4.198. Vụ Vạn Thịnh Phát: Cách nào để ngăn thao túng ngân hàng?

Vụ Vạn Thịnh Phát: Cách nào để ngăn thao túng ngân hàng?

(TT) – Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã đưa ra nhiều quy định nhằm khắc phục tình trạng sở hữu chéo, hạn chế thao túng ngân hàng. Nhưng theo một số chuyên gia, việc chống sở hữu chéo không đơn thuần chỉ là siết tỉ lệ sở hữu cổ phần.

Vụ Vạn Thịnh Phát Cách nào

Ngân hàng SCB tại quận 1, TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

Theo dự thảo luật, giới hạn sở hữu của cổ đông và người có liên quan từ 20% xuống 15%; cổ đông là tổ chức giảm từ 15% xuống 10%. Tỉ lệ sở hữu cổ phần cổ đông cá nhân giữ nguyên 5%. Đồng thời cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan không được sở hữu cổ phần quá 5% tại tổ chức tín dụng khác.

Hiện Quốc hội chưa thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng và theo các chuyên gia, đây là khoảng thời gian quan trọng để rà soát chỉnh lý các vấn đề còn “lấn cấn”.

Không chỉ dựa vào những con số

Theo nhiều chuyên gia, mục đích của quy định trên là tốt nhưng nếu cứ có nơi nào vi phạm thì siết chung sẽ khiến nhiều đơn vị khó khăn, trong khi vẫn có thể có tình trạng lách luật.

Nhìn từ vụ Vạn Thịnh Phát – SCB, TS Đinh Trường Hinh, nguyên chuyên gia kinh tế trưởng World Bank ở Washington D.C, nhận xét đây là vấn đề “lường gạt” chứ không phải chỉ thuần túy chuyện sở hữu chéo.

Theo ông Hinh, giảm tỉ lệ sở hữu các cổ đông sẽ không đủ để ngăn chặn sở hữu chéo vì có nhiều cách lách luật nhằm gián tiếp tăng cổ phần và nắm quyền chi phối như nhờ người khác đứng tên hoặc lập nhiều công ty con cháu để đứng ra mua cổ phần.

Bản kết luận điều tra được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành cho thấy bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Vạn Thịnh Phát, dù không giữ chức vụ gì tại SCB nhưng lại có “quyền lực tuyệt đối” chi phối toàn bộ nhà băng này.

“Bởi vậy, không thể nào dựa vào một vài con số để quyết định được”, ông Hinh nói và cho rằng vấn đề chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam là chưa hoàn thiện về cả hai mặt: cai quản và nhận dạng/quản lý rủi ro.

Tòa nhà 193-203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM trước đây là trụ sở của Ngân hàng SCB – Ảnh: T.T.D.

Giám sát quan trọng hơn cắt giảm cơ học

Trong nhiều giải pháp đưa ra, ông Hinh đặt yếu tố “quản lý chặt chẽ” đầu tiên. Việc quản lý ở đây gồm theo dõi và kiểm tra sở hữu cổ phiếu, tài sản ngân hàng. Còn công tác kiểm tra phải đủ hai nghiệp vụ là thanh tra tại chỗ và thanh tra từ xa.

Ngoài ra, cần quy định rõ ràng về việc các ngân hàng phải công bố rõ ràng thông tin về sở hữu cổ phiếu và mối quan hệ giữa các ngân hàng với nhau để tạo sự minh bạch.

Bên cạnh đó, cần thiết tách biệt quyền biểu quyết và quyền quản lý. Điều này đảm bảo rằng người sở hữu cổ phiếu không có quyền can thiệp vào công tác quản lý và những quyết định kinh doanh của ngân hàng mà họ sở hữu.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường, kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính (Học viện Tài chính), cũng cho rằng việc giảm tỉ lệ sở hữu sẽ tạo cơ sở để phân tán, đa dạng hóa quyền lực. Tuy nhiên, luật có quy định nhưng không làm tốt khâu thanh tra giám sát cũng khó với vô số những công ty con – cháu.

Từ đó, ông Cường ủng hộ bổ sung trách nhiệm công khai thông tin về người có liên quan, người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng, trách nhiệm công bố thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên.

