4.196. Nghịch lý Thông tư 06 – Ngân hàng ‘trói chân’ doanh nghiệp, vay vốn khó như… lên trời

Nghịch lý Thông tư 06 – Ngân hàng ‘trói chân’ doanh nghiệp, vay vốn khó như… lên trời

(TP) – Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Ngân hàng Nhà nước đặt ra “hàng rào” quy định trong thời gian qua bất chấp các doanh nghiệp đang lao đao vì thiếu vốn. Ngân hàng vẫn bình chân như vại siết chặt dòng tín dụng bằng những điều kiện cho vay “khó như lên trời” và dùng thế độc quyền để ép doanh nghiệp phải vay với lãi suất quá cao.
‘Cục máu đông’ gây tắc nghẽn huyết mạch tín dụng

Tại cuộc họp chiều 30/11 với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng (TCTD), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm nhưng tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 8,35%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 14,5%.

Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những “cục máu đông” khiến huyết mạch tín dụng của nền kinh tế bị tắc nghẽn là các quy định “trên trời” của Thông tư 06/2023 của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là những bất cập Khoản 6, Điều 22.

Theo quy định trên, các khoản vay để thực hiện nghĩa vụ (ký quỹ, đặt cọc…) của doanh nghiệp sẽ bị “phong tỏa” tại TCTD, trong khi đây là “phao cứu sinh” để doanh nghiệp duy trì hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Nếu muốn sử dụng khoản vay này, doanh nghiệp phải bổ sung thêm tài sản đảm bảo. Nói cách khác, với cùng 1 khoản vay nhưng doanh nghiệp phải gấp đôi tài sản đảm bảo.

Quy định vô lý này đang dồn nhiều doanh nghiệp vào bước đường cùng bởi đã khó khăn chồng chất lại càng khốn đốn hơn khi vay vốn mà không được sử dụng.

Nghịch lý Thông tư 06 trói chân
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng chiều 30/11 (ảnh: VGP).
Tại Công văn số 8631 ngày 8/11/2023, NHNN lý giải yêu cầu phong tỏa khoản vay trong Thông tư 06 được vận dụng theo Điều 292 Bộ luật Dân sự.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Điều 292 Bộ luật Dân sự quy định về 9 biện pháp bảo đảm. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp bảo đảm khi cho vay là theo thỏa thuận chứ pháp luật không bắt buộc phải có, trừ một số trường hợp ngoại lệ như cho vay đối với cổ đông lớn hay người xét duyệt cho vay của TCTD. Ngân hàng chỉ phong tỏa số tiền ký quỹ, cầm cố vì đó là biện pháp bảo đảm tiền vay, chứ không ai đi phong tỏa số tiền giải ngân vì đó là tiền cho vay chứ không phải là tiền bảo đảm. Tiền cho vay để thanh toán, trả nợ, đầu tư góp vốn, hợp tác kinh doanh thì vẫn giải ngân bình thường, không chịu sự chi phối tại quy định mới của Thông tư 06.

“Thậm chí, ngay cả trường hợp số tiền vay nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì ngân hàng cũng không được phép tự ý phong tỏa. Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 101/2012/NĐ-CP, ngân hàng chỉ có quyền phong tỏa tài khoản trong 4 trường hợp, trong đó không có trường hợp nào như Thông tư 06. Do sự mập mờ của Thông tư 06 cũng như sự vòng vo của Công văn 8631 mà nhiều TCTD để bảo vệ mình đã áp dụng sai. Cách làm này vô hình trung biến Thông tư 06 thành một văn bản sai luật, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp”, vị luật sư phân tích.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng việc ngân hàng vin vào Điều 292 Bộ luật Dân sự để đưa cả những khoản vay không trong diện phải phong tỏa của doanh nghiệp vào phong tỏa là cách làm tùy tiện và sai luật.

“Cách làm đó cho thấy cả năng lực, trách nhiệm và tinh thần của ngân hàng đều có vấn đề. Cần phải điều chỉnh, sửa đổi Thông tư 06 vì đang triệt tiêu cơ hội đầu tư, phát triển của doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế”, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Nghịch lý thực tế hiện nay là ngân hàng đang thừa tiền nhưng doanh nghiệp thì khát vốn (ảnh minh họa).

Dẫn thông lệ quốc tế, TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia – cho biết các nước đều không có quy định về việc phong tỏa khoản vay góp vốn của doanh nghiệp. Đồng thời, vị chuyên gia đánh giá, Điều 22 Thông tư 06 còn hạn chế quyền tự do đầu tư, kinh doanh, góp vốn của doanh nghiệp khi yêu cầu các TCTD phải giám sát cả hoạt động và dòng vốn của bên nhận góp vốn, tức là bên thứ 3.

