4.079. VinSpeed đề xuất làm đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Lãi suất 0% không phải là “món quà”, là phép thử tinh thần của Nghị quyết 68.

VinSpeed đề xuất làm đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Lãi suất 0% không phải là “món quà”, là phép thử tinh thần của Nghị quyết 68

Câu chuyện VinSpeed đề xuất Nhà nước hỗ trợ khoản vay 80% còn lại với lãi suất 0% trong 35 năm để làm đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có thể là phép thử cho tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị. Và rất có thể VinSpeed sẽ là trường hợp đầu tiên để xác định ranh giới giữa hỗ trợ và ưu ái, giữa khuyến khích và thiên vị.

Đề xuất làm đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam của VinSpeed: Lãi suất 0% không phải là “món quà”

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed (một doanh nghiệp mới thành lập trong hệ sinh thái Vingroup) đề xuất đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tổng vốn hơn 1,5 triệu tỷ đồng. VinSpeed cam kết tự thu xếp 20% vốn và đề nghị Nhà nước hỗ trợ khoản vay 80% còn lại với lãi suất 0% trong 35 năm. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đề xuất nhiều ưu đãi như miễn thuế thiết bị, quyền phát triển bất động sản quanh các ga, và thời hạn hoạt động lên đến 99 năm.

Đề xuất của VinSpeed đã có diễn biến như sau: Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành nghiên cứu đề xuất và báo cáo để xem xét.

Cùng với đó, tại Quốc hội khi trình dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã đề xuất được quyền chủ động quyết định cho vay đặc biệt với lãi suất 0%, không cần tài sản đảm bảo, thay vì phải trình Thủ tướng như hiện nay.

Hai đề xuất, một đề xuất táo bạo đang thu hút sự chú ý của giới hoạch định chính sách và thị trường tài chính, Vinspeed – đơn vị tư nhân thuộc hệ sinh thái Vingroup – vừa chính thức kiến nghị được tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam với hình thức đối tác công – tư; Một đề xuất cơ chế chưa từng có: vay vốn Nhà nước với lãi suất 0%.

Đề xuất này xuất hiện đúng thời điểm Bộ Chính trị khẳng định vai trò quan trọng nhất của kinh tế tư nhân trong Nghị quyết 68 – NQ/TW. Để xuất của VinSpeed xuất hiện vào đúng thời điểm Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu khả năng mở rộng vai trò khu vực tư nhân trong các dự án hạ tầng chiến lược. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng khung cho “chính sách tín dụng đặc biệt”, một cơ chế tương tự như gói hỗ trợ có mục tiêu, mang tính quốc sách.

Chuyên gia nhận định đề xuất của VinSpeed là tư duy “đột phá” trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn dè dặt với các dự án PPP quy mô siêu lớn. Ảnh: AI thiết kế

Một số chuyên gia cho rằng, dù đề xuất này còn cần phải xem xét về tính khả thi, nhưng đây là một tư duy “đột phá” trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn dè dặt với các dự án PPP quy mô siêu lớn.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhấn mạnh, VinSpeed đề xuất làm dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trùng vào thời điểm khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát huy vai trò, hưởng ứng Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, và đặc biệt là Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

