4.087. Giảm thuế VAT là vì nền kinh tế, không phải ưu đãi cho doanh nghiệp

(BĐS) – Ngày 30/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế Giá trị gia tăng (GTGT) 2% theo Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, việc giảm thuế GTGT áp dụng từ 1/7 đến hết năm 2023 cho nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất VAT 10% còn 8%, nhưng trong đó không có nhóm sản phẩm ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh bất động sản (mặc dù trước đó Chính phủ đã đề nghị giảm 2% VAT với các nhóm hàng này, trong đó có bất động sản).

Cần tiếp tục xem xét giảm thuế VAT với nhóm bất động sản

Chia sẻ với Reatimes, ông Bùi Văn Doanh – Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản thuộc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: “Thuế GTGT có tác dụng điều tiết tiêu dùng, tức là nếu nhà nước không khuyến khích tiêu dùng, hay nói cách khác là hạn chế tiêu dùng một mặt hàng nào đó, thì có thể sử dụng công cụ thuế bằng cách tăng thuế GTGT lên. Ngược lại, nếu khuyến khích tiêu dùng thì sẽ hạ thuế GTGT xuống. Nhưng nhìn ở một góc độ khác, hạn chế tiêu dùng bằng cách tăng thuế GTGT hay đánh thuế GTGT cao, cũng là một cách hạn chế quyền tiếp cận hàng hóa của người tiêu dùng. Đó là tác động trực tiếp. Nhưng việc điều chỉnh thuế GTGT còn có tác dụng gián tiếp đến sản xuất và kinh doanh hàng hóa. Vì tăng hay giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến sức mua của thị trường, tác động trực tiếp đến khâu kinh doanh và từ đó kéo theo tác động ảnh hưởng đến khâu sản xuất.

Thuế GTGT cũng còn dùng để điều tiết thu nhập, vì sắc thuế này thực chất là đánh vào tiêu dùng và người tiêu dùng phải chịu thuế, người bán hàng (kinh doanh) chỉ là người nộp thuế thay người tiêu dùng mà thôi. Do đó, sắc thuế này có tính chất lũy thoái so với thu nhập, vì thu nhập của người dân càng cao thì tỷ trọng thuế trong tổng thu nhập càng giảm, và ngược lại, thu nhập càng thấp thì tỷ trọng nộp thuế càng lớn. Hay nói cách khác, việc giảm thuế GTGT cũng là hình thức gián tiếp “tăng” thêm thu nhập cho người dân.

Như vậy có thể nói, việc sử dụng công cụ thuế mà cụ thể là giảm thuế suất thuế GTGT là biện pháp để kích cầu thị trường, tăng sức mua, từ đó kích thích sản xuất và cuối cùng là người tiêu dùng được hưởng lợi bởi tiết kiệm được chi phí tiêu dùng. Đối với hàng hóa thiết yếu thì đây được cho là có tác động rất lớn đến đời sống dân sinh, tháo gỡ khó khăn cho cả sản xuất, tiêu dùng và nâng cao đời sống cho người dân.

Do đó, trong bối cảnh hiện nay, sản xuất đình đốn, sức mua của thị trường giảm sút, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn do việc làm thiếu hụt ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, thì việc Chính phủ ban hành Nghị định 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6 (gọi tắt là Nghị định 44), quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết của Quốc hội, là hết sức kịp thời và cần thiết”.

Viện trưởng Bùi Văn Doanh cũng nêu quan điểm, việc không đưa nhóm “kinh doanh bất động sản” vào danh mục giảm thuế GTGT nói trên là điều rất đáng tiếc, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội có nhà ở của số đông người thu nhập trung bình và khiến thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục lún sâu vào trì trệ, đóng băng và tác động không nhỏ đến nền kinh tế nói chung.

Ông Doanh phân tích: “Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, giá BĐS ở nước ta liên tục tăng và hiện nay vẫn neo ở mức cao đã dẫn đến hậu quả là người có nhu cầu mua nhà để ở rất khó tiếp cận nhà ở, đặc biệt là đối với những người có thu nhập trung bình và thấp. Do đó, nếu nhóm “kinh doanh BĐS” cũng được đưa vào danh mục giảm 2% thuế GTGT theo Nghị định 44, rõ ràng là giá nhà ở sẽ hạ ít nhất cũng là theo tỷ lệ trên; điều đó sẽ giúp cho người dân có cơ hội mua được nhà với chi phí thấp hơn và nhiều người sẽ có nhà ở hơn. Trong khi việc bảo đảm cho người dân, nhất là đối với nhóm yếu thế, có nhà ở là một trong những mục tiêu và chính sách lớn của Chính phủ.

