4.134. Dòng tiền chậm chảy

Dòng tiền chậm chảy

(ĐTCK) Ngân hàng cho khách hàng vay trả nợ ngân hàng khác sẽ giúp vòng tiền xoay nhanh hơn, nhưng tổng tín dụng không tăng, bởi tiền không chảy vào nền kinh tế thực.

Dòng tiền chậm chảy

Lãi suất huy động giảm mạnh khiến kênh tiền gửi tiết kiệm bắt đầu kém hấp dẫn

Tìm cách thúc đẩy cho vay

Khi thấy lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng từ 9%/năm thời điểm tháng 3/2023 đến nay giảm còn 5,4%/năm, ông Nguyễn Việt Hồng ở đường Nguyễn Thị Định, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Dù là khách hàng thân thiết của TPBank, nhưng lãi suất thấp quá nên tôi đành chuyển qua Bac A Bank để hưởng lãi suất cao hơn là 6,6%/năm. Cũng thấy áy náy với các nhân viên tại TPBank luôn tận tình, chu đáo, nhưng đây là chút tiền tích cóp cho tuổi già nên đành phải tính toán”.

Trong khi đó, ông Vũ Hải Lưu ở đường Nguyễn Ngọc Vũ, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Tôi nghe nói có căn nhà mặt phố Trần Hưng Đạo ở Hội An (Quảng Nam), diện tích khoảng 100 m2 được rao bán giá 6 tỷ đồng, hiện cho thuê với giá 15 triệu đồng/tháng. Với biểu lãi huy động thấp hiện nay, lãi thu về chỉ cao hơn tiền cho thuê nhà một chút, trong khi có được mảnh đất ở địa điểm mà trước đây không dễ mua. Vậy nên, cuối tuần này, tôi định vào Hội An xem tình hình thế nào rồi rút tiền ngân hàng đặt cọc và mua nhà”.

Một nhân viên của TPBank cho hay, từ giữa tháng 8/2023 đến nay, khách hàng đến gửi tiền giảm so với trước, có khách chuyển sang ngân hàng khác khi sổ tiết kiệm đáo hạn, cũng có khách hàng chia sẻ, dù dự báo kinh tế vẫn còn biến động nhưng tất toán sổ tiết kiệm để sẵn sàng mua bất động sản hoặc đầu tư vàng.

Về hoạt động cho vay, nhân viên của ngân hàng trên nói: “Trước đây, khách hàng vay mua ô tô khá phổ biến, nhưng hiện tại, vay tiêu dùng cá nhân gần như không còn và ít khách hàng đến mở thẻ, còn khách hàng doanh nghiệp như những con gấu đang ngủ đông”.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến 30/8/2023 là 5,56%, duy trì xu hướng đi ngang và thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng trưởng cả năm là 14%.

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận xét, xu hướng trên phản ánh nhu cầu tín dụng và hoạt động đầu tư đang yếu đi do hoạt động kinh tế suy yếu.

Nhằm đẩy mạnh tín dụng, Vietcombank vừa triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác, với lãi suất từ 6,9%/năm. Chính sách này được triển khai ngay sau khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay có hiệu lực từ ngày 1/9/2023.

Khách hàng có thể được vay vốn với thời gian lên đến 30 năm (nhưng không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại ngân hàng đang vay), với số tiền tối đa là 100% dư nợ gốc của khoản vay tại ngân hàng đang vay. Khách hàng được ân hạn trả nợ gốc tối đa 24 tháng và phù hợp với quy định của Vietcombank.

Tương tự, BIDV triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác, với lãi suất từ 6%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi. Theo lãnh đạo BIDV, đây là giải pháp kịp thời giúp giảm bớt gánh nặng trả lãi đối với các khách hàng đang vay vốn lãi suất cao. Khách hàng đang vay vốn sản xuất – kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống có tài sản bảo đảm là bất động sản tại các ngân hàng khác, có nhu cầu vay vốn để trả nợ trước hạn, đồng thời tiếp tục thanh toán các chi phí còn lại theo phương án vay có thể đến các chi nhánh BIDV trên toàn quốc để vay vốn nhanh chóng, dễ dàng với nhiều ưu đãi. Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại và phù hợp chi phí thanh toán tiếp theo của phương án vay đối với khoản vay tại ngân hàng khác. Khách hàng được sử dụng đa dạng các loại tài sản để đảm bảo cho khoản vay như chính tài sản đảm bảo đang thế chấp tại ngân hàng khác hoặc tiền gửi, bất động sản khác của khách hàng hoặc người thân.