“Mặc dù còn nhiều điểm cần làm chi tiết hơn và cần sự nghiên cứu kỹ lưỡng từ Chính phủ. Nhưng đề xuất của VinSpeed cho thấy việc doanh nghiệp tư nhân tham gia cơ sở hạ tầng lớn là định hướng đang được nhà điều hành đặt ra, giúp huy động nguồn lực lớn từ tư nhân để đảm bảo nhu cầu vốn, không ảnh hưởng tới ngân sách. Thay vì bỏ vốn đầu tư công trình hạ tầng đó, Nhà nước có thể sử dụng nguồn ngân sách vào các lĩnh vực trọng điểm khác”, ông Hiệp chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, sự tham gia của doanh nghiệp có hệ sinh thái mạnh như Vingroup sẽ kéo theo hàng loạt doanh nghiệp Việt khác đồng hành. Bởi, đây là dự án lớn cần nhiều hạng mục công việc từ thiết kế, xây dựng, công nghệ, nhân lực, logistics,… Qua đó, không chỉ có một doanh nghiệp Việt phát triển mà cả lực lượng doanh nghiệp trong nước cùng vươn lên, nếu chung tay phát triển dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Thực tế, dù mới được thành lập nhưng Vinspeed không phải cái tên xa lạ. Với hậu thuẫn từ Vingroup, họ mang theo kinh nghiệm triển khai các dự án công nghệ, bất động sản và gần đây là VinFast – thương hiệu xe điện đang cố mở đường ra thế giới. Nhưng đường sắt cao tốc là một câu chuyện khác. Đây là dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến gần 60 tỷ USD, đòi hỏi nguồn lực dài hạn, rủi ro chính sách cao và khả năng chịu lỗ trong nhiều năm đầu.

Vậy, một mức lãi suất 0% có đủ để khơi thông sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào một “cuộc chơi” được cho là chỉ phù hợp với nhà nước?

Điều đầu tiên cần khẳng định: lãi suất 0% không phải là “món quà”. Đó là một dạng ưu đãi đầu tư có điều kiện – thường đi kèm với nghĩa vụ chuyển giao công nghệ, cam kết hiệu quả vận hành, tỷ lệ nội địa hóa cao và khả năng sinh lời dài hạn cho nền kinh tế chứ không nhất thiết là cho nhà đầu tư.

Với môi trường vĩ mô như Việt Nam, nơi chi phí vốn trung và dài hạn vẫn cao, một doanh nghiệp tư nhân nếu được tiếp cận khoản tín dụng rẻ, ổn định, được bảo hộ rủi ro chính sách thì động lực tham gia sẽ tăng mạnh. Câu chuyện không chỉ nằm ở lãi suất, mà ở việc ai được vay, vay để làm gì và hệ sinh thái xoay quanh khoản vay đó có đủ năng lực hấp thụ hay không.

Đề xuất của VinSeed mang tính thử nghiệm thể chế về vai trò của kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 68

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế – tài chính cho rằng, nếu đúng như cam kết đặt ra của VinSpeed thực hiện dự án trong 5 năm (so với thời gian dự kiến 10 năm) đã là một điểm tích cực.

“Tổng thể, nếu giao cho doanh nghiệp tư nhân sẽ tận dụng được nguồn vốn tư nhân, sự năng động, tính quản lý chặt chẽ để tham gia thực hiện dự án. Tuy nhiên, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là dự án rất lớn, do đó, các cơ chế đặc thù hay ưu đãi cần được minh bạch, hài hòa giữa các doanh nghiệp”, ông Thịnh nhận định.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam không đơn thuần là một công trình giao thông, mà là động lực phát triển toàn diện kinh tế – xã hội.

Phân tích về đề xuất của VinSpeed về khoản vay 80% vốn với lãi suất 0% có khoản vay này có kích thích được doanh nghiệp tư nhân tham gia không, nhiều chuyên gia khẳng định là có thể – nếu được thiết kế khôn ngoan.

Đề xuất của Vinspeed có thể là phép thử cho tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, khẳng định vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân trong tăng trưởng dài hạn. Nhưng nó cũng đặt ra một câu hỏi lớn cho hệ thống ngân hàng: Làm sao thiết kế một gói tín dụng “mềm” nhưng không trở thành gánh nặng ngân sách hoặc tạo tiền lệ bất bình đẳng?

Nếu được hoạch định và giám sát đúng, chính sách tín dụng đặc biệt có thể trở thành “cú huých” để khu vực tư nhân mạnh dạn bước vào các đại dự án hạ tầng vốn trước nay là sân chơi độc quyền của khu vực công. Còn nếu buông lỏng kiểm soát, nó có thể tạo ra một cuộc đua “xin – cho” trá hình, làm méo mó thị trường vốn.

