4.170. Trần chi phí lãi vay đang ‘trói’ doanh nghiệp

Trần chi phí lãi vay đang ‘trói’ doanh nghiệp

(TN) – Quy định khống chế tỷ lệ trần chi phí lãi vay đối với tất cả doanh nghiệp có giao dịch liên kết hay vay vốn ngân hàng là không hợp lý.
Áp trần chi phí lãi vay là không hợp lý

Đại diện một doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực nông lâm nghiệp cho hay năm 2022, tổng số tiền lãi vay công ty phải trả lên hơn 400 tỉ đồng. Con số này cũng đã giảm hơn 100 tỉ đồng so với năm 2021 do tổng tiền vay có giảm.

Trần chi phí lãi vay đang trói DN

Cần sửa đổi nhanh quy định về tỷ lệ chi phí lãi vay theo Nghị định 132/2020

NGỌC THẮNG

Tuy nhiên, theo Nghị định số 132/2020 và Nghị định số 20/2017 của Chính phủ để xác định thu nhập chịu thuế thì mức trần chi phí lãi vay công ty ước tính được khấu trừ trong chi phí hoạt động của năm chỉ khoảng 160 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mà công ty phải đóng cao hơn và số lợi nhuận còn lại quá ít ỏi. Nên năm nay, cùng với những khó khăn trong hoạt động kinh doanh, công ty cũng tiếp tục giảm mạnh vốn vay và chưa có kế hoạch mở rộng đầu tư.

Việc áp trần chi phí lãi vay này sẽ khiến DN không có đủ tiềm lực hoặc ngại đầu tư, đổi mới công nghệ. Trong khi đầu tư, đổi mới là sống còn cho sự phát triển của DN nói riêng, cũng như nền kinh tế của đất nước nói chung.

Tương tự, hàng loạt DN thủy sản kiến nghị về bất cập liên quan áp trần chi phí lãi vay. Trong báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh và tập hợp các vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách gửi Văn phòng Chính phủ cuối tháng 10 vừa qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng khái niệm về các bên có quan hệ liên kết quy định tại điểm d khoản 2 điều 5 Nghị định số 132/2020, trong đó có trường hợp DN vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của DN đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của DN đi vay là quá bất cập.

Trong khi đó, phần lớn DN của VN chủ yếu là nhỏ và vừa, các DN mới khởi nghiệp, nên nguồn vốn ngân hàng là kênh chính để đầu tư, phát triển. Việc quy định giao dịch đi vay giữa ngân hàng và DN vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, từ đó áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của DN.

“Giao dịch cho vay giữa ngân hàng và DN cần được nhận định là một hoạt động kinh doanh bình thường trong đó sản phẩm là nguồn vốn. Việc áp trần chi phí lãi vay này sẽ khiến DN không có đủ tiềm lực hoặc ngại đầu tư, đổi mới công nghệ. Trong khi đầu tư, đổi mới là sống còn cho sự phát triển của DN nói riêng, cũng như nền kinh tế của đất nước nói chung”, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe nói thẳng.

Bên cạnh đó, đại diện của VASEP cũng cho rằng Nghị định số 132/2020 có xác định các đối tượng không thuộc phạm vi áp dụng quy định về trần tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN, nhưng lại bỏ qua các DN sản xuất – đối tượng cần được hỗ trợ về vốn để đầu tư, phát triển. Vì vậy, VASEP kiến nghị Chính phủ xem xét hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và DN vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp DN không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế TNDN. Đồng thời, thay đổi lại quy định các đối tượng không thuộc phạm vi áp trần chi phí lãi vay để các DN sản xuất không phải chịu áp mức trần của tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Nhiều công ty cũng kiến nghị bên cạnh việc sửa đổi trần chi phí lãi vay ở mức 30%, cần cho phép chuyển chi phí lãi vay vượt mức khống chế sang kỳ tính thuế tiếp theo, hay kéo dài thời gian chuyển chi phí lãi vay vượt mức khống chế từ 5 năm lên cao hơn…

Sai thì cần sửa ngay

Từ giữa tháng 7, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định số 132/2020 nhằm tháo gỡ vướng mắc cho DN sản xuất liên quan đến quy định quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết. Việc thực hiện này cần báo cáo trong quý 4/2023. Thế nhưng, trong văn bản 7725 ngày 18.10 của Tổng cục Thuế để lấy ý kiến các đơn vị liên quan về việc sửa Nghị định 132/2020, cơ quan này dự tính sẽ trình Thủ tướng việc sửa đổi bổ sung trong tháng 8.2024.

TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng trong bối cảnh hiện nay khi lãi suất cho vay vẫn cao khiến chi phí lãi vay của nhiều DN tăng mạnh. Song song với mức tiêu thụ giảm xuống vì kinh tế trong ngoài nước khó khăn thì tỷ lệ chi phí lãi vay của các công ty sẽ tăng mạnh và vượt mức trần 30% trên tổng lợi nhuận thuần sẽ trở nên phổ biến. Chính vì vậy, cần thiết phải sửa đổi nhanh Nghị định số 132 theo hướng nâng trần tỷ lệ về chi phí lãi vay lên cao hơn, khoảng 50% để hỗ trợ cho hoạt động của DN.

