4.133. Phim tài liệu: Không lùi bước – Tập 3: Lưới trời.

(VTV1) – Tối 13/9, tập thứ 3 của series phim tài liệu “Không lùi bước” với chủ đề “Lưới trời” đã lên sóng kênh VTV1. Trong tập phim này, người xem sẽ được biết thêm về những hình phạt, cách xử lý tội tham nhũng từ trong lịch sử đến hiện tại. Và cũng trong tập phim này, một lần nữa khẳng định, những người có hành vi tham nhũng, lạm dụng chức vụ và quyền lực để tham nhũng sẽ đều bị xử lý, chịu hình phạt cho việc làm và hành động của mình.

‘Thời Minh Mạng, trong bộ Hình thư nói rất rõ ai mà tham nhũng, xử tội nhẹ thì đánh roi, nặng thì lưu đày viễn xứ. Nặng nữa thì xử giảo, nghĩa là thắt cổ’.

Nhà báo Nhị Lê – Nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.

Nói về những hình phạt đã từng được thực hiện trong lịch sử, nhà báo Nhị Lê – Nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản – cho biết: “Khi ta giành chính quyền, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ 2 của chúng ta mới tiến hành có 4 năm thôi, năm 1946, thì đến 1950, một đêm trắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hạ bút ký án tử hình Đại tá Trần Dụ Châu – Trưởng cục Quân nhu”.

“Điều này để thấy rằng sự kiên quyết của người đứng đầu Đảng, người đứng đầu Nhà nước từ 1950 đến nay vẫn còn nguyên giá trị”.

Trong khi đó, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Nguyên PGĐ Đại học Quốc gia Hà Nội – đưa ra một ví dụ khác: “Thời Lê có một bộ luật mà ta quen gọi là luật thời Lê. Trong hàng chục điều nói về chống tham nhũng có cái điều luật 38 ghi rất rõ là chỉ cần tham nhũng tính ra 20 quan là có thể xử chém, tiền phạt thường gấp 3-5 lần tiền tham nhũng. Thế cho nên, bao nhiêu tích luỹ, có thể chỉ một lần tham nhũng bị phát hiện mất hết cơ nghiệp”.

CUỘC ĐẤU TRANH KHÔNG CÓ VÙNG CẤM…

‘Ai lợi dụng, lạm dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm, xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng. Ai can thiệp ở đây, ai dung túng, bao che cũng phải xử lý’.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong tập 3 của phim tài liệu “Không lùi bước”, các đạo diễn của phim đã cho người xem thấy được những khó khăn của những người làm công tác chống tham nhũng trong thời điểm hiện tại khó khăn như thế nào và đây đã và vẫn luôn là cuộc chiến không dễ dàng.

Thượng tá Hồ Trọng Hiếu – Phó Trưởng phòng 9 – Cục Cảnh sát Kinh tế Bộ Công An.

Thượng tá Hồ Trọng Hiếu – Phó Trưởng phòng 9 – Cục Cảnh sát Kinh tế Bộ Công An – cho biết: “Chưa bao giờ lực lượng cảnh sát kinh tế, lực lượng trực tiếp đấu tranh chống tội phạm tham nhũng chịu một áp lực lớn về công việc như hiện nay. Nó liên quan đến nhiều cấp. Đối tượng thì đối tượng có chức vụ quyền hạn, nhiều đối tượng là Đảng viên, diện đối tượng rộng, có những vụ án diện liên quan là toàn quốc, đòi hỏi không chỉ lực lượng Cảnh sát Kinh tế Bộ Công An mà sẽ là huy động toàn bộ lực lượng cảnh sát Kinh tế trong toàn quốc”.

Riêng từ đầu nhiệm kỳ từ đầu Đại hội 13 của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 uỷ viên nguyên uỷ viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp Tướng Lực lượng vũ trang.

