4.056. Thiếu khung pháp lý để tài sản số, tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm tại ngân hàng.

Thiếu khung pháp lý để tài sản số, tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm tại ngân hàng.

(NĐT) – Tài sản số và tín chỉ carbon được đánh giá là 2 loại tài sản mới, tiềm năng để làm bảo đảm cho các khoản vay tại ngân hàng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, khung pháp lý cho 2 loại tài sản này vẫn chưa cụ thể, rõ ràng.

Hội thảo “Tài sản bảo đảm ngân hàng – Những vấn đề quan tâm hiện nay”. Ảnh: TBNH

Ngày 28/4, Thời báo Ngân hàng tổ chức Hội thảo “Tài sản bảo đảm ngân hàng – Những vấn đề quan tâm hiện nay”.

Trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trong đó có nội dung liên quan đến tài sản số và tín chỉ carbon, hội thảo tập trung đánh giá về các loại tài sản mới nổi như tài sản số và tín chỉ carbon.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Lê Thị Giang, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, tài sản số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối, mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan; Tín chỉ carbon là chứng nhận phát thải hoặc hạn ngạch phát thải…, cho phép một chủ thể thải ra một tấn carbondioxide (CO2) hoặc carbon dioxide tương đương (CO2tđ). Đây là công cụ quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, việc xác lập giao dịch bảo đảm đối với tài sản số và tín chỉ carbon vẫn chưa có quy định cụ thể trong pháp luật Việt Nam. Điều này gây khó khăn cho hệ thống ngân hàng khi thẩm định 2 loại tài sản này làm tài sản bảo đảm.

Cẩn trọng sử dụng tài sản số, tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm
Luật sư Trương Thanh Đức
Chuyên gia pháp chế ngân hàng, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, pháp luật về dân sự và pháp luật về bảo đảm đã định nghĩa tài sản bảo đảm gồm tài sản hiện hữu và tài sản hình thành trong tương lai.
Theo đó, tài sản số hay chứng chỉ carbon cũng có thể coi là một loại tài sản bảo đảm. Thậm chí, hai loại tài sản này còn được quyền sở hữu trong khi bất động sản chỉ có quyền sử dụng.
Do đó, ông Đức cho rằng, muốn xác định tài sản bảo đảm có được thế chấp ngân hàng hay không thì cần xác định hai điều kiện: Một là tài sản đó có quyền sở hữu hay không? Hai là có bị cấm giao dịch? Nếu tài sản đó có quyền sở hữu và không bị cấm giao dịch thì đủ điều kiện để thế chấp ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Đức cũng lưu ý, việc nhận tài sản bảo đảm để ngăn chặn rủi ro cho ngân hàng, nhưng cũng có thể đem lại rủi ro khi giá trị tài sản trồi sụt quá lớn.
“Bất động sản và vàng còn biến động thất thường, nên khi nhận tài sản số làm tài sản bảo đảm có thể khiến trách nhiệm của ngân hàng trở nên nặng nề hơn khi giá trị tài sản sụt giảm mạnh”, ông Đức đặt vấn đề.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Giang Nam, Thành viên HĐTV Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết, Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho tài sản số. Việc hoàn thiện khung pháp lý sẽ là điều kiện cần để ngân hàng coi đây là tài sản bảo đảm, còn hiện 2 loại tài sản này cơ bản đủ điều kiện để ngân hàng có thể sử dụng làm thế chấp.

Ông Nam cũng khuyến nghị, ngân hàng cần tính toán kỹ lưỡng, đặc biệt là khả năng quản lý và xử lý trong trường hợp rủi ro xảy ra. Tín chỉ carbon, tài sản số là những loại tài sản mới, vì vậy khi ngân hàng nhận tài sản bảo đảm này cần phải đánh giá tính rủi ro, nhất là rủi ro về giá là rất lớn.

“Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2028 sẽ hình thành đầy đủ thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Đây là điều kiện cần thiết để đảm bảo cho ngân hàng có các biện pháp xử lý nợ liên quan tín chỉ carbon. Dưới góc độ ngân hàng, tôi cho rằng đây là một loại tài sản bảo đảm tiềm năng”, ông Nam chia sẻ.