Theo TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, thị trường BĐS là cầu nối các ngành, thị trường trong chuỗi giá trị, có tới gần 40 ngành nghề, lĩnh vực liên quan. Năm 2021, kinh doanh BĐS đóng góp 3,58% tổng GDP và 4 ngành lớn liên quan nhiều là xây dựng (5,95% GDP), du lịch (1,97% GDP), lưu trú (1,71% GDP), tài chính – ngân hàng (4,62% GDP).

BĐS là một trong 20 ngành kinh tế cấp 1, xếp thứ 9 về quy mô giá trị, xếp thứ hai về thu hút vốn nước ngoài; lũy kế đến hết tháng 4/2023 vốn FDI vào lĩnh vực BĐS đạt gần 65 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn FDI đăng ký.

Không những thế, giá nhà hạ nhiệt sẽ khiến thị trường BĐS được kích hoạt trở lại và tăng tính thanh khoản, điều này không những làm cho thị trường sôi động mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp BĐS nhanh hồi phục sau ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu. Doanh nghiệp BĐS hồi phục lại có tác động dây chuyền đến hàng loạt ngành nghề khác mà trước hết là ngành xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú – ăn uống và đặc biệt là nhóm tài chính – ngân hàng.

Ngành BĐS có tác động lan tỏa đến khoảng 40 ngành khác của nền kinh tế. Do đó, việc giảm thuế GTGT cho nhóm “kinh doanh BĐS” không chỉ kích hoạt cho riêng nhóm ngành hàng này, mà cái lợi lớn hơn là tạo hiệu ứng đô – mi – nô đến hàng loạt ngành kinh tế quan trọng khác. Hiệu quả không phải chỉ dừng lại ở lợi ích kinh tế đơn thuần mà còn mang lại lợi ích lớn hơn nhiều, đó là tạo việc làm và thu nhập cho hàng vạn người, từ đó mà tạo sự ổn định dân sinh và xã hội.

Vì vậy theo tôi, nhóm “kinh doanh bất động sản” rất cần được đưa vào danh mục giảm thuế suất thuế GTGT, vì điều này là hết sức quan trọng và cấp bách. Hiện nay, Chính phủ cũng đang rất nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho ngành BĐS bằng nhiều giải pháp và việc làm thiết thực, như cử các đoàn, các tổ công tác làm việc trực tiếp với một số địa phương có thị trường trọng điểm, thậm chí làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp gặp vướng mắc về pháp lý; hay đang nghiên cứu, xem xét xây dựng cơ chế để khuyến khích cán bộ sáng tạo, dám nghĩ dám làm…

Tuy nhiên, việc tháo gỡ này thường có độ trễ và cần có thời gian. Trong khi đó, giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp và thị trường BĐS bằng cách giảm thuế GTGT sẽ nhanh chóng mang lại hiệu quả, thậm chí là hiệu quả tức thời; đồng thời một lúc đạt nhiều mục tiêu, vừa thúc đẩy thị trường phát triển, từ đó đóng góp vào phát triển kinh tế chung, vừa tác động tích cực đến các ngành kinh tế quan trọng khác, và nhất là tạo điều kiện cho người dân có nhiều cơ hội tiếp cận và mua được nhà ở với giá thấp hơn”.

Chia sẻ với Reatimes, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Uỷ viên Thường vụ kiêm Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) cho rằng, việc giảm 2% thuế VAT đối với hầu hết nhóm ngành hàng là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhưng đáng tiếc là lại loại trừ một số lĩnh vực, trong đó có nhóm BĐS và ngân hàng, là những ngành có ảnh hưởng lớn đến rất nhiều ngành nghề khác và cả nền kinh tế. 

“Chúng ta đã biết suốt hơn một năm qua thị trường BĐS rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn, gây ảnh hưởng tới mấy chục ngành nghề khác và tác động rất xấu đến cả thị trường nói chung. 

VAT là loại thế gián thu, do vậy không phải giảm thuế cho các doanh nghiệp bất động sản, cho người bán hàng, mà là giảm cho người tiêu dùng, chủ yếu là cho mua nhà ở và bất động sản khác. Cũng như các doanh nghiệp khác nói chung, các doanh nghiệp BĐS nói riêng về cơ bản nộp nhiều thuế VAT thì sẽ được khấu trừ nhiều, nộp ít sẽ được khấu trừ ít. 