Đề xuất khác của VinSpeed cũng nhận được nhiều chú ý là việc khai thác quỹ đất phụ cận các ga tàu để phát triển khu đô thị theo mô hình phát triển đô thị theo hướng TOD, lấy giao thông công cộng làm trung tâm để phát triển đô thị, là xu hướng phổ biến và đã chứng minh hiệu quả ở nhiều quốc gia phát triển.

Đề xuất của VinSpeed khai thác quỹ đất phụ cận các ga tàu để phát triển khu đô thị theo mô hình phát triển đô thị theo hướng TOD. Ảnh: AI thiết kế

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, việc tiếp cận quỹ đất để thực hiện dự án giao thông trọng điểm cần nhìn từ nhiều góc độ. Nếu triển khai hợp lý và có sự giám sát, điều phối của Nhà nước thì mô hình phát triển đô thị theo hướng TOD có thể mang lại nguồn thu bền vững thông qua khai thác giá trị gia tăng của đất đai và bất động sản quanh các nhà ga.

“Nhiều quốc gia đã thành công khi để doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư, khai thác hạ tầng kết hợp với phát triển quỹ đất hai bên tuyến đường sắt như Hàn Quốc, Nhật Bản,…”, ông Điệp nhận định.

Ông Điệp cũng cho rằng, vấn đề không nằm ở việc tư nhân tham gia, mà nằm ở việc Nhà nước có quy hoạch rõ ràng, có cơ chế giám sát minh bạch. Khi dự án được kiểm soát đúng, sự tham gia của tư nhân sẽ giúp giảm gánh nặng ngân sách, đẩy nhanh tiến độ, kích hoạt phát triển vùng và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân tán dân cư, giảm áp lực lên các thành phố lớn và thúc đẩy sự hình thành thêm các đô thị mới hiện đại, tuy nhiên theo hướng dịch chuyển dần về các địa phương, tỉnh lẻ.

“Việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ giúp hình thành các đại đô thị dọc trục đường, góp phần định hình lại thị trường bất động sản. Khi dự án hình thành, việc phát triển đô thị dọc theo tuyến là tất yếu và đó cũng là một trong những giá trị của tuyến đường sắt. Điều này sẽ giảm tình trạng dân số tập trung ở các đại đô thị”, ông Võ nhận định.

Ông Võ cũng cho rằng, trong bối cảnh Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, việc doanh nghiệp tham gia vào các dự án lớn là cơ hội để định hình và phát triển.

“Nghị quyết 68 là một bước tiến đáng ghi nhận so với cách thức quản lý đất đai hiện hành. Việc điều chỉnh chính sách theo hướng giảm gánh nặng tài chính ban đầu sẽ tạo điều kiện để khu vực tư nhân mạnh dạn triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực cần vốn lớn và dài hạn. Nhiều năm qua, bài toán lớn nhất đối với doanh nghiệp vẫn là chi phí tiếp cận quỹ đất quá cao, tạo ra những rào cản khó vượt qua trong việc triển khai dự án”, ông Võ nhận định.

Thái Nguyễn

————-

Dân Việt (Kinh tế) ngày 21-5-2025:

https://danviet.vn/vinspeed-de-xuat-lam-duong-sat-toc-do-cao-bac–nam-lai-suat-0-khong-phai-la-mon-qua-la-phep-thu-tinh-than-cua-nghi-quyet-68-d1333757.html

(42/2.100)

Bài viết 

315. Tinh thần Nghị quyết 68: Không phải cứ sai...

Tinh thần Nghị quyết 68: Không phải cứ sai phạm là tội phạm! (PL)...

Bình luận 

445. Bình luận về việc Thế chấp tài sản số...

Bình luận về việc Thế chấp tài sản số tại ngân hàng. (Tham luận...

Phỏng vấn 

4.483. Doanh nghiệp tư nhân đầu tư dự án đường...

Doanh nghiệp tư nhân đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam: “Luật...

Trích dẫn 

4.078. Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Gỡ...

Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Gỡ điểm nghẽn thể chế, thúc...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 249,206