Hệ lụy từ làn sóng bùng nợ vay tiêu dùng.
(VTV1) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, trả lời phỏng vấn phóng viên Bảo Linh ngày 05-10-2023 tại ANVI, số 1 Đinh Lễ, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, phát trên VTV1 ngày 12-10-2023.
—————
VTV1 (Việt Nam hôm nay) 12-10-2023:
https://vtv.vn/video/viet-nam-hom-nay-12-10-2023-644789.htm
(Phút 20:55 chương trình, phút 5:39 phóng sự)
———————
Hệ lụy từ làn sóng bùng nợ vay tiêu dùng
(VTV.vn) – Tình trạng bùng nợ vay tiêu dùng đang gia tăng. Nếu không tìm ra cơ chế quản lý tốt thì cả người vay và tổ chức cho vay chính thống sẽ gặp khó, để lại hệ lụy khôn lường.
Thời gian gần đây, các bản tin Thời sự đã đề cập tới việc xuất hiện nhiều hội nhóm mạng xã hội dạy cách quỵt nợ vay tiêu dùng. Người bùng nợ có thể đối mặt với hình phạt cao nhất 20 năm tù vì tội lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên hình phạt này không khiến cho người dân e ngại.
Chỉ cần lên Facebook gõ cụm từ “bùng nợ” hay “bùng vay tiền qua app” sẽ cho ra hàng loạt hội nhóm, với số lượng thành viên từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn người. Các thông tin được chia sẻ đều xoay quanh việc hướng dẫn làm giấy tờ giả, dạy “bùng nợ” các khoản vay từ các công ty tài chính, ngân hàng và tổ chức tín dụng…
Người đi vay học quỵt nợ, họ không ngờ tới mình lại là con mồi, bởi không loại trừ khả năng việc “dạy bùng nợ” chính là cái bẫy giăng ra để đón lõng người vay tiền, giúp tăng doanh số cho các app vay không chính thống (tín dụng đen) để rồi phải khổ sở vì đòi nợ kiểu xã hội đen.
Chịu ảnh hưởng lớn nhất từ làn sóng bùng nợ chính là các công ty cho vay tài chính, các ngân hàng và tổ chức tính dụng… Đặc biệt, khi hoạt động thu hồi nợ bị siết chặt quản lý, người vay vốn càng chây ỳ, càng bùng nhiều hơn. Nhiều người từ chối cuộc gọi nhắc nợ, thậm chí quay lại đe dọa và hành hung nhân viên thu hồi nợ.
“Việc bùng nợ như vậy tạo ra cái sự xáo trộn trong hệ thống tài chính tiền tệ, làm cho việc đòi nợ, bán nợ, mua nợ và các cái hình thức khác, thậm chí có thể có cả những hình thức đòi nợ dưới dạng xã hội đen xuất hiện. Việc này sẽ gây nên cái sự xáo trộn cho xã hội và ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia Tài chính, Hiệp hội Tư vân Tài chính Việt Nam, nhìn nhận.
“Cho vay thông qua phương tiện điện tử để người dân tiếp cận vốn tốt hơn, nhưng lỗ hổng quan trọng ở đây là lỗ hổng quyền của chủ nợ. Nếu như chúng ta không có những quy định cứng rắn hơn về quyền đòi nợ, chúng ta sẽ không được hưởng những tiện ích tốt nhất của kênh cho vay tiêu dùng”, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, cho biết.
Trốn nợ làm gia tăng tín dụng đen
Câu chuyện dạy bùng nợ qua các group hội nhóm trên mạng xã hội tưởng chừng chỉ là câu chuyện đơn giản, nhưng hệ lụy khôn lường. Bởi nếu bùng nợ gia tăng sẽ thu hẹp cánh cửa tiếp cận nguồn vốn vay của nhiều người có nhu cầu thực. Còn người bùng nợ dính lịch sử tín dụng xấu, lại không thể tiếp tục vay mượn ở các tổ chức tài chính hợp pháp và chính họ lại là những người tiếp tay cho hoạt động tín dụng đen phát triển khi họ phải tìm đến những tổ chức phi pháp này. Đây là hệ lụy nghiêm trọng cho cả xã hội.
Một điều cần khẳng định rằng không ai ngẫu nhiên lập ra những hội, nhóm tư vấn miễn phí các hành vi tiêu cực như bùng tiền vay app online. Đằng sau những hội, nhóm trên Facebook là những “cò mồi” dẫn dắt câu kéo đưa người đi vay nợ chồng nợ, lãi chồng lãi.