“Trừ phi có thỏa thuận 3 bên, còn không thì ngân hàng không có quyền giám sát bên nhận góp vốn bởi họ không phải là khách hàng của ngân hàng. Quy định như thế là ‘đẻ’ ra giấy phép con, đặt thêm rào cản cho doanh nghiệp”, TS. Lê Xuân Nghĩa chỉ rõ.

Ngân hàng sống khỏe, lãi đậm

TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng tình trạng “ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp đói vốn” là một trong những nghịch lý lớn nhất hiện nay, dù Chính phủ và Thủ tướng luôn ráo riết thúc giục các bộ, ngành chung tay tháo gỡ khó khăn, loại bỏ các quy định “trói chân” doanh nghiệp, đặc biệt là “không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý”.

Theo vị chuyên gia, sau 3 năm dịch bệnh và thời gian dài bị siết tín dụng, trái phiếu, cộng đồng doanh nghiệp đang khó khăn hơn lúc nào hết, rất nhiều thậm chí đang đứng bên bờ vực. Ngược lại, các ngân hàng lại “ăn nên làm ra” khi huy động vốn quá dễ dàng với giá rất rẻ và lợi nhuận lại rất cao. Huy động chỉ 5-6% nhưng cho vay 9-10%, chưa bao giờ ngân hàng lãi dày như hiện nay, lợi nhuận thậm chí cao gấp 10 lần mức trung bình của nhiều nước.

“Kinh doanh thì phải có lãi nhưng trong bối cảnh hiện nay lãi dày như thế là biểu hiện cho thấy các ngân hàng đang không đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, thậm chí là thờ ơ với khó khăn chung của kinh tế quốc gia”, vị chuyên gia nhận định.

Hàng rào quy định NHNN đưa ra như đánh đố doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chồng chất (ảnh minh họa).

Cũng theo TS. Nguyễn Minh Phong, NHNN đặt ra hàng rào quy định thời gian qua bất chấp các doanh nghiệp đang lao đao vì thiếu vốn. Ngân hàng vẫn bình chân như vại siết chặt dòng tín dụng bằng những điều kiện cho vay “khó như lên trời” và dùng thế độc quyền để ép doanh nghiệp phải vay với mức lãi suất quá cao.

Không những thế, Thông tư 06 còn giống như “tấm khiên” bảo vệ an toàn và lợi ích, lợi nhuận của ngân hàng mà bỏ quên doanh nghiệp. Tuy nhiên, với mối quan hệ cộng sinh thì bản thân ngân hàng sẽ không còn an toàn khi các doanh nghiệp bị bóp nghẹt và nền kinh tế lâm nguy.

“NHNN luôn giải thích siết tín dụng là để đảm bảo an toàn của hệ thống nhưng thực tế cách làm hiện tại còn lợi bất cập hại bởi doanh nghiệp vì thiếu vốn mà đổ vỡ có thể khiến ngân hàng đổ vỡ theo vì nợ xấu gia tăng. Doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực mũi nhọn, chết mòn vì đói vốn cũng sẽ kéo nền kinh tế lao dốc theo. Rõ ràng, ngân hàng chỉ chăm chăm lo cho lợi ích riêng mà quên đi lợi ích chung”, ông Phong thẳng thắn.

Theo các chuyên gia, việc sửa đổi Thông tư 06 đang đặt ra vô cùng cấp thiết. Tại hội nghị ngày 30/11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu NHNN cần phân tích, đánh giá chi tiết, đầy đủ tất cả các khía cạnh trong điều hành tín dụng, rà soát tất cả các vướng mắc để tháo gỡ kịp thời. Cho rằng “tín dụng phải là một dòng chảy liên tục”, Phó Thủ tướng đề nghị NHNN và các ngân hàng cần phải chủ động hơn nữa, sẵn sàng hơn nữa để giải ngân vốn kịp thời khi doanh nghiệp, người dân có nhu cầu và đảm bảo điều kiện.

“NHNN cần phải bám sát tình hình thực tế của nền kinh tế và nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, rà soát, xem lại các quy định để điều chỉnh, nhằm điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt hơn nữa”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhật Minh

—————-

Tiến phong (Kinh tế) ngày 02-12-2023:

https://tienphong.vn/ngan-hang-troi-chan-doanh-nghiep-vay-von-kho-nhu-len-troi-post1591997.tpo

(269/1.563)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,841