4.079. Hiểu đúng về bảo hiểm nhân thọ

(NTV) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, tham gia chương trình tại trường quay S1, Truyền hình Nghệ An, số 1 Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, phát trực tiếp từ 10h – 11h ngày 04-7-2023.

————–

Kịch bản:

Phần I:

Câu hỏi 01: Theo ông, những vấn đề lùm xùm liên quan đến bảo hiểm vừa qua, nguyên ngân chính đến từ đâu?

Có 3 nguyên nhân chính dẫn tới sự phản ứng bức xúc của khách hàng với bảo hiểm nhân thọ:

Thứ nhất, pháp luật và sản phẩm bảo hiểm rất phức tạp:

  • Bản chất của bảo hiểm là chia sẻ rủi ro chứ không giống như gửi tiết kiệm chỉ để hưởng lãi hay tiêu dùng mua sắm các dịch vụ khác. Vì vậy, xảy ra rủi ro thì tốt, bởi được hưởng bảo hiểm, mà không xảy ra rủi ro thì càng tốt hơn, cho dù không được hưởng bảo hiểm;
  • Còn khoản đầu tư chỉ là giá trị gia tăng, chứ không phải là mục tiêu chính.
  • Vì vậy cả hai bên mua và bán đều cần phải có hiểu biết nhất định về sản phẩm bảo hiểm, nhất là bản chất của bảo hiểm. Trên thực tế còn bị hiểu sai khá nhiều.

Thứ hai, chất lượng tư vấn của nhân viên và đại lý bảo hiểm chưa tốt:

  • Không hiểu rõ sản phẩm;
  • Vì chỉ tiêu, vì thành tích và vì hoa hồng mà chỉ nhấn mạnh đến quyền lợi, qua loa về nghĩa vụ, thậm chí bỏ qua. Ví dụ, đại lý bảo hiểm để có được hợp đồng nhằm hưởng hoa hồng mà tư vấn xui khách hàng giấu thông tin đang bị bệnh hiểm nghèo thì chẳng khác nào lừa dối.

Năm ngoái tôi đã cảnh báo nguy cơ chi trả hoa hồng của ngành bảo hiểm nhân thọ, nhưng đã bị “dân“ đại lý tấn công điện thoại, facebook & website công ty.

Thứ ba, khách hàng mua bảo hiểm chưa hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm:

  • Không hiểu được bản chất của bảo hiểm;
  • Không đọc hoặc không đọc kỹ;
  • Không nắm được những điểm mấu chốt về quyền và nghĩa vụ của mình, nhất là nghĩa vụ khai báo đúng thông tin và nộp tiền trong nhiều năm.

Mua bảo hiểm để nhằm hạn chế rủi ro, nên không để xảy ra rủi ro ngay từ khi mua.

Gia đình tôi đã mua bảo hiểm của nhiều công ty (trong đó có 3 hợp đồng của Pru), nhưng đều chỉ một mức khá thấp, có thể chủ động đóng được trong mọi trường hợp. Vì vậy chẳng bao giờ phải lo ngại rủi ro không tiếp tục đóng được phí bảo hiểm.

Phần II:

Câu hỏi 02: Một điểm nhấn khác của ngành Bảo hiểm đó là Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã chính thức được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Khung pháp lý mới kỳ vọng sẽ hỗ trợ như thế nào cho thị trường trong tương lai, thưa ông?

 Nhiều quy định tăng cường bảo vệ người tham gia bảo hiểm, trong đó có một số nội dung như:

Thứ nhất, quy định rõ hơn về quyền, nghĩa vụ của hai bên.

+ Về phía khách hàng, cùng với nghĩa vụ khai báo đúng thông tin, nghĩa vụ đóng tiền là những vấn đề rủi ro nhất mà người mua bảo hiểm phải hết sức quan tâm;

+ Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, nếu chậm bồi thường thì phải trả tiền chậm trả. Trước đây do không quy định, nên thường xuyên xảy ra tranh cãi, kể cả khi đưa ra giải quyết tại Toà án hoặc Trọng tài VIAC của chúng tôi.

