(VOV2) – Cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng rồi người thuê, mượn đã dùng tài khoản này đi lừa đảo người khác thì chủ tài khoản có trở thành đồng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?
Một thính giả giấu tên ở tỉnh Nam Định gửi thư tới VOV2 bày tỏ băn khoăn với nội dung như sau:
Em tôi lập tài khoản ngân hàng nhưng do kinh tế khó khăn, em tôi cho người khác thuê với mức giá 500k/tháng để kiếm thêm thu nhập. Hiện nay, người thuê lại tài khoản này đã bị bắt vì tội lừa đảo. Lúc này, chúng tôi mới biết người đó thuê tài khoản ngân hàng của em tôi là để làm phương tiện nhận tiền lừa đảo. Vậy em tôi có phải là đồng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, theo quy định tại điểm h, khoản 2, điều 5 Thông tư số 23 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về việc mở tài khoản thanh toán thì chủ tài khoản thanh toán sẽ không được cho thuê cho mượn tài khoản thanh toán của mình. Thông tư này đã được cập nhật và sửa đổi năm 2019 và 2020.
Trong trường hợp, kể cả người thuê không sử dụng vào việc phạm pháp thì người cho thuê cũng vẫn có thể bị xử phạt theo quy định tại khoản 5, khoản 6 điều 26 Nghị định 88 năm 2019 đã được sửa đổi bổ sung vào năm 2020 và 2023. Theo đó thì người nào chỉ cần cho người khác thuê, mượn 1 tài khoản sẽ bị phạt đến 40 triệu đồng và cho thuê, mượn nhiều tài khoản có thể bị phạt ở mức cao nhất lên đến 100 triệu đồng. Cho nên các chủ tài khoản lưu ý không cho thuê, mượn tài khoản thanh toán để tránh bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.
Ngoài ra, theo quy định tại điều 17 của Bộ luật Hình sự năm 2015, đồng phạm là có từ hai người trở lên cố ý thực hiện một hành vi phạm tội . Nếu bản thân biết được người sử dụng tài khoản ấy vào việc lừa đảo mà vẫn cố tình cho thuê thì sẽ là hành vi đồng phạm với tội phạm lừa đảo. Trong trường hợp thực sự không biết về mục đích thuê tài khoản của mình để lừa đảo thì không phải đồng phạm.
Tuy nhiên, hành vi cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán cũng là hành vi tiếp tay cho tội phạm. Do đó nếu lỡ rơi vào hoàn cảnh như vậy thì phải chứng minh được rằng bản thân không biết người thuê tài khoản để sử dụng vào mục đích phạm pháp nói chung và lừa đảo nói riêng và hoàn toàn không liên quan tới việc làm sai trái của người thuê tài khoản.
Mời nghe âm thanh tại đây:
https://vov2.vov.vn/phap-luat/thue-muon-tai-khoan-ngan-hang-co-vi-pham-phap-luat-44194.vov2
Thu Hằng
—————
VOV2 (Pháp luật) ngày 19-8-2023:
https://vov2.vov.vn/phap-luat/thue-muon-tai-khoan-ngan-hang-co-vi-pham-phap-luat-44194.vov2
(364/540)
—————-
Cho thuê tài khoản là hành vi phạm pháp
(VOV2) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, trả lời phỏng vấn phóng viên Thu Hằng ngày 15-8-2023 qua điện thoại, phát trên xxx ngày xx-xx-2023.
Một thính giả giấu tên ở tỉnh Nam Định gửi về chương trình với nội dung như sau: Em tôi lập tài khoản ngân hàng nhưng do kinh tế khó khăn, em tôi cho người khác thuê với mức giá 500k/tháng để kiếm thêm thu nhập. Hiện nay, người thuê lại tài khoản này đã bị bắt vì tội lừa đảo. Lúc này, chúng tôi mới biết người đó thuê tài khoản ngân hàng của em tôi là để làm phương tiện nhận tiền lừa đảo. Vậy em tôi có phải là đồng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?
Câu hỏi 1:
PV: Thưa Luật sư, việc bán và cho thuê tài khoản ngân hàng có phải là hành vi vi phạm pháp luật không?
Trả lời:
Chủ tài khoản thanh toán “Không được cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán của mình” theo quy định tại điểm h, khoản 2, Điều 5, Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19-8-2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán” (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 và 2020).
Câu hỏi 2:
PV: Trong trường hợp này, thính giả có phải là đồng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không, thưa Luật sư?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 17, Bộ luật Hình sự năm 2015 thì “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Nếu em bạn biết người thuê sử dụng tài khoản vào việc lừa đảo mà vẫn cố tình cho thuê tài khoản thì sẽ là hành vi đồng phạm với tội phạm lừa đảo.
Câu hỏi 3:
PV: Trong trường hợp em của thính giả thực sự không biết gì về mục đích của người thuê tài khoản ngân hàng thì cần phải làm gì để chứng minh, thưa Luật sư?
Trả lời:
Việc cho thuê, cho mượn tài khoản để tội phạm lừa đảo đã là một hành vi tiếp tay cho tội phạm: Trong trường hợp em của thính giả thực sự không biết gì về mục đích của người thuê tài khoản ngân hàng thì cần phải có những thông tin giao dịch chứng minh rằng người thuê tài khoản không sử dụng vào mục đích phạm pháp nói chung, lừa đảo nói riêng và em của thính giả hoàn toàn không hay biết, không liên quan gì đến những việc làm lừa đảo của người khác.
Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp người thuê, mượn tài khoản không sử dụng vào việc vi pham pháp luật thì người cho thuê vẫn có thể bị xử phạt theo quy định tại các khoản 5 và 6, Điều 26 “Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán”, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14-11-2019 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng” (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2021 và 2023). Theo đó, chỉ cần cho thuê, cho mượn 1 tài khoản thì đã bị phạt đến 40 triệu đồng. Nếu cho thuê, cho mượn nhiều tài khoản thì có thể bị phạt đến mức cao nhất là 100 triệu đồng.
Vì vậy người có tài khoản ngân hàng cần đặc biệt lưu ý không bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng để tránh bị xử phạt hành chính hoặc hình sự./.
#TCNH #TKTT