnh: Duy Thông

Đánh giá về những kết quả mà Nghị quyết 42 mang lại, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trước khi có Nghị quyết 42, xử lý nợ xấu đối với việc khách hàng trả nợ bình quân khoảng 20%, nhưng khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, tỷ lệ này nâng lên 36%. Từ tháng 8.2017 đến cuối 2023, tổng xử lý nợ xấu khoảng 445.000 tỷ, trong đó nợ xử lý mà khách hàng trả nợ là 161.000 tỷ, còn xử lý tài sản bảo đảm hơn 93.000 tỷ, chiếm hơn 20% trong tổng số nợ phải xử lý. 93.000 tỷ là số liệu từ khách hàng hợp tác với ngân hàng, trong đó chỉ có 10% là ngân hàng tiến hành thu giữ và có phát mại theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật.

Khi Nghị quyết hết hiệu lực (từ 31.12.2023), ngay thời gian đầu, tổng số dư nợ mà nợ xấu là khoảng 4,55%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn là trên 6%, kể cả nợ bán cho VAMC. Đến 31.12.2024, tỷ lệ nợ xấu khoảng 5,46%, số tiền lên tới hơn 1.030 nghìn tỷ. 2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu tăng lên 34.000 tỷ. “Sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thì ý thức trả nợ của khách hàng kém đi, tinh vi hơn, tìm mọi cách để lách, không bàn giao tài sản, thậm chí không trả lãi, tạo ra tranh chấp giả”, ông Hùng cho biết.

Giám đốc Economica Việt Nam, TS. Lê Duy Bình phát biểu. Ảnh: Duy Thông

Giám đốc Economica Việt Nam, TS. Lê Duy Bình cho rằng, với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế hiện khoảng 16 triệu tỷ đồng, nếu tỷ lệ nợ xấu vào khoảng 6 – 7% thì con số tuyệt đối lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng – tương đương gần 40 tỷ USD. Đây là nguồn vốn không được sử dụng hiệu quả, trở thành vốn chết.

Theo ông Bình, tác hại không chỉ dừng lại ở con số khổng lồ đó. Không chỉ nguồn vốn bị “đóng băng”, mà những tài sản thế chấp đi kèm cũng không được khai thác do vướng mắc pháp lý. Tức là đang chịu tác động kép, vừa mất đi nguồn tín dụng, vừa để tài sản “chết”. Tỷ lệ nợ xấu 6% là con số rất cao nếu so với mức trung bình 2 – 3% của các nền kinh tế đang phát triển. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng tài sản (AQ) của hệ thống ngân hàng và tạo áp lực lớn trong việc trích lập dự phòng rủi ro – yếu tố đẩy lãi suất cho vay tăng cao.

Ở nhiều quốc gia, quyền thu giữ tài sản thế chấp là quyền đương nhiên, được pháp luật bảo vệ. Việc giao kết hợp đồng tín dụng đã bao hàm sự đồng thuận dân sự và nếu bên vay vi phạm, quyền thu giữ sẽ được thi hành nhanh chóng thông qua hệ thống tư pháp hiệu quả. Nhưng ở Việt Nam, điều này vẫn chưa được thể chế hóa đầy đủ.

Thiết kế các chế định thận trọng, công khai minh bạch

Trước thực tiễn trên, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng hồ sơ pháp lý để luật hóa một số nội dung của Nghị quyết 42, sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đảm bảo kế thừa và phát huy kết quả đạt được. Dự kiến, dự thảo luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong Phiên họp thứ 44 đang diễn ra, trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp vào tháng 5 tới đây. Về nội dung sửa đổi, Ngân hàng Nhà nước đề xuất luật hóa 3 nhóm chính sách gồm quyền thu giữ tài sản; kê biên và hoàn trả vật chứng.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Quốc Hùng, những nội dung đề xuất với Quốc hội, Chính phủ cần cụ thể, đặc biệt là quyền thu giữ. Theo đó, quyền thu giữ được giao không có nghĩa được thu giữ một cách vô điều kiện mà phải có quy định rõ ràng về thời điểm nợ xấu, thái độ, trách nhiệm. Việc thu giữ phải có trình tự thủ tục mà hiện nay dự thảo đã quy định rõ. Việc thu hồi nợ phải minh bạch, công khai, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

Liên quan đến vật chứng, có những vật chứng sau khi tòa tuyên án xong, tài sản thế chấp bằng 0. Đơn cử, bên vay thế chấp kho hàng nhưng qua quá trình giải quyết sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm thì hàng trong kho đã hỏng, thậm chí phải bồi hoàn vì ô nhiễm môi trường. Vậy, trách nhiệm thuộc về ai? Nếu không liên quan đến các vụ án hình sự hoặc những vụ án hành chính thì nên hoàn trả cho tổ chức tín dụng xử lý sớm.

Ông Hùng nhấn mạnh, các bộ, ngành cần xem xét, rà soát lại để sửa đổi, bổ sung. Nếu 3 nội dung này được hoàn thiện đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng vào thời gian tới sẽ góp phần xử lý được những khoản nợ tồn đọng của các tổ chức tín dụng.

Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn phát biểu. Ảnh: Duy Thông

Cùng quan điểm, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, nếu luật hóa Nghị quyết 42 cần phải thiết kế các chế định này thận trọng, công khai minh bạch.

Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho phép tổ chức tín dụng, phải có thiết chế bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bên vay; cần đi kèm điều kiện rõ ràng về trình tự, thủ tục, không xâm phạm quyền tài sản của người dân, doanh nghiệp, nên có cơ chế giám sát độc lập. Cần có thời gian thông báo và quyền phản hồi của bên vay.

Bên cạnh đó, phải cân bằng hài hòa lợi ích các bên vì tài sản bảo đảm liên quan nhiều chủ thể khác nhau, chứ không phải tài sản đó chỉ thuộc một bên cho vay. Do đó, phải có hướng dẫn chi tiết bảo đảm quyền lợi chính đáng của các bên liên quan, phải thiết kế quy trình.

Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, luật cần quy định cụ thể công khai xử lý nợ xấu như danh mục, quy trình thời gian xử lý, giá trị thu hồi, phân chia; từ đó sẽ ngừa tiêu cực, tạo niềm tin cho các bên liên quan.

Đối với nhóm giải pháp về kê biên tài sản bảo đảm, ông Tuấn cho rằng, thời gian qua có tình trạng lách để đẩy tài sản này đi, song có nhiều tài sản kê biên phải thực hiện nhiều nghĩa vụ khác nhau. Do đó, cần rà soát, tính toán cụ thể, đồng thời nên quy định thời hạn cụ thể trong luật, không nên kéo dài mãi.

Còn theo ông Lê Duy Bình, cần luật hóa rõ ràng quyền thu giữ tài sản để bảo vệ lợi ích hợp pháp của ngân hàng, cổ đông, người gửi tiền – những người thực chất đang góp vốn cho nền kinh tế thông qua hệ thống tín dụng. Việc các thủ tục như kê biên, thu giữ tài sản, quy trình xử lý rút gọn cần được quy định cụ thể, có giá trị pháp lý đủ mạnh để tránh tình trạng thỏa thuận mang tính hình thức.

Dù theo hướng sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng hay ban hành một đạo luật riêng, thì mục tiêu cuối cùng vẫn là tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, rõ ràng, hiệu quả, bảo vệ lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan. Bởi điều này, không chỉ phục vụ mục tiêu xử lý nợ xấu trước mắt mà còn thiết lập một trật tự kỷ cương bền vững trong quan hệ tín dụng – yếu tố sống còn của nền kinh tế hiện đại.

Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban Pháp chế, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát biểu. Ảnh: Duy Thông

Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban Pháp chế, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đề nghị, ban soạn thảo xem xét bổ sung một số trường hợp được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm, cụ thể, tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc trong trường hợp các bên đã thực hiện mua bán nợ; tổ chức có chức năng mua bán, xử lý nợ theo quy định của pháp luật (không bao gồm tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ) được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng bán nợ…

Giám đốc Khu vực Nam Sông hồng, Ngân hàng Eximbank Hoàng Hải Vương phát biểu. Ảnh: Duy Thông

Giám đốc Khu vực Nam Sông hồng, Ngân hàng Eximbank Hoàng Hải Vương trong luật sẽ quy định rõ những quy trình, trách nhiệm với những người có liên quan khi xảy ra nợ quá hạn. Đặc biệt, khoản nợ quá hạn sẽ được chuyển sang bên một công ty độc lập hoặc một bộ phận xử lý, cán bộ để xảy ra khoản nợ quá hạn cũng phải chịu trách nhiệm.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI phát biểu. Ảnh: Duy Thông
Dưới góc độ cơ quan pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI cũng đề xuất, trước mắt có thể quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhưng về lâu dài nên có luật chung.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Trần Hồng Nguyên phát biểu. Ảnh: Duy Thông

Về thời gian thực thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Trần Hồng Nguyên thống nhất việc Ngân hàng Nhà nước đề xuất xây dựng, ban hành luật theo trình tự và thủ tục rút gọn và có hiệu lực sớm ngay trong năm 2025. Đây không phải chỉ là quyền lợi của ngân hàng, mà chính là bảo vệ quyền lợi của người thứ ba, chính là của người gửi tiền, là nhân dân.

“Chúng ta nên ban hành trên cơ sở rút gọn, từ đó tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển nói chung, trong đó, ngân hàng chịu trách nhiệm chung trước Chính phủ, trước nhân dân, trước người gửi tiền, để đưa tiền vào lưu thông trong nền kinh tế”, bà Trần Hồng Nguyên nói.

Hạnh Nhung

————-

Đại biểu Nhân dân (Kinh tế) ngày 21-4-2025:

https://daibieunhandan.vn/tao-lap-khuon-kho-phap-ly-dong-bo-bao-ve-loi-ich-cua-cac-ben-lien-quan-post410949.html

(58/2.259)

Bài viết 

314. Bài 3: Khát vọng hùng cường - Thể chế tốt phải...

Bài 3: Khát vọng hùng cường - Thể chế tốt phải tạo ra sự đột phá. Luật sư Trương...

Bình luận 

443. Bình luận về việc sửa đổi Luật Các tổ...

Bình luận về việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng 2024. (Tham...

Phỏng vấn 

4.466. Quyết liệt ngăn chặn quảng cáo lố.

Quyết liệt ngăn chặn quảng cáo lố. (TN) - Trong lúc cơ quan chức năng vẫn...

Trích dẫn 

4.044. Thu giữ tài sản bảo đảm không phải là...

Thu giữ tài sản bảo đảm không phải là “cây gậy thần” của ngân hàng. (ĐBND)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 245,398