Thứ hai, quy định rõ hơn về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Nếu loại trừ trách nhiệm bảo hiểm thì phải bảo đảm bên mua đã được giải thích đầy đủ và hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ;

Thứ ba, quy định rõ hơn về hợp đổng bảo hiểm vô hiệu. Chẳng hạn như hợp đồng bảo hiểm được ký kết có sự nhầm lẫn làm cho người mua không đạt được mục đích của việc ký kết hợp đồng thì vô hiệu. Trước kia Luật Kinh doanh bảo hiểm chỉ quy định về việc lừa dối thì vô hiệu.

Khi mọi thứ rõ ràng, sòng phẳng hơn, đặc biệt ngày càng có sự quan tâm về bảo hiểm, tôi tin chắc rằng thị trường sẽ phát triển tốt hơn và bài bản hơn trong tương lai. Điều kiện tiên quyết là đôi bên đều tuân thủ pháp luật nói chung, pháp luật bảo hiểm nói riêng.

Phần III:

Câu hỏi 03: Tại sao khi khách hàng có khiếu nại liên quan đến bảo hiểm, có khách hàng được hoàn tiền, có khách hàng lại không được trả lại tiền?

Thứ nhất, đầu tiên việc khách hàng khiếu nại được hoàn tiền hay không được hoàn tiền cũng giống như khi xảy ra sự kiện bảo hiểm việc được bồi thường hay không được bồi thường, đều phải căn cứ vào quy định của pháp luật và thoả thuận cụ thể trong hợp đồng;

Trường hợp nào có bằng chứng về việc nhân viên tư vấn, đại lý đã tư vấn sai cho khách hàng (khách hàng bị lừa dối hay bị nhầm lẫn) hay khách hàng không hề ký hợp đồng thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ hủy bỏ hợp đồng và hoàn lại khoản phí đã đóng cho khách hàng, đồng thời các tư vấn viên đó cũng đã phải chịu hình thức xử lý kỷ luật phù hợp.

Còn nếu hợp đồng đã được ký kết đúng pháp luật, các bên tự do, tự nguyện ý chí, không bị lừa dối, nhầm lẫn thì có hiệu lực pháp luật và cả hai bên đều phải tôn trọng thực hiện. Đây không nhưng là trách nhiệm pháp lý mà còn là đạo đức kinh doanh, đạo đức ứng xử tối thiểu.

Thứ hai, tất nhiên cái khó nhất đối với khách hàng hàng là phải có những bằng chứng pháp lý để chứng minh cho yêu cầu khiếu nại, tố cáo của mình, chứ không chỉ là khẩu thiệt vô bằng. Bằng chứng pháp lý có thể là giấy tờ giao dịch khác với hợp đồng, file ghi âm lời tư vấn, chứng minh được là tư vấn viên đã tự kê khai sai thông tin khách hàng, giả mạo chữ ký của khách hàng,…. Bằng chứng cũng có thể là những sự kiện, vấn đề vô lý, mâu thuẫn, bất thường liên quan.

Chẳng hạn một người thuộc diện nghèo, nhưng lại mua bảo hiểm mà năm đầu nộp phí toàn bộ số tiền tiết kiệm đang gửi ở ngân hàng thì là dấu hiệu khá rõ của việc bị nhầm lẫn.

Thứ ba, nếu khách hàng không đồng ý với kết giải quyết của doanh nghiệp bảo hiểm thì có quyền khởi kiện ra Toà án hoặc Trọng tài thương mại để yêu cầu giải quyết.

Câu hỏi 04: Hợp đồng điện tử có thay thế được cho hợp đồng giấy khi có kiện tụng với DN BHNT không?

Thứ nhất, theo quy định của Luật Giao dịch điện tử 2005, Luật Thương mại năm 2005, Bộ luật Dân sự 2015,… thì một hợp đồng điện tử sẽ có hiệu lực và giá trị pháp lý như hợp đồng bằng văn bản giấy.

Thứ hai, tuy nhiên, để một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dạng điện tử có giá trị pháp lý và ràng buộc các bên thì nó  phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để bảo đảm tính xác thực.

Thứ ba, do vậy khi khách hàng khiếu nại, khởi kiện doanh nghiệp bảo hiểm thì hợp đồng điện tử cũng được chấp nhận như hợp đồng bằng bản giấy theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015./.

—————

Truyền hình Nghệ An – NTV (Chuyên mục xxx) ngày 04-7-2023:

https://www.youtube.com/watch?v=ffdnrMf9wjE

https://www.facebook.com/truyenhinhnghean/videos/220417803752335

(60 phút) #BHNT

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,519