Sửa Luật Các tổ chức tín dụng – xử lý nợ xấu, hỗ trợ tăng trưởng 8%.
(LĐ) – Dự thảo sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) ra đời trong bối cảnh nợ xấu tăng trở lại, kinh tế đặt mục tiêu tăng trưởng 8%, cần luật hóa quyền thu giữ tài sản nợ xấu.
Việc sửa Luật Các tổ chức tín dụng để xử lý dứt điểm nợ xấu được xem là nền tảng quan trọng để tăng năng lực cung ứng vốn cho nền kinh tế, giảm chi phí vốn. Ảnh: Hải Nguyễn
Nợ xấu tăng trở lại, cần hành lang pháp lý ổn định
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang khẩn trương hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới. Dự luật ra đời trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng trở lại, nền kinh tế cần khơi thông nguồn lực để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và một loạt các quy định quan trọng từ Nghị quyết 42/2017/QH14 đang bị bỏ ngỏ về mặt pháp lý sau khi hết hiệu lực thí điểm.
Theo NHNN, nợ xấu gia tăng do nhiều nguyên nhân như kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, thị trường bất động sản, trái phiếu, chứng khoán phục hồi chậm, trong khi thị trường mua bán nợ vẫn chưa phát triển đúng kỳ vọng. Đặc biệt, việc Nghị quyết 42 hết hiệu lực đang tạo ra khoảng trống pháp lý, ảnh hưởng đến khả năng xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng.
TS Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – phân tích: “Nếu không xử lý được nợ xấu thì hệ thống tín dụng sẽ bị ách tắc, doanh nghiệp không vay được vốn, và nền kinh tế sẽ bị đình trệ”. Ông nhấn mạnh quyền thu giữ tài sản bảo đảm là quyền đương nhiên của bên cho vay, không phải đặc quyền và cần được luật hóa để ngân hàng có thể thực thi hiệu quả hơn.
Tại Thông báo số 61/TB-VPCP, Thường trực Chính phủ cũng giao NHNN hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, trong đó luật hóa Nghị quyết 42 là một trong những nội dung trọng tâm. Dự luật hiện đang đề xuất luật hóa ba nhóm quyền quan trọng: Quyền thu giữ tài sản bảo đảm, quyền kê biên tài sản trong thi hành án và hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng hoặc tang vật trong các vụ án hình sự, vi phạm hành chính.
Gỡ điểm nghẽn thể chế, thúc đẩy tín dụng
Dự luật cũng đề xuất trao quyền cho NHNN quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không cần tài sản bảo đảm, thay vì phải xin ý kiến Thủ tướng như hiện nay. Theo NHNN, việc này giúp rút ngắn quy trình, phản ứng kịp thời trong trường hợp cần hỗ trợ các TCTD yếu, tránh lan truyền rủi ro hệ thống.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, nhận định: “Việc không luật hóa một số quy định trong Nghị quyết 42 như quyền thu giữ tài sản bảo đảm đã ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng xử lý nợ xấu. Việc sửa luật lần này là cần thiết để lấp khoảng trống pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu lực thực thi”.
Dự luật được xây dựng theo định hướng của nhiều văn kiện cấp cao như Kết luận 19-KL/TW, Kết luận 115-KL/TW, Nghị quyết 27-NQ/TW, đặt trọng tâm vào việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực và đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng tháo gỡ – kiến tạo.
Chú trọng kiểm soát quyền lực, đảm bảo cân bằng lợi ích
Giới chuyên gia cũng cho rằng, cần thiết kế cơ chế kiểm soát để tránh lạm quyền, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người vay.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – đánh giá: Dự thảo có điểm mới là cho phép thu giữ tài sản đang trong diện tranh chấp – điều mà Nghị quyết 42 trước đây không quy định. Đây là bước đi mạnh, cần đi kèm với trách nhiệm giải trình và giám sát chặt chẽ để tránh lạm dụng.
Bên cạnh đó, NHNN cũng khẳng định trong tờ trình rằng việc luật hóa các quy định phải đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa bên cho vay và bên vay, tránh bất đối xứng trong quan hệ tín dụng, đồng thời phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Năm 2025 được Chính phủ xác định là năm then chốt để về đích các mục tiêu kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 192/2025/QH15 yêu cầu tăng trưởng đạt từ 8% trở lên và giao các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện thể chế, cơ chế tín dụng, thuế, đầu tư công.
Trong bối cảnh đó, việc sửa Luật Các TCTD để xử lý dứt điểm nợ xấu được xem là nền tảng quan trọng để tăng năng lực cung ứng vốn cho nền kinh tế, giảm chi phí vốn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp và người dân.
Thuận Hiền
————-
Lao Động (Kinh doanh) ngày 17-5-2025:
(65/959)