4.154. VINFAST niêm yết tại Mỹ – Kỳ vọng mang chuông đi đánh xứ người.

VINFAST niêm yết tại Mỹ – Kỳ vọng mang chuông đi đánh xứ người.

(NĐT) – Ngày 14/8 vừa qua, VinFast đã hoàn tất việc sáp nhập với Black Spade Acquisition, một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) với định giá ban đầu ở mức 23 tỷ USD. Một ngày sau đó, hơn 2,3 tỷ cổ phiếu phổ thông của hãng xe do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập đã chính thức lên sàn chứng khoán Nasdaq với mã giao dịch VFS.

VINFAST niêm yết tại Mỹ

Sự xuất hiện của cổ phiếu VFS trên thị trường chứng khoán Mỹ được xem là bước ngoặt đối với VinFast nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Sau bước đi lịch sử, VinFast cũng trở thành thương hiệu Việt có giá trị vốn hoá lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ tính đến hiện tại.

Hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã nhen nhóm ý tưởng niêm yết tại Phố Wall cách đây hai năm.

Để thực hiện hành trình lớn này, tháng 12/2021, HĐQT Vingroup đã phê duyệt việc chuyển nhượng toàn bộ 51,52% vốn góp tại VinFast Việt Nam cho VinFast Singapore.

Bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch Vingroup cho biết, lý do phải “đi đường vòng” là việc niêm yết các công ty Việt Nam tại nước ngoài, nhất là tại Mỹ chưa thực hiện được do thiếu sự liên thông về pháp lý và các cơ chế phối hợp liên quan.

Tới ngày 15/8/2023, VinFast chính thức rung chuông ra mắt trên sàn Nasdaq Global Select Market, trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu, sau khi tuyên bố quyết định IPO thông qua việc sáp nhập với Black Spade thay vì niêm yết theo phương thức truyền thống.

Trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Uỷ viên Thường vụ Hội các nhà quản trị Doanh nghiệp Việt Nam đánh giá việc VinFast – một thương hiệu Việt Nam được niêm yết tại Sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq của Mỹ, cho dù phải đi đường vòng qua Singapore vẫn được coi là một dấu ấn, một sự kiện lớn về kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Uỷ viên Thường vụ Hội các nhà quản trị Doanh nghiệp Việt Nam

Việc niêm yết thành công trên sàn chứng khoán hàng đầu thế giới sẽ giúp cho VinFast có cơ hội tiếp nhận nguồn vốn rất tiềm năng từ các nhà đầu tư quốc tế để hiện thực hóa mục tiêu đầu tư nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh. Đồng thời đẩy nhanh quá trình hội nhập thị trường quốc tế, tăng thêm cơ hội sản xuất và bán xe điện ra thị trường toàn cầu.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lâm Minh Chánh cũng bày tỏ: “Với hình ảnh là doanh nghiệp xe điện do tập đoàn lớn nhất Việt Nam là Vingroup và tỷ phú giàu nhất Việt Nam hậu thuẫn, cùng với khát vọng xuất khẩu ô tô điện Việt Nam ra thế giới, VinFast đã tạo một ấn tượng khá đặc biệt đối với thị trường”.

Đặc biệt, ông Chánh phân tích mục tiêu chính yếu nhất của việc niêm yết cổ phiếu VFS trên thị trường Mỹ là gọi vốn cho VinFast. Mục tiêu thứ hai là tạo uy tín cho thương hiệu, cho sản phẩm xe điện VinFast để công ty có thể bán xe dễ hơn. Còn những điểm khác như giá trị vốn hóa, thứ hạng tỷ phú, tự hào sản phẩm Việt Nam … sẽ là kết quả tự đến trong tương lai.

