Sửa luật để “quản” thuốc lá thế hệ mới
(CT) – Việt Nam cần nghiên cứu, đánh giá rõ tác hại của thuốc lá thế hệ mới, từ đó ban hành khung khổ pháp lý để quản lý sản phẩm này.
Hiện nay, do chưa có biện pháp quản lý và chế tài nên các hoạt động kinh doanh, quảng cáo các loại thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng) đang diễn ra một cách tràn lan, tình trạng nhập lậu ngày càng khó kiểm soát, độ tuổi người sử dụng ngày càng trẻ hóa.
Trước thực trạng đó, Bộ Công Thương đã có đề xuất thí điểm thuốc lá làm nóng trong vòng 5 năm để có thể đánh giá và có cơ chế phù hợp. Dù vậy, Bộ Y tế có những ý kiến trái chiều khi cho rằng không nên cấp phép sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm này và cần có biện pháp ngăn chặn sử dụng. Làm thế nào để quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là vấn đề cấp thiết đang được đặt ra.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI (Ảnh: Nguyễn Thừa) |
Trao đổi với Báo Công Thương, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng việc sớm ban hành khung pháp lý là cần thiết, tuy nhiên, trước hết cần có nghiên cứu cụ thể, đánh giá rõ mức độ nguy hiểm đối với sản phẩm này.
Thưa ông, thuốc lá thế hệ mới phổ biến nhất là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đã du nhập vào Việt Nam khá lâu, nhưng vì sao tới nay chúng ta vẫn chưa có khung khổ pháp lý để quản lý những sản phẩm này?
Thuốc lá thế hệ mới đang có những vướng mắc về hành lang pháp lý. Thứ nhất, từ trước đến nay theo luật, nói đến thuốc lá là chúng ta nói đến thuốc lá điếu truyền thống, còn các loại thuốc lá mới thì chưa được mô tả, nhắc đến trong luật. Cho nên, nếu bài bản, chặt chẽ chúng ta phải sửa luật, thuốc lá có bao gồm các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay không. Thứ hai, Việt Nam cũng chưa có những nghiên cứu cần thiết, chưa đánh giá được mức độ nguy hiểm, mức độ độc hại, mức độ ảnh hưởng như thế nào và các cơ quan chức năng chưa vào cuộc để xem chúng ta nên cấm hay chúng ta quản lý chặt chẽ hay xử lý ra sao. Vì vậy, cả về pháp lý hay khoa học chúng ta vẫn chưa thực hiện một cách cụ thể.
Thời gian qua đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên thí điểm kinh doanh thuốc lá làm nóng tại Việt Nam. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Tôi cho rằng, trước những sản phẩm mới mà thế giới cũng đã có nhiều quan điểm khác nhau, thì chúng ta cần thận trọng. Hiện nay, theo luật hiện hành tại Việt Nam, chỉ có 8 ngành nghề, lĩnh vực đầu tư kinh doanh bị cấm, những cái đó rất rõ ràng. Thuốc lá điếu đầu lọc mới chỉ bị xếp vào các sản phẩm kinh doanh có điều kiện, chứ cũng không phải là hàng hóa bị cấm. Vậy thì tương tự với thuốc lá thế hệ mới tôi nghĩ cũng nên có giai đoạn thí điểm xem mức độ ảnh hưởng như thế nào, chứ khó có thể cấm được. Đồng thời, phải nhanh chóng có những biện pháp quản lý, tránh tình trạng khi quá phổ biến, ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội, sức khỏe người tiêu dùng, thì chúng ta bị muộn mất thời điểm, cơ hội để đưa vào khuôn khổ và gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
Vậy theo ông, chúng ta cần phải có những biện pháp như thế nào để quản lý thuốc lá thế hệ mới?
Trong khi chúng ta chưa xác định trong luật sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là gì thì các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, thậm chí cả người dân cũng không thể biết được phải ứng xử với nó như thế nào. Vậy nên, việc đầu tiên chúng ta phải làm là rà soát lại, xác định rõ trong luật các sản phẩm thuốc lá bao gồm loại gì, cần phải có sự mô tả hết sức cụ thể, rõ ràng, đánh giá kỹ tác động. Trên cơ sở đó chúng ta mới có thể tiếp tục có những Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn để xử lý, quản lý các sản phẩm này.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Thừa
—————
Công thương (Pháp luật – Bạn đọc) ngày 22-8-2023:
https://congthuong.vn/sua-luat-de-quan-thuoc-la-the-he-moi-268093.html
(491/835)