TS Đinh Trường Hinh cho rằng cần thiết lập một khung pháp lý cụ thể trong lĩnh vực tài chính để làm rõ cơ cấu sở hữu, chủ sở hữu thực và trách nhiệm giải trình. Đồng thời cần giảm bớt sở hữu của Nhà nước tại các ngân hàng thương mại và tách rời chức năng ngân hàng thương mại và các công ty đầu tư.

Ví dụ ở Mỹ, các nhà đầu tư phải nộp báo cáo cho Ủy ban Chứng khoán và giao dịch (SEC) khi họ nắm giữ 5% cổ phần có quyền biểu quyết; còn FED giới hạn số lượng mà các ngân hàng thương mại có thể đầu tư vào cổ phiếu và mức độ rủi ro mà các ngân hàng có thể gặp phải khi đầu tư.

Tóm lại theo nhiều chuyên gia, việc siết tỉ lệ sở hữu một cách cơ học chưa đủ để ngăn chặn sở hữu chéo mà cần hướng tới cải cách thực sự với việc đổi mới mô hình giám sát cùng làm chặt chẽ quy định công bố thông tin…

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã đưa ra nhiều quy định nhằm khắc phục tình trạng sở hữu chéo, hạn chế thao túng ngân hàng – Ảnh: Q.Đ.

Lo ảnh hưởng thu hút nhà đầu tư chiến lược

Bàn việc siết tỉ lệ giới hạn cổ phần với cổ đông tổ chức, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, trưởng bộ môn thị trường tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng sẽ có nhiều ngân hàng có sự xáo trộn nhất định nếu áp dụng quy định này.

Ngoài ra, việc giảm cổ phần cổ đông tổ chức cũng cần được tính toán thêm bởi điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến việc kêu gọi nhà đầu tư chiến lược của ngân hàng. “Nhiều bên đánh giá mức 10% với cổ đông chiến lược là thấp, họ bỏ tiền ra cũng muốn có tiếng nói trong ngân hàng”, ông Huân nói.

Ông Huân cũng đặt vấn đề về tỉ lệ sở hữu đối với cổ đông nước ngoài sẽ được quy định như thế nào? Nếu cũng siết, chắc chắn sẽ làm giảm sức hấp dẫn việc thu hút cổ đông ngoại.

TS Phạm Mạnh Hùng, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, nhấn mạnh mấu chốt chống trong sở hữu chéo, thao túng vẫn là tìm “ông chủ” thực sự của ngân hàng. Theo thông lệ quốc tế, việc giám sát quản lý sở hữu chéo phải thực hiện qua cả công cụ hữu hình và vô hình.

Trong đó, công cụ vô hình là để thị trường giám sát điều tiết. Để làm việc này, thị trường cần thông tin minh bạch. Còn công cụ hữu hình chính là tỉ lệ giới hạn sở hữu cổ phần, đây cũng là căn cứ xử lý sai phạm.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Phải quản được con số thật

Với cổ đông tổ chức, tỉ lệ sở hữu cổ phần 15% như hiện hành hay thậm chí tới 20%, cũng không thể chi phối, lũng đoạn ngân hàng. Thực tế các trường hợp lũng đoạn ngân hàng vừa qua cho thấy tỉ lệ trên giấy tờ cực kỳ thấp, thậm chí chẳng cần đủ tỉ lệ cho phép, nhưng sở hữu núp bóng tới 80 – 90%.

Vì thế, muốn kiểm soát được sở hữu chéo, phải quản được con số thật, không phải con số trên giấy tờ. Chúng ta khi sửa tỉ lệ này còn phải tính tới cả khả năng nếu người ta cố tình làm sai, quy định tỉ lệ càng thấp càng tìm cách lách luật, lúc đó rủi ro càng cao.

Ngoài ra cũng không thể lấy những sai phạm nghiêm trọng, điển hình để căn cứ vào đó làm luật. Thay vào đó, cần học hỏi, nghiên cứu các thông lệ quốc tế với tư duy đột phá, ngăn chặn rủi ro thay vì chạy sau sửa sai.

