4.095. ‘Bỗng dưng làm giám đốc’: Tăng trách nhiệm khâu hậu kiểm

(PLO) – Lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT cho rằng cần tăng cường công tác hậu kiểm để hạn chế việc “bỗng dưng làm giám đốc”.

Thời gian qua, nhiều người lo lắng, phiền toái khi thông tin của mình được sử dụng để đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN), thực hiện các giao dịch thương mại mà không hay biết.

“Việc người dân không làm thủ tục đăng ký kinh doanh, không ủy quyền cho bất kỳ ai nhưng lại đứng tên làm giám đốc công ty; bị mạo danh… là có” – bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT, nói.

Thông thoáng theo xu hướng chung

. Phóng viên: Thưa bà, đâu là nguyên nhân của việc một người không đăng ký kinh doanh nhưng bị mượn danh để làm giám đốc?

Bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT

+ Bà Nguyễn Thị Việt Anh: Hơn 20 năm qua, thủ tục thành lập DN đã được đơn giản hóa, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, tạo ra một cộng đồng DN, doanh nhân lớn mạnh.

Sau 22 năm, số lượng DN thành lập mới đã tăng từ 14,5 ngàn DN năm 2000 lên 148,5 ngàn DN trong năm 2022 (tăng 10,2 lần).

Dữ liệu đăng ký doanh nghiệp kết nối tới 63 tỉnh, TP

Hiện Bộ KH&ĐT đã chia sẻ kết nối dữ liệu về đăng ký DN với hệ thống dịch vụ công của 63 tỉnh, TP và cơ sở dữ liệu của 12 bộ, ngành phục vụ cho công tác quản lý nhà nước.

Bộ KH&ĐT đã thực hiện chia sẻ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an và chia sẻ kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Từ đó xác định chính xác thông tin của người nộp thuế, tình trạng hoạt động của DN, cũng như thông tin về người thành lập DN.

Tuy nhiên, cũng có bộ phận DN lợi dụng sự thông thoáng trong việc thành lập DN để kê khai không trung thực, không chính xác, thậm chí giả mạo thông tin để lừa đảo, vi phạm pháp luật.

. Có phải việc đăng ký kinh doanh, thành lập DN dễ dàng ra tình trạng trên?

+ Theo xu hướng chung của thế giới, Việt Nam coi trọng hậu kiểm trong quản lý DN. Bởi vì đăng ký DN là quyền tự do kinh doanh đã được hiến định, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ “ghi nhận” ý chí, nguyện vọng của DN. Hồ sơ đăng ký do DN tự khai, tự chịu trách nhiệm và trong ba ngày sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN theo đúng cơ chế quản lý “tiền đăng, hậu kiểm”.

. Nhiều ý kiến bạn đọc cho là nên siết chặt việc đăng ký kinh doanh để hạn chế tình trạng giả mạo, kê khai không trung thực, quan điểm của bà như thế nào?

+ Hoàn toàn không nên, vì số lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để vi phạm, trục lợi chỉ là thiểu số. Mặt khác, nếu siết chặt thủ tục khai sinh DN sẽ đi ngược lại chủ trương của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, không phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Như tôi đã đề cập ở trên, quyền tự do kinh doanh của công dân là quyền hiến định nhưng luật pháp cũng quy định rõ các nghĩa vụ của DN, được nêu trong Luật DN và các văn bản pháp luật khác.

Theo đó, DN “chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký DN và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó”…

Tăng cường trách nhiệm cả hai phía

. Như bà nói, quyền, trách nhiệm của công dân, DN và của cơ quan quản lý nhà nước đã được quy định nhưng làm gì để không còn tình trạng bị mạo danh như thực tế đã xảy ra?

+ Chúng tôi cho rằng cùng với việc tuyên truyền ý thức tuân thủ, chấp hành quy định pháp luật của công dân và DN thì việc giám sát của cộng đồng DN, hiệp hội, người tiêu dùng, công luận… cũng phải được đề cao nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp không trung thực, mạo danh, lừa đảo.

Nhiều trường hợp “bỗng dưng thành giám đốc”

+ Tháng 2-2023, anh Nguyễn Văn Tâm (quận Tân Bình, TP.HCM) phát hiện việc mình đứng tên và là giám đốc một công ty ở huyện Hóc Môn có trụ sở tại đường Nguyễn Thị Thảnh, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn. Đồng thời đăng ký mã số thuế cũng đứng tên anh Tâm, trong khi anh chưa bao giờ đăng ký kinh doanh và cũng không ủy quyền cho bất kỳ ai đi đăng ký để thành lập công ty.

