4.085. Khách hàng bức xúc, Chủ tịch HĐQT Sông Đà Nhật Nam né tránh báo chí (bài cuối)

Khách hàng bức xúc, Chủ tịch HĐQT Sông Đà Nhật Nam né tránh báo chí (bài cuối)

(CAND) – Các nhà đầu tư “tiền mất, tật mang” khi đầu tư tiền vào các công ty tài chính được lập ra để lừa đảo, các sàn giao dịch tiền ảo… đã được cảnh báo nhiều năm qua. Thậm chí ngay cả việc, các công ty tự giới thiệu hoành tráng, sau đó thu hút nhà đầu tư thông qua các Hợp đồng hợp tác kinh doanh với lãi suất “khủng” cũng không còn là các hiện tượng mới. Chiêu bài cũ nhưng bài học thì vẫn luôn mới bởi thời gian qua vẫn luôn có không ít người nhẹ dạ cả tin “xuống tiền”. Chỉ khi nào nhận trái đắng, các nhà đầu tư mới dần tỉnh ngộ.
Liên tục đơn kêu cứu

Như Báo CAND đã phản ánh cách đây chưa lâu, hàng trăm nhà đầu tư đang phải đối mặt với cảnh tiền mất tật mang, gia đình phát sinh mâu thuẫn, thậm chí nhiều người đang còn phải chịu áp lực nợ nần, cầm cố nhà cửa khi lỡ huy động tài chính để đầu tư vào Công ty cổ phần Tập đoàn NTea Việt Nam cũng dưới hình thức ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Nhật Nam né tránh báo chí

Nhiều nhà đầu tư đang đứng ngồi không yên khi trót ký Hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty BĐS Nhật Nam.

Trong đơn tố cáo gửi đến Báo CAND, gần 200 nhà đầu tư cho biết, đã đầu tư vào công ty này với số tiền từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Số tiền thực góp của các cá nhân này đã lên đến 120 tỷ đồng. Cách lôi kéo các nhà đầu tư cũng dưới chiêu bài tổ chức các buổi hội thảo hoành tráng, giới thiệu công ty có tiềm lực lớn với các nhà máy sản xuất ở nhiều tỉnh thành phía Bắc. Vậy nhưng tài sản có phải của công ty hay không, các nhà đầu tư không thể xác minh được. Hợp đồng đã quá hạn vài năm nay, nguy cơ mất vốn đang hiển hiện khi chỉ nhận được câu trả lời từ phía công ty chung chung là: Công ty hiện đang khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, do thiên tai và do thị trường bị ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga – Ucraina…

Hiện Báo CAND cũng vừa tiếp nhận đơn kêu cứu của gần 100 người tại tỉnh Ninh Bình tố cáo một công ty ở Hà Đông, Hà Nội thông qua chi nhánh của công ty tại Ninh Bình kêu gọi đầu tư để sản xuất kinh doanh thịt lợn sạch, đã thu của các nhà đầu tư này số tiền hơn 23 tỷ đồng từ năm 2018. Vẫn với cách thức giới thiệu hoành tráng về công ty như: công ty đã có trang trại nuôi lợn sạch với diện tích nhiều héc ta; có nhà máy sản xuất, chế biến cám thảo dược; có trang trại trồng thảo dược để chế biến cám; có xưởng sản xuất giết mổ công nghệ cao; công ty có số vốn lên đến 167 tỷ đồng do các thành viên trong hội đồng quản trị thực góp…

Cũng từ đó mà nhiều nhà đầu tư ở các tỉnh thành khác cũng đã góp vốn vào công ty này. Thế nhưng sau thời gian đầu được trả lãi, từ năm 2020 đến nay, không ai được công ty chi trả một đồng nào nữa. Quá bức xúc, đi xác minh và tìm hiểu các nhà đầu tư mới tá hỏa khi những lời quảng cáo “nổ” về công ty là không có thật.