Nếu nhóm ngành BĐS được giảm 2% thuế VAT sẽ có tác động trực tiếp tới những người mua nhà, qua đó kích thích thị trường ấm lên trong lúc có quá nhiều khó khăn như hiện nay, sẽ góp phần thúc đẩy nhiều hoạt động liên quan khác. Hơn nữa, việc giảm 2% thuế VAT không kéo dài mãi, mà chỉ diễn ra trong 6 tháng. Lần trước khi giảm thuế VAT, nhóm BĐS đã không được đưa vào và thật đáng tiếc là lần này cũng vậy.

Đối với nhóm ngành ngân hàng cũng thế, trong khi cứ yêu cầu, đòi hỏi ngân hàng phải giảm lãi (là điều khó vì hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường chứ không phải do muốn hay không muốn), đáng lẽ phải giảm thuế đối với mọi dịch vụ ngân hàng thì vừa mang lại lợi ích, giảm bớt khó khăn cho hầu hết khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, vừa tạo điều kiện tác động gián tiếp để giảm lãi suất”, ông Đức nêu quan điểm.

Năm 2024 thị trường BĐS vẫn còn rất nhiều khó khăn, cần thêm nhiều chính sách có tác động mạnh

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, kết quả kinh doanh quý I/2023 của gần 60 doanh nghiệp địa ốc đang niêm yết trên sàn, giá trị hàng tồn kho tại ngày 31/3 ở mức trên 350.000 tỷ đồng. Trong đó, có 8 doanh nghiệp (chủ yếu phát triển loại hình nhà ở, nghỉ dưỡng, khu công nghiệp) có hàng tồn kho ghi nhận trên mức 10.000 tỷ đồng là Novaland, Vinhomes, Becamex IDC, Nam Long, Đất Xanh, Khang Điền, Kinh Bắc và Phát Đạt. Tại thời điểm cuối quý I, tổng giá trị hàng tồn kho của 8 doanh nghiệp này ghi nhận hơn 327.000 tỷ đồng, giảm 4% so với cuối năm 2022 nhưng tăng 21% so với cuối năm 2021.

Những số liệu trên cho thấy thị trường BĐS vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhiều chuyên gia dự báo tình trạng này còn tiếp tục kéo dài trong năm 2024, với những vấn đề chưa được giải quyết đó là hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ trái phiếu, nợ xấu ngân hàng vẫn tăng lên, các dự án bị đình trệ vì vướng mắc pháp lý và dòng vốn… do đó cần có những chính sách tác động mạnh để tháo gỡ khó khăn chung cho thị trường, cũng đồng thời tác động gián tiếp tích cực cho nhiều ngành nghề khác liên quan tới bất động sản.

TS. Phan Việt Hoàng – Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ với Reatimes: “Nhận định chung trong thời điểm hiện nay vẫn chưa có sự chuyển mình lý tưởng dành cho thị trường BĐS, kịch bản dự báo cho thị trường 6 tháng cuối năm 2023 đều dừng ở kỳ vọng vào những tác động về mặt chính sách đi vào thực tiễn từ vấn đề pháp lý, tín dụng, hay là dòng tiền và trái phiếu doanh nghiệp… đã được Chính phủ quan tâm tháo gỡ trong thời gian qua. Kịch bản khả thi dành cho Thị trường BĐS chính là sự chuyển biến từ vấn đề gặp nhiều khó khăn sang ít khó khăn hơn và sẽ đạt kết quả rõ ràng hơn vào nửa đầu năm 2024. Hiện nay lãi suất huy động được điều chỉnh về mức dễ chịu hơn và không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất huy động tiết kiệm 12 tháng ở mức trên 8%/năm, hứa hẹn một phần dòng tiền nhàn rỗi sẽ được điều chuyển sang kênh đầu tư khác ngoài tiết kiệm, trong đó BĐS luôn là kênh đầu tư hấp dẫn. Mặc dù vậy đó mới chỉ là những tín hiệu tích cực nhỏ, thị trường hiện còn rất nhiều khó khăn khác, trong đó phải kể tới vấn đề pháp lý và các khoản nợ phát hành trái phiếu trước đó, vì vậy tiếp tục cần có những chính sách tác động nhanh và mạnh hơn để đưa thị trường sớm vượt qua giai đoạn khủng hoảng, để có những đóng góp tích cực hơn nữa vào tăng trưởng chung của nền kinh tế”.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc không đưa nhóm “kinh doanh bất động sản” vào diện giảm thuế GTGT đợt này cũng phản ánh thực tế là vẫn còn những cách nhìn chưa thực sự hiểu hết những khó khăn đối với ngành BĐS nói chung và hoạt động kinh doanh BĐS nói riêng. Không ít người vẫn cho rằng, “nghề” kinh doanh BĐS luôn “hái ra tiền”, nên không cần phải giảm thuế. Tuy nhiên trên thực tế, kinh doanh BĐS cũng như những ngành khác, luôn có thuận lợi và rủi ro. Hơn nữa, thuế GTGT là thuế đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, chứ không phải đánh vào khâu kinh doanh, vì vậy giảm thuế GTGT thực chất là giảm giá cho người mua, đồng thời thúc đẩy thị trường BĐS có thêm động lực phát triển trong bối cảnh hiện nay.

