Cần nâng cao vai trò giám sát trong kiểm soát sở hữu chéo
(VTV1) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, tham gia trả lời phỏng vấn phóng viên Hoa Trà ngày 28-11-2023 tại ANVI, số 1 Đinh Lễ, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
VTV1 (Tài chính kinh doanh trưa) ngày 07-12-2023:
https://vtv.vn/kinh-te/can-nang-cao-vai-tro-giam-sat-trong-kiem-soat-so-huu-cheo-202312071542211.htm
https://vtv.vn/video/tai-chinh-kinh-doanh-trua-07-12-2023-653448.htm
(Phút 0:49)
—————-
4.203. Cần nâng cao vai trò giám sát trong kiểm soát sở hữu chéo
VTV.vn – Bên cạnh chặn các giới hạn về sở hữu cổ phần, nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát trong kiểm soát sở hữu chéo.
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Ngân hàng Nhà nước tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý nhiều quy định nhằm ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, hay hạn chế việc thao túng hoạt động ngân hàng cho vay doanh nghiệp sân sau.
Dự thảo luật đưa ra 2 giới hạn quan trọng, đó là tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông tại một tổ chức tín dụng và thứ hai là tổng mức dư nợ cấp tín dụng với một khách hàng hay với nhóm người có liên quan. Các giới hạn này được điều chỉnh giảm từ 5 – 10% tùy nhóm. Những giới hạn này là cơ sở pháp lý quan trọng để tránh tình trạng thao túng, cho vay sân sau. Tuy nhiên nếu không kiểm soát chặt quá trình thực thi, thì những chốt chặn này khó phát huy hiệu quả.
“Tỷ lệ sở hữu và tỷ lệ an toàn vốn không phải là cao. Nếu chúng ta có cơ chế nắm bắt được, điều tra, quản lý thực chất thì mới là quan trọng. Thậm chí người ta chỉ sở hữu 1%, nhưng thực chất lại nhờ người khác đứng tên để nắm quyền chi phối thì mục tiêu cũng không đạt được”, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nêu quan điểm.
(Ảnh minh họa – Ảnh: Dân trí)
Để tăng hiệu quả ngăn chặn sở hữu chéo, các chuyên gia nhấn mạnh cần nâng cao năng lực quản trị và vai trò của ban kiểm soát tại chính tổ chức tín dụng; đồng thời, nâng cao vai trò thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, phát hiện sớm các bất thường trong hoạt động ngân hàng.
“Đây không chỉ là sở hữu chéo hay thao túng ngân hàng, vấn đề nằm ở chỗ minh bạch trong quản trị và chính sách quản trị, cấp tín dụng của ngân hàng thương mại. Đó là cái gốc và vai trò của các cơ quan thanh tra, giám sát, vai trò kiểm toán nội bộ của ngân hàng thương mại”, ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng, nhấn mạnh.
“Cái chúng tôi mong muốn hơn là phải công khai, minh bạch. Có lẽ hệ thống ngân hàng phải áp dụng chuẩn mực quản trị doanh nghiệp của OECD hoặc ngân hàng thanh toán quốc tế áp dụng cho các ngân hàng trên thế giới thì sẽ đảm bảo công khai, minh bạch, giảm thiểu tương đối tình trạng sở hữu chéo”, ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, nhận định.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị cần có chế tài đối với các trường hợp vi phạm, phải bảo đảm đủ tính răn đe mới có thể xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo, thao túng và chi phối hoạt động ngân hàng.
Hoa Trà
—————
VTV1 (Tài chính kinh doanh trưa) ngày 07-12-2023:
https://vtv.vn/kinh-te/can-nang-cao-vai-tro-giam-sat-trong-kiem-soat-so-huu-cheo-202312071542211.htm
(76/552)