Nhiều tỉnh nghèo, miền núi muốn nâng giảm trừ gia cảnh gia cảnh lên 18 triệu/tháng.
(VNF) – Các chuyên gia đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 17 – 18 triệu đồng/tháng và cần áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2025.
Nâng mức giảm trừ gia cảnh lên mức 17-18 triệu đồng/tháng?
Tại tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Phương án thứ nhất, mức giảm trừ cho cá nhân nộp thuế lên 13,3 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc là 5,3 triệu đồng/tháng. Phương án thứ hai đưa mức giảm trừ cho người nộp thuế là 15,5 triệu đồng/tháng và 6,2 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc.
Ông Nguyễn Văn Được – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, cho rằng, trong 2 phương án mà Bộ Tài chính đề xuất thì phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế lên 15,5 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc lên 6,2 triệu đồng/tháng là phù hợp, gần thực tiễn hơn.
TS Nguyễn Ngọc Tú – Giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đánh giá phương án 2 đã phần nào đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của người nộp thuế. Nhưng nếu mức giảm trừ gia cảnh được đưa lên mức 17 – 18 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế và 8 – 9 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc sẽ phù hợp hơn.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết nên chọn phương án 2 để đảm bảo đời sống cho người làm công ăn lương lẫn người phụ thuộc trong khi chưa có quy định cho phép khấu trừ nhiều chi phí thiết yếu khác như y tế, giáo dục.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho hay, dù CPI mới tăng khoảng hơn 20% nhưng trên thực tế giá cả những hàng hóa thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt của người dân đã tăng hơn mức này rất nhiều. Do vậy, áp dụng theo phương án 2 là hợp lý.
Trước đó, tại bảng tổng hợp ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân về đề nghị xây dựng dự án luật Thuế TNCN, nhiều kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 17 – 18 triệu đồng/tháng.
Bộ Quốc phòng đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế lên 17,3 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc lên 6,9 triệu đồng/tháng.
UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế là 18 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc là 8 triệu đồng/tháng.
Tương tự, UBND tỉnh Ninh Thuận (cũ), UBND tỉnh Sơn La cũng đề xuất mức giảm trừ gia cảnh tăng lên 14-16 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc từ 5 – 6 triệu đồng/tháng.
Nâng mức giảm trừ gia cảnh là tất yếu, cần áp dụng ngay
Nâng mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của người dân thời gian qua, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, đặc biệt là tại các đô thị lớn.
Mức giảm trừ gia cảnh đang được áp dụng là 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc, mức này được điều chỉnh lần gần nhất vào năm 2020. Kể từ đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng trên 15%, chi phí sống, nhất là tại các đô thị lớn đã tăng mạnh hơn do giá nhà, y tế, giáo dục và thực phẩm leo thang.
Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng cần tăng thêm mức nâng giảm trừ gia cảnh để đảm bảo công bằng và thích ứng với biến động giá cả.
Ông Nguyễn Văn Được nhìn nhận, người nộp thuế thu nhập cá nhân có thu nhập từ làm công ăn lương đang sống ở khu vực thành thị vẫn còn khá khó khăn. Vì thế, nên áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới cho kỳ tính thuế 2025.
Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cũng đề nghị áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới ngay cho kỳ tính thuế năm 2025.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, nghị quyết điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cần được thực hiện ngay cho kỳ tính thuế năm 2025.
TS Nguyễn Ngọc Tú kiến nghị có thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lên 17 – 18 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế, áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2025.
Theo ông Tú, từ ngày 1/1/2026, quy định cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu từ 200 triệu đồng trở lên mới phải đóng thuế. Tính ra, bình quân mỗi tháng khoảng 16,7 triệu đồng. Do đó, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 17 triệu đồng/tháng nhằm tránh sự bất cập giữa các đối tượng thuế.
Không ít đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về sự cần thiết của việc điều chỉnh này. Tại kỳ họp vừa qua, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhấn mạnh không thể chậm trễ hơn trong việc sửa đổi các quy định liên quan thuế TNCN, đặc biệt là mức giảm trừ gia cảnh, để phản ánh đúng thực tế chi tiêu hiện nay của người dân.
Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), chi tiêu bình quân đầu người khu vực thành thị hiện vào khoảng 4,5-5 triệu đồng/tháng, riêng tại TP.HCM và Hà Nội, mức này có thể cao hơn nhiều. Như vậy, thu nhập 11 triệu đồng không còn đảm bảo mức sống tối thiểu cho một cá nhân độc lập, nói gì đến khả năng nuôi người phụ thuộc.
Không dừng lại ở việc nâng mức giảm trừ, PGS-TS Ngô Trí Long đề xuất cần thiết lập cơ chế điều chỉnh tự động theo diễn biến CPI, đồng thời rà soát toàn bộ biểu thuế lũy tiến để bảo đảm công bằng và phù hợp hơn với thực tiễn đời sống.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt, giảng viên Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc chỉ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh dựa trên ngưỡng CPI tăng 20% như hiện nay đã trở nên lỗi thời và không còn phù hợp. Theo ông, chính sách thuế TNCN cần được xây dựng trên cơ sở các chỉ số đo lường thường xuyên, phản ánh sát thực tế đời sống và mức sống của người dân, thay vì chỉ dựa vào một chỉ số chung như CPI.
Theo chuyên gia này, việc cải cách nên được thực hiện đồng bộ trong khuôn khổ sửa đổi Luật Thuế TNCN, thay vì chỉ ban hành một nghị quyết mang tính tạm thời.
Ông Việt đề xuất xác định mức giảm trừ gia cảnh dựa trên mức lương tối thiểu vùng, tức lấy mức lương tối thiểu làm căn cứ, sau đó nhân với một hệ số hợp lý để đưa ra mức giảm trừ phù hợp cho từng khu vực.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM cũng kiến nghị nên xây dựng mức giảm trừ gia cảnh cần dựa trên mức lương tối thiểu vùng. Bởi mỗi khu vực có mặt bằng thu nhập và mức sống rất khác nhau, việc áp dụng một mức chung là không công bằng. Vì vậy, mức giảm trừ ở các đô thị lớn cần cao hơn so với vùng nông thôn.
Minh Anh
————-
Vietnam Finance (Tài chính) ngày 23-7-2025:
(90/1.360)