Kinh nghiệm quốc tế sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm

TS. Vũ Thị Vân Anh, Trưởng phòng Cao cấp Khối ESG – Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thuế và Tư vấn KPMG Việt Nam

Chia sẻ kinh nghiệm thế giới về sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm ngân hàng và khuyến nghị đối với Việt Nam, TS. Vũ Thị Vân Anh, Trưởng phòng Cao cấp Khối ESG – Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thuế và Tư vấn KPMG Việt Nam cho biết, tại Thái Lan, tín chỉ carbon có thể được sử dụng làm tài sản bảo đảm trong các khoản vay, đặc biệt là các dự án đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu, cung cấp một cách đo lường và quản lý rủi ro liên quan đến khí hậu.

Còn tại thị trường châu Âu, một số quốc gia thành viên EU (như Pháp) đã phân loại EUA (Chứng chỉ phát thải của Liên minh châu Âu) là tài sản vô hình có thể chuyển nhượng, cho phép sử dụng nó làm tài sản thế chấp hoặc tài sản bảo đảm trong các giao dịch tài chính. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã triển khai các biện pháp để giảm rủi ro khí hậu trong hoạt động tín dụng, bao gồm việc hạn chế tài sản có lượng phát thải cao được sử dụng làm tài sản bảo đảm.

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật liên quan tới chứng chỉ carbon để hỗ trợ ngân hàng có thể sử dụng làm tài sản đảm bảo, TS. Vũ Thị Vân Anh cho rằng, cơ quan quản lý cần nghiên cứu ban hành các quy định cụ thể liên quan đến tín chỉ carbon, việc sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm; nghiên cứu bổ sung các văn bản pháp lý liên quan hỗ trợ như Luật Các TCTD, Thông tư, hướng dẫn…;

Xây dựng cơ chế định giá và đánh giá rủi ro bằng việc hướng dẫn nguyên tắc định giá tín chỉ carbon theo thông lệ thị trường (giá giao dịch trung bình, đánh giá định kỳ). Xây dựng các tiêu chí phân loại tín chỉ carbon hợp lệ. Thiết lập tỷ lệ chiết khấu phù hợp khi sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm;

Kiến nghị thí điểm tại một số ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng hoặc tổ chức tài chính nhằm đánh giá tính khả thi trước khi mở rộng toàn ngành; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, minh bạch và kết nối với hệ thống tín dụng.

Với các ngân hàng thương mại, TS. Vũ Thị Vân Anh khuyến nghị, cần xây dựng bộ phận chuyên trách hoặc thuê ngoài đơn vị chuyên môn để thẩm định tín chỉ carbon; đào tạo cán bộ tín dụng, quản lý rủi ro về thị trường carbon, phương pháp định giá và tính pháp lý của tín chỉ;

Phát triển xây dựng tín dụng xanh trong đó tín chỉ carbon là tài sảm bảo đảm; thiết kế hợp đồng tín dụng có điều khoản rõ ràng về tài sản bảo đảm là tín chỉ carbon, định giá lại, thanh lý…;

Thiết lập khung đánh giá rủi ro riêng cho tín chỉ carbon; biến động giá, tính thanh khoản, tính pháp lý; xây dựng cơ chế bảo hiểm tín chỉ hoặc hợp tác với quỹ bảo lãnh tín dụng xanh; hợp tác với các quỹ đầu tư, sàn giao dịch tín chỉ để dễ dàng chuyên nhượng/thu hồi tài sản bảo đảm khi cần.

Đình

————-

Nhà đầu tư (Tài chính) 28-4-2025:

https://nhadautu.vn/thieu-khung-phap-ly-de-tai-san-so-tin-chi-carbon-lam-tai-san-bao-dam-tai-ngan-hang-d95776.html

(245/1.468)

Bài viết 

314. Bài 3: Khát vọng hùng cường - Thể chế tốt phải...

Bài 3: Khát vọng hùng cường - Thể chế tốt phải tạo ra sự đột phá. Luật sư Trương...

Bình luận 

445. Bình luận về việc Thế chấp tài sản số...

Bình luận về việc Thế chấp tài sản số tại ngân hàng. (Tham luận...

Phỏng vấn 

4.468. Điểm nghẽn thuế, khi nào tháo gỡ.

Điểm nghẽn thuế, khi nào tháo gỡ. (VTV1) - Chương trình có sự tham...

Trích dẫn 

4.057. Có thể xem xét tài sản số, tín chỉ carbon là...

Có thể xem xét tài sản số, tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm. (TBNH) - Tại phiên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 246,376