Để tránh rắc rối, anh đã gửi đơn phản ánh đến UBND và Công an huyện Hóc Môn.

+ Mấy tháng nay, chị LNĐ, Giám đốc điều hành Công ty LC (tại TP.HCM), bức xúc vì một người khác lập một công ty với cái tên giống hoàn toàn tên công ty của chị, chỉ khác một chữ cái (tạm gọi là Công ty C).

Sau đó, người của Công ty C lập địa chỉ email cũng giống email của công ty chị Đ. Sau đó, Công ty C gửi email thông báo đến công ty đối tác của chị Đ tại Mỹ về việc thay đổi số tài khoản giao dịch.

Chị Đ cho biết ngày 8-12-2022, công ty chị nhận được thông báo của đối tác đã tất toán công nợ với công ty chị. Đối tác cho biết đã chuyển hai lần tiền (hơn 5 tỉ đồng) nhưng thực tế công ty chị Đ chưa nhận được khoản tiền nào. NGUYỄN HIỀN

. Còn đối với các bộ, ngành, địa phương, tôi nghĩ vai trò của các cơ quan quản lý này cũng rất quan trọng.

+ Cơ chế “tiền đăng, hậu kiểm”, tức là đặt trọng tâm của quản lý nhà nước đối với DN vào giai đoạn sau khi thành lập đã được tuân thủ và triển khai trong hàng chục năm qua.

Pháp luật cũng quy định nhiệm vụ hậu kiểm và giờ cần được phân công cho các bộ, ngành, các cơ quan quản lý địa phương một cách rõ ràng, không chồng chéo, không để khoảng trống để đảm bảo mọi hoạt động kinh doanh đều có cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm quản lý.

Đặc biệt, tôi cho rằng các địa phương cần có kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động của DN trên địa bàn. Bởi các địa phương có đầy đủ lực lượng, công cụ pháp lý cũng như có điều kiện sâu sát nhất đối với hoạt động kinh doanh trên địa bàn của mình. Nhiệm vụ này đã được quy định tại khoản 6 Điều 15 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

Khi các địa phương sâu sát hoạt động kinh doanh trên địa bàn mình thì khi phát hiện các dấu hiệu sai phạm như kể trên có thể đưa ra cảnh báo, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn để đề ra các giải pháp khả thi. Nhiệm vụ này đã được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch số 04/2015/TTLT-BKHĐT-BTC-BNV ngày 28-5-2015 ban hành quy chế phối hợp mẫu giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, TP trực thuộc trung ương.

Đặc biệt, trong bối cảnh dữ liệu đã được kết nối, liên thông hiện nay giữa các bộ, ngành với nhau, giữa bộ, ngành với các địa phương thì công cụ để quản lý hiệu quả DN cũng không phải là quá khó. Chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo được một môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn, minh bạch cho mọi chủ thể tham gia các hoạt động kinh tế như quyền tự nhiên của họ.

Những lưu ý nếu phát hiện thông tin của mình bị lợi dụng

. Bà có thể đưa ra một số lời khuyên cho những người “bỗng dưng bị làm giám đốc”?

+ Khi người dân phát hiện thông tin cá nhân của mình bị lợi dụng, mạo danh để thành lập DN thì cần thông báo bằng văn bản tới phòng đăng ký kinh doanh nơi DN đặt trụ sở chính. Đề nghị phòng đăng ký kinh doanh thực hiện kiểm tra, giám sát DN theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

Để kiểm tra thông tin về DN, người dân có thể truy cập trang thông tin điện tử http://dangkykinhdoanh.gov.vn kiểm tra hoặc đề nghị cung cấp thông tin.

. Người dân sẽ tự bảo vệ mình nhưng vấn đề là công tác đăng ký kinh doanh cũng như quản lý có cần thay đổi gì để không còn tình trạng thông tin cá nhân bị lợi dụng để thành lập DN?

+ Ngoài biện pháp như tôi đề cập ở trên, khi bị giả mạo thông tin, công dân có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an về việc thông tin cá nhân của mình bị xâm phạm và hành vi của công ty mạo danh đã dùng CMND/CCCD/hộ chiếu của mình để thành lập DN.

