4.151. Lãi suất giảm, người dân rủ nhau mua lại… sổ tiết kiệm lãi trên 8%/năm

Lãi suất giảm, người dân rủ nhau mua lại… sổ tiết kiệm lãi trên 8%/năm

(DT) – Trên các hội nhóm về ngân hàng, không ít bài đăng ngỏ ý tìm mua lại sổ tiết kiệm lãi suất cao trên 8%/năm. Ngược lại, nhiều cá nhân cũng muốn sang nhượng lại sổ do không muốn rút trước hạn.
Nhộn nhịp sang nhượng sổ tiết kiệm lãi cao

Thời gian qua, lãi suất ngân hàng liên tục có xu hướng giảm. Tính đến đầu tháng 10, lãi suất kỳ hạn 12 tháng của hơn 30 ngân hàng được phóng viên Dân trí khảo sát trung bình ở mức 5,6%/năm, giảm 0,5 điểm % so với đầu tháng 9 và giảm gần 3% so với đầu năm.

Theo đó, nhiều cá nhân có nhu cầu mua bán, sang nhượng sổ tiết kiệm đăng bài trên các hội nhóm mạng xã hội cũng xuất hiện rầm rộ. Trên một hội nhóm có gần 50.000 thành viên, mỗi ngày có hàng chục lời rao chuyển nhượng hay nhận chuyển nhượng sổ tiết kiệm lãi suất từ 7,5%/năm đến 9%/năm.

Phóng viên Dân trí ghi nhận nhiều bài đăng về việc muốn nhượng lại sổ tiết kiệm. Một tài khoản đăng thông tin tìm người để chuyển nhượng 3 sổ tiết kiệm tại NCB (1 tỷ đồng, lãi suất 9,3%/năm), SHB (1 tỷ đồng, lãi suất 8,7%/năm), và PvcomBank (500 triệu đồng, lãi suất 8,8%/năm), cả 3 sổ này cùng đáo hạn vào cuối tháng 12 năm nay.

Một bài đăng khác cũng muốn nhượng lại sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng tại VPBank lãi suất 8,4%/năm, và một sổ tiết kiệm 500 triệu đồng khác tại HDBank với lãi suất 7,6%/năm. Hai sổ này cùng đáo hạn vào tháng 1/2024.

Các cá nhân này cam kết sẽ đến trực tiếp quầy của ngân hàng để chuyển sổ sang tên cho người mua. Làm rõ hơn thông tin, người này cho biết hình thức mua bán là mệnh giá cộng với phần lãi suất từ lúc gửi đến lúc chuyển nhượng. Người mua sẽ hưởng lãi suất cho thời gian còn lại.

mua lại sổ tiết kiệm

Bằng cách chuyển nhượng sổ tiết kiệm, người chuyển nhượng sẽ tránh được việc phải nhận lãi không kỳ hạn cho số tiền rút sớm. (Ảnh minh họa: Mạnh Quân)

Ở hướng ngược lại, một tài khoản ẩn danh đăng bài với nội dung cần mua lại sổ tiết kiệm có lãi suất trên 8%/năm, do có một khoản tiền sắp đáo hạn trong tháng 10. Hay một tài khoản khác cũng đăng tin tìm mua sổ tiết kiệm từ 700 triệu đồng, với điều kiện chuyển nhượng tại TPHCM.

Quỳnh Anh (28 tuổi), một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, cho biết cô đang có khoảng 300 triệu đồng và đang tìm ngân hàng có lãi suất cao để mở sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, sau khi tham khảo một vài ngân hàng, hiện mức lãi suất được tư vấn cao nhất chỉ khoảng 5-6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

“Cộng thêm một số ưu đãi thì lãi suất có thể lên 6,5-6,8%, nhưng kỳ hạn gửi cũng phải dài hơn”, Quỳnh Anh chia sẻ. Do đó, theo lời người quen giới thiệu, cô tham gia vào một số hội nhóm để tìm hiểu về việc mua lại sổ tiết kiệm để có lãi suất cao hơn, kỳ hạn gửi ngắn hơn.

Quỳnh Anh ngạc nhiên khi thấy không ít những bài đăng muốn sang nhượng lại sổ tiết kiệm với lãi suất 8-9%/năm, thời gian đáo hạn vào đầu năm 2024. Tuy nhiên, cô cũng bày tỏ sự băn khoăn về hình thức giao dịch này, liệu trong quá trình chuyển nhượng có xảy ra rủi ro nào không.

Không chỉ Quỳnh Anh, nhiều tài khoản khác trên các hội nhóm cũng bày tỏ sự bất ngờ với hình thức chuyển nhượng này. “Hình thức chuyển nhượng sổ tiết kiệm như vậy có hợp pháp không vậy?”, một tài khoản đăng tải. Nhiều cá nhân khác lại thấy bình thường vì những giao dịch này từng nhiều lần xuất hiện mỗi khi lãi suất huy động tại các nhà băng giảm mạnh.

Làm gì để tránh rủi ro khi sang nhượng sổ tiết kiệm?

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đoàn Luật sư Hà Nội, cho biết chuyển nhượng sổ tiết kiệm ngân hàng không phải là một hình thức mới. Việc này đã được quy định theo Thông tư 48 năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước cho phép việc chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm, với điều kiện giữ nguyên kỳ hạn, lãi suất và số tiền gửi.

Tuy nhiên để tránh rủi ro, các cá nhân cần trực tiếp ra ngân hàng để giao dịch và có sự đồng thuận, đối chiếu từ phía ngân hàng. Ông Đức cũng cho rằng hình thức giao dịch cần có sự tham gia từ ba bên “người mua, người bán, ngân hàng”, tránh trường hợp chỉ giao dịch cá nhân giữa người mua và bán.

Theo ông, người có tên đăng ký trên sổ mới là người có quyền tài sản, không phải người cầm giữ sổ về mặt vật lý. Khi đó, giao dịch mua bán cần làm đúng, đầy đủ thủ tục sang tên theo yêu cầu của ngân hàng, khi đó rủi ro mới được kiểm soát, đảm bảo an toàn.

Thực hiện đúng quy định pháp luật về hoạt động này, sẽ ngăn ngừa rủi ro liên quan đối với các bên mà còn đảm bảo lợi ích của người gửi tiền, người nhận chuyển nhượng và ngân hàng.

Một nhân viên ngân hàng lớn tại TPHCM cho biết giao dịch chuyển nhượng sổ tiết kiệm là hoạt động thường ngày ở ngân hàng. Hoạt động này sẽ phải mất phí, từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng mỗi sổ hoặc tài khoản tiết kiệm, tùy vào từng ngân hàng.

Thời gian qua, nhiều người muốn sang nhượng sổ tiết kiệm do không muốn rút tiền trước hạn, do nếu rút trước hạn thì sẽ nhận mức lãi suất không kỳ hạn, thường ở mức thấp khoảng 0,1-0,5%/năm.

Với dạng giao dịch này, người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng cùng có lợi. Trong đó, người chuyển nhượng được nhận phần lãi cao trong khoảng thời gian đã gửi, lại vừa rút được khoản tiền gốc để đầu tư sang kênh khác. Người nhận chuyển nhượng được hưởng lãi cao trong khoảng thời gian còn lại trước kỳ đáo hạn.

Nhật Quang

—————

Dân trí (Tài chính) ngày 09-10-2023:

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/lai-suat-giam-nguoi-dan-ru-nhau-mua-lai-so-tiet-kiem-lai-tren-8nam-20231008164615393.htm

(244/1.121) #ANVI

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,924