Luật sư Trương Thanh Đức phân tích: “Việc giảm thuế VAT mở rộng đến đâu thì đương nhiên làm hụt đi một khoản thu ngân sách, nhưng bù lại sẽ mang tới những lợi ích lớn cho người dân, doanh nghiệp, thị trường và cả nền kinh tế. Giúp cho doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, thua lỗ, đổ vỡ, phá sản, khi đó ngân sách sẽ không bị rơi vào gánh nặng khác, không bị “mất” nhiều thuế thu nhập do sút giảm tăng trưởng và hiệu quả cũng như do nền kinh tế bị đình đốn, suy thoái vì những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp. Đó mới thực sự là tư duy “đánh thuế” hợp lý, hiệu quả, ý nghĩa và thực chất. 

Chính phủ mới là người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc thu thuế, đã đề xuất giảm thuế VAT cho mọi lĩnh vực, hẳn là đã tính toán kỹ lưỡng và rút kinh nghiệm từ những trục trặc, sai lầm, thiếu sót của việc giảm thuế tương tự vào năm 2022. Giảm toàn bộ VAT là giải pháp đơn giản nhất, hiệu quả nhất, tránh được những sự phức tạp, nhầm lẫn, gian lận và giảm thiểu chi phí tuân thủ.

Hiện nay vì nhiều lý do khác nhau mà có tới hơn 400 dự án bất động sản trên cả nước đang bị đình trệ, dòng vốn trên thị trường BĐS gặp phải vô vàn khó khăn. Tuy có nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng chưa mang lại được hiệu quả vì các chính sách luôn có độ trễ nhất định và thậm chí không đi vào được cuộc sống. Chẳng hạn như gói 120 nghìn tỷ đồng dành cho doanh nghiệp và người dân áp dụng với nhà ở xã hội đã được triển khai nhưng cũng chưa tạo ra được kết quả cụ thể. Trước đó việc hỗ trợ giảm lãi suất 2% dành cho các doanh nghiệp trong gói 40 nghìn tỷ đồng cũng không đạt được kết quả như mong đợi vì những ràng buộc rất khó khăn, phức tạp, nên cả phía doanh nghiệp và ngân hàng đều sợ hậu quả phải “trả giá” như đã từng xảy ra. Điều này cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra tại kỳ họp vừa qua. Đáng lẽ trong bối cảnh nhiều khó khăn như vậy, việc giảm 2% thuế VAT đầu tiên phải dành cho ngành BĐS và ngân hàng, để lan toả, tác động tích cực đến người dân và thị trường. Đáng tiếc là dường như có sự nhầm lẫn nào đó, kiểu như cho rằng doanh nghiệp BĐS và ngân hàng không đáng được giảm thuế VAT, trong khi thực tế là giảm thuế cho khách hàng của họ.

Việc loại trừ nhiều nhóm ngành khỏi danh sách ưu đãi giảm thuế VAT lần này còn trái ngược với việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm ngoái. Trong lúc cả cộng đồng doanh nghiệp đều khó thì mục tiêu của chính sách tài khoá phải là hỗ trợ thị trường vượt qua khó khăn, giúp cho doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản, duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh và giữ được công ăn việc làm cho người lao động. Thế mà khi đó doanh nghiệp có lãi lại được giảm thuế thu nhập (tất nhiên doanh nghiệp khó khăn thì chẳng có lãi để được hưởng ưu đãi này), còn hiện nay những doanh nghiệp tác động lớn đển thị trường và các doanh nghiệp khác thì lại không được giảm VAT, nhất là ngành BĐS đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Muộn còn hơn không, các cơ quan chức năng cần khẩn cấp xem xét lại, mở rộng cho mọi đối tượng được giảm thuế VAT, trong đó có 2 ngành BĐS và ngân hàng”./.

Tác giả: Ngọc Quang

Thiết kế: Mai Ninh

—————

Bất động sản (Magazine) ngày 17-7-2023:

https://reatimes.vn/giam-thue-vat-vi-nen-kinh-te-khong-phai-uu-dai-doanh-nghiep-20201224000020840.html

(1.058/3.143) #VAT

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,789