Theo đó, có thể xem xét trao cho Ngân hàng Nhà nước quyền điều tra hoạt động của ngân hàng thương mại, nếu phát hiện có sở hữu “ngầm” vượt quá tỉ lệ cho phép sẽ tịch thu khoản vượt, chuyển sang điều tra hình sự. Nếu không như vậy thì cần phải có quy định quản lý hoạt động ngân hàng bám sát tỉ lệ sở hữu và việc cấp tín dụng.

Vốn quá thấp, cổ đông sẽ không thực sự gắn bó với ngân hàng

Trong một văn bản góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gửi Ngân hàng Nhà nước, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng cho biết tỉ lệ sở hữu tối đa ở các mức 5%, 15% và 20% như tại Việt Nam hiện nay tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Mặc dù vậy, tình trạng cấp tín dụng tập trung cho một nhóm khách hàng có liên quan vẫn thường xuyên diễn ra, làm tăng rủi ro của hệ thống.

Như vậy, dường như quy định về tỉ lệ sở hữu tối đa đã không thực sự phát huy tác dụng, các cổ đông dù không rơi vào trường hợp người có liên quan theo định nghĩa của luật, vẫn có liên kết chặt chẽ với nhau để đồng thuận cấp tín dụng rất tập trung. Kết luận của Thanh tra Chính phủ đầu tháng 7-2023 cho thấy tình trạng cấp tín dụng tập trung vẫn diễn ra tại một số ngân hàng.

Chưa kể, theo VCCI, tỉ lệ sở hữu tối đa quá thấp cũng không thực sự tốt cho việc quản trị ngân hàng. Khi sở hữu tỉ lệ vốn quá thấp, các cổ đông sẽ không thực sự gắn bó với hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Các cổ đông lớn thường không chỉ đầu tư tiền bạc mà còn mang theo cả công nghệ, quy trình quản trị vào các ngân hàng, giúp các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn.

Thêm vào đó, việc thay đổi pháp luật theo hướng giảm tỉ lệ sở hữu sẽ khiến một số cổ đông hiện hữu phải bán lại cổ phần của họ. Điều này không bảo đảm nguyên tắc bảo vệ quyền tài sản theo Hiến pháp.

Một số quốc gia khác khi có sự thay đổi quy định pháp luật theo hướng giảm tỉ lệ sở hữu tại các ngân hàng thường chỉ áp dụng cho các giao dịch mua bán cổ phần sau khi quy định mới có hiệu lực, mà không bắt buộc các cổ đông hiện hữu phải bán cổ phần của mình.

Trong trường hợp vẫn quy định giảm tỉ lệ sở hữu, VCCI cho rằng không nên áp dụng hồi tố đối với các trường hợp đã sở hữu trước ngày luật này có hiệu lực.

Làm gì để tránh một Vạn Thịnh Phát – SCB thứ hai?

Một phần tiền rút từ SCB, Vạn Thịnh Phát đầu tư và sở hữu các dự án bất động sản như khu công viên Mũi Đèn Đỏ tại quận 7, TP.HCM – Ảnh: Q.ĐỊNH

TS Đinh Trường Hinh nhấn mạnh sở hữu chéo có thể khiến ngân hàng gặp khó khăn hoặc bất ổn về tài chính một khi “ông chủ thực” đứng sau can thiệp hoặc quyết định kinh doanh theo hướng có lợi cho họ thay vì các cổ đông khác. Người sở hữu chéo cũng có thể sử dụng quyền lực của họ để ưu đãi trong giao dịch với các bên khác, tạo ra bất công thị trường. Và nguy cơ lớn hơn cả là khả năng tạo rủi ro cho hệ thống.

Để tránh một Vạn Thịnh Phát thứ hai, ông Hinh chỉ ra việc cải tổ cần được khởi động về cả hai mặt vĩ mô và vi mô. Ở mặt vĩ mô, cải tổ sâu rộng về “hệ thống quản trị rủi ro” cần được thực hiện ở từng ngân hàng cũng như do hệ thống giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Việc tăng năng lực tài chính giám sát hệ thống ngân hàng, tăng cường giám sát thị trường tài chính, theo ông Hinh, cần phải đi đôi với việc xử lý nghiêm khi vi phạm sở hữu chéo. Vì nếu có sự thông đồng, bắt tay khi thi hành nhiệm vụ thanh tra, giám sát thì những quy định dù chặt chẽ đến mấy cũng “để cho có”.