Còn ở khía cạnh quản lý nhà nước, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó hành vi bị nghiêm cấm là xử lý dữ liệu cá nhân để tạo ra thông tin, dữ liệu gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân tùy theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định.

Trong thời gian tới, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ tiếp tục nghiên cứu tổng hợp vướng mắc, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi quy định nhằm đảm bảo kiểm soát các hành vi vi phạm

. Xin cảm ơn bà.•

Siết hậu kiểm, nâng mức chế tài

Các chuyên gia cho rằng hành vi lấy cắp thông tin của người khác để lập doanh nghiệp là vi phạm pháp luật và cơ quan chức năng cần xử lý triệt để hơn.

Cần quyết liệt trong việc liên thông, chia sẻ dữ liệu

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam, thực tế giả mạo không xảy ra trong nhiều lĩnh vực. Đối với lĩnh vực kinh doanh thì giả mạo thông tin để đăng ký, hoạt động DN tuy không phải là phổ biến nhưng ít nhiều ảnh hưởng tới môi trường đầu tư – kinh doanh mà chúng ta đang cố gắng cải thiện qua nhiều năm nay.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam

Để bảo vệ các DN làm ăn chân chính, bảo vệ môi trường kinh doanh, cần sớm loại bỏ tình trạng mạo danh để đăng ký kinh doanh.

Trước hết, việc giả mạo thông tin để đăng ký DN là hành vi vi phạm pháp luật nên cần xem đây là một trong những hiện tượng cần được rà soát, xử lý nghiêm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Khi xác định tính chất của giả mạo thông tin theo đúng quy định như vậy thì mới có bước khởi đầu hợp hiến, hợp pháp để bảo vệ môi trường kinh doanh.

Mỗi khi xảy ra một hành vi giả mạo thông tin để đăng ký DN đều được xử lý nghiêm thì chắc chắn sẽ có tác dụng răn đe mạnh.

Với cơ quan đăng ký kinh doanh, tôi cho rằng họ đã làm đúng quy định của Luật DN và định hướng thông thoáng, tin tưởng vào ý chí tự do kinh doanh của mỗi công dân khi đăng ký kinh doanh.

Điều cần thiết là quá trình hậu kiểm phải thường xuyên hơn. Dĩ nhiên, rà soát hàng trăm ngàn DN không phải là điều dễ dàng nhưng với công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay, nếu cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan nắm dữ liệu công dân có sự liên thông với nhau tốt hơn thì hậu kiểm đăng ký kinh doanh không phải là vấn đề khó. Tôi nghĩ Chính phủ cần quyết liệt hơn trong việc yêu cầu các cơ quan liên thông, chia sẻ dữ liệu với nhau.

Cuối cùng, tôi cho rằng cộng đồng DN cũng cần thận trọng hơn trong các giao dịch, đánh giá đối tác một cách toàn diện. Việc này nếu được thực hiện tốt hơn thì bản thân sự thận trọng, đánh giá toàn diện ấy cũng giúp cho môi trường kinh doanh tốt hơn mỗi ngày khi các DN giả mạo không có cơ hội để thực hiện những giao dịch dân sự – kinh tế không phù hợp pháp luật. Một cộng đồng DN chân chính sẽ triệt tiêu những trường hợp giả mạo thông tin nhằm vào các mục đích phi pháp.

………………………..

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC:

Không nên quá lo lắng

Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN) hiện đã được đơn giản hóa rất nhiều, cơ quan nhà nước chỉ tiếp nhận thông tin hợp lệ do người đăng ký tự kê khai và tự chịu trách nhiệm.

Nếu bị mạo danh thành người đại diện theo pháp luật của một DN thì người bị mạo danh chẳng gánh chịu trách nhiệm pháp lý gì ngoài việc gặp sự lằng nhằng, rắc rối khi cơ quan chức năng hỏi đến.

Đăng ký thành lập DN chỉ là khâu “đánh trống ghi tên”. Để hoạt động được thì còn phải thực hiện nhiều quy định về ký tên, vốn, trụ sở, lao động, thuế, tài khoản ngân hàng… thì không dễ gì mà tráo người được hoặc có xảy ra thì không khó để loại trừ trách nhiệm của người bị mượn tên.

Mặt khác, khi xảy ra trường hợp giả mạo thông tin để thành lập và hoạt động DN, nếu có vấn đề lừa đảo xảy ra thì cơ quan chức năng không khó để xác định người bị “mượn đầu heo nấu cháo”.

