Ngăn chặn tình trạng thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng: Tăng cường công khai để dễ kiểm tra, giám sát
(PLVN) – Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó vấn đề ngăn chặn tình trạng thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng thu hút sự quan tâm của dư luận.
“Nóng” tình trạng sở hữu chéo
Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 có nhiệm vụ về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó có yêu cầu: “Tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo;…”.
Trình bày tờ trình tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, việc xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi) nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD; xây dựng công cụ để quản lý các TCTD, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ nhân sự quản lý, điều hành của TCTD; phát hiện sớm vi phạm, rủi ro và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành TCTD; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.
Đồng thời tăng cường vai trò của Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác trong quá trình quản lý nhà nước, điều tiết thị trường ngân hàng, thị trường tài chính… để bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD; tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo.
Theo đó, một trong những nội dung được đưa ra trong Dự thảo Luật là quy định về những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ. Cụ thể, Dự thảo có quy định, chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT), chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV) của TCTD không được đồng thời là người điều hành, thành viên ban kiểm soát của TCTD và của doanh nghiệp khác, trừ trường hợp chủ tịch HĐQT của quỹ tín dụng nhân dân đồng thời là thành viên HĐQT của ngân hàng hợp tác xã.
Thành viên HĐQT, thành viên HĐTV của TCTD không được đồng thời là người quản lý của TCTD khác, người quản lý, người điều hành của doanh nghiệp khác, thành viên ban kiểm soát của TCTD, doanh nghiệp khác, trừ trường hợp thành viên HĐQT, thành viên HĐTV của TCTD làm người quản lý, người điều hành của công ty con của chính TCTD đó.
Tăng cường công khai, kiểm tra, giám sát
Trao đổi với PLVN về nội dung này, ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIII cho rằng, Dự thảo Luật có thể có những quy định đặc thù riêng, tuy nhiên, theo nghiên cứu thì chưa có quốc gia phát triển nào có quy định hạn chế về chức danh kiêm nhiệm thành viên HĐQT (ví dụ như Singapore, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản…). Hơn nữa, quy định này cũng khác với quy định của Luật Doanh nghiệp (DN).
Với việc hạn chế thành viên HĐQT, thành viên HĐTV của TCTD không đồng thời là người quản lý, người điều hành của TCTD, người quản lý của DN khác, theo ông Hùng, vô hình trung sẽ giới hạn quyền đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của những người quản lý TCTD, gây khó khăn cho công tác tìm kiếm nhân sự đủ năng lực và kinh nghiệm để đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành TCTD.
Ngoài ra, ông Hùng nêu quan điểm cho rằng, những nhân sự cấp cao đều có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng điều hành, quản trị kinh doanh cao, do vậy, nếu chỉ cho phép nhân sự đó làm việc tại một TCTD là lãng phí nguồn lực của xã hội. “Các quy định trong Dự thảo Luật nên chọn lọc và phù hợp thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập, không chỉ quan tâm đặc điểm của Việt Nam mà cần xem xét cả đến những nguyên tắc, chuẩn mực và thông lệ quốc tế” – ông Hùng bày tỏ.
Theo một chuyên gia pháp luật, tư duy làm luật của các nước là khuyến khích mục tiêu lộ diện, chứ không khuyến khích nó tàng hình, ẩn khuất.
Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng thao túng hoạt động của các TCTD nhằm mục đích vụ lợi, cấp tín dụng cho công ty “sân sau”, Dự thảo Luật đã có quy định không cấp tín dụng cho công ty DN nếu người quản lý DN đồng thời là thành viên HĐQT của TCTD (quy định về người có liên quan).
Ông Mai Xuân Hùng cho rằng: “Đây mới là mấu chốt vấn đề, còn việc Dự thảo Luật có quy định hạn chế thành viên HĐQT của TCTD không được đồng thời là quản lý của DN khác có thể làm hạn chế quyền đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của những người quản lý TCTD cũng như DN”.
Theo ông Hùng, để giải quyết triệt để tình trạng thao túng hoạt động của TCTD nhằm mục đích vụ lợi, cấp tín dụng cho công ty “sân sau”, ngoài các quy định của pháp luật rất cần các công cụ kiểm tra, kiểm soát, hoạt động tài chính phải công khai, minh bạch, xử lý vi phạm phải nghiêm minh. Không nên hạn chế quyền đầu tư, kinh doanh của DN, mà quan trọng là cơ chế giám sát, cơ chế kiểm tra, trong đó có cơ chế giám sát từ xa, giám sát thường xuyên, chứ không chỉ giám sát khi có dấu hiệu hoặc xuất hiện vụ việc.
Trao đổi với PLVN, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng: “Thay vì cấm thì cần tăng cường công khai (cá nhân, tổ chức nắm bao nhiêu phần trăm cổ phần, giao dịch như thế nào, quản lý DN nào…) để nhà đầu tư cân nhắc và là căn cứ để cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát. Còn càng cấm càng mập mờ, càng vi phạm hơn và càng khó bắt lỗi hơn” – Luật sư Đức thẳng thắn.
Linh Linh
—————
Pháp luật Việt Nam (Tài chính – Ngân hàng) ngày 31-7-2023:
(82/1.213) #NHNN #TCTD