4.163. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là tiền của dân, giao cho doanh nghiệp là không phù hợp

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là tiền của dân, giao cho doanh nghiệp là không phù hợp

(LĐ) – Các chuyên gia cho rằng, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu từ tiền đóng góp của người dân, nhưng để doanh nghiệp quản lý là không phù hợp…
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa – Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh Cường Ngô

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, nhiều chuyên gia kinh tế, Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự bức xúc trước những bất cập trong quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Các chuyên gia nhắc đi nhắc lại việc quỹ bình ổn từ tiền đóng góp của người dân, nhưng doanh nghiệp quản lý, điều này là không phù hợp; doanh nghiệp có thể dùng số tiền này vào mục đích khác.

Trao đổi với Lao Động, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa – Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – cho rằng: “Ở nghị trường Quốc hội, khi đóng góp cho dự thảo Luật Giá, tôi đã phát biểu không chấp nhận Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đặt tại doanh nghiệp. Nhưng sau cùng Luật Giá ban hành vẫn có quy định đặt quỹ tại doanh nghiệp. Giờ đây lo ngại của tôi đã trở thành sự thật. Mấy ngày hôm nay truyền thông đã đưa tin việc doanh nghiệp thiếu nợ thuế, lấy Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đi kinh doanh, không có khả năng hoàn trả, rồi thiếu nợ ngân hàng bị ngân hàng cấn nợ”.

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, để xảy ra những vụ việc kể trên, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm việc giao quỹ bình ổn cho doanh nghiệp.

“Trước đó ĐBQH đã lên tiếng không đồng ý giao cho doanh nghiệp quản lý quỹ nhưng các bộ vẫn bảo vệ quan điểm để quỹ này tại doanh nghiệp.

Trong khi đó, đây là tiền của người dân góp vào quỹ. Giao cho doanh nghiệp quản lý nhưng họ có biết doanh nghiệp đó làm ăn ra sao? Việc nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu không đủ năng lực làm đầu mối, nhưng lại cho phép đặt quỹ tại doanh nghiệp là điều rất khó hiểu” – ĐBQH chia sẻ.

Ông Phạm Văn Hòa cho rằng, sẽ đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là cơ quan công an phải vào cuộc để xem xét từng khía cạnh.

“Họp Quốc hội kỳ này, tôi sẽ đặt vấn đề quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, rằng, hai bộ sẽ xử lý và giải quyết như thế nào?” – ông nói.

Xem xét bổ sung quy định quản lý, giám sát quỹ

Trả lời Báo Lao Động, bà Nguyễn Thuý Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – cho biết, vừa qua, Thường trực Chính phủ đã họp với các bộ, ngành về các vấn đề sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu trong đó, về nội dung Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, sẽ cần bổ sung các quy định, biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ.

“Do vậy, trong lần sửa đổi Nghị định 95 lần này, chúng tôi sẽ sửa đổi, bổ sung một số quy định mang tính kỹ thuật nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc, bất cập còn tồn đọng về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn” – bà Hiền nói.

Cần tính lại việc sử dụng quản lý giám sát quỹ bình ổn

Các chuyên gia hiến kế, cần sớm có giải pháp xác định ai là người đóng quỹ, việc sử dụng, quản lý giám sát quỹ bình ổn cũng cần được tính toán lại.

Trao đổi với Báo Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – giảng viên Học viện Tài chính – cho biết, thời gian gần đây việc trích lập quỹ và xả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không được chú ý, do diễn biến giá không tăng quá đột biến, nên có thể việc kiểm tra giám sát có lơi lỏng. Trong khi đó, một số đơn vị khó khăn kinh doanh và chiếm dụng quỹ này. Do vậy, ông kiến nghị cơ quan quản lý phải thường xuyên kiểm tra, giám sát quỹ này.

Ngân hàng cần phong toả tài khoản quỹ bình ổn giá xăng dầu do doanh nghiệp lập

Trao đổi với Báo Lao Động, Luật sư Trương Thanh Đức – Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tư vấn & Phản biện chính sách, Hội Các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam – cho rằng, chúng ta đang thiếu một cơ chế thực sự bảo đảm quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Theo Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC, “Nghiêm cấm sử dụng quỹ bình ổn giá để cấp vốn kinh doanh hoặc cho các mục đích khác” nhưng “quy định như trên chỉ có giá trị khuyến nghị, giống như “thả gà ra đuổi”, vì không hề có cơ chế, biện pháp cụ thể cần thiết để bảo đảm rằng nó phải được giữ nguyên trên thực tế” – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nói.

Từ ví dụ trong câu chuyện BIDV tự ý cấn nợ Hải Hà Petro 270 tỉ đồng, ông Đức cho rằng, lẽ ra, phải quy định một cơ quan trung gian quản lý quỹ này hoặc tối thiểu phải quy định bắt buộc phong tỏa quỹ này.

Cường Ngô – Minh Ánh

————–

Lao Động (Kinh doanh) ngày 27-10-2023:

https://laodong.vn/kinh-doanh/quy-binh-on-gia-xang-dau-la-tien-cua-dan-giao-cho-doanh-nghiep-la-khong-phu-hop-1259640.ldo

(177/987)

—————

Nguyên văn ý kiến:

Trao đổi với Lao Động, Luật sư Trương Thanh Đức – Ủy viên thường vụ, Trưởng Ban Tư vấn & Phản biện chính sách, Hội Các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam, cho rằng chúng ta đang thiếu một cơ chế thực sự bảo đảm quản lý Quỹ Bình ổn xăng dầu.

Khoản 1, Điều 37, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, đã được sửa đổi năm 2018 và 2021 quy định: Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ bình ổn giá”.

Khoản 1, Điều 6, Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016, quy định “Quỹ Bình ổn giá được thương nhân đầu mối hạch toán và theo dõi riêng bằng một tài khoản tiền gửi tại một ngân hàng thương mại”. Đồng thời, điểm khoản 2, Điều 7, Thông tư này quy định “Nghiêm cấm sử dụng Quỹ Bình ổn giá để cấp vốn kinh doanh hoặc cho các mục đích khác” ngoài để bình ổn giá xăng dầu. Tương tự là quy định tại Điều 2, Thông tư số 103/2021/TT-BTC.

Tuy nhiên, quy định như trên chỉ có giá trị khuyến nghị, chẳng khác nào buông, kiểu như thả gà ra mà đuổi, vì không hề có cơ chế, biện pháp cụ thể cần thiết để bảo đảm rằng nó phải được giữ nguyên trên thực tế.

Ông Đức lấy ví dụ trong câu chuyện BIDV tự ý cấn nợ Hải Hà Petro 270 tỉ đồng, thì ngân hàng và doanh nghiệp sai ít, chính quy định pháp luật sai nhiều hơn, vì cứ dễ dàng việc vượt qua sự “không được” và “nghiêm cấm” mà không có gì cản trở. Lẽ ra, phải quy định một cơ quan trung gian quản lý Quỹ này hoặc tối thiểu phải quy định bắt buộc phong tỏa Quỹ này.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,913