VFS bắt đầu phiên giao dịch đầu tiên trên Nasdaq với giá 22 USD, gấp đôi so với định giá ban đầu của cổ phiếu này và kết thúc ở mức 37,06 USD, nâng giá trị thị trường của VinFast lên mức 85 tỷ USD, cao hơn đáng kể so với mức vốn hóa của những “gã khổng lồ” trong ngành như Ford (48 tỷ USD) và General Motors (46 tỷ USD) trong ngày đầu ra mắt.

CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy và Phó chủ tịch Nasdaq Bob MaCooey tại lễ rung chuông niêm yết cổ phiếu VFS trên sàn Nasdaq tối 15/8/2023.

Thậm chí, có lúc giá cổ phiếu VFS đạt đỉnh giúp vốn hóa của VinFast tăng lên 213 tỷ USD, trở thành nhà sản xuất ô tô có giá trị thứ ba thế giới, chỉ sau Tesla và Toyota.

Với mức tăng ấn tượng này, tỷ phú Phạm Nhật Vượng trở thành người giàu thứ 16 trên thế giới với khối tài sản 66 tỷ USD, theo bảng xếp hạng những tỷ phú theo thời gian thực của Forbes.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, những con số này chưa phản ánh đúng giá trị thực của VinFast, bởi số lượng cổ phiếu được giao dịch trên thị trường tương đối thấp (99% số cổ phiếu của công ty hiện do tỷ phú Phạm Nhật Vượng nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các công ty do ông sáng lập).

Ông Phạm Nhật Vượng

Giới phân tích khẳng định, tiềm lực của công ty sẽ được đánh giá một cách thực chất khi có nhiều cổ phiếu được sang tay hơn.

“Sau màn ra mắt mạnh mẽ ban đầu, rất nhiều người chơi sẽ săn lùng số cổ phiếu thả nổi với số lượng hạn chế. Tuy nhiên, mức định giá này có thể sẽ thay đổi khi có thêm cổ phiếu được tung ra thị trường”, Rick Meckler, đối tác của công ty đầu tư Cherry Lane Investments ở New Jersey, Mỹ nhận định.

Theo ông Meckler, VinFast có thể đại diện cho một đối thủ cạnh tranh mới trong lĩnh vực xe điện. Tuy nhiên, không giống như khi Tesla gia nhập thị trường nhiều năm trước, lĩnh vực này hiện có rất nhiều nhà sản xuất.

Chuyên gia Lâm Minh Chánh

Cũng nêu quan điểm về vấn đề trên, chuyên gia Lâm Minh Chánh cho rằng vì số cổ phần được mua bán trên sàn (free float) quá nhỏ nên giá cổ phiếu VFS có thể dao động lớn, nhất là khi nhu cầu của nhà đầu tư tăng lên.

Đặc biệt, VinFast lên sàn vào thời điểm kinh tế thế giới vẫn suy thoái, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn chưa qua giai đoạn khó khăn. Cổ phiếu của nhiều hãng xe, bao gồm cả “gã khổng lồ Tesla” cũng giảm mạnh khi bảng điện tử trên sàn Nasdaq nhiều phiên ngập trong sắc đỏ. Tất nhiên, VFS khó tránh khỏi xu thế đó của thị trường. Một tháng sau niêm yết, cổ phiếu này đã giảm mạnh và chỉ và giao dịch quanh mốc 17 USD.

Chia sẻ cùng Người Đưa Tin, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét thị giá của VFS thay đổi như vậy là do hiệu ứng của thị trường. Thời điểm mới niêm yết, cổ phiếu VFS tăng mạnh cho thấy các nhà đầu tư dành sự quan tâm đặc biệt cho hãng xe từ Việt Nam cũng đánh giá cao doanh nghiệp nên xu thế tăng trưởng là tất yếu. Sau đó, giá VFS cũng chịu tác động chung của xu thế “giảm sàn”.

Đối thủ đáng gờm Tesla

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – người có hàng chục năm kinh nghiệm tại thị trường Mỹ chỉ ra một số khó khăn mà hãng xe Việt có thể phải đối mặt trở thành một công ty niêm yết toàn cầu.

