Xử lý nợ xấu cần “liều thuốc đủ mạnh”.
(TT) – Nợ xấu vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, trong khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã hết hiệu lực từ 31/12/2023, khiến quá trình xử lý nợ gặp nhiều trở ngại.
Trong bối cảnh hiện nay, để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, việc tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu là cần thiết. Ảnh: Đ.H
Chuyên gia cảnh báo cần sớm luật hóa cơ chế xử lý nợ xấu để tránh khoảng trống pháp lý kéo dài, ảnh hưởng đến dòng chảy tín dụng và ổn định kinh tế.
Nợ xấu vượt 1 triệu tỷ đồng
Theo số liệu từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến cuối tháng 12/2024, tổng nợ xấu của toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã lên tới khoảng 1,03 triệu tỷ đồng. Đáng lo ngại, chỉ trong hai tháng đầu năm 2025, con số này tiếp tục tăng thêm khoảng 34.000 tỷ đồng, nâng tổng nợ xấu toàn hệ thống lên mức 1,064 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tốc độ xử lý nợ xấu vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng, chủ yếu thông qua việc các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro.
Một trong những nguyên nhân chính khiến quá trình xử lý nợ xấu bị chậm lại là do Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã chính thức hết hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Việc thiếu một cơ chế pháp lý thay thế đã gây ra nhiều trở ngại trong việc thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm, làm gián đoạn dòng chảy tín dụng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận định: Nghị quyết 42 hết hiệu lực đã tác động rất lớn đến hiệu quả xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Không chỉ khó khăn trong việc thu hồi nợ, nhiều khách hàng có dấu hiệu trì hoãn, chây ì, thậm chí tìm mọi cách để né tránh nghĩa vụ bàn giao tài sản hoặc trả nợ lãi vay, dẫn đến phát sinh tranh chấp kéo dài tại tòa án.
“Để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý ổn định và đồng bộ là điều hết sức cần thiết. Đây là nền tảng để hệ thống ngân hàng có thể chủ động ứng phó với rủi ro tín dụng trong dài hạn, đảm bảo an toàn hoạt động và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi bền vững”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý
Trao đổi về vấn đề xử lý nợ xấu trong bối cảnh Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội đã chính thức hết hiệu lực, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính cho rằng: Nghị quyết 42 từng được xem là “liều thuốc mạnh” giúp hệ thống ngân hàng đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, việc không kịp thời luật hóa các nội dung của Nghị quyết này hoặc tích hợp vào Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã tạo ra một khoảng trống pháp lý đáng lo ngại.
Theo TS. Hiếu, do Nghị quyết 42 có thời hạn áp dụng nhất định, nên khi hết hiệu lực mà chưa có hành lang pháp lý thay thế tương ứng, hoạt động xử lý nợ xấu có nguy cơ rơi vào trạng thái “khoảng không pháp lý”. Điều này khiến các tổ chức tín dụng không còn công cụ pháp lý đủ mạnh để xử lý tài sản bảo đảm hay thu hồi nợ một cách hiệu quả và quyết liệt.
“Giải pháp căn cơ hiện nay là cần xem xét gia hạn hiệu lực Nghị quyết 42 hoặc luật hóa các nội dung cốt lõi của Nghị quyết này. Việc đưa cơ chế xử lý nợ xấu vào luật sẽ góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý ổn định và bền vững, đáp ứng yêu cầu quản trị rủi ro tín dụng trong dài hạn”, TS. Hiếu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó luật hóa một số nội dung quan trọng từ Nghị quyết 42, là bước đi cần thiết.
Theo ông Đức, xử lý nợ xấu không chỉ là câu chuyện riêng của ngành ngân hàng, mà liên quan đến nhiều cơ quan và lĩnh vực khác như tòa án, thi hành án, đấu giá tài sản, đăng ký sang tên, thuế, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản… Do đó, giải pháp hiệu quả cả trước mắt lẫn lâu dài là đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả giải quyết các tranh chấp, thủ tục hành chính liên quan.
“Nếu dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này, đặc biệt với nội dung cho phép các tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm khi xử lý nợ, sẽ tạo ra đột phá lớn trong quá trình xử lý nợ xấu”, ông Đức nhấn mạnh tại tọa đàm về xử lý nợ xấu được tổ chức tháng 4/2025.
Đông Hà
————-
Thanh tra (Tài chính) 08-5-2025:
https://thanhtra.com.vn/tai-chinh-701717FFD/xu-ly-no-xau-can-lieu-thuoc-du-manh-508598821.html
(202/943)