Cá nhân bị giả mạo thông tin có thể gặp phiền toái nhưng chắc chắn cơ quan chức năng có đủ cơ sở để xác định được cá nhân bị giả mạo thông tin không phải chịu trách nhiệm gì. Nó cũng chỉ rắc rối kiểu như bị người khác nhận lầm người. Tất nhiên, để hạn chế tình trạng giả mạo thông tin để thành lập và hoạt động DN thì công tác hậu kiểm của các cơ quan liên quan như đăng ký kinh doanh, thuế… cần được tiến hành thường xuyên hơn.

Chẳng hạn sau khi cấp phép đăng ký thành lập DN thì cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra tính xác thực về thông tin CCCD, điện thoại, địa chỉ của chủ DN và người đại diện theo pháp luật. Với hệ thống dữ liệu quốc gia tập trung về cư dân đang xây dựng thì xử lý việc này không khó.

Cuối cùng, tình trạng giả mạo thông tin cá nhân để đăng ký và hoạt động DN là hành vi phạm pháp, cần phải được xử lý. Tuy nhiên, mọi người cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân tốt hơn nhằm phòng tránh những phiền phức không đáng có.

…………………..

Luật sư NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA):

Phải tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình

Hiện nay, quy định về trình tự, thủ tục thành lập DN được pháp luật quy định đơn giản nhằm tạo điều kiện cho DN sớm được thực hiện các công việc kinh doanh. Tuy nhiên, luôn có những đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật lấy cắp thông tin cá nhân khác lập những công ty ảo để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.

Xuất phát từ nhiều lý do cả khách quan và chủ quan mà các cá nhân đã để lộ thông tin cá nhân của mình như thông tin về CMND/CCCD, mã số thuế… Điều này có thể tạo cơ hội cho các đối tượng DN gian lận, lợi dụng, làm giả chứng từ chi trả tiền lương, tiền công, hợp thức hóa chi phí nhằm mục đích trốn thuế thu nhập DN.

Việc cần làm của bạn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân khi bị lấy cắp thông tin là gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an về việc thông tin cá nhân của mình bị xâm phạm và hành vi của công ty ảo đã dùng tên của bạn để thành lập công ty.

Các cá nhân người nộp thuế khi nhận được thông tin cần đối chiếu hoặc phát hiện mã số thuế của mình bị lợi dụng, đánh cắp hoặc bị tính thuế thu nhập cá nhân cho những khoản thu nhập mà thực chất mình không nhận được, cần thông tin kịp thời cho cơ quan thuế nơi cấp mã số thuế hoặc cơ quan thuế quản lý nơi đang công tác về việc không có thu nhập tại cơ quan chi trả thu nhập để từ đó cơ quan thuế sẽ kiểm tra, xác minh để có đủ cơ sở xử lý hành vi vi phạm đối với tổ chức chi trả thu nhập theo quy định, không làm ảnh hưởng đến cá nhân người nộp thuế.

Cá nhân đó phải gửi văn bản tới cơ quan thuế để trình bày sự việc, yêu cầu cơ quan thuế chấm dứt hoạt động đối với công ty ảo đã dùng CMND/CCCD của bạn để đăng ký kinh doanh.

………………….

Luật sư TRẦN XOA, chuyên gia thuế:

Cần tăng nặng xử phạt tiền và phạt tù

Pháp luật Việt Nam đã có các chế tài khá nghiêm khắc với các đối tượng thu thập, sử dụng trái phép các thông tin cá nhân của người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình trạng mua bán, lấy cắp thông tin cá nhân vẫn xảy ra thường xuyên. Điều này cho thấy các hình phạt cho tội phạm này vẫn chưa đủ sức răn đe.

Vì vậy, cần phải nâng mức hình phạt tiền cũng cũng như hình phạt tù đối với loại tội phạm này.

Các cơ quan, tổ chức được phép lưu giữ thông tin cá nhân cũng phải nâng cao công tác bảo mật để tránh việc rò rỉ, mất cắp thông tin cá nhân của khách hàng. Đối với các cá nhân cần phải hạn chế đưa thông tin cá nhân của mình trên mạng xã hội để tránh những rủi ro không mong muốn. QUANG HUY

Chân Luận

—————

Pháp luật TP HCM (Thời sự) ngày 24-7-2023:

https://plo.vn/bong-dung-lam-giam-doc-tang-trach-nhiem-khau-hau-kiem-post743665.html

(421/3.345) #KHĐT

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,789