4.106. Việt Nam ‘cho không’ các nước số tiền thuế rất lớn?

(TN) – Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi luật Thuế giá trị gia tăng, trong đó có đề xuất thay đổi nhiều mặt hàng từ không chịu thuế sang chịu thuế hoặc ngược lại.

Ưu đãi thuế đẩy hàng trong nước cao hơn nhập khẩu

Một nội dung đáng chú ý được Bộ Tài chính đề xuất trong dự thảo, đó là chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) như quy định hiện hành, sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất là 5%.

Theo cơ quan soạn thảo, một số doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh phân bón đang gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm.

Điều này gây bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại, không khuyến khích DN đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Xuất phát từ tình trạng trên, nhiều ý kiến đề nghị chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, qua đó sẽ tăng sức cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước.

Bộ Tài chính đề xuất chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất là 5%

QUANG THUẦN

Bộ Tài chính đánh giá với đề xuất áp thuế GTGT 5% với phân bón, số thuế GTGT đầu vào của DN sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ khoảng 950 tỉ đồng; số thuế GTGT đầu vào còn lại (khoảng 250 tỉ đồng) sẽ được khấu trừ vào kỳ tiếp theo hoặc được hoàn thuế. Đây là cơ hội để phân bón sản xuất trong nước có thêm điều kiện cạnh tranh với hàng nhập khẩu, bằng việc có thêm cơ hội để hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc này cũng góp phần phát triển ngành sản xuất phân bón trong nước, tạo nguồn cung ổn định cho người nông dân, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, khắc phục việc giá cả không ổn định, cũng như sự biến động giá của phân bón nhập khẩu.

Theo ông Phùng Hà, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón VN, câu chuyện phân bón nằm trong nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT khiến một số DN sản xuất phân bón gặp bất lợi đáng kể đã được đề cập từ năm 2014, thời điểm luật 71 về thuế GTGT có hiệu lực. Ý tưởng ban đầu đưa phân bón vào đối tượng không chịu thuế GTGT là tốt nhưng khi đi vào thực tế, không những DN phân bón chịu thiệt hại mà người tiêu dùng phải mua hàng với giá cao hơn.

Các DN không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên phải đưa vào chi phí sản xuất, điều này làm cho giá thành sản phẩm tăng lên. Ước tính, với quy mô ngành công nghiệp phân bón trên 100.000 tỉ đồng mỗi năm, với số thuế GTGT không được khấu trừ ở mức 5%, các DN trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000 – 4.000 tỉ đồng/năm.

Đây là con số rất lớn khi so sánh với lợi nhuận mà DN trong ngành này có được. Thêm vào đó, xét về công nghệ cũng như chủng loại, ngành phân bón nước ta còn ở mức độ trung bình nhưng khi DN muốn đầu tư vào phân bón công nghệ cao, phân bón thế hệ mới lại không được khấu trừ thuế cho máy móc, thiết bị dẫn tới không khuyến khích DN đầu tư.

Ngoài ra, phân bón hiện là mặt hàng nhập siêu, số lượng nhập khẩu mỗi năm ở mức 3 – 3,5 triệu tấn, chủ yếu các loại phân bón trong nước chưa sản xuất được như MOP (kali), SA… Mỗi năm thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 10,5 – 11 triệu tấn phân bón, trong đó các DN trong nước sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường từ 6,5 – 7 triệu tấn.

Bên cạnh đó, các DN cũng xuất khẩu sang các thị trường như Lào, Campuchia, Hàn Quốc… với kim ngạch năm 2022 khoảng 1,1 tỉ USD (cao nhất từ trước đến nay). Theo ông Phùng Hà, việc đưa mặt hàng phân bón từ không chịu thuế GTGT lên 5% sẽ giải quyết được các bất cập thời gian qua như DN giảm được giá thành sản phẩm, tái đầu tư, đầu tư sản xuất phân bón công nghệ cao, phân bón thế hệ mới, giảm sự cạnh tranh bất bình đẳng nhất định giữa DN sản xuất trong nước và DN nhập khẩu…