Vòng tiền xoay nhanh hơn, nhưng…

Vòng quay tiền mấy năm gần đây diễn ra rất chậm, hiện tại là 0,64 lần/năm, trong khi ở các chu kỳ trước thấp nhất cũng là 1,8 lần/năm.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhìn nhận: “Vay của ngân hàng này để trả nợ ngân hàng kia là vấn đề hợp pháp, cần thiết, đáp ứng cung cầu của thị trường”.

Theo luật sư Đức, việc chuyển nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác từng được quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN, nhưng chỉ được áp dụng đối với khoản vay phục vụ sản xuất – kinh doanh, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống. Với Thông tư 06/2023/TT-NHNN, các ngân hàng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác, với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống như mua nhà, mua ô tô.

“Tuy nhiên, vay vốn trả nợ trước hạn không hề dễ, bởi nhiều điều kiện ngặt nghèo đi kèm. Bên cạnh đó, hiệu quả thực sự của khoản vay cũng là một câu chuyện rất quan trọng”, luật sư Đức nói.

Giám đốc phân tích tại một công ty chứng khoán nhận định, ngân hàng tạo thanh khoản bằng cách cho khách hàng vay trả nợ ngân hàng khác sẽ giúp vòng tiền xoay nhanh hơn, nhưng tổng tín dụng không tăng, bởi tiền không chảy vào nền kinh tế thực.

Liên quan đến câu chuyện thanh khoản, ông Trần Trung Kiên, chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, có những dấu hiệu tích cực khi các doanh nghiệp bất động sản chủ động mua lại trước hạn các khoản trái phiếu doanh nghiệp giá trị 12.561 tỷ đồng. Điều này giúp giá trị trái phiếu đáo hạn trong nửa cuối năm 2023 và năm 2024 giảm lần lượt 12% và 10% so với trước khi mua lại. Qua đó, giảm áp lực đáo hạn trái phiếu, dù áp lực vẫn ở mức cao, đặc biệt với các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn về dòng tiền.

“Chúng tôi nhận thấy rủi ro mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp bất động sản đã giảm nhẹ khi các doanh nghiệp thực hiện gia hạn thời gian đáo hạn trái phiếu và kéo giãn nợ ngân hàng theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 33/2023/NQ-CP”, ông Kiên cho hay.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản được cải thiện sẽ là một trong những bệ phóng quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ông Kiên thừa nhận, thanh khoản doanh nghiệp bất động sản là vấn đề vẫn đáng lo ngại, khi nhiều doanh nghiệp đang chậm trả lãi và gốc trái phiếu do những khó khăn ở các kênh tái cấp vốn cùng với việc doanh số ký bán giảm mạnh bởi tâm lý thị trường.

“Chúng tôi cho rằng, rủi ro thanh khoản vẫn ở mức cao với lượng lớn trái phiếu đáo hạn của các nhà phát triển bất động sản, cụ thể khoảng 65.906 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2023 (tăng 3% so với cùng kỳ) và 124.200 tỷ đồng trong năm 2024 (tăng 16% so với cùng kỳ)”, ông Kiên nói.

Diễn biến trên thị trường cho thấy, vòng quay tiền mấy năm gần đây diễn ra rất chậm, hiện tại là 0,64 lần/năm, trong khi ở các chu kỳ trước thấp nhất cũng là 1,8 lần/năm, nên cả thị trường thiếu thanh khoản. Thanh khoản bị kẹt được ví như nước trong bình có ít nên dù mở vòi hết cỡ (giảm lãi suất, nới hạn mức tăng trưởng tín dụng) thì nước cũng chỉ chảy nhỏ giọt. Tăng cung tiền bằng những động thái mạnh mẽ hơn đến từ đầu tư công sẽ là yếu tố quan trọng để phục hồi tăng trưởng kinh tế.

“Cung tiền sẽ tăng khi đẩy mạnh đầu tư công, còn vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác thì vẫn chỉ là hoạt động ghi sổ, không có dòng tiền”, vị giám đốc phân tích công ty chứng khoán trên nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

—————

Đầu tư Chứng khoán (Tai chính) ngày 14-9-2023:

https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/dong-tien-cham-chay-post329547.html

(172/1.545) #TCTD

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,763