Thứ nhất, về công nghệ, VinFast là một hãng xe còn khá non trẻ so với những nhà sản xuất có lịch sử hàng chục, thậm chí hàng trăm năm.

Thứ hai, về thị trường, đến nay số lượng xe ô tô điện của VinFast lưu hành trên đất Mỹ chưa nhiều. Ông Hiếu chia sẻ, Mỹ là một thị trường cực kỳ khắt khe với chất lượng sản phẩm, chỉ cần có một lỗi nhỏ, bộ Giao thông của Mỹ cũng sẵn sàng thu hồi hàng nghìn, thậm chí là hàng triệu chiếc xe.

Và cuối cùng, về vấn đề chăm sóc khách hàng. Hiện nay trên đất Mỹ có rất nhiều đại lý của các hãng xe ô tô lớn như Honda, Toyota, Tesla… trải dài khắp các địa phương. Khi xe xảy ra sự cố, khách hàng rất dễ để tìm kiếm và sửa chữa tại các cửa hàng này.

“Nếu VinFast muốn bán xe ở Mỹ cần xây dựng hệ thống đại lý trên khắp lãnh thổ Mỹ, đây là một bài toán khó với một nhà sản xuất mới gia nhập thị trường”, ông Hiếu nói.

Cùng ý kiến, ông Jason Benowitz, Giám đốc Danh mục Đầu tư cấp cao của Tập đoàn Đầu tư Roosevelt cho rằng VinFast có thể sẽ gặp khó trong việc tiếp thị và bán các loại xe tại Mỹ, nơi mà yêu cầu của người tiêu dùng rất khác biệt so với thị trường truyền thống của hãng là Việt Nam.

Trước những khó khăn hiện diện đó, Luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ chỉ riêng việc VinFast niêm yết đã xua đi những nghi ngờ của nhiều người luôn nghĩ về sự thất bại thay vì ủng hộ sự thành công; thường muốn phủ nhận, chê trách hay đòi hỏi quá cao, quá nhiều thay vì ghi nhận sự nỗ lực, với những kết quả đáng khích lệ của doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam.

“Sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức trước bối cảnh cạnh tranh quốc tế của VinFast, nhưng việc này đã tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét về sự chuyển đổi sang công nghệ, công nghiệp của Tập đoàn Vingroup, đồng thời đã và đang lan truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, để họ xây dựng và phát triển các dự án và sản phẩm có chất lượng vươn ra tầm quốc tế”, ông Đức nói.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Đặc biệt ngay sau khi VinFast niêm yết thành công trên đất Mỹ, Công ty Cổ phần VNG cũng đã nộp hồ sơ lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ, dự kiến chào bán gần 22 triệu cổ phiếu trong đợt IPO ở Nasdaq.

“Chúng tôi muốn trở thành một công ty công nghệ toàn cầu. Vì vậy, chúng tôi phải chơi trong cùng một sân chơi và tiếp cận với những nhà đầu tư tốt nhất, cũng như khắt khe nhất trên thế giới ”, nhà đồng sáng lập VNG Lê Hồng Minh chia sẻ trên tờ Bloomberg.

VNG nổi lên như một “kỳ lân” được quan tâm nhất tại Việt Nam. Nếu IPO thành công tại Mỹ, VNG sẽ trở thành startup Việt đầu tiên làm được điều này.

Trang tin dealstreetasia.com trích dẫn phát biểu của ông Robert H. McCooey Jr, Phó Chủ tịch Nasdaq, trong đó đánh giá cao tiềm năng của VNG như một biểu tượng cho nền kinh tế Việt Nam và việc ông sẽ hỗ trợ việc niêm yết VNG trên Nasdaq. Trang mạng trên cũng cho rằng, việc niêm yết một công ty công nghệ của Việt Nam trên Nasdaq sẽ thu hút sự chú ý của nền công nghệ và tài chính toàn cầu tới Việt Nam.