“Lịch sử tố tụng chưa bao giờ phát sinh các tình huống như thế” – Thượng tá Hồ Trọng Hiếu nói tiếp – “Trong quá trình điều tra các vụ án, áp lực từ chức vụ và quyền hạn của đối tượng không chỉ là áp lực trực tiếp đối với cán bộ điều tra viên. Tôi cho rằng nó còn áp lực trực tiếp đối với các đồng chí lãnh đạo chúng tôi trong quá trình giải quyết đối với các đối tượng này”.

“Tuy nhiên trong thời gian gần đây, khi mà Tổng Bí thư có quan điểm chỉ đạo rất rõ thì các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Nội chính rồi Bộ trưởng Bộ Công An cũng đều khẳng định rằng cuộc đấu tranh này là cuộc đấu tranh không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Điều đấy tạo cho chúng tôi sự quyết tâm và tự tin rất lớn, để đối diện với chúng tôi là bất kỳ đối tượng nào thì chúng tôi vẫn có niềm tin là đằng sau chúng tôi có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ủng hộ, là một bức bình phong để chúng tôi tiến lên”.

‘Không có ai có ngoại lệ cả. Dù anh có che chắn thế nào, có ô dù thế nào thì nếu anh làm không đúng, anh đi ngươc lại lợi ích của Đảng, của dân tộc thì anh sẽ bị xử lý’.

Tiến sĩ Đinh Văn Minh – Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra Chính phủ.

LƯỚI TRỜI…

Các tội phạm tham nhũng theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015 bao gồm 7 điều luật – từ điều 353 đến điều 359. Trong đó, các hình phạt chính được áp dụng bao gồm cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, tù chung thân, và cao nhất là hình phạt tử hình.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Đinh Văn Minh – Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra Chính phủ – điều quan trọng trong việc chống tham nhũng là “chúng ta phải làm sao để người ta không dám tham nhũng, để người ta thấy rằng các hành vi của mình luôn luôn bị kiểm soát, luôn luôn có thể bị phát hiện”.

Và theo Tiến sĩ Đinh Văn Minh cách để làm được điều này là: ​”Chúng ta phải làm sao để triệu triệu lỗ tai quan sát của người dân như ngọn đèn pha chiếu rọi vào để mà phát hiện ra những kẻ vi phạm”.

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – nói: ​”Đấy là những thiết chế giám sát quyền lực m​à buộc lòng nếu anh chống tham nhũng anh phải có. Và kiểm soát nữa là sử dụng các công cụ là phương tiện truyền thông báo chí”.

“Mạng xã hội, các phương tiện truyền thông là các thách thức giám sát rất hiệu quả”.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội: “Nguồn phát hiện đầu tiên là nguồn phát hiện từ lãnh đạo chỉ đạo điều hành của các cơ quan, các đơn vị. Hai là trong quá trình sinh hoạt nội bộ, thì cán bộ công chức phát hiện ra dấu hiệu tham nhũng của lãnh đạo. Thứ 3 là người dân có thể phản ánh, kiến nghị và thông qua các đơn khiếu nại, đơn tố cáo hoặc đơn tố giác tội phạm của người dân thì phát hiện ra tham nhũng”.

‘Thế giới nói rằng nếu mà anh chỉ chống tham nhũng một khu vực thì không khác gì anh đi lò cò một chân. Nó phải là cả hai chân thì cuộc chiến chống tham nhũng mới tiến được’.

Tiến sĩ Đinh Văn Minh.

Tuy nhiên, cũng theo Tiến sĩ Đinh Văn Minh, cuộc chiến chống tham nhũng ngày nay không dễ dàng vì cách con người tham nhũng đã thay đổi rất nhiều, phức tạp hơn.