Ở mặt vi mô, tại mỗi đơn vị như ngân hàng hay cơ quan tín dụng thì sổ sách (bảng cân đối tài sản có và tài sản nợ, báo cáo thu nhập, báo cáo lợi nhuận, báo cáo dòng tiền mặt) phải được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán có tên tuổi và phải được công bố trong 6 tháng/lần.

Ngân hàng Nhà nước cần phải theo dõi và nhắc nhở các ngân hàng về điểm này. Ngoài ra, cũng cần phải thiết lập một bộ phận quản lý rủi ro có tính độc lập tại mỗi ngân hàng do các chuyên viên phụ trách, để họ không bị lung lạc bởi ban quản lý ngân hàng.

Ông Hinh cũng đề xuất xem xét việc khuyến khích hay cổ vũ vai trò “người thổi còi” – tức một hay vài người từ nội bộ ngân hàng đứng ra tố cáo những chuyện sai trái xảy ra trong một đơn vị hay một cơ quan để kịp thời ngăn chặn sự rủi ro trở nên trầm trọng hơn, chấp nhận cả việc tố cáo nặc danh các chuyện sai trái. Một bộ phận trung lập của cơ quan sẽ lo về những vụ này.

Sau cùng, với những sai phạm như vụ Vạn Thịnh Phát – SCB, quan trọng là trừng phạt thích đáng những kẻ có tội, thu hồi lại tài sản cũng như lấy lại lòng tin của người dân bởi nền tảng của ngành ngân hàng chính là lòng tin.

Hợp nhất các ngân hàng quy mô nhỏ, kém hiệu quả

Theo TS Phạm Mạnh Hùng, hiện Việt Nam có gần 50 ngân hàng đang hoạt động. Nếu so với các quốc gia khác trong khu vực và tương quan với quy mô dân số, số ngân hàng thương mại của Việt Nam hiện nay không phải quá cao.

Điều quan trọng không phải là số lượng ngân hàng mà là chất lượng và quy mô của các ngân hàng đang hoạt động, đồng nghĩa với việc không phải số lượng ít thì sẽ được quản lý tốt hơn và sẽ ít gây ra đổ vỡ hơn.

Tuy nhiên, Việt Nam có khá nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ với tính chất hoạt động tương tự nhau. Các ngân hàng này thường có hiệu quả hoạt động kém và mức độ rủi ro cao hơn các ngân hàng thương mại có quy mô trung bình trở lên (theo kết quả nghiên cứu của báo cáo ngành ngân hàng quý 3-2023, Viện nghiên cứu ngân hàng, Học viện Ngân hàng).

Do vậy, vấn đề then chốt là phải xây dựng và phát triển mạnh mẽ một hệ thống ngân hàng hoạt động thật sự lành mạnh theo các chuẩn mực chuyên môn và đạo đức đúng đắn, được luật pháp quy định đầy đủ, rõ ràng, được thực thi nghiêm chỉnh và được giám sát nghiêm minh.

Do đó, việc tiếp tục tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo hướng giảm thiểu hoặc hợp nhất các ngân hàng quy mô nhỏ hoạt động kém hiệu quả, có rủi ro cao là điều cần thiết.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần mở rộng thêm các kênh huy động vốn khác để hỗ trợ hoạt động kinh tế, đặc biệt là kênh thị trường chứng khoán. Khuyến nghị này được đưa ra trên cơ sở xem xét chỉ tiêu quy mô tín dụng/GDP tại Việt Nam hiện nay thuộc một trong những nhóm quốc gia cao trên thế giới theo tư vấn của Ngân hàng Thế giới (năm 2015 tỉ lệ này là 89,7% thì năm 2022 đã tăng lên khoảng 125%).

Việc phụ thuộc quá mức vào hệ thống ngân hàng có thể dẫn đến nguy cơ rủi ro liên thông giữa hệ thống ngân hàng và nền kinh tế thực, đặc biệt trong các giai đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Bình Khánh

—————

Tuổi trẻ (Tài chính) ngày 04-12-2023:

https://tuoitre.vn/vu-van-thinh-phat-cach-nao-de-ngan-thao-tung-ngan-hang-2023120408104233.htm

(266/2.832)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,842