Trong khi đó, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nhấn mạnh quy định nêu trên là sai cơ bản nên phải bãi bỏ. Nguyên lý áp tỷ lệ trần chi phí lãi vay nhằm để chống các hoạt động gian lận, lách thuế để nộp thuế ít hơn của DN. Thế nhưng, tất cả DN trong nước thì đầu vào 1 đồng, đầu ra 1 đồng đều có báo cáo với chứng từ hợp lý, hợp lệ và cơ quan thuế có thể kiểm tra được. Đồng thời từ đầu Nghị định 132 đã định nghĩa thế nào là giao dịch liên kết. Vậy với các DN không có giao dịch liên kết thì không thuộc đối tượng áp dụng. Vậy tại sao đến điều 5 thì DN chỉ có vay vốn từ ngân hàng cũng rơi vào trường hợp bị áp trần chi phí lãi vay này?

Cơ quan thuế chỉ nên xử lý các trường hợp có nghi ngờ gian lận, lách thuế khi các DN có những dự án đầu tư đang được hưởng ưu đãi về thuế hay liên tục báo lỗ nhiều năm liền để không đóng thuế. Trong khi với các DN vẫn đóng thuế đều đặn hằng năm, không có công ty con hay dự án nào được hưởng ưu đãi thì chính sách thuế TNDN đều ở mức 20% như nhau thì các khoản vay có chứng từ hợp pháp, hợp lệ thì phải cho DN được khấu trừ vào chi phí hoạt động. Nhiều DN nếu như vay được 70 – 80% nguồn vốn để hoạt động cũng là bình thường. Việc kiểm soát nguồn vốn cho vay từ ngân hàng thì đã có những quy định khác như điều kiện cho vay…

“Như đã có nhiều báo cáo nghiên cứu thì việc chống chuyển giá chỉ nên đặt ra với các DN nước ngoài, công ty đa quốc gia và nhiều chi phí đầu vào lẫn đầu ra cơ quan thuế không thể giám sát được. Hơn nữa các đơn vị này thường được hưởng ưu đãi về thuế cho nhiều dự án nên sau nhiều năm thường xuyên báo lỗ, không nộp đồng thuế nào… Trong lúc Chính phủ nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp, chính sách để hỗ trợ DN hồi phục sau giai đoạn khó khăn, thúc đẩy kinh tế phát triển thì việc sửa đổi các quy định đang gây khó khăn cho DN như Nghị định 132/2020 cần phải được làm ngay”, LS Trương Thanh Đức nói.

Càng chậm sửa đổi, doanh nghiệp càng thiệt hại

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có công văn kiến nghị Bộ Tài chính khẩn trương xem xét trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 132/2020.

Theo đó, HoREA kiến nghị không khống chế “trần” tổng chi phí lãi vay “không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ” của DN trong nước có giao dịch liên kết để phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời bức tranh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN. Bởi chi phí lãi vay phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN là chi phí hợp pháp được quy định tại khoản 2 điều 5 luật Đầu tư 2020 hoặc khoản 1 điều 94 luật Các tổ chức tín dụng 2010 thì cần phải được nhà nước công nhận và cần phải được tính vào tổng chi phí hoạt động của DN.

Việc chậm đề xuất sửa đổi Nghị định 132, nhất là việc chậm đề xuất sửa đổi quy định khống chế trần tổng chi phí lãi vay sẽ càng làm cho các DN có giao dịch liên kết nhưng làm ăn chân chính và tuân thủ pháp luật tiếp tục bị thiệt hại.

Mai Phương

—————-

Thanh niên (Ngân hàng) ngày 13-11-2023:

https://thanhnien.vn/tran-chi-phi-lai-vay-dang-troi-doanh-nghiep-185231112231053521.htm

(427/1.699)

 

Bổ sung ngoài bài:

Tóm lại, nếu theo đúng nguyên lý và mục tiêu của “Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết,” thì chỉ được phép loại trừ chi phí lãi vay khỏi chi phí của doanh nghiệp khi có đủ 3 yếu tố sau đây: Thứ nhất, có giao dịch liên kết; thứ hai, có yếu tố chuyển giá; và thứ ba, chi phí lãi vay đạt đến một đáng kể (30%). Trong khi đại đa số doanh nghiệp Việt Nam bị loại chi phí lãi vay khi không có yếu tố chuyển giá, thậm chí không hề có cả yếu tố liên kết (mà điển hình là vay vốn ngân hàng và hoàn toàn không thuộc trường hợp có quan hệ liên kết theo quy định của Điều 3.21, Luật Quản lý thuế và Điều 5.1, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, thậm chí cũng không phải là người có liên quan theo tất cả các quy định khác nhau của luật, gồm Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Chứng khoán năm 2019,  Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005).

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,863