(TBNH) – Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC đề xuất, trong dài hạn, cơ quan quản lý cần xây dựng một luật chung về xử lý nợ xấu, có cơ chế cho người mua nợ kèm theo tài sản, được kế thừa quyền thu giữ tài sản và được nhận thế chấp quyền sử dụng đất như đối với ngân hàng.
Việc thực hiện Nghị quyết số 42 đã tác động thế nào đến công tác xử lý nợ xấu thưa ông?
Nghị quyết 42 ra đời cách đây 6 năm với cơ chế thí điểm mục tiêu là để tạo cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết nợ xấu tồn đọng ở mức cao. Và thực tiễn triển khai cho thấy nợ xấu đã giảm rất nhanh. Tác động quan trọng nhất của Nghị quyết 42 là đã tăng cường trách nhiệm trả nợ của người đi vay, qua đó tăng tính tuân thủ trong hoạt động đi vay và cho vay, đã vay vốn thì phải có trách nhiệm trả nợ. Có thể khẳng định, việc thực hiện Nghị quyết số 42 đã mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC |
Tuy nhiên, dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Đơn cử như việc áp dụng thủ tục rút gọn tại tòa án theo Nghị quyết 42 gần như chưa triển khai được. Đặc biệt là chưa có cơ chế pháp lý cần thiết để xử lý nợ xấu cho tất cả các doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Điều này khiến nợ xấu không được xử lý một cách tổng thể, toàn diện.
Với thực trạng hiện nay, muốn không để nợ xấu tiếp tục đi thì buộc phải có cơ chế pháp lý đặc thù, cụ thể, rõ ràng. Việc ban hành Nghị quyết 42 là cần thiết nhưng theo tôi, chỉ là “giải pháp chữa cháy”.
Nghị quyết 42 của Quốc hội hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023. Để không tạo khoảng trống pháp lý về hoạt động xử lý nợ xấu, tại dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) để trình Quốc hội kỳ họp lần này có đề xuất luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu của Nghị quyết 42. Ông nhận định thế nào về đề xuất này?
Tại dự thảo, NHNN đã bổ sung thêm 1 chương quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm. Thực tế, việc đưa Nghị quyết 42 vào Luật Các TCTD sẽ rất tốt, cho ngành Ngân hàng, nhưng cũng vẫn chỉ là giải pháp thiếu toàn diện. Nhìn trong trung hạn, hợp lý nhất là phải xây dựng 1 luật chung để xử lý nợ xấu của nền kinh tế, trong đó trọng điểm là nợ xấu của các TCTD. Còn trước mắt cần xem xét bổ sung 1 quy định mở rộng phạm vi áp dụng chương xử lý nợ xấu cho cả nền kinh tế. Nếu không được như vậy, thì ít nhất cũng cần có quy định cho phép người mua nợ kèm theo tài sản bảo đảm của TCTD được kế thừa 2 quyền đặc biệt quan trọng là tiếp tục được quyền thu giữ tài sản bảo đảm và tiếp tục được nhận thế chấp quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, rộng hơn là được nhận thế chấp bất động sản đối với các công ty mua bán nợ của nước ngoài. Việc tiếp tục cho phép người mua nợ được nhận thế chấp quyền sử dụng đất của tổ chức cần được quy định trong Luật Đất đai 2023. Việc này không chỉ tạo điều kiện cho thị trường xử lý nợ xấu nói chung mà còn ảnh hưởng quan trọng đến việc xử lý nợ xấu của các TCTD
Tại phiên thảo luận của Quốc hội, nhiều ý kiến đồng tình việc xem xét thông qua dự thảo Luật TCTD sửa đổi trong hai kỳ họp và cũng có một số đại biểu cho rằng nên thông qua trong 3 kỳ họp. Quan điểm của ông đối với vấn đề này như thế nào?
Nghị quyết 42 được gia hạn đến ngày 31/12/2023, nên nếu để dự thảo Luật đến 3 kỳ thì sẽ tạo khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu đối với hoạt động ngân hàng. Tôi cho rằng, cơ quan soạn thảo sau khi tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội, cần sớm hoàn thiện Dự thảo Luật để được thông qua ở kỳ họp tới. Đây là giai đoạn nền kinh tế trong nước chịu tác động không nhỏ từ diễn biến bất lợi của tình hình chính trị, kinh tế thế giới; tiêu dùng và xuất khẩu sút giảm, đơn đặt hàng giảm thấp, nhất là ở các thị trường lớn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ngày càng tăng.
Trước bối cảnh đó, các ngân hàng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chất lượng tài sản suy giảm, nợ xấu tiềm ẩn gia tăng. Trong khi, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ của các ngân hàng vẫn đang gặp nhiều vướng mắc. Trong thời gian qua, không chỉ nợ xấu cao mà còn bùng lên hiện tượng “bùng nợ” nên càng cần phải có cơ chế xử lý đủ mạnh. Cần phải xác định rõ, nợ xấu không phải là sở hữu của ngân hàng, mà là của doanh nghiệp, của người đi vay và của cả nền kinh tế. Do đó, xử lý nợ xấu không phải là việc giúp đỡ, hỗ trợ hay ưu ái, dành đặc ân cho một số người xấu, một nhóm doanh nghiệp xấu và một vài ngân hàng xấu. Vì vậy, việc làm cho nợ xấu tốt lên là vì cái chung, vì doanh nghiệp và vì cả nền kinh tế.
Có thể thấy hoạt động xử lý nợ xấu đầy thách thức và để đạt được kết quả, đòi hỏi phải tạo hành lang pháp lý đồng bộ, mang tính đột phá và thực tiễn.
Xin cảm ơn ông!
PV
—————
Báo xxx (Chuyên mục xxx) ngày xx-xx-2023:
https://thoibaonganhang.vn/khong-nen-tao-ra-khoang-trong-phap-ly-xu-ly-no-xau-140678.html
(880/1.110) #TCTD #NHNN #NQ42 #XLN