Chính sách thuế đang bảo hộ ngược

Luật Thuế GTGT hiện quy định đối tượng không chịu thuế gồm nhiều mặt hàng như nông sản chưa chế biến, giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, máy nông nghiệp, tàu cá, thức ăn chăn nuôi, muối, phần mềm máy tính, và một số loại máy móc, thiết bị, vật tư khác… Các DN trong nước sản xuất hàng hóa thuộc nhóm này đang được hưởng lợi là không phải đóng thuế GTGT cho sản phẩm đầu ra. Tuy nhiên, các DN này cũng đồng thời không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Góp ý về Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật Thuế GTGT (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) cho biết theo khảo sát nhanh đối với một số DN có liên quan, số thuế GTGT chưa được khấu trừ của các mặt hàng trên xuất phát từ các chi phí đầu vào chịu thuế như chi phí nhà xưởng, văn phòng, chi phí năng lượng (điện, than, xăng dầu), chi phí vận tải, chi phí mua sắm máy móc, trang thiết bị, phương tiện giao thông, chi phí bao bì, in ấn, chi phí quảng cáo, chi phí nguyên vật liệu đầu vào (đối với các loại nguyên vật liệu chịu thuế như kim loại, khoáng sản…) và một số chi phí khác.

Tỷ lệ thuế GTGT chưa được khấu trừ trong giá thành của các mặt hàng này khác nhau, tùy từng dòng sản phẩm cụ thể và từng DN cụ thể. Theo phản ánh, tỷ lệ thuế GTGT chưa được khấu trừ có thể dao động từ 1% đối với một số loại nông sản đến 8% đối với phân bón, máy móc. Vì vậy, VCCI cho rằng quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT đang gây tác động không mong muốn là bảo hộ ngược, khuyến khích nhập khẩu hàng hóa thay vì sản xuất trong nước. Hàng hóa nhập khẩu có chi phí thuế thấp hơn so với hàng hóa sản xuất trong nước chính là chi phí thuế GTGT chưa được khấu trừ kể trên.

Trong khi đó, sản phẩm tương tự nhập khẩu cũng không phải chịu thuế GTGT khi nhập khẩu nhưng lại được hoàn thuế GTGT khi xuất khẩu ra khỏi nước đối tác. Như vậy, đối với các mặt hàng thuộc diện không chịu thuế, hàng hóa nhập khẩu đang có chi phí thuế thấp hơn hàng hóa sản xuất trong nước.

“Đây là vấn đề nghiêm trọng, tồn tại từ nhiều năm nay và cần được giải quyết một cách thấu đáo trong lần sửa đổi luật Thuế GTGT lần này, nếu không sẽ khiến sản xuất trong nước tiếp tục chịu thua thiệt, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển của đất nước. Nếu so sánh với thuế nhập khẩu, khi đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTAs), VN chỉ chấp nhận hạ thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng với một số đối tác theo nguyên tắc có đi có lại. Tức là các nước khác cũng phải đồng ý mở cửa thị trường cho hàng hóa của VN. Trong khi đó, quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT đã khiến VN “cho không” tất cả các nước đối tác số tiền thuế rất lớn và “mở toang” thị trường trong nước của rất nhiều mặt hàng với lợi thế cho hàng nhập khẩu”, văn bản của VCCI nêu rõ.

Cần có báo cáo đánh giá đối với những sản phẩm không chịu thuế GTGT

Bất cập trong quy định về thuế GTGT đối với nhóm sản phẩm phân bón đã nói đến rất lâu và đáng lẽ phải được thay đổi sớm hơn. Việc đưa các nhóm sản phẩm vào diện không chịu thuế GTGT là theo mục đích ưu đãi cho một số nhóm ngành. Tuy nhiên thực tế hàng hóa này đã được sản xuất nhiều trong nước nhưng lại cao giá hơn hàng nhập khẩu vì lý do DN không khấu trừ được thuế GTGT đầu vào. Vì vậy việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT 5% là phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cần xem xét lại toàn diện và có báo cáo đánh giá đối với những sản phẩm đang quy định không chịu thuế GTGT xem có phù hợp hay không? Đánh giá mức độ ảnh hưởng đối với cả ngành sản xuất như thế nào? Bởi cũng sẽ có những sản phẩm mà DN rơi vào tình trạng tương tự như ngành phân bón.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Mai Phương – Thanh Xuân

—————

Thanh niên (Kinh tế) ngày 11-8-2023:

https://thanhnien.vn/viet-nam-cho-khong-cac-nuoc-so-tien-thue-rat-lon-18523081100023851.htm

(199/1.661) #thue

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,770