“Qua rất nhiều các vụ án khác nhau chúng ta có thể thấy vai trò của kẻ tung người hứng, của chuyện sân sau cả…” – Tiến sĩ Đinh Văn Minh nói – “Bây giờ tham nhũng không đơn giản như trước kia là tham ô, là lấy tiền trong sổ sách, trong kho, trong két… Mà bây giờ, muốn tham nhũng được nó rất là lòng vòng. Từ chuyện xây dựng để ra một dự án, rồi tham gia đấu thầu để có cách nào đấy để cho cánh hẩu của mình thắng thầu. Từ thắng thầu đấy chuyển sang dự án và ông thắng thầu ấy rút ruột quay trở lại hối lộ cho quan chức”.

CÂU CHUYỆN BẢO VỆ NHỮNG NGƯỜI TỐ CÁO…

Cũng trong tập 3 của phim tài liệu “Không lùi bước”, người xem sẽ được tiếp cận với một khía cạnh khác trong nội dung chống tham nhũng – câu chuyện của những người đi tố cáo.

Cho đến thời điểm này, có rất nhiều người đi tố cáo đã gặp phải những hành động trả thù từ người bị tố cáo và họ không nhận được sự bảo vệ đầy đủ…

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội – nói về quan điểm của mình với vấn đề này:​ “Rõ ràng luật pháp của chúng ta hiện nay là bất cập với người dân. Theo pháp luật, chúng ta không công nhận người dân tố cáo bằng điện thoại, bằng Facebook, bằng email… Thế có nghĩa là chúng ta đã giảm đi mất một nguồn tin quan trọng”.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội.

“Nhưng mà trong đó, cơ chế bảo vệ người tố cáo của chúng ta chưa đầy đủ. Nhiều người tố cáo bị tạt a xít, bị hắt mắm tôm, hắt sơn, phá nhà, phá cửa, côn đồ đến…” – Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng nói tiếp – “Rõ ràng quy định về việc thực hiện hành vi tố cáo là phải có người cụ thể, có chữ ký cụ thể mới công nhận đó là tố cáo… thế cũng là phức tạp”.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng đồng ý kiến. Ông cho rằng với sự bất cập trong cơ chế bảo vệ người tố cáo có thể dẫn tới việc không nhiều người dân còn dám đồng hành với Nhà nước trong công cuộc chống tham nhũng, chống tiêu cực.

​”Rất nhiều trường hợp chúng ta lại xử lý ngược ại người tố cáo. Lại cho rằng vu khống, vi phạm này khác…” – Luật sư Trương Thanh Đức nói – “Tương tự, rất nhiều trường hợp người nhận hối lộ bị tố cáo không bị xử, trong khi đó cái phía đưa hối lộ đã nguyện khai báo lại bị tội. Như vậy thì làm sao người ta dám tố cáo, dám cùng với Nhà nước để phóng chống tham nhũng, để mà xử lý cái hiện tượng tiêu cực như vậy nữa?!”.

‘Chúng ta nên tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hơn là tạo điều kiện thuận lợi cho chính cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước chúng ta có đầy đủ mọi phương tiện và nguồn lực để chúng ta làm. Còn người dân, chúng ta đừng đẩy rủi ro sang người dân’.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội.

Auto

Phim tài liệu: Không lùi bước – Tập 3

Phim tài liệu Không lùi bước – Tập 1: Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực

PTL Không lùi bước – Tập 2: “Công khai minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp chống tham nhũng”

Người thực hiện: N.A

(VTV1) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, tham gia trả lời phỏng vấn phóng viên Ý Linh ngày 19-5-2023 tại ANVI số 1 Đinh Lễ, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, phát trên VTV1 20h10 ngày 13-9-2023.

—————

VTV1 (Phim tài liệu 20h10) ngày 13-9-2023:

https://vtv.vn/video/phim-tai-lieu-khong-lui-buoc-tap-3-640156.htm

(phút 11:35 & 21:53)

https://vtv.vn/truyen-hinh/phim-tai-lieu-khong-lui-buoc-tap-3-chong-tham-nhung-cuoc-dau-tranh-khong-co-vung-cam-20230914092007229.htm

(143/2.047)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông qua...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,432