Hai trang báo Bernama và Businessinsider.com đánh giá cao những nỗ lực của Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam nhằm triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư.

Về vấn đề này, ông Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm chính sự kiện niêm yết thành công của VinFast trên thị trường chứng khoán Mỹ đã trở thành động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam dám thử sức ở thị trường này, như hiện nay chính là VNG.

“Doanh nghiệp Việt Nam đã tự tin hơn, sẵn sàng niêm yết, huy động vốn trên những thị trường khắt khe nhất của thế giới. Đây là tín hiệu đáng mừng, góp sức rất lớn củng cố nền kinh tế nước nhà”, PGS.TS chia sẻ.

Ông Thịnh đánh giá Việt Nam là một đất nước luôn khuyến khích hội nhập, mở cửa nhưng hiện thực lại cho thấy doanh nghiệp Việt đi huy động vốn trên trường quốc tế vẫn rất ít về số lượng và khó khăn trong hành trình.

Còn ở trong nước hiện nay, những doanh nghiệp vay nợ thành công nguồn vốn ngoại quốc chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dựa vào uy tín của công ty mẹ, tập đoàn mẹ để huy động vốn quốc tế. Đối với các doanh nghiệp thuần Việt thì gần như là chưa có.

Vì vậy, vị chuyên gia nhấn mạnh, nếu ngày càng có nhiều doanh nghiệp thuần Việt Nam có thể niêm yết lên các thị trường nước ngoài sẽ giúp quảng bá về hình ảnh thương hiệu Việt, đồng thời cũng giúp nền kinh tế của Việt Nam được nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao.

Điều này cũng góp phần thu hút các nhà đầu tư ngoại quốc tìm đến Việt Nam để kinh doanh, rót vốn, thúc đẩy nền kinh tế nước nhà phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu.

Dù vậy, PGS.TS lưu ý, việc niêm yết trên thị trường quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam không phải lúc nào cũng thuận lợi và dễ dàng. Tuy nhiên, động lực tinh thần cũng như bài học từ những “người mở đường” như VinFast sẽ trở thành kinh nghiệm quý báu cho thế hệ doanh nghiệp đi sau.

Bất chấp những lo ngại của thị trường, lãnh đạo của VinFast vẫn tin vào tiềm năng của công ty, đặc biệt là khi xem xét hệ sinh thái xe điện đang mở rộng nhanh chóng ở Đông Nam Á.

“Mọi người có thể đã thấy giá cổ phiếu của VinFast biến động như thế nào sau khi niêm yết. Tôi nghĩ rằng rất nhiều người đã ngạc nhiên trước những biến động đó, nhưng chúng tôi thì không, vì chúng tôi tin vào tiềm năng của công ty”, bà Thủy phát biểu trong một cuộc thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN (ASEAN BIS) ở Jakarta, Indonesia hồi đầu tháng 9/2023.

Khi được hỏi tại sao công ty lại quyết định mở rộng sang Mỹ, nơi họ phải cạnh tranh với những đối thủ lớn như Tesla, bà Thủy cho biết: “Mỹ là một thị trường rất khó tính, rất thách thức. Nếu chúng tôi có thể thành công ở đó, chúng tôi gần như có thể xây dựng và quảng bá thương hiệu của mình ở bất cứ đâu”.

Nội dung: Nguyễn Tuyết – Hồng Nhung

Thiết kế: Quốc Việt

—————

Người đưa tin (Infocus) ngày 11-10-2023:

https://www.nguoiduatin.vn/e-vinfast-niem-yet-tai-my-ky-vong-mang-chuong-di-danh-xu-nguoi-a629126.html

(342/2.524) #VINFAST #ANVI

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.389. Đổi mới thể chế: Giảm thiểu can thiệp...

Đổi mới thể chế: Giảm thiểu can thiệp hành chính vào thị trường. (VNN)...

Trích dẫn 

3.903. Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn...

Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn tăng vốn ảo của doanh nghiệp. (ĐTM)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,378