Những Admin ra tay hỗ trợ người vay một cách “nghĩa hiệp” này có thể đang thỏa thuận giúp gia tăng doanh số với các app hoặc web vay tiền online. Họ sẽ nhận được một phần chiết khấu, hoa hồng khi có người đăng ký vay tiền thành công.
Người đi vay cứ nghĩ mình khôn ngoan, quỵt được nợ, nhưng thực chất họ chính là con mồi cho tín dụng đen. Đằng sau câu chuyện này đó lại là một khoảng trống pháp lý rất lớn và từ việc thiếu các cơ chế chính sách quản lý hợp lý đã dẫn tới những hệ lụy ghê gớm, thậm chí gây mất an ninh trật tự xã hội khi gia tăng bùng nợ, gia tăng tín dụng đen.
Giải pháp xử lý quỵt nợ vay tiêu dùng
Các chuyên gia tài chính cho biết, việc bùng nợ vay tiêu dùng đang cho thấy một báo động đỏ về trách nhiệm trả nợ của người vay, cũng như đã đến lúc cần phải có hành lang pháp lý cụ thể và chặt chẽ hơn để quản lý việc cho vay tiêu dùng.
Trong những hội nhóm dạy bùng nợ, các đối tượng đều sử dụng triệt để tính ẩn danh của không gian mạng để lôi kéo người tham gia vay qua ứng dụng. Nhóm này sập, nhóm mới lại nhanh chóng được lập ra. Nội dung phong phú hơn, lời lẽ thuyết phục hơn, cách thức bùng nợ phức tạp hơn, khiến nhiều người dù không có ý định vay nợ cũng dần lung lay.
“Phải tạo ra những cái hành lang pháp lý, một là thuận lợi cho người vay. Ngược lại cũng phải bảo vệ quyền của chủ nợ, người ta được đòi nợ một cách chính đáng và liên tục. Không thể có câu chuyện để một kẽ hở cho phát động phong trào bùng nợ. Bùng nợ ở đây không chỉ cho vay tiêu dùng, mà thậm chí nó sẽ lây lan sang các loại nợ để phát triển kinh doanh”, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, nhận định.
“Nhiều vụ đòi nợ theo kiểu xã hội đen, có lẽ vì như thế nên chúng ta thấy phức tạp, khó quản lý nên đã cấm. Tuy nhiên nhu cầu tất yếu của xã hội là nó buộc phải xảy ra. Người ta chuyển đòi nợ thuê thành mua bán nợ hoặc những hình thức khác, vẫn cứ diễn ra như cũ, nhưng không có hành lang pháp lý để thực hiện hay xử lý”, Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho hay.
Để nâng cao sự lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng, những yếu tố như tín dụng đen hay các hội nhóm tuyên truyền cách “bùng” nợ chính là mối nguy hại cần được loại bỏ. Người dân cần cân nhắc thật kỹ trước khi vay tiền các ứng dụng tài chính.
“Chúng ta nên gắn cái việc cho vay với cái căn cước công dân mà hiện đã được tích hợp các điều kiện. Đặc biệt chúng ta gắn với việc quản lý cơ sở của di chuyển cơ sở, biết được nơi họ cư trú tương đối ổn định thì lúc đó cái việc cho vay tín chấp cũng dễ dàng hơn và việc đòi nợ cũng xuôi chèo mát mái”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia Tài chính, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam, nói.
Nếu có nhu cầu vay vốn phục vụ chi tiêu cá nhân, trước hết nên tìm hiểu từ những tổ chức tín dụng uy tín của các ngân hàng với các chính sách đảm bảo điều kiện cho người dân. Còn nếu tiếp cận với các ứng dụng vay tiên, thì điều quan trọng nhất là tìm hiểu rõ các quy định thỏa thuận, tránh gặp phải những hậu quả không đáng có.
Trong văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép hiện gặp nhiều khó khăn do các hành vi trốn nợ của các hội nhóm. Nợ xấu của nhiều công ty tài chính tiêu dùng đã tăng lên ở mức rất cao và thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Đã đến lúc cần phải xây dựng hệ thống văn bản luật để quản lý tốt hơn việc cho vay tiêu dùng, tránh những hệ lụy lâu dài cho người dân, các tổ chức tín dụng và cho xã hội.
Bảo Linh
VTV.vn (Kinh tế) 12-10-2023:
https://vtv.vn/kinh-te/he-luy-tu-lan-song-bung-no-vay-tieu-dung-20231012192310682.htm
(93/1.519) #TCTD