Quay trở lại trường hợp của Công ty BĐS Nhật Nam, các nhà đầu tư gửi đơn tố cáo đến Báo CAND cho biết, hiện vẫn chưa thể xác minh được tiềm lực khổng lồ về hệ thống nhà hàng, khách sạn, bất động sản mà công ty này quảng cáo khi kêu gọi đầu tư có thật hay không. Chỉ biết nguy cơ mất vốn đang hiển hiện. Liên quan đến việc huy động vốn của doanh nghiệp này, trong khoảng thời gian tháng 8, tháng 9/2022, dư luận và báo chí đã rầm rộ thông tin, sau khi có văn bản cảnh báo của Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) hàng loạt địa phương cũng đã đưa ra cảnh báo.

Theo đó, Công an huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) đã có văn bản thông báo về việc huy động vốn qua hình thức “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” của Công ty BĐS Nhật Nam. Công ty này thành lập nhiều chi nhánh, văn phòng giao dịch bất động sản tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, lôi kéo nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn với cam kết trả lợi nhuận hằng ngày, tỷ suất lợi nhuận cao (từ 5 – 7%/tháng, tương đương 60 – 84%/năm, kèm theo ưu đãi mua bất động sản).

Việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, đưa ra yêu cầu bảo mật thông tin và trong hợp đồng đã cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế, nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự. Sau đó, một số địa phương khác cũng đã ra văn bản cảnh báo cho người dân như Hòa Bình, Phú Thọ.

Người dân phải tỉnh táo

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, về mặt luật pháp, do luật hiện nay nhiều chỗ chưa rõ ràng nên Hợp đồng hợp tác kinh doanh không phải không được phép. Trong Luật Đầu tư phần nói về hợp tác đầu tư kinh doanh không quy định rõ ràng về loại hình hợp đồng này. Rõ hơn thì có Thông tư 200 của Bộ Tài chính, có giải thích cụ thể nhưng hầu hết là chỉ hiểu theo lý thuyết, còn câu chữ cũng chưa thật sự rõ. Có thể hiểu nôm na là một bên có đất, có nhà xưởng… và một bên tham gia góp vốn, lợi nhuận được chia theo tỷ lệ vốn góp là hợp tác đầu tư. Tuy nhiên, nếu hai bên ký một Hợp đồng hợp tác kinh doanh mà cam kết rõ ràng hằng tháng trả lãi bao nhiêu như trường hợp của Công ty BĐS Nhật Nam thì không phải là Hợp đồng hợp tác đầu tư, kinh doanh. Thậm chí còn trả lãi và vốn theo ngày với lãi suất cao thì càng không thể gọi là hợp tác đầu tư kinh doanh. Đây chỉ là một dạng vay vốn.

“Khi hợp tác đầu tư kinh doanh, một doanh nghiệp phải đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đến kỳ mới có báo cáo, quyết toán, nộp thuế mới tính được lỗ, lãi. Mà kỳ hạn này ít nhất phải 6 tháng đến 1 năm. Phải có lãi mới có thể chia được, chứ làm sao mà chia lãi theo ngày, theo tháng được. Không có bất kỳ doanh nghiệp, công ty nào chia cổ tức theo ngày cả”, Luật sư Trương Thanh Đức phân tích.

Không chỉ Công ty BĐS Nhật Nam, mà ngay cả các trường hợp được đề cập ở trên, người dân đều đang đứng trước nguy cơ mất tiền và doanh nghiệp chỉ giải thích đơn giản là công ty đang khó khăn với các lý do không thuyết phục, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, không thể có chuyện doanh nghiệp chỉ nói rằng công ty đang khó khăn mà dừng trả tiền cho người dân. Khi doanh nghiệp không trả tiền cho nhà đầu tư thì phải báo cáo chi tiết, chứng minh được rằng anh thua lỗ, hay khó khăn cụ thể thế nào, chứ không thể nói chung chung. Nhiều cá nhân góp vào số tiền có thể lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Doanh nghiệp phải chứng minh được anh sử dụng tiền như thế nào, đã đầu tư vào đâu.

Tuy nhiên có một vấn đề được Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh là phải làm rõ câu chuyện có hay không việc các doanh nghiệp đi huy động vốn dùng những quảng cáo, giới thiệu không có thật để lợi dụng lòng tin của nhà đầu tư nhằm thu hút được tiền.

“Nếu anh dùng những lời quảng cáo không có thật như bịa ra các dự án, hoặc có dự án A thì anh lại quảng cáo là B để kêu gọi người ta tin tưởng góp tiền vào thì đây là thủ đoạn lừa đảo. Ít nhất là anh phải có sản phẩm thật, dự án thật, có thể nói quá lên một chút nhưng ngay từ đầu anh đã dùng những sản phẩm, hình ảnh không có thật để lấy lòng tin của khách hàng là thủ đoạn lừa đảo. Những trường hợp như thế này cần có cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ bởi rất phức tạp”, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Đức cũng đưa ra lời khuyên, người dân phải tỉnh táo với những công ty huy động tài chính như thế này. Phải thận trọng với những lời “có cánh” quảng cáo, giới thiệu về hình ảnh của các công ty đi huy động vốn. Lãi suất cao thì chắc chắn sẽ đi kèm với rủi ro lớn, không ai có thể ngồi không đầu tư và thu về lãi suất lên đến 50 – 70% được. Nếu doanh nghiệp mà kinh doanh lãi như thế thì không dại gì họ đi lấy vốn của người dân để phải chia sẻ lợi nhuận. Doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách, thậm chí là tiếp cận vốn từ ngân hàng, các tổ chức tài chính để họ làm, vì lãi suất ngân hàng, các tổ chức tài chính luôn thấp hơn rất nhiều so với phần lợi nhuận họ kiếm được.

Liên quan vụ việc này, chúng tôi nhận được đơn kêu cứu của chị Phan Hoài Khánh Ly, hiện là nhân viên ngân hàng tại Hà Nội. Chị Ly cho biết, vì cả tin lời hứa của Công ty BĐS Nhật Nam (nay là Sông Đà Nhật Nam), chị đã vay mượn tiền đầu tư từ giữa năm 2022 nhưng đến nay công ty khất lần khất lượt không hề “trả lãi một đồng nào, đẩy tình cảnh nợ nần của chị vào bi đát, khốn đốn. Thế nhưng, khi PV Báo CAND liên hệ với bà Vũ Thị Thúy, Chủ tịch HĐQT Công ty Sông Đà Nhật Nam thì bà này lấy lý do bận họp, từ chối trả lời. Liên lạc nhiều lần sau đó, bà Thúy không nghe máy và không có bất cứ phản hồi nào.

Chúng tôi thấy rằng, việc doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn do thị trường bất động sản “đóng băng” là thực tế khách quan, nhiều doanh nghiệp gặp phải. Tuy nhiên, thái độ cầu thị, chung tay tháo gỡ khó khăn cùng nhà đầu tư là điều mà các doanh nghiệp vẫn làm. Còn với Sông Đà Nhật Nam, thái độ của bà Chủ tịch HĐQT Vũ Thị Thúy né tránh, khước từ trả lời công luận, báo chí là điều khó thể chấp nhận, đặt ra những nghi vấn khuất tất của công ty cũng như chính cá nhân bà Vũ Thị Thúy. Chúng tôi lấy làm tiếc với thái độ né tránh như vậy.

Phan Hoạt – Nguyễn Hương

—————

Công an Nhân dân (Điều tra theo đơn bạn đọc) ngày 13-7-2023:

https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/khach-hang-buc-xuc-chu-tich-hdqt-song-da-nhat-nam-ne-tranh-bao-chi-bai-cuoi–i700147/

(765/1.979) #BĐS #nhatnam

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.416. Nhân viên ngân hàng lại dụ khách góp vốn...

Nhân viên ngân hàng lại dụ khách góp vốn vào công ty con, "núp bóng" gửi tiết